VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp gặp khó khăn?

 Đưa ra những khó khăn về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp trong những tháng đầu năm, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, việc thời gian còn lại để tìm kiếm cổ đông chiến lược khi xây dựng phương án cổ phần hóa chỉ còn từ 6 đến 9 tháng, đã làm hạn chế rất lớn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có cơ hội tìm hiểu, đánh giá, đàm phán việc mua cổ phần.

11/12 doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết

Thông tin của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tính đến hết quý 2/2017, đã thực hiện cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp bao gồm 6 doanh nghiệp độc lập nằm trong danh sách 137 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa theo Quyết định số 58.

12 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng (theo Đề án riêng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). 2 doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Bộ Xây dựng); 2 đơn vị sự nghiệp (Bắc Giang, Quảng Ninh).

Đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp (trong đó có 14 doanh nghiệp Nhà nước thuộc danh sách 137 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-CP ngày 28/12/2016, 27 doanh nghiệp còn lại thuộc Bộ Quốc phòng và là đơn vị thành viên của TĐKT, TCT nhà nước).

Có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định khoảng 72.000 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn điện lực Việt Nam có giá trị vốn nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, hiện đang tiến hành xác định giá trị 64 doanh nghiệp (trong đó có 20 doanh nghiệp Nhà nước thuộc doanh sách 137 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa). Giải thể 1 doanh nghiệp Nhà nước (trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam).

Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho hay, cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng( bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số 22 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Về việc thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến này 11/12 doanh nghiệp đã niêm yết. Trong đó, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị nhà thầu tư vấn thoái vốn nhà nước.

Còn nhiều vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, hiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, quá trình cổ phần hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản, đất đai. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa rõ ràng.

Đưa ra nguyên nhân của tình trạng trên, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (TP.HCM chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp). Việc xử lý, tháo gỡ các doanh nghiệp vướng mắc liên quan đến sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ và chậm.

Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra.

Điển hình, Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chậm được ban hành, dẫn đến việc lúng túng khi thực hiện các quy định liên quan đến lựa chọn cổ đông chiến lược, phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, tính giá trị sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế vị trí địa lý…

Cũng theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, khó khăn nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm 2017 và giai đoạn tới là bắt đầu tiến hành cổ phần hóa những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi đó thời gian quy định từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho tới thời điểm IPO là 18 tháng (trường hợp đặc biệt được trái phiếu chính phủ kéo dài thì cũng chỉ dược tối đa là 24 tháng).

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho hay, do các doanh nghiệp này quy mô lớn, phạm vi và hoạt động rộng, ngành nghề kinh doanh đặc thù cao, phải thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp bởi Kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Do đó, trên thực tế, thời gian còn lại để tìm kiếm cổ đông chiến lược khi xây dựng phương án cổ phần hóa chỉ còn từ 6 đến 9 tháng, làm hạn chế rất lớn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có cơ hội tìm hiểu, đánh giá, đàm phán việc mua cổ phần.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện còn chưa quyết liệt, tâm lý thận trọng, an toàn, không sáng tạo. Việc đôn đốc, giám sát, kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước còn chưa thường xuyên, kịp thời.

Nguồn VnMedia-TT