S&P 500 lập kỷ lục mới sau phát biểu của Chủ tịch FED; Mỹ áp đặt thuế thép nhập khẩu mới lên Mexico và Trung Quốc; Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy tái khởi động đàm phán thương mại; Nhiều thách thức trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững…là những tin chính được cập nhật.
S&P 500 lập kỷ lục mới sau phát biểu của Chủ tịch FED
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 có thời điểm vượt mốc 3.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử…
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số S&P 500 có thời điểm vượt mốc 3.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trấn an giới đầu tư về khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này.
Theo tin từ Reuters, chỉ số Dow Jones cũng thiết lập mốc kỷ lục trong phiên, và chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại.
Điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ, ông Powell nói rằng FED đang giữ tư thế sẵn sàng “hành động phù hợp” để hỗ trợ chuỗi thời gian tăng trưởng dài kỷ lục của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Đó chính là điều mà thị trường muốn nghe”, chiến lược gia JJ Kinahan thuộc TD Ameritrade phát biểu. “Nhiều người đã cho rằng bản báo cáo việc làm công bố tuần trước – một điểm dữ liệu riêng lẻ – sẽ khiến FED thay đổi lập trường. Tuy nhiên, FED đặt ra chủ trương dựa trên các xu hướng, chứ không phải các điểm dữ liệu riêng lẻ”.
Sau phát biểu của ông Powell, lãi suất tương lai ở Phố Wall phản ánh khả năng cao hơn về một đợt cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 30-31/7. Khả năng FED hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm cũng tăng mạnh trở lại, lên mức 26,6%, theo công cụ FEDWatch của sàn CME. Sau khi Bộ Lao động Mỹ vào hôm thứ Sáu công bố báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến, khả năng này đã sụt giảm.
Không lâu sau khi thị trường mở cửa, S&P 500 vượt ngưỡng 3.000 điểm, nhưng không giữ được mức này cho tới hết phiên. Lúc đóng cửa, chỉ số dừng ở 2.993,07 điểm. Một số nhà đầu tư cho rằng mốc 3.000 điểm có thể củng cố niềm tin trên thị trường chứng khoán Mỹ, nơi nhiều kỷ lục mới đã được thiết lập trong năm nay.
Mỹ áp đặt thuế thép nhập khẩu mới lên Mexico và Trung Quốc
(ĐCSVN) – Mỹ vừa tuyên bố sẽ áp đặt lệnh thuế mới lên một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Mexico và Trung Quốc, cho rằng các nhà xuất khẩu thép tại các quốc gia này nhận được sự trợ cấp thiếu công bằng.
Bộ Thương mại Mỹ đã phát hiện rằng các nhà xuất khẩu thép kết cấu xây dựng của Trung Quốc được hưởng các khoản trợ cấp từ 30% đến 177%, trong khi các nhà xuất khẩu thép tại Mexico được hưởng 74%.
Bộ này cho biết sẽ trình Cục Hải quan và Biên phòng, yêu cầu bắt đầu thu đặt cọc bằng tiền mặt từ các nhà nhập khẩu các sản phẩm thép từ Trung Quốc và Mexico. Đây là quyết định sơ bộ được Bộ thương mại Mỹ đưa ra và phán quyết cuối cùng sẽ được công bố có thể vào ngày 19/11/2019.
Quyết định này được coi là câu trả lời đối với các khiếu nại trước đó của Viện thép xây dựng Mỹ vào đầu năm nay.
Bộ Thương mại Mỹ cũng điều tra các sản phẩm thép kết cấu xây dựng nhập khẩu từ Canada nhưng cho biết các khoản trợ cấp đối với sản phẩm này của Canada dưới 1%.
Năm 2018, Mỹ nhập khẩu 897,5 triệu USD thép kết cấu xây dựng của Trung Quốc và 622,4 triệu USD từ Mexico, số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố.
Tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Mexico và Canada.
Tuy nhiên chỉ 2 tháng sau, ngày 17/5, Tổng thống Trump đã quyết định dỡ bỏ lệnh áp thuế này, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại giữa 3 nước và nhằm hướng đến phê chuẩn Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) – phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Mỹ và Trung Quốc đồng thời cũng nối lại đàm phán thương mại sau một thời gian dài căng thẳng. Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5/2019 mà không đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp thép của Mỹ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng khi sản xuất bị đình trệ, trong khi tỷ lệ việc làm tại các nhà máy và xưởng đúc giảm./.
Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy tái khởi động đàm phán thương mại
(ĐCSVN) – Ngày 9/7, Chính phủ Mỹ cho biết các quan chức thương mại của nước này và Trung Quốc đã điện đàm để tiến tới việc tái khởi động các vòng đối thoại thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Nhật Bản vào tháng trước, Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí nối lại các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Dựa trên sự nhất trí chung của hai nhà lãnh đạo, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trương Quân nhằm “đặt nền móng” nối lại các cuộc đàm phán và giải quyết các bất đồng thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời khẳng định hai bên sẽ tiếp tục đàm phán khi thích hợp.
Nội dung chi tiết của cuộc điện đàm này không được tiết lộ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, trong cuộc điện đàm này, các đại diện của Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì đà đàm phán để có thể hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Phát biểu trước báo giới, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, cuộc điện đàm giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra trong bầu không khí “xây dựng” và đã đề cập việc tiến hành một cuộc gặp gỡ trực tiếp.
Nhiều thách thức trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững
(ĐCSVN) – Trong báo cáo mới nhất về tiến trình đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá rằng trong khi các chính phủ trên thế giới đã thực hiện “vô số hành động” thì “những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất vẫn tiếp tục phải chịu đựng nhiều nhất”.
17 Mục tiêu Phát triển Bền vững cam kết các nước huy động mọi nỗ lực nhằm chấm dứt mọi hình thức nghèo đói, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu. Báo cáo vừa công bố theo dõi tiến trình của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thực hiện 17 mục tiêu này và thông qua một tầm nhìn rộng bao quát toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi nhiều xu hướng liên quan tới SDGs là phổ biến cho tất cả các khu vực thì lại tồn tại nhiều khác biệt quan trọng trong khu vực.
*** Tham vọng cao tốc xuyên Á-Âu của Nga và Trung Quốc
Chính phủ Nga mới đây đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng siêu cao tốc xuyên Á – Âu kéo dài hơn 2.000km, thuộc một phần kế hoạch phát triển hành lang giao thông chiến lược nối châu Âu và Tây Trung Quốc.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nhưng thúc ép Iran tuân thủ
Mỹ cho rằng việc Iran dừng tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giống như hành vi “tống tiền”, bất chấp việc nước này là bên đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Mỹ tố Iran dùng xuồng vũ trang bắt ‘hụt’ siêu tàu dầu của Anh
Quan chức Mỹ nói rằng Iran điều 5 xuồng vũ trang cỡ nhỏ tiếp cận tàu chở dầu British Heritage của Anh song rời đi khi chạm mặt tàu hộ vệ tên lửa của London.
Điệp viên George Paques, cha đỡ đầu của bức tường Berlin
Điệp viên của tình báo Xôviết là George Paques không phải tự nhiên được mệnh danh là “Philby của nước Pháp”. Cũng giống như Kim Philby tại Anh, Paques cũng có khả năng tiếp cận với những bí mật quan trọng nhất tại Pháp.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ-Triều vẫn chưa được loại bỏ
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua “lằn ranh” ở Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều trong cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 30-6 vừa qua mới chỉ được xem là giảm nhẹ chứ chưa có cơ sở loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.
FTA EU-Mercosur, tấm khiên mới của Liên minh châu Âu
Hiệp định tự do thương mại (FTA) EU-Mercosur được coi là tấm khiên mới của Liên minh châu Âu trong cuộc đương đầu về kinh tế với các cường quốc thế giới, nhất là Mỹ. Tuy nhiên, để có được lá chắn này, người dân châu Âu phải đánh đổi không ít.
Thảm sát bộ lạc ở Papua New Guinea, nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng
The Guardian ngày 10-7 đưa tin, ít nhất 16 phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong vụ thảm sát tàn khốc nhằm vào một bộ lạc xảy ra 2 ngày trước đó tại tỉnh Hela, Papua New Guinea.
Cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Triều là “mốc lịch sử hòa giải mới”
Meari, trang tin tuyên truyền của CHDCND Triều Tiên, ngày 10-7 nhận định cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều hồi cuối tháng 6 vừa qua là minh chứng cho những điều không tưởng lại có thể xảy ra nếu hai bên tin tưởng lẫn nhau.
Putin tuyên bố Nga-Ukraine là một dân tộc và có thể trở thành đồng minh
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định người Nga và người Ukraine có chung một dân tộc, đồng thời tin tưởng quan hệ hai nước sẽ ấm lên trong tương lai.
Thủy cung lớn nhất châu Âu bốc cháy, hàng nghìn người phải sơ tán
Hơn 1.600 khách tham quan và 350 nhân viên đã phải sơ tán sau khi thủy cung lớn nhất châu Âu đặt tại thành phố Valencia, Tây Ban Nha bất ngờ bốc cháy vào sáng 9-7 (giờ địa phương).
Nga-Trung chi gần 10 tỷ USD xây cao tốc chạy xuyên Á-Âu
Giới doanh nghiệp Nga và Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 9,5 tỷ USD để xây tuyến đường cao tốc nối từ phần châu Âu của Nga tới Trung Quốc, đi xuyên qua Belarus và Kazakhstan.
Lũ lớn hoành hành ở Washington, Nhà Trắng cũng bị ngập
Nhiều khu vực ở thủ đô Washington của Mỹ bị ngập nặng sau trận mưa xối xả kéo dài, bao gồm cả một khu vực của Nhà Trắng.
Israel dọa dùng F-35 không kích phủ đầu Iran
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sở hữu dàn tiêm kích chiến đấu F-35 hiện đại, đủ sức vươn tới mọi địa điểm của Trung Đông để tấn công phủ đầu.
Vén màn “Chiến dịch Popeye”
Quân đội của các cường quốc hàng đầu thế giới từ lâu đã tìm kiếm thứ vũ khí hoàn hảo mà không gây ra sự hủy diệt quá mức về con người. Họ nhận thức rõ cần hoạt động theo hướng nào, vũ khí địa vật lý khi tác động đến môi trường có thể gây ra nhiều thảm họa tự nhiên khác nhau: từ sóng thần và động đất đến lũ lụt và hạn hán.
Vụ án xâm hại phụ nữ di cư gây sốc ở Cyprus
Người dân Đảo quốc Cyprus hết sức choáng váng sau khi một sĩ quan quân đội thú nhận sát hại 5 phụ nữ di cư và 2 cô gái nhỏ – sự kiện kinh khủng được cho là vụ giết người hàng loạt đầu tiên của hòn đảo. Trong bối cảnh sốc, những người biểu tình cáo buộc cảnh sát đã không điều tra đúng cách các nạn nhân mất tích bởi vì lý lịch di cư của họ.
Tổng hợp-TT