Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai hôm Thứ Năm, ngày 11/1 trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc năm 2017 với nhiều kết quả toàn diện rất đáng khích lệ trên nhiều mặt. Nhìn xa hơn, qua 30 năm đổi mới kể từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội.
Thế nhưng, cần thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó một thách thức quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335 USD thì có gì quá phấn khởi, có phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế”.
Vì vậy, trăn trở của Thủ tướng là “phấn đấu để trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á, tại sao lại không và phải làm gì để đạt được mong mỏi này” chắc chắn cũng là trăn trở và mong mỏi của đông đảo người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia.
Trong lịch sử, châu Á đã có những bài học sáng giá về sự phát triển nhanh và bền vững của các nền kinh tế. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã duy trì một tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh giữa thập niên 1960 và thập niên 1990.
Là một người trực tiếp nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản – tấm gương “hóa rồng” thành công nhất ở châu Á, GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) chỉ ra 3 thách thức của trào lưu công nghiệp hóa hiện nay đối với các nước đang công nghiệp hóa như Việt Nam.
Đó là cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do nhu cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và dư thừa năng lực sản xuất; nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp rơi vào tình trạng “thoát công nghiệp hóa còn non”; nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hóa và mạng hóa.
Phát biểu tại Diễn đàn nói trên, chính GS Trần Văn Thọ cũng nhắc tới câu chuyện “thần kỳ Nhật Bản” khi nước này đã tăng trưởng kinh tế 10% trong 20 năm, đồng thời tiếp tục chỉ ra hàng loạt vấn đề của kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ “mong Việt Nam thời gian tới sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới, ít là phát triển 10%, trong vòng 4-5 năm”, ông Thọ nói và cho rằng Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau.
Theo nhiều chuyên gia, trên thực tế, “phác đồ điều trị điểm nghẽn tăng trưởng” đã và đang được Chính phủ triển khai trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hành động.  Nói cách khác, những giải pháp, định hướng lớn để phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á đã và đang được Chính phủ triển khai.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được; không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của nước ta chỉ kéo dài thêm khoảng 2 thập kỷ nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn.
Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhắc lại quan điểm mà tác giả Robinson đưa ra trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” là “thể chế, thể chế và thể chế”. Thể chế phải làm sao thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững.
Thời gian qua, công cuộc cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được tiến hành hết sức quyết liệt và đã đạt những kết quả cụ thể, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế rất uy tín ghi nhận, đánh giá cao.
Và với quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng, thì đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục. Mới đây nhất, ngày 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Chính phủ trình với mục tiêu thiết kế những cơ chế, chính sách bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo đột phá để phát triển 3 đặc khu cũng cho cả nước.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ đang nhìn vào phần cung để cải thiện môi trường kinh doanh, để tạo dư địa cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn, mạnh mẽ hơn, có động lực áp dụng khoa học – kỹ thuật để phát triển lâu dài, chứ không thực hiện các gói kích thích kinh tế – thực chất là các giải pháp ngắn hạn để kích cầu. Và ngay cả trong ngắn hạn, khi nói ngắn gọn về động lực tăng trưởng của năm 2018, vị Viện trưởng cũng khẳng định: Vẫn là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Hồi tháng 9/2016, Forbes đã đăng tải một bài viết nhận định rằng Việt Nam đang “sẵn sàng để trở thành con hổ tiếp theo của châu Á”. Như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc trước đây, Việt Nam “đang pha chế công thức đúng cho sự tăng trưởng bền vững, nhanh chóng”.
Đúng như quan điểm của Thủ tướng, ‘tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút”. Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với những thành quả đã đạt được, với những giải pháp đang được triển khai, chúng ta có cơ sở để phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á.
Nguồn Chinhphu.vn-TT