VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Xuất khẩu ‘online’: Cơ hội cho nông sản Việt

    Ngày 22/6, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức). Lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành.
Cơ hội lớn cho trái vải nhỏ - Báo Nhân Dân    Trái vải Việt được giao dịch qua sàn thương mại điện tử sẽ sớm đến tay người tiêu dùng nước ngoài.
Vải thiều xuất khẩu qua kênh trực tuyến
Theo Bộ Công thương, đây là Chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương với Sàn thương mại điện tử Voso và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) để từng bước phát triển ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam.
Để đảm bảo vận hành luồng hàng thương mại điện tử xuyên biên giới đối với mặt hàng nông sản tươi, Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã bắt tay vào việc xây dựng gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global từ tháng 3/2021. Gian hàng quốc tế này là nơi để người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là kiều bào Việt Nam có thể tìm mua các sản phẩm nông sản chất lượng cao có xuất xứ từ Việt Nam. Vụ vải thiều tại Bắc Giang năm nay, ngoài việc phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ trong nước, việc Vỏ Sò đưa đặc sản này lên gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global, giúp kiều bào Việt Nam, người tiêu dùng châu Âu được thưởng thức quả vải Việt Nam tươi ngon, đạt chuẩn xuất khẩu một cách thuận tiện và dễ dàng nhất thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với mô hình người tiêu dùng nước ngoài đặt hàng trên Vỏ Sò Global, trực tiếp thanh toán đơn hàng thông qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử này sẽ thực hiện gom đơn, vải thiều sẽ được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu trong một phạm vi nhất định.
Hình thức mua hàng trên thương mại điện tử đã rất phổ biến tại nhiều quốc gia châu Âu, tuy nhiên việc người tiêu dùng sinh sống ở Đức có thể đặt mua vải thiều Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Việt, sau đó chỉ khoảng từ 4 – 5 ngày là nhận được những hộp vải tươi ngon, được bảo quản tốt… đã mang lại trải nghiệm thú vị cho kiều bào Việt Nam ở Đức. Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP của Lục Ngạn, Bắc Giang đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và tại Châu Âu, được dán tem truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi Công ty CP Icheck Việt Nam.
Cơ hội vươn ra thị trường thế giới nhờ thương mại điện tử
Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, nước ta đã xuất khẩu trái cây, nông sản sang thị trường các quốc gia châu Âu, châu Á… rất nhiều, trong đó xuất khẩu qua thương mại điện tử B2C đều thông qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon. Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới của Vỏ Sò Global – nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam, là dấu mốc đặc biệt, có thể coi đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính như Châu Âu.
Để thông luồng xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp cùng sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò, cùng các Bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại. Hiện các bên đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện quy trình cũng như nỗ lực mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng châu Âu khi thưởng thức trái vải thiều tươi ngon của Việt Nam.
Ông Trần Trung Hưng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bưu chính Viettel cho biết, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, bởi vậy, Vỏ Sò đã sớm lên kế hoạch để tham gia thương mại điện tử từ lâu. Không chỉ quả vải, Vỏ Sò sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều nông sản lên sàn thương mại điện tử, để phục vụ cả người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trước mắt nền tảng xây dựng tập trung vào thị trường châu Âu, sẽ xây dựng 2 phiên bản tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo bà con kiều bào Việt Nam ở châu Âu cũng như người tiêu dùng châu Âu có nhu cầu mua sắm những sản phẩm đặc sản của Việt Nam. 2 phiên bản này hiện vẫn đang tiếp tục được cập nhật, hoàn thiện các quy trình vận hành, tính năng như đặt hàng, thanh toán quốc tế, cập nhật trạng thái vận chuyển đơn hàng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, thông tin nhà cung cấp…
Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hoá, bảo quản hàng hoá, khâu thông quan hàng hoá, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu… Đây chính là những vấn đề đòi hỏi các DN, các nhà bán hàng Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu, nâng cao kỹ năng vận hành sàn thương mại điện tử một cách thành thục để chớp thời cơ.
Thương mại điện tử xuyên biên giới được kỳ vọng sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Đây là cơ hội không chỉ cho DN xuất khẩu nói chung mà cho cả các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nguồn http://daidoanket.vn-TT