Lãnh đạo Bắc Kinh phán đoán Liên Xô không mạo hiểm huy động lực lượng lớn đánh trả Trung Quốc, dù Việt – Xô quan hệ khăng khít.
Cách đây 40 năm (17/2/1979), Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, gây nhiều đau thương cho người dân. VnExpress có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Giáo sư Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng về những mưu toan của Bắc Kinh khi gây chiến.
– Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc rạn nứt từ thời điểm nào, thưa ông?
– Để hiểu rõ hơn, cần đặt mối quan hệ Việt – Trung trong mối quan hệ cũng như tính toán chiến lược giữa các nước lớn. Cụ thể là giữa Việt Nam – Trung Quốc; Liên Xô – Trung Quốc và Liên Xô – Mỹ.
Giai đoạn 1950-1964 được coi là thời kỳ “trăng mật” của quan hệ Việt – Trung. Hai nước là láng giềng gần gũi, hữu nghị truyền thống, chung ý thức hệ, chung nhu cầu đảm bảo an ninh quốc gia. Vì thế Trung Quốc là nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Việt Nam cũng luôn ủng hộ đường lối đối ngoại của Trung Quốc, tuy không ký kết bất kỳ hiệp định đồng minh chính thức nào.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân. Ảnh: Gia Chính.
Dù vậy, Bắc Kinh luôn giữ tư tưởng bề trên. Luôn nói “không gây sức ép về chính trị, kinh tế thông qua viện trợ”, nhưng Trung Quốc lại muốn Việt Nam thừa nhận vai trò lãnh đạo của nước này với phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực và thế giới.
Từ giữa thập niên 1960, Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai mâu thuẫn, đối đầu toàn diện. Để tránh Việt Nam đứng về phía Trung Quốc, Liên Xô tìm cách lôi kéo Việt Nam.
Trung Quốc muốn Việt Nam chỉ đánh du kích có giới hạn chống Mỹ, để họ dễ bề điều khiển, phục vụ ý đồ bắt tay với Mỹ. Trong khi Việt Nam muốn thống nhất đất nước. Việt Nam cũng muốn trực tiếp đàm phán với Mỹ, không qua trung gian và đã đàm phán từ năm 1968. Còn Trung Quốc thì phản đối, muốn Việt Nam tiếp tục chiến tranh đến khi Mỹ chấp nhận thua cuộc mới đàm phán.
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh và Trung – Mỹ ra thông cáo chung. Có ý kiến coi hành động này là sự phản bội của Trung Quốc. Cùng với đó, Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán với Mỹ.
Năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) trong sự làm ngơ của Mỹ. Một năm sau, Việt Nam và Liên Xô ra Tuyên bố Việt – Xô, xác định quan hệ toàn diện giữa hai Đảng. Tháng 11/1978, Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác. Cùng năm đó, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) và được Liên Xô gọi là “tiền đồn đáng tin cậy của các nước XHCN ở Đông Nam Á”.
Cuối năm 1978, Liên Xô ký thỏa thuận với Việt Nam về việc xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật tại Cam Ranh trong 25 năm. Theo đó, Cam Ranh trở thành nơi tiếp nhận tàu chiến, tàu ngầm, tàu hộ tống, máy bay trinh sát, vận tải và máy bay mang tên lửa thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Việt – Xô gần gũi và thân thiết bao nhiêu, thì lãnh đạo Trung Nam Hải lúc ấy tức tối bấy nhiêu.
Sau năm 1975, Trung Quốc tăng cường viện trợ cho Pol Pot ở Campuchia, đây cũng là khoảng thời gian đội quân này mạnh tay tàn sát dân lành Việt Nam dọc biên giới Tây Nam, đẩy mâu thuẫn hai nước thêm gay gắt.
Khi Việt Nam đưa quân phản kích Pol Pot, giúp nhân dân Chùa Tháp thoát khỏi nạn diệt chủng thì quan hệ Việt – Trung lao dốc.
– Tam giác quan hệ Xô – Trung – Mỹ ảnh hưởng ra sao đến việc Bắc Kinh quyết định tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam?
– Đầu thập niên 1970, lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi chiến lược toàn cầu chống Liên Xô, dựa trên cơ sở hướng tới hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên thời điểm này Washington không hưởng ứng. Trung Quốc tin rằng lý do là Mỹ đang quan tâm hơn đến chính sách hoà dịu với Liên Xô.
Khi Trung Quốc lập liên minh chống Liên Xô, Việt Nam phản đối. Trung Quốc giảm mạnh viện trợ và đến năm 1978 thì cắt toàn bộ. Một trong những điều kiện để Trung Quốc nối lại viện trợ là Việt Nam phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên Xô. Trước việc Việt Nam quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô, Trung Quốc gọi Việt Nam là “tiểu bá”, còn Liên Xô là “đại bá”.
Đặc biệt sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (ngày 27/1/1973), quan hệ Trung – Xô – Việt phức tạp hơn, lợi ích và xung đột về kinh tế, chính trị đan xen, rạn nứt Việt – Trung ngày càng rõ nét.
Ngày 1/11/1977, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc gọi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất và coi Mỹ là đồng minh. Đầu tháng 4/1978, Liên Xô tuyên bố sẽ triển khai trên tuyến biên giới các hệ thống vũ khí mới. Mặt khác, Liên Xô cố gắng kéo dài hiệp ước hữu nghị, hợp tác Xô – Trung ký năm 1950 nhưng Trung Quốc tuyên bố chấm dứt sớm một năm.
Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố khả năng một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô và tập trung 1,5 triệu quân dọc biên giới hai nước. Ngược lại, Liên Xô triển khai hơn 40 sư đoàn, thường xuyên tập trận bắn đạn thật.
Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (trái) và Tổng thống Jimmy Carter tại Nhà Trắng năm 1979. Ảnh: AFP
Trung Quốc tin rằng Liên Xô và Việt Nam đang phối hợp để đe doạ nước này, nhất là Việt Nam cho Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng khó chịu vì nỗ lực của Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ đặc biệt với Lào và hợp tác toàn diện với Campuchia. Thậm chí, Bắc Kinh cho rằng Liên Xô hậu thuẫn Việt Nam đưa quân vào đánh đuổi Pol Pot, giải phóng Campuchia. Vậy nên dưới góc nhìn của Trung Quốc, Việt Nam là mối đe doạ quân sự nghiêm trọng, cần thiết phải phát động cuộc chiến tranh “trừng phạt”.
– Cuộc xâm lược dưới danh nghĩa “trừng phạt” đó được lên kế hoạch như thế nào?
– Khi bàn kế hoạch tấn công Việt Nam, Trung Quốc đã tính toán kỹ các khả năng Liên Xô có thể đáp trả. Họ nhận định Liên Xô sẽ không mạo hiểm huy động lực lượng lớn để tấn công Trung Quốc song có thể xúi giục các phần tử dân tộc thiểu số lưu vong tấn công các vùng xa xôi như Nội Mông, Tân Cương hoặc gây đụng độ nhỏ kích động căng thẳng ở biên giới.
Các lãnh đạo Trung Quốc phán đoán cuộc tấn công Việt Nam chớp nhoáng, có giới hạn sẽ không đủ để kích thích Liên Xô can thiệp trực tiếp hay quốc tế phản đối. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn di tản dân gần đường biên và lệnh các đơn vị quân đội ở biên giới với Liên Xô sẵn sàng chiến đấu.
Việc tấn công Việt Nam còn để Bắc Kinh thăm dò khả năng giúp đỡ của Liên Xô và khả năng phòng thủ của Việt Nam khi là thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Đến nay nhìn lại, cần thừa nhận rằng Trung Quốc đã dự liệu đúng phản ứng của Liên Xô.
Đối với Mỹ, thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam là một chấn thương nặng nề mà họ đang ôm trong lòng. Đồng thời, Mỹ muốn tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để tạo thế cân bằng trước Liên Xô.
Trung Quốc nhận thấy điều đó nên hy vọng bình thường hoá quan hệ với Mỹ sẽ cải thiện vị trí chiến lược của nước này, tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách kinh tế. Xa hơn, đánh Việt Nam, Trung Quốc sẽ thuyết phục Mỹ rằng hai nước có lợi ích chung và sẵn sàng hợp tác chống Liên Xô.
Vì vậy, Trung Quốc lựa chọn thời điểm tấn công Việt Nam ngay sau chuyến công du Mỹ của Đặng Tiểu Bình.
– Còn vấn đề Hoa kiều thì sao thưa ông?
– Tháng 4/1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, ít nhiều liên quan tới người Hoa là thương nhân, nhà sản xuất, tiểu thủ công nghiệp… Đây là công việc đối nội của Việt Nam, nhưng Trung Quốc coi là sự thách thức với chính sách bảo vệ Hoa kiều của Bắc Kinh. Phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam nổi lên. Trung Quốc loan tin trong cộng đồng người Việt gốc Hoa về cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa hai nước, khiến cộng đồng người Hoa hoảng hốt.
Năm 1978, người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc. Đến tháng 2/1979, đã có khoảng 160.000 Hoa kiều hồi hương từ Việt Nam bằng đường biển hoặc đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Trung Quốc lập các trạm đón tiếp dọc biên giới và đưa tàu sang đón người Hoa về. Ngày 12/7/1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới với Việt Nam, làm cho hàng vạn người Hoa muốn về Trung Quốc bị kẹt tại biên giới.
Đặng Tiểu Bình lấy cớ cho rằng Hà Nội “vong ơn, bội nghĩa” tạo thêm sức ép cho quyết định tấn công Việt Nam.
– Cuộc phản công Pol Pot của Việt Nam ở biên giới Tây Nam ảnh hưởng ra sao đến kế hoạch của Bắc Kinh?
– Theo tài liệu của Trung Quốc, tháng 9/1978, Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã họp bàn về vấn đề xung đột biên giới với Việt Nam. Lúc đầu, Bắc Kinh dự định tiến hành chiến dịch quy mô nhỏ nhằm vào một trung đoàn bộ đội địa phương huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam nằm sát đường biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi có tin Việt Nam sắp phản công tự vệ ở biên giới Tây Nam và tiến công Pol Pot ở Campuchia, thì đa số giới lãnh đạo Bắc Kinh đặt quyết tâm, bất kỳ hành động quân sự nào cũng phải gây ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình Đông Nam Á. Họ chủ trương tiến công các đơn vị quân chính quy của Việt Nam trên địa hình rộng lớn.
Riêng Đặng Tiểu Bình nhìn thấy cả thách thức lẫn cơ hội trong mối quan hệ khó khăn với Việt Nam và cho rằng cách giải quyết tốt nhất là hành động quân sự. Tháng 1/1978, trong chuyến thăm chính thức Thái Lan, Malaysia, Singapore nhằm dò xét và tìm sự hậu thuẫn, Đặng tuyên bố sẽ tiến công Việt Nam nếu nước này tiến vào Campuchia. Trong chuyến thăm này, Đặng tuyên bố với báo giới “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”. Hôm sau, báo chí Trung Quốc rút gọn thành “phải dạy cho Việt Nam bài học”.
Ngày 7/12/1978, Hội nghị Quân uỷ Trung ương Trung Quốc họp và quyết định phát động “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. “Mệnh lệnh triển khai chiến lược” được ban hành một tháng sau đó, nêu rõ mục đích cuộc chiến là “chi viện cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia chống Việt Nam xâm lược”.
– Bắc Kinh đã tính toán như thế nào khi huy động 600.000 quân trong cuộc tấn công xâm lược này thưa ông?
– Lúc đầu Bắc Kinh dự tính sử dụng 6 quân đoàn chủ lực đánh 3-5 ngày vào một số huyện biên giới, tiêu diệt một đến hai sư đoàn Việt Nam. Ngày 31/12/1978, Quân ủy Trung Quốc lại họp hội nghị tác chiến, quyết định mở rộng quy mô chiến tranh, tăng thêm 3 quân đoàn, đổi mục tiêu tấn công huyện lỵ thành các tỉnh lỵ biên giới; thời gian kéo dài lên 15-20 ngày, nhằm tiêu diệt 3 đến 5 sư đoàn Việt Nam.
Sự chuẩn bị của Bắc Kinh diễn ra khá lâu trước khi quân đội Việt Nam vượt sông Mê Kông đã chứng minh rõ ràng việc Trung Quốc rêu rao “trả đũa” Việt Nam tiến quân vào Campuchia chỉ là cái cớ. Từ lâu, Trung Quốc vẫn giữ tư tưởng bá quyền nước lớn, ngấm ngầm tìm cách đánh Việt Nam.
Trung Quốc coi cuộc chiến chống Việt Nam là phép thử với quan hệ Xô – Việt và lôi kéo Mỹ cùng chống lại Liên Xô. Đó mới là lý do sâu xa của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979.
– Việt Nam đã ứng phó ra sao trước âm mưu và hành động của Bắc Kinh?
– Đối phó lại việc Trung Quốc tập trung bộ binh và vũ khí hạng nặng tại biên giới, Việt Nam tăng cường chuẩn bị các vị trí phòng ngự, sẵn sàng cho cuộc chiến.
Lúc đó ở ta cũng có ý kiến tự hào vì được trang bị vũ khí của Liên Xô và của Mỹ thu hồi được, hơn hẳn trang bị của quân đội Trung Quốc. Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình chỉ một tuần trước khi nổ súng, rằng chiến dịch quân sự này sẽ “giới hạn về không gian và thời gian” khiến có người tin tưởng khả năng cầm chân quân Trung Quốc ở biên giới chỉ bằng dân quân và bộ đội địa phương.
Chúng ta đã huấn luyện và trang bị vũ khí hạng nhẹ cho dân quân các tỉnh biên giới. Ngày 1/1/1979, các lực lượng vũ trang biên giới được lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Ngày 15/2/1979, ngoại trừ các xã biên giới và một vài đơn vị, các lực lượng trên tuyến một được lệnh hạ cấp xuống trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Một số đơn vị cho một phần bộ đội về trạng thái sinh hoạt bình thường, điều chỉnh lại đội hình.
Ngày 12/2/1979, Quân uỷ Trung ương Trung Quốc ra mệnh lệnh tấn công Việt Nam vào sáng 17/2.
Sáng sớm hôm đó, Trung Quốc huy động 29 sư đoàn bộ binh thuộc 9 quân đoàn chủ lực ồ ạt tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam. Cùng ngày, Nhân dân Nhật báo đăng bài “Không thể nhẫn chịu, thật không thể nhẫn chịu – báo cáo từ biên giới Trung-Việt” như cách công bố với thế giới Bắc Kinh đã tấn công Việt Nam.
Trung Quốc còn thâm độc khi lựa chọn tấn công vào ngày Thứ Bảy. Khi đó, các phương tiện truyền thông còn khá lạc hậu, nên phải đến đầu tuần sau thông tin chi tiết về cuộc chiến cũng như phản ứng của Việt Nam mới được thế giới biết đến rộng rãi.
Nguồn VnExpress-TT