VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Việt Nam đứng thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới

 Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu liên tục cải thiện
Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn. Khi được ký kết, đưa vào thực thi, các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
“Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà những lợi thế cạnh tranh như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên hiện đã dần bị thu hẹp, không có tính bền vững trong khi những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển và thời gian”, Bộ Công Thương cho hay
Theo Bộ Công Thương, trong 8 năm qua (2011 – 2018), thị trường xuất khẩu đã được mở rộng cả về quy mô thị trường và cơ cấu thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu đã góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, giai đoạn 2011-2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, xuất khẩu trong 8 năm tăng gấp 2,51 lần, từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD vào năm 2018. Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu.
Xét về quy mô thị trường xuất khẩu, nếu năm 2011 chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2011 – 2018, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ
Giai đoạn 2011 – 2018, khu vực thị trường châu Á luôn duy trì tỷ trọng khoảng từ 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ta. Tỷ trọng xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Mỹ và khu vực thị trường châu Âu duy trì trong khoảng 20 – 23%. Tỷ trọng khu vực châu Phi và châu Đại Dương thấp hơn so với 3 khu vực còn lại, tổng cộng hai khu vực này đạt khoảng 4%.
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011 – 2018. Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất.
Cụ thể, mặt hàng gạo đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh thị trường truyền thống đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông; sản phẩm gạo trắng cao cấp, gạo hạt tròn và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.
Mặt hàng rau quả đạt nhiều thành tích trong công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…
Các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm được khẳng định. Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017, xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%.
Với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thông qua các Hiệp định FTA). Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường (như sữa, thịt lợn, một số loại rau quả).
Đưa ra những hạn chế trong phát triển nông sản, Bộ Công Thương cho biết, đó là những hạn chế, yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, do đó, chưa đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó, hàng hóa Việt Nam mới đang bước đầu vào được trực tiếp thị trường phân phối ở các nước nhập khẩu. Hoạt động xúc tiến thương mại nói chung chưa được đồng đều và đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiếp thị và thâm nhập thị trường. Việc tiếp cận thị trường để tìm kiếm khách hàng mới và giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm…còn hạn chế. Kinh phí dành cho xúc tiến thương mại còn thấp so với nhiệm vụ duy trì, phát triển thị trường và nhu cầu doanh nghiệp; tỷ trọng so với tổng kim ngạch xuất khẩu thấp hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực.
Nguồn -TT