VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu mặt hàng thế mạnh nhờ Hiệp định CPTPP

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, đồng thời tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng sang các thị trường này.
Theo Bộ Công Thương, ký kết CPTPP là bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn.
Với 11 nước thành viên, CPTPP là Hiệp định quan trọng, mang tới nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, có 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ bao gồm: Canada, Chile, Mexico và Peru. Trong số này, có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru. Đặc biệt, đây đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Canada (95%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%).
Cũng theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia nêu trên đã phát triển đáng kể. Cả Canada, Chile, Mexico và Peru đều nằm số những quốc gia châu Mỹ mà Việt Nam có trao đổi thương mại lớn và trở thành những thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực. Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, đồng thời tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng sang các thị trường này.
Thị trường Canada mang lại rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế trong thương mại song phương với Canada, trong đó xuất khẩu có giá trị cao gấp 5 lần nhập khẩu. Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thị trường Canada mang lại rất nhiều cơ hội để ta đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là đối với một số mặt hàng như thủy sản, dệt may, giày dép…
Theo đó, với thủy sản, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được hưởng thuế xuất 0% từ ngày 14/1. Thủy sản hiện đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Canada đang tiêu thụ 240 triệu USD hàng thủy sản từ Việt Nam. Trong đó nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này như cá basa (chiếm gần 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada), tôm bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu, cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh chiếm 89% thị phần…
Thuế MFN của Canada đối với các mặt hàng này hiện là 4 – 5% và theo cam kết CPTPP thuế suất cho các mặt hàng này sẽ giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada nhưng được bán qua nhà phân phối, chưa bán trực tiếp. Hiện nay, các công ty lớn của Canada có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí (Costco, Metro …), do đó nên tổ chức cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam giới thiệu và tiếp cận với các nhà bán lẻ lớn của Canada.
Riêng với mặt hàng dệt may. Theo Bộ Công Thương, mặc dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty đều phân phối tại thị trường Mỹ và các nước khác. Hiện dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Canada mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada.
Mexico là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết, Mexico là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh sau Brazil. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,24 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mexico là điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may.
Với CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36.5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Một số mặt hàng mà ta có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong CPTPP để đẩy manh xuất khẩu sang Mexico bao gồm: Thủy sản (cá đông lạnh, tôm); mặt hàng gạo; dệt may, da giày…
Peru: Hứa hẹn sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ thương mại 
Cũng theo Bộ Công Thương, Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng và là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của ta bởi 75% các công ty xuất – nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil. Hiện trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Peru còn khá khiêm tốn. Năm 2018, xuất khẩu của ta sang thị trường này đạt 250 triệu USD.
Hiệp định CPTPP dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 tại Peru hứa hẹn sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ thương mại hai nước. Peru cam kết xóa bỏ 81% số dòng thuế ngay khi có hiêu lưc tương đương 62% kim ngạch nhập khảu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17. Đây cũng là lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA và Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội mà Hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu một số loại hàng hóa mà ta có thế mạnh, cụ thể là: Đồ gỗ; Hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả, một số loại cà phê; Dệt may, giày dép
Chile là thị trường tích cực mở cửa cho hàng hóa Việt Nam
Chile là thị trường tích cực mở cửa cho hàng hóa Việt Nam trong những năm qua kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile chính thức có hiệu lực vào năm 2014. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dự kiến được thông qua tại Chile vào quý II/2019, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
FTA Việt Nam – Chile đã trải qua 5 năm có hiệu lực, các mặt hàng truyền thống đang dần được khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường như hàng may mặc, giày dép, nông sản, vật liệu xây dựng. FTA Việt Nam – Chile có 1.118 sản phẩm nằm trong danh sách loại trừ, trong khi đó với CPTPP Chile cam kết cắt giảm 95,1% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 8. Do đó, với việc thực thi CPTPP số lượng sản phẩm tiếp cận thị trường sẽ nhiều hơn, thời gian giảm thuế của CPTPP cũng nhanh hơn so với FTA song phương.
Các mặt hàng thúc đẩy xuất khẩu sang Chile có thể kể tới: Hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, mật ong; nông sản, thủy sản; giày dép, cao su: thuế được xóa bỏ vào năm thứ 4; dệt may. Đồng thời có thể thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng mới mà Việt Nam có thế mạnh về giá và chất lượng như túi tái chế, giấy, nhựa, thép…
Nguồn -TT