VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Xuất khẩu là tiền đề quan trọng để nền kinh tế Việt Nam vững bước vào năm 2021

    – Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

   Ảnh minh họa.

Sáng nay (16/12), tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020”, với chủ đề: “Xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2020, với tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, có thể nói hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng tự hào.
Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Trong 11 tháng đầu năm, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.
Để đạt được kết quả trên, cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ (năm 2009) lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (vào năm 2019).
Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của nhà nước trong việc tổng hợp, dẫn dắt, hõ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung xúc tiến thương mại đa dạng, phong phú, có kết quả.
“Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đã góp phần đáng kế cho tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia trên thế giới. Nâng cao năng lực cho các tổ chức XTTM và hiệp hội ngành hàng, khẳng định vai trò hỗ trợ của Chính phủ cho hoạt động xuất khẩu”, ông Vũ Bá Phú chia sẻ.
Đưa ra kế hoạch XTTM giai đoạn 2020 – 2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi FVFTA, CPTPP và các FTA, ông Vũ Bá Phú cho biết, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5% – 10% cho nhóm mặt hàng chủ lực thông qua trực tiếp nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngành hàng để hướng dẫn, gián tiếp nâng cao chất lượng sản phẩm để xúc tiến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành hàng, từng bước khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, với con số xuất khẩu hàng tỷ USD trong những năm vừa qua, ngành thủy sản đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam tới các bạn hàng trên thế giới.
“Có được kết quả trên, công tác xúc tiến thương mại là một trong những trụ cột của Hiệp hội và các doanh nghiệp được triển khai nhằm tăng cường việc xây dựng thương hiệu,” đại diện VASEP nói.
Để thị trường này tiếp tục phát triển, bà Tô Thị Tường Lan cũng đề xuất, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ ngành chương trình quảng bá cá tra và thêm cho sản phẩm tôm tại thị trường châu Âu. Hỗ trợ các ngành chủ lực xây dựng những video, phim ngắn giới thiệu về ngành theo tiếp cận chuỗi cung ứng bền vững bằng ngôn ngữ marketing. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực…
Nguồn VnMedia-TT