– Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202/561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%). Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần 2 này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ đạt 72,1%.
Đó là một trong những vấn đề nóng được trao đổi tại buổi Họp báo thường kỳ chiều ngày 17/10, do Bộ Công Thương tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Họp báo.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hiệu quả của hoạt động cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Lê Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) khẳng định, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn được đánh giá là một trong những Bộ đi đầu về cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, 675/1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%) đã được cắt giảm.
Cũng theo Nghị quyết số 19, Bộ Công Thương được Chính phủ giao theo dõi, giám sát đảm bảo thực thi đầy đủ, nhất quán việc cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11/10/2018 ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020.
Theo phương án trên, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202/561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%). Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần 2 này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ đạt 72,1%. Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cho giai đoạn 2019-2020 tập trung vào các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, Thủ tướng Chính phủ biểu dương. Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rất cao nỗ lực này của ngành. “202 điều kiện mới được đề nghị cắt giảm quy định ở những ngành nghề khác nhau. Bộ Công Thương sẽ xây dựng nghị định cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh này, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Khi Nghị định này được ký ban hành sẽ có những đánh giá cụ thể hơn. Tuy nhiên, trước mắt, quyết định cắt giảm này đang được đánh giá rất cao” – ông Lê Anh Sơn khẳng định.
Cùng với việc cắt giảm đầu tư kinh doanh, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính. Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục/451 thủ tục. Tính đến năm 2017 đã cắt giảm và đơn giản 40,57%.
Liên quan đến vấn đề xăng dầu, trả lời phỏng vấn của phóng viên về số tiền tồn quỹ xăng dầu hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã có tổng cộng 18 lần điều hành giá, trong đó 2 lần giảm giá, 6 lần tăng giá, 10 lần ổn định giá. Tuy nhiên, để giữ được 10 lần bình ổn này, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định trích quỹ bình ổn khoảng 18.466 đồng/lít trong 10 lần đó. Tính đến này 15/8, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi 5.500 tỷ đồng và đến ngày 31/8, quỹ còn tồn 3.100 tỷ đồng. “Lần gần đây nhất, vào 15/10, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, liên Bộ Công Thương – Tài chính một mặt ngừng trích 300 đồng/lít xăng vào quỹ, đồng thời tiếp tục trích quỹ để bù giá. Do đó, đáng lẽ xăng tăng hơn 1.500 đồng/lít nhưng thực tế chỉ tăng 700 đồng/lít” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Xăng dầu vốn là mặt hàng có tác động lớn đến nền kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thời gian tới, do giá xăng dầu thế giới dự báo sẽ tăng, cộng với việc tăng thuế môi trường nên giá xăng dầu thế giới dự kiến tăng mạnh, vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ rất cần thiết. Đây là điều liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ cân nhắc, trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh.
Trả lời phóng viên về tiến độ xử lý 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương, ông Dương Duy Hưng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cũng cho biết, sau hơn 1 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý 12 dự án, nói chung cả 12 dự án đều có chuyển biến tích cực. Trong số 6 Nhà máy thua lỗ, thời điểm này có 2 nhà máy đã có lãi. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2018, Công ty Cổ phần DAP – Vinachem Hải Phòng lãi 147,68 tỷ đồng, Nhà máy Thép Việt Trung lãi 527,2 tỷ đồng.
4 dự án còn lại trong nhóm 6 dự án trước đây có sản xuất nhưng lỗ hiện đều có phương án tiết giảm sản xuất, tiết giảm chi phí, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.
Với nhóm 3 nhà máy dừng sản xuất, Nhà máy PVTex Đình Vũ đã vận hành từ tháng 4/2018. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Miền Trung sẽ khởi động trở lại khi thị trường thuận lợi. Nhà máy Bộ giấy Phương Nam cũng đang có phương án triển khai về mặt lâu dài.
Sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án đã giảm 124 tỉ đồng so với 31/1/2018. Đặc biệt, việc xử lý các dự án này đã bảo đảm nguyên tắc của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ, Ban chỉ đạo đề ra là không sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào các dự án, bảo đảm dự án vận hành theo nguyên tắc thị trường, giảm nợ, thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước. Bộ Công Thương cũng đảm bảo đến năm 2020 có thể xử lý dứt điểm các dự án này./.