– Kinh tế nước ta 4 tháng đầu năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có những dấu hiệu khởi sắc nhưng tốc độ còn chậm. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, các vấn đề tồn tại của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh thấp vẫn đang là thách thức tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ảnh minh họa (Nguồn: pms.edu.vn)
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục khởi sắc. Từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2017 đã thu hút 734 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,8816 tỷ USD, tăng 5,3% về số dự án. Bên cạnh đó, có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,3612 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2017 có 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,3552 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm đạt 10,598 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016.Trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi tôm những tháng đầu năm khá thuận lợi, giá tôm ở mức cao và ổn định đã khuyến khích người dân tại một số địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu chuyển đổi diện tích từ trồng lúa sang nuôi tôm. Sản lượng tôm sú tháng 4 ước tính đạt 17,4 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, ngư dân các tỉnh ven biển đang bước vào khai thác vụ cá Nam. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 4 ước tính đạt 283,6 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1,9022 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tuy tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng lại thấp. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm 2016, nhưng cao hơn mức tăng 4,2% của quý I năm nay. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%, đóng góp 6,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,3%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 9,7%, làm giảm 2,1 điểm phần trăm mức tăng chung.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44,0 tỷ USD, tăng 16,1%. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD, tăng 24,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,3 tỷ USD, tăng 25,3%. Cán cân thương mại thực hiện tháng 3 nhập siêu 1,1 tỷ USD. Tháng 4 ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017 nhập siêu 2,74 tỷ USD, bằng 4,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2017 không thay đổi so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu, 7 nhóm có chỉ số giá tháng 4 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 8,05% (dịch vụ y tế tăng 10,59%) do trong tháng có 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm CPI tăng khoảng 0,41%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96 của quý I/2017.
Nhìn chung, về cơ bản kinh tế nước ta trong 4 tháng đầu năm 2017 đã có những yếu tố tích cực như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá; môi trường kinh doanh được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp. Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020. Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.