Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng mạnh nhất trong 3 năm
–Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới. Tính đến thời điểm cuối tháng 5, số dự án cấp mới là 1.363 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 chưa cải thiện nhiều, đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016 – 2019
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tính đến thời điểm 20/5/2019, số dự án cấp mới là 1.363 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 99,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 27,4% và tăng 9,3%).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2019 thu hút 1.363 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6.457,9 triệu USD, tăng 26,7% về số dự án và tăng 38,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 505 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.628,8 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 9.086,7 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 5 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 4.744,4 triệu USD, chiếm 73,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 742,3 triệu USD, chiếm 11,5%; các ngành còn lại đạt 971,2 triệu USD, chiếm 15%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đạt 7.011,2 triệu USD, chiếm 77,2% tổng vốn đăng ký.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, cả nước có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 5 tháng đầu năm, trong đó Tây Ninh có số vốn đăng ký lớn nhất với 595,7 triệu USD, chiếm 9,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương; Bắc Ninh; thành phố Hồ Chí Minh; Đồng Nai; Tiền Giang; Bắc Giang; Hải Dương; Hải Phòng; Đà Nẵng; Phú Yên; Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.561,4 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.047 triệu USD, chiếm 16,2%; Singapore 842,7 triệu USD, chiếm 13%; Tiếp theo sau là Nhật Bản; Thái Lan; Đài Loan…
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng năm nay có 55 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 98,3 triệu USD; 14 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 84,8 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng năm 2019 đạt 183,1 triệu USD, trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 81,9 triệu USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 37,1 triệu USD, chiếm 20,3%; thông tin và truyền thông đạt 31 triệu USD, chiếm 16,9%; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 18,2 triệu USD, chiếm 9,9%.
Trong 5 tháng có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Tây Ban Nha là nước dẫn đầu với 59,8 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư; tiếp sau là Hoa Kỳ; Campuchia; Malaysia.