VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Vì sao Hàn Quốc chuyển vốn mạnh mẽ sang Việt Nam?

 – Theo ông Nam Sang Kun – chuyên gia Hàn Quốc tại Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), với lợi thế lao động linh hoạt, lương thấp và tuyển dụng dễ dàng, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư Hàn Quốc.
 
Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ
 Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa   Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi của PV về tình hình đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Nam Sang Kun – chuyên gia Hàn Quốc cho biết, hiện Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Tổng số vốn đăng ký khoảng 50 triệu USD, với 5500 dự án còn hiệu lực.

Cũng theo ông Nam Sang Kun, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990. Trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung vốn đầu tư vào những ngành công nghiệp mà lao động có chuyên môn sâu như: dệt may, da giày,…

Tuy nhiên, ông Nam Sang Kun cũng cho biết, vào những năm 2000, xu hướng đầu tư Hàn Quốc đã có sự dịch chuyển sang những ngành công nghiệp yêu cầu vốn lớn như máy móc, thiết bị, sản phẩm sắt thép. Và đến bây giờ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam được biết đến bởi những ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử.

Đưa ra những điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư Hàn Quốc, ông  Nam Sang Kun cho rằng, hơn bất cứ điều gì, nhà đầu tư Hàn Quốc đang được hưởng lợi từ các ưu đãi của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là việc giảm thuế.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chia sẻ, một điểm nổi bật hấp dẫn nữa của Việt Nam đối với nhà đầu tư Hàn Quốc là mức lương thấp và tuyển dụng dễ dàng. Thị trường lao động linh hoạt. Chính trị xã hội ổn định, vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ của ASEAN.

“Việt Nam được xem là thị trường hứa hẹn nhất cho sự phát triển công nghệ cao ở khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó là, sự tăng trưởng đều đặn ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Đặc biệt, những cam kết của Chính Phủ Việt Nam nhằm cải thiện khung pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc… tất cả những điều này tạo nên sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam”, ông Nam Sang Kun chia sẻ.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được doanh nghiệp Hàn ưa chuộng

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến 12/4/2017, Hàn Quốc có gần 6.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt trên 54 tỷ USD.

Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tập trung tới trên 70% vốn đầu tư đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay, FDI của Hàn Quốc đã được trải rộng trên 53 tỉnh, thành trong cả nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các địa phương như Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng và Hà Nội vẫn là những địa phương đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng đầu tư đăng ký vượt trội  tương ứng 8,97 tỷ USD, 5,5 tỷ USD; 5,4 tỷ USD và 5,3 tỷ USD.

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, khi tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam (khu vực FDI đóng góp 70% giá trị xuất khẩu cả nước). Năm 2016, riêng Samsung xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, chiếm khoảng 22% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu, với 3.487 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 39 tỷ USD; chiếm 72,7% tổng số dự án và 72,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, tuy nhiên số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư đăng ký có khoảng cách rất xa so với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; với chỉ với 106 dự án đầu tư và số vốn đăng ký là 7,4 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam).

Cục đầu tư nước ngoài cũng cho biết, so với 5 năm trước, đầu tư của Hàn Quốc có sự chuyển biến khá rõ rệt theo lĩnh vực. Tỷ trọng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên rõ rệt.

Cụ thể, nếu như giai đoạn 2006 – 2010 Hàn Quốc có 1.659 dự án với tổng vốn 17,8 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 50,2%, tiếp theo là lĩnh vực Bất động sản 31,4% thì giai đoạn 5 năm sau đó 2011 – 2017 số lượng dự án cũng như vốn đầu tư đã tăng gần gấp đôi với 3440 dự án, vốn đầu tư 30,3 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 84,6% vốn đầu tư, lĩnh vực Bất động sản chỉ còn 5,4%.

Một trong những nguyên nhân của việc dịch chuyển này là do có đóng góp lớn của SamSung với rất nhiều dự án quy mô rất lớn hàng tỷ USD trong 5 năm gần đây.

Nguồn VnMedia-TT