Hội nghị thượng đỉnh G7: Đồng thuận nhưng chưa đồng lòng; Tương lai doanh nghiệp Trung Quốc giữa thương chiến; Cuộc bầu cử hé lộ sự chia rẽ Đông và Tây Đức, 30 năm sau thống nhất; Cháy rừng Amazon – thảm họa của cả thế giới…là những tin chính được cập nhật.
Hội nghị thượng đỉnh G7: Đồng thuận nhưng chưa đồng lòng
Các nguyên thủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp.
Diễn ra từ ngày 24 – 26/8 tại thành phố Biarritz của Pháp, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc bằng việc các nước ra được một bản Tuyên bố chung vô cùng ngắn gọn, dài đúng một trang giấy, trong đó đề cập đến các vấn đề như thương mại quốc tế, Iran, Ukraine, Lybia và Hong Kong.
Tuyên bố ngắn gọn này đã được nước chủ nhà Pháp ban hành khi kết thúc hội nghị, nhưng đây không phải là thông cáo báo chí như thường thấy. Điều này phản ánh sự chia rẽ giữa các nước thành viên.
Tuyên bố cho biết 7 nước thành viên đã cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng và mở cửa, và vì sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố cho hay các nước G7 muốn Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng hơn và loại trừ các hoạt động thương mại không công bằng.
Tương lai doanh nghiệp Trung Quốc giữa thương chiến
Nếu các công ty Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc, cơ hội lấp đầy khoảng trống sẽ nằm trong tay những doanh nghiệp trong nước.
Trung Quốc hôm 23/8 thông báo tăng thuế với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/9 và 15/12. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố chính quyền của ông sẽ tăng thuế với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng nghĩa tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều sẽ phải chịu thuế.
Hàng rào thuế quan Trump dựng lên sẽ tạo thêm gánh nặng cho các công ty Trung Quốc, vốn đã phải chịu áp lực vì kinh tế trong nước giảm tốc. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các doanh nghiệp Trung Quốc không vì thế mà tuyệt vọng, trái lại, họ đang nỗ lực tìm mọi cách để phục hồi, bù đắp chi phí thuế.
“Tôi tin rằng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo dài lâu”, Wei Jianguo, cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận xét. Ông cho biết trong lúc chờ đợi một thỏa thuận thương mại công bằng và bình đẳng, phía Trung Quốc vẫn chuẩn bị sẵn sàng để chống lại bất kỳ tác động tiêu cực nào từ thương chiến.
“Chúng tôi không sợ hãi”, Wei nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC. Ông hiện là phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, trụ sở ở Bắc Kinh.
Wei liệt kê ra 4 cách mà Trung Quốc đang áp dụng nhằm củng cố các doanh nghiệp của mình, bao gồm: Tăng hỗ trợ từ chính phủ; Mở ra các kênh tới những thị trường quốc tế khác thông qua các chương trình như khu thương mại tự do và Sáng kiến Vành đai, Con đường, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ do Bắc Kinh dẫn dắt; Phát triển một môi trường hoạt động chất lượng cao hơn cho các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài, đồng thời áp dụng những chính sách như giảm thuế giảm phí.
Cuộc bầu cử hé lộ sự chia rẽ Đông và Tây Đức, 30 năm sau thống nhất
Bất mãn trước những lời hứa vô nghĩa của các chính trị gia, người dân Đông Đức chuyển sang ủng hộ đảng cực hữu AfD và ngày càng mong muốn thể hiện bản sắc riêng
Ở rìa phía đông của nước Đức cũ, bác sĩ Thomas Jähn gặp bệnh nhân của mình năm ngày một tuần. Một số người đến để nói về sức khỏe của chính họ, những người khác nói về sức khỏe của nền dân chủ Đức.
Họ nói về bưu điện địa phương vừa đóng cửa, về tuyến tàu đến Berlin không bao giờ được xây dựng như đã hứa, về việc sản xuất than đang được loại bỏ gần đó và hàng nghìn công việc đi cùng với nó. Họ cũng nói về sự bất bình đẳng kéo dài giữa Đông và Tây ba thập kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
“Họ hỏi tôi ‘Bầu cử để làm gì khi không ai lắng nghe?'”, New York Times dẫn lời bác sĩ Jähn nói. Bác sĩ Jähn, một bác sĩ gia đình ở thị trấn nhỏ Forst, đã lắng nghe.
Ba tháng trước, ông được bầu vào hội đồng thị trấn cho đảng cực hữu Lựa chọn cho nước Đức (AfD), bên cạnh các nhân vật đáng kính khác trong cộng đồng: một lính cứu hỏa, một thợ sửa ống nước, một doanh nhân và một huấn luyện viên bóng đá.
Biểu trưng của nước Đức chia rẽ
Ở Tây Đức, phe cực hữu có thể bị lép vế, bị phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel bỏ xa và giành được chưa đầy một nửa sự ủng hộ so với đảng tự do mới nổi Greens.
Nhưng ở đây, ở miền Đông, Lựa chọn cho nước Đức, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là AfD, đang cạnh tranh để trở thành số 1.
Theo New York Times, với lực lượng chính trị rộng khắp từ cấp cơ sở, đảng AfD đã trở thành biểu trưng cho một nước Đức bị chia rẽ giữa Đông và Tây hơn bất cứ lúc nào kể từ khi thống nhất đất nước.
Đó là lý do khiến các cuộc bầu cử bang ngày 1/9 ở Saxony và Brandenburg, 30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, có tầm quan trọng mang tính biểu tượng.
AfD đã xâm nhập vào sự chia rẽ Đông – Tây và làm cho nó trở nên trầm trọng hơn bằng cách tích cực biến mình thành một đảng bản sắc miền Đông.
*** Cháy rừng Amazon – thảm họa của cả thế giới
Các đám cháy kỷ lục ở cánh rừng nhiệt đới Amazon tuần qua lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Giới chuyên gia cảnh báo rừng Amazon cháy đồng nghĩa với việc thế giới mất đi một phần đa dạng sinh học. Và điều đáng lo ngại hơn cả là việc rừng liên tục mất cũng gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu, nhất là lượng mưa tại khu vực.
Tờ The Atlantic nhận định, sự phá hủy của vụ cháy rừng Amazon được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hậu quả của vụ cháy rừng thảm khốc đang diễn ra sẽ diệt chủng các loài động thực vật và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu kéo dài đến muôn đời.
Gần 79.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2013, và một nửa trong đó xảy ra tại rừng mưa Amazon, nơi được coi là “lá phổi xanh” của hành tinh. Theo Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil, riêng hai ngày 23 và 24/8 đã có hơn 1.600 đám cháy mới tiếp tục bùng phát tại Amazon.
Bang lớn nhất của Brazil là Amazonas đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 9/8 trong khi bang Acre thiết lập tình trạng cảnh báo môi trường kể từ ngày 16/8. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng ký sắc lệnh huy động quân đội đối phó các đám cháy và cam kết bảo vệ bằng được rừng Amazon. Ngày 29/8, Brazil đã ban bố lệnh cấm trong vòng 60 ngày đối với các đám cháy được cấp phép hợp pháp để phục vụ cho việc phát quang đất. Động thái này nhằm góp phần trong nỗ lực ngăn chặn cháy rừng.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí ở Brazil, các vụ cháy ở Amazon còn gây lo ngại ngày càng nhiều cho cộng đồng quốc tế, khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lên tiếng vì khu rừng nhiệt đới này có vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố ông sẽ không chấp nhận đề nghị của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hỗ trợ 20 triệu USD trừ khi người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rút lại những lời “lăng mạ” nhắm vào ông.
Tiến trình hòa bình Trung Đông đang rơi vào bế tắc
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Trung Đông Nickolay Mladlenov ngày 27/8 cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng, tiến trình hòa bình giữa người Israel và người Palestine đang bế tắc và có nguy cơ leo thang bạo lực trong khu vực.
Ông Mladenov cho biết bạo lực gia tăng tại khu Bờ Tây và dải Gaza, và thực tế là sự kết hợp của việc thiếu tương lai chính trị, hành động đơn phương trên thực địa và các cuộc tấn công khủng bố đã tạo ra một “hỗn hợp nổ”. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng trong tháng qua đã có sự gia tăng các vụ bạo lực, bao gồm bạo lực liên quan đến người định cư Israel ở khu Bờ Tây và căng thẳng dai dẳng ở trong và xung quanh dải Gaza.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc cũng tố cáo hành vi mở rộng các khu định cư của Israel sau nhiều cuộc tấn công ở Bờ Tây và lưu ý rằng “việc mở rộng thuộc địa, phá hủy và tịch thu tài sản của người Palestine vẫn tiếp tục” trong những tuần gần đây.
Trong bối cảnh đó, ông Nickolay Mladenov nhấn mạnh: Các biện pháp cụ thể có thể và phải được thực hiện để khẩn trương đảo ngược quỹ đạo tiêu cực của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Nhật Bản – Hàn Quốc: Căng thẳng thương mại gia tăng
Nhật Bản ngày 28/8 đã chính thức thực thi quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, còn gọi là Danh sách Trắng. Chính sách này đã được thông qua từ ngày 2/8 vừa qua, gần một tháng sau khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu công nghệ cao cần thiết đối với việc sản xuất chất bán dẫn và màn hình, vốn là thế mạnh của những tập đoàn hàng đầu xứ Kim chi như Samsung, LG hay SK.
Việc Tokyo kiên định trong lập trường với Seoul đã làm sâu sắc thêm những căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng tại Đông Bắc Á.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 28/8 đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Seoul đến để phản đối động thái trên. Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon kêu gọi Nhật Bản đối thoại để hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng Lee nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc sẽ đồng thời xúc tiến “không chậm trễ” việc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để khắc phục “sự trả đũa kinh tế không công bằng” của Nhật Bản. Trước đó, Seoul tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo (GSOMIA).
Trước tình hình quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên căng thẳng, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng chế tạo trong nước, chấm dứt sự phụ thuộc vào các mặt hàng của Nhật Bản.
Ngày 30/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố cho biết ông sẽ hợp tác với Nhật Bản nếu Tokyo chuyển sang đối thoại để chấm dứt tranh cãi ngoại giao và thương mại giữa hai nước.
Châu Âu quan ngại các hành động đơn phương tại Biển Đông
EU quan ngại các hành động đơn phương tại Biển Đông gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải
Ngày 28/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đăng thông cáo nhấn mạnh “những hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên Biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình kinh tế của khu vực.”
Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thông cáo của EU nhấn mạnh các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc trọng tài phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại của mỗi bên.
Cũng trong thông cáo, EU khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các bên thứ ba.
EU mong muốn các bên sớm hoàn tất theo hướng minh bạch các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý.
EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia./.
*** 80 năm ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới II: Những bài học mãi mãi trường tồn
Dù đã 80 năm trôi qua, nhưng những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, và luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới ghi nhớ. Những tổn thất, thương vong lớn về người luôn là bài học nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn hòa bình để không được phép tái diễn một thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.
Israel mở chiến dịch chống Iran khắp Trung Đông, vũ khí Nga lại “làm mưa, làm gió”
Nhật-Hàn lún sâu vào vòng xoáy căng thẳng mới, Trung Đông nóng như “chảo lửa” với chiến dịch chống Iran của Israel và việc Thượng đỉnh G7 kết thúc trong chia rẽ vì vấn đề Nga… là những tin tức thế giới nổi bật tuần qua.
Tổng thống Ukraine ủng hộ EU thắt chặt trừng phạt Nga
Reuters ngày 1-9 đưa tin, Tổng thống Ukraine hôm 31-8 tuyên bố nước này và Ba Lan hoàn toàn nhất trí về việc Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì và thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi thoả thuận Minsk được thực thi.
Kế hoạch “đánh thuế” của Mỹ và Trung Quốc chính thức có hiệu lực
Sputnik đưa tin, ngày 1-9 đánh dấu việc cả Mỹ và Trung Quốc cùng tăng thuế lên các mặt hàng của đối phương chính thức có hiệu lực. Đây là động thái đánh dấu sự gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bình Nhưỡng: “Mỹ không nên đùa với sự kiên nhẫn của Triều Tiên”
Đây là cảnh báo được Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đưa ra ngày 1-9, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận xét rằng “những hành động bất hảo của Triều Tiên là không thể bỏ qua”.
Đánh cắp xe thư và xả súng náo loạn tại Mỹ, nhiều người thương vong
Reuters ngày 1-9 đưa tin, đã có ít nhất 4 dân thường thiệt mạng và 21 người khác bị thương khi một tay súng tấn công thành phố Midland, bang Texas, Mỹ vào hôm 31-8. Đây là vụ xả súng nghiêm trọng thứ hai tại bang này trong tháng 8.
Thủ tướng Đức sẽ quay lại giảng đường sau nhiệm kỳ
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 31-8 “nói bóng gió” rằng bà có thể sẽ trở lại giảng đường đại học sau khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào năm 2021.
Cựu Tổng thống Sudan bị cáo buộc tham nhũng
Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir ngày 31-8 đã bị buộc tội sở hữu ngoại tệ bất hợp pháp và tham nhũng.
Nổ nhà máy hóa chất ở Ấn Độ, hơn 60 người thương vong
Ít nhất 12 người đã thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương sau một loạt vụ nổ tại một nhà máy hóa chất ở bang Maharashtra phía Tây Ấn Độ ngày 31-8.
Sự phản bội của trùm tình báo Đức quốc xã Wilhelm Franz Canaris
Wilhelm Canaris phục vụ Hải quân Đức vào tháng 4-1905, với tư cách là một học viên 18 tuổi tại Học viện hải quân Kiel. Vào thời điểm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra vào năm 1914, Canaris là sĩ quan trên tàu tuần dương Dresden phục vụ dưới quyền Đô đốc Graf von Spee, người đánh chìm 2 tàu tuần dương Anh Good Hope và Monmouth ngoài khơi Chile vào tháng 11-1914.
Trợ lý ông Trump bị sa thải vì tiết lộ thông tin về gia đình Tổng thống
Trợ lý cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã theo ông từ khi chính quyền mới được thành lập, đã đột ngột rời khỏi Nhà Trắng sau khi chia sẻ với các phóng viên nhiều chi tiết thân mật về gia đình của Tổng thống Trump.
Ông Trump bị nghi “tiết lộ bí mật do thám” trên mạng xã hội
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-8 đã đăng trên Twitter một bức ảnh được cho là nơi đã diễn ra một vụ phóng vệ tinh không thành công của Iran, làm gia tăng nghi ngại về việc liệu ông đã tiết lộ bí mật trinh sát của Mỹ hay không?
Phương Tây bất đồng về điểm đến của tàu chở dầu Iran
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-8 cho biết tàu chở dầu Adrian Darya, tâm điểm của cuộc đối đầu giũa Washington và Tehran gần đây, đã tiến về vùng biển của Lebanon, tuy nhiên, Mỹ sau đó cho biết tàu này đang đi đến Syria.
Quân đội Syria liên tiếp giành nhiều thắng lợi
Dưới sự hỗ trợ từ Nga và Iran, lực lượng Chính phủ Syria trong những ngày qua đã liên tiếp thu được nhiều thắng lợi lớn trong chiến dịch quân sự nhằm vào thành trì phe nổi dậy. Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng khẳng định cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục cho đến khi giải phóng tất cả các khu vực của đất nước này.
Tổng hợp-TT