VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN

 – Theo đánh giá của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019.
Các chỉ số vĩ mô duy trì xu hướng tích cực
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vừa diễn ra, dự kiến cầu nội địa và đầu tư sẽ là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2019. Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt, trong đó các ngành sản xuất ô tô, thép, lọc hóa dầu, điện sẽ vẫn tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng trong quý III.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ số vĩ mô duy trì xu hướng tích cực, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tháng 8 tăng nhẹ 0,28% nên tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,57%, tiếp tục là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ, tuy nhiên, giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn, ước giải ngân 8 tháng đạt 161,27 nghìn tỷ đồng, bằng 41,39% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân vốn nước ngoài đạt thấp 19,18%, vẫn còn khoảng 28 nghìn tỷ đồng giá trị khối lượng thực hiện chưa làm thủ tục giải ngân. Vẫn còn 29 Bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó 08 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô 
Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng ba rủi ro tác động trưc tiếp đến kinh tế thế giới là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và một số nền kinh tế lớn, Anh rời EU (Brexit) không có thỏa thuận và nguy cơ xung đột Iran.
“Cục diện “giằng co” phức tạp trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, cùng với chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ đối với nhiều đối tác đang tạo nên môi trường bấp bênh và làm tăng thêm những lo ngại về tăng trưởng của kinh tế thế giới”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Bên cạnh các chính sách kích cầu, việc chú trọng các chính sách tác động vào tổng cung như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, quy mô lớn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ rất quan trọng để tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, quyết liệt hơn nữa, triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung theo dõi sát tình hình thế giới và khu vực, diễn biến xung đột thương mại và chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, giá dầu thế giới, dịch chuyển dòng thương mại, đầu tư quốc tế để có phản ứng chính sách, kịch bản phù hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Điều hành các chính sách, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Theo dõi chặt chẽ các yếu tố làm tăng áp lực lạm phát những tháng cuối năm, chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế; tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; triển khai các biện pháp sàng lọc thu hút đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng; tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý du lịch; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, ngăn chặn việc bán phá giá vào thị trường nội địa, tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Tăng cường vận động EU sớm phê chuẩn EVFTA và thúc đẩy các FTA đang đàm phán.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tạo điều kiện phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2020 của ngành mình, cấp mình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo đúng thời gian quy định. Chuẩn bị tốt các nội dung báo cáo phục vụ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2019. Chuẩn bị tốt, có chất lượng, có sự đồng thuận cao đối với các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội.
Đặc biệt, triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Trong đó, liên quan đến nội dung điều chuyển kế hoạch vốn từ bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân chậm sang bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai tổng hợp điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, gồm 04 bộ và 08 địa phương đề nghị điều chỉnh giảm, 03 bộ và 23 địa phương đăng ký bổ sung vốn.
Nguồn -TT