– Ngày 12/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF 2017) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Với chủ đề Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, năm nay cũng là năm kỷ niệm tròn 20 năm triển khai sáng kiến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Diễn đàn tiếp tục là nơi đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể.
Kết quả, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động cũng như số vốn đưa vào đầu tư kinh doanh đều tăng cao. Trong 11 tháng năm 2017, cả nước có hơn 116.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng gần 42% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Ngoài ra, có hơn 24.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2017 lên 140.400 doanh nghiệp.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, các tổ chức quốc tế cũng đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh này của Việt Nam. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm trước đó và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Việt Nam tăng bậc mạnh mẽ, đến 14 bậc, trong Chỉ số Kinh doanh 2018 (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới, lên vị trí 68/190 nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong 11 tháng đầu năm 2017, đã có 10.814 doanh nghiệp giải thể và 55.664 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt tăng 3,3% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là một trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI) VCCI công bố vào tháng 3 năm 2017 thì 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Cũng theo kết quả khảo sát này, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là thủ tục hành chính phiền hà.
Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,trên cơ sở ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2017 vừa qua đã chủ động xây dựng các kiến nghị cụ thể để kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành. VCCI cho rằng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, trước hết tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017 sắp đi qua, đến thời điểm này Chính phủ có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh; khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là đã tổ chức thành công Năm APEC 2017. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng đã chỉ ra những xu hướng mới sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của WB, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu và dự báo đến năm 2035, tỷ lệ này là khoảng 50%. Nghiên cứu của các tổ chức tư vấn uy tín cũng chỉ ra xu thế tương tự. Điều này sẽ thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mà các doanh nghiệp cần năng động sáng tạo đón đầu.
Thứ hai, xu hướng thay đổi công nghệ trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, động lực tăng trưởng mới phải đến từ sáng tạo và các phát kiến.
Thứ tư, số hóa công tác quản lý và cung cấp dịch vụ.
Thủ tướng cho rằng, chất lượng dịch vụ công hiện nay còn thấp, tệ quan liêu, cơ sở hạ tầng còn hạn chế đang thúc đẩy Chính phủ thực hiện số hóa dịch vụ công trên cơ sở công nghệ số, mã nguồn mở. Tất cả những điều này đều đang là động lực mới của tăng trưởng.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng và tiến bộ công nghệ là chìa khóa cho hội nhập và chia sẻ phúc lợi.
Để cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế. Nhất là tính minh bạch. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ; lấy nền tảng con người và khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.
Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm giữ vững ổn định vĩ mô, chính trị – xã hội ổn định. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc và có nhiều biến động khó lường. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính, ngân hàng; xử lý nợ xấu; kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công; cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội. Đặc biệt trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ tài khóa và tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế, thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.
Hiện Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng; đảm bảo sự thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Sự thăng tiến xã hội là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực, thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế.
“Chính cộng đồng doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là phương tiện để Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn và ước vọng”, Thủ tướng nêu rõ./.