VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Xứng đáng là những người mẹ hiền

       – Cách đây 66 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế và ngày 27/2 sau này trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đó cũng là ngày mà Nhân dân cả nước tôn vinh sự cống hiến to lớn và bày tỏ lòng biết ơn đội ngũ Thầy thuốc – những người mẹ hiền chăm sóc sức khoẻ cho mọi người.
Suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành cùng đất nước, ngành Y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ đều có bước phát triển.
  Hai năm liền ngành Y tế không tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam bởi phải dành thời gian để “chiến đấu” với giặc COVID-19. Ảnh: ĐT
66 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, có nghĩa thầy thuốc phải như mẹ hiền, ngành Y tế nước ta đã trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế, cả về đội ngũ bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng lên, đạt nhiều thành tựu to lớn trong thực hiện sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Y tế có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Trong đó, không ít người hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, mang trong mình những căn bệnh quái ác do chất độc hóa học của chiến tranh. Nhiều chiến sĩ áo trắng hiện vẫn còn nằm lại nơi chiến trường, hóa thân thành cỏ cây, hoa, lá.
Trong những năm hòa bình sau này, những người Thầy thuốc Việt Nam vẫn phải tiếp tục bền bỉ, kiên cường, dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh. Năm 2021, ngành Y tế lại tiếp tục không tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thế nhưng, trong lòng mỗi người dân Việt Nam, hơn một năm qua, hình ảnh những cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch hay ở từng vị trí công tác luôn được kính trọng, tôn vinh. Họ không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe Nhân dân mà còn tích cực đóng góp cho sự phát triển của y học nước nhà.
Đến thăm, chúc mừng đội ngũ thầy thuốc nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: Năm 2020 có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cán bộ, nhân viên ngành y tế đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều tấm gương là bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, nhân viên y tế đã làm việc tận tụy, trách nhiệm, không ngại hiểm nguy, vất vả, xung phong đến tuyến đầu chống dịch. Đây là những hành động đẹp, đầy tính nhân văn lan tỏa trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đưa ra nhận định: mặc dù năm 2020 là một năm đầy khó khăn, vất vả đối với những cán bộ, nhân viên y tế, nhưng tác động của đại dịch lại như một phép thử để ngành y tìm mọi cách thích ứng, nỗ lực bứt phá. Trong công tác khám, chữa bệnh, ngành y tế đã có những bước chuyển biến rất căn bản; chất lượng khám, chữa bệnh ngày một nâng lên. Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa ra đời đã giúp người dân ở tuyến cơ sở được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao.
Thực tế chứng minh, tại thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành thì nền tảng khám, chữa bệnh từ xa đã thực sự phát huy hiệu quả. Người dân vẫn được khám, chữa bệnh kịp thời mà vẫn bảo đảm yêu cầu giãn cách xã hội, đặc biệt đối với bệnh nhân cao tuổi, khó khăn trong việc di chuyển, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước. Theo ước tính, khi triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, xã hội và ngành y tế có thể tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm về chi phí đi lại, khám, chữa bệnh. Ngành Y tế đã hết sức nỗ lực cho một tiến trình đổi mới toàn diện để phục vụ người dân được tốt hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó công nghệ thông tin sẽ giúp tiến trình thay đổi của ngành được hiện thực hóa. Bộ Y tế đang đề ra mục tiêu từ tháng 7/2021 sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Trong công tác y tế dự phòng cũng đã có những đổi mới mạnh mẽ với sự ra đời của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các tỉnh, thành phố. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, một lần nữa ngành Y tế đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ cũng như tinh thần quyết tâm cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Hơn một năm qua, mỗi người dân Việt Nam đều đã quen thuộc với hình ảnh các bác sĩ, y tá mặc đồ bảo hộ luôn thay phiên túc trực và làm việc. Dù đối mặt với nguy hiểm rình rập, họ vẫn âm thầm phục vụ vì trách nhiệm và cao hơn hết là y đức hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dịch bệnh luôn có những biến đổi bất ngờ, khó đoán định, ai cũng có thể vô tình trở thành nạn nhân, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam vẫn không chùn bước mà còn cố gắng nhiều hơn nữa, động viên nhau làm việc và phụng sự, đem tới sự an tâm cho người dân. Những nỗ lực của họ phần nào đạt được thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh và điều trị các ca nhiễm COVID-19 của Việt Nam thời gian qua. Chính vì vậy, ngành Y tế Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận năng lực và khen ngợi. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng”, trong đó, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành công.
Trong Thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, người đứng đầu ngành Y tế- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Trong ngày truyền thống thiêng liêng và cao quý của ngành Y tế, rất nhiều cán bộ, y sĩ, bác sĩ vẫn đang lặng lẽ, âm thầm miệt mài không ngại gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bảo vệ sức khỏe và sự bình an của người dân… Những giọt mồ hôi, nước mắt của cán bộ, nhân viên y tế, những đêm thức trắng ở các điểm dịch, bên giường bệnh luôn được nhân dân ghi nhận.
Sự hy sinh của các đồng chí là sự tiếp nối truyền thống quý báu của bao thế hệ đã dày công vun đắp và cũng là tấm gương sáng để các thế hệ nối tiếp học hỏi, noi theo, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhắn nhủ: “Lương y phải như từ mẫu-Thầy thuốc như mẹ hiền””.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày tôn vinh nghề thầy thuốc, còn là ngày nhắc nhở mọi người hãy sẻ chia với những khó khăn của ngành Y tế. Trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đời sống người dân còn khó khăn, chúng ta vẫn có thể tôn vinh các thầy thuốc bằng cái nhìn thiện cảm hơn, biểu dương những việc làm tốt của họ, khuyến khích họ sáng tạo và có các giải pháp hữu hiệu bảo vệ các thầy thuốc chân chính. Điều quan trọng hơn là mỗi người hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thông điệp “5K” (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế) của ngành Y tế đang là giải pháp hữu hiệu nhất để chúng ta chiến thắng “giặc” COVID-19.
Mỗi người chúng ta cần nói lời cảm ơn từ đáy lòng mình với những người mẹ hiền, những người chăm sóc sức khoẻ, nâng đỡ tinh thần người ốm yếu. Các Thầy thuốc đang rất cần sự đồng hành sẻ chia của chúng ta bởi mỗi sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, của Nhân dân là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các “chiến sĩ áo trắng” vững lòng thực hiện sứ mệnh cao cả bảo vệ sức khỏe Nhân dân./.
Nguồn (ĐCSVN)-TT