VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 25/5/2021.

       Sự phát triển thần tốc của những siêu tập đoàn toàn cầu khiến chính phủ các nước phải e ngại, mạnh tay tìm cách “kìm kẹp”; Nền kinh tế Singapore tăng tốc nhanh nhất trong hơn một năm qua; Số ca tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ vượt con số 300.000 người; Trước thềm Tokyo Olympics, Mỹ khuyến cáo người dân không đến Nhật; Bệnh nhân Covid-19 đối mặt hội chứng nấm trắng gây chết người; 115.000 nhân viên y tế đã tử vong do Covid-19…là những tin chính được cập nhật.

Trụ sở của Apple. Ảnh: Ad Age    Trụ sở của Apple. Ảnh: Ad Age

Sự phát triển thần tốc của những siêu tập đoàn toàn cầu khiến chính phủ các nước phải e ngại, mạnh tay tìm cách “kìm kẹp”
(doanhnhan.vn) 50 công ty hàng đầu thế giới tính theo giá trị vốn hóa đã tăng trưởng 4.500 tỷ USD trong năm 2020, chiếm khoảng 28% tổng GDP toàn cầu. Trong khi con số này vào 3 thập kỷ trước chỉ là dưới 5%.
Cuộc đổ bộ của các siêu tập đoàn Big Tech đến từ Trung Quốc
Vào năm 1990, không có doanh nghiệp Trung Quốc nào lọt top 50 tập đoàn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên hơn 3 thập kỷ, Trung Quốc có đến 8 đại diện trong danh sách này, trong khi con số của châu Âu sụt giảm từ 15 xuống chỉ còn 7 đại diện.
Các chuyên gia kinh tế cũng ghi nhận sự thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực kinh doanh của các siêu tập đoàn. Thay vì các công ty sản xuất và phân phối nguyên liệu hóa thạch, hiện nay các tập đoàn công nghệ mới là người dẫn đầu danh sách các tập đoàn lớn của thế giới.
Quyền lợi lớn, trách nhiệm ít
Theo Bloomberg Economics, dù có lợi nhuận cao hơn, các tập đoàn lớn nhất lại trả ít thuế hơn so với các thập kỷ trước đó. Thuế suất hiệu dụng trung bình với các tập đoàn này giảm xuống chỉ còn 17% so với mức 35% của năm 1990 thế nhưng tỷ suất lợi nhuận của họ tăng vọt từ 7% lên 18% trong cùng kỳ.
Nỗ lực kìm chế các siêu tập đoàn của chính phủ các nước
Sức ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ phủ lên mọi lĩnh vực đời sống, nhất là quyền tự do ngôn luận và dữ liệu cá nhân đang khiến chính phủ nhiều nước quan ngại.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tăng thuế doanh nghiệp và đây chỉ là một phần của kế hoạch nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng tại đây.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Joe Biden cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận thuế toàn cầu. Nước đi này được kỳ vọng sẽ khiến các tập đoàn lớn đa quốc gia gặp khó khăn trong việc chuyển lợi nhuận tới các khu vực pháp lý có thuế suất thấp để hưởng lợi.
Tương lai của các siêu tập đoàn
Các siêu tập đoàn đang ngày càng phát triển về quy mô và làm dấy lên mối lo ngại về độc quyền, tuy nhiên một phát hiện từ nghiên cứu của Bloomberg Economics cho thấy một khía cạnh tích cực khác.
Theo đó cứ đến thời điểm cuối giai đoạn ba thập kỷ gần đây, có đến gần 50% tập đoàn trong số top 50 công ty dẫn đầu bị thay thế. Con số này cho thấy vẫn có triển vọng về những “người chơi mới” gia nhập và làm cân bằng cán cân cạnh tranh. Nền kinh tế đang ngày càng trở nên năng động và không có gì đảm bảo những siêu tập đoàn dẫn đầu như Amazon hay Apple có thể mãi giữ vững vị trí này.
Nền kinh tế Singapore tăng tốc nhanh nhất trong hơn một năm qua
(baodautu.vn) Số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Singapore trong quý I/2021 đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một năm qua, nhờ sức kéo của ngành chế tạo.
Mặc dù cảnh báo về những bất ổn gia tăng từ đại dịch Covid-19 trong những tháng tới, nhưng chính phủ Singapore vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 sẽ đạt từ 4 – 6%.
Kinh tế Singapore trong quý I/2021 đạt tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, Bộ Công thương Singapore cho biết trong bản thông báo cập nhật tình hình kinh tế. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất của Singapore kể từ quý IV/2019 và tăng đáng kể so với tỷ lệ tăng trưởng được dự báo chính thức là 0,2%.
Còn nếu so với quý trước, nền kinh tế Singapore trong quý I/2021 tăng trưởng tới 3,1%, cao hơn nhiều so với ước tính trước đó của chính phủ là 2%.
Nhìn vào tình hình hoạt động của các ngành trong quý I/2021, có thể thất chế tạo là lực kéo chính cho nền kinh Singapore khi tăng trưởng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng của các cụm công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, và hóa chất tăng vọt.
Trong khi đó, ngành xây dựng Singapore lại lao dốc 22,7% so với cùng kỳ năm trước do sự sụt giảm ở cả dự án đầu tư công và dự án khu vực tư nhân. Ngoài ra, các ngành dịch vụ của Singapore ghi nhận mức giảm 0,5% so với một năm trước.
Những tuần gần đây, Singapore ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, buộc chính phủ nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trong vòng 1 tháng, kể từ ngày 15/5. Trong khi đó, kế hoạch “bong bóng du lịch” giữa Singapore và Hong Kong cũng bị hoãn lại do dịch bệnh.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ vượt con số 300.000 người
(vnmedia.vn) – Ấn Độ vừa vượt qua một mốc ảm đạm mới trong đại dịch Covid-19 khi con số tử vong vì virus corona vượt qua 300.000 người. Hiện tại, trong khi tình trạng lây nhiễm kinh khủng của Covid-19 ở các thành phố bắt đầu giảm nhẹ đi thì đại dịch này lại đang bùng phát mạnh ở các vùng nông thôn.
Con số mốc mới nói trên được ghi nhận bởi Bộ Y tế Ấn Độ và nó được công bố vào thời điểm tình trạng trì hoãn trong hoạt động chuyển giao vắc xin Covid-19 đã khiến cuộc chiến chống đại dịch ở quốc gia Nam Á thêm phần thách thức.
Như vậy, số ca tử vong vượt hơn 300.000 đã khiến Ấn Độ trở thành nước có số người tử vong vì Covid-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil. Số ca tử vong ở Ấn Độ chiếm 8,6% trong tổng số gần 3,47 triệu ca tử vong vì virus corona trên toàn thế giới. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Trước thềm Tokyo Olympics, Mỹ khuyến cáo người dân không đến Nhật
(vnmedia.vn) – Trước thềm Thế vận hội Tokyo Olympics dự kiến diễn ra vào ngày 23/7, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra khuyến cáo người dân nước này không nên đến Nhật Bản do tình trạng gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia Châu Á.
Chỉ 1,9% người dân Nhật Bản được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ tính đến ngày hôm qua (24/5). Con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác do Nhật Bản gặp khó khăn trong các vấn đề liên quan đến cung ứng vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin. Tình trạng gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm virus corona đã khiến nhiều bệnh viện ở Nhật Bản bị quá tải. Một số bệnh viện hết giường nằm và máy thở.
Cuộc khủng hoảng nói trên đã dẫn đến tình trạng khẩn cấp được tuyên bố trên khắp đất nước và áp lực đang gia tăng đòi hủy Thế Vận hội Olympic Games. Thế Vận hội này đã bị hoãn từ mùa hè năm ngoái khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Ngày hôm qua (24/5), Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi cảnh báo ở Cấp độ 4, khuyến cáo người dân không đến Nhật. Cấp độ 4 là cấp độ cao nhất từng được Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi.
Bệnh nhân Covid-19 đối mặt hội chứng nấm trắng gây chết người
(VNN) Các bác sĩ Ấn Độ cảnh báo về tình trạng nấm trắng trong phổi của bệnh nhân Covid-19 có mức độ nguy hiểm ngang nấm mốc đen.
Trong những ngày gần đây, nhiều người mắc Covid-19 vừa khỏi bệnh đã bị nhiễm chứng nấm đen ăn mòn nội tạng và tay chân.
Ngay sau đó, các chuyên gia tiếp tục cảnh báo thêm dạng nấm trắng cũng xuất hiện ở đối tượng này với những tác hại không kém.
Tiến sĩ S N Singh, Trưởng khoa Vi sinh tại Đại học Y khoa Patna ở Bihar, cho biết nấm trắng có thể gây chết người nếu đi vào phổi của những người bị suy giảm miễn dịch. Các bác sĩ ghi nhận một số trường hợp đã khỏi Covid-19 xuất hiện hội chứng nấm trắng.
Nấm trắng (candida) thường tồn tại trên da hoặc bên trong cơ thể ở các vị trí như miệng, họng, ruột và âm đạo. Khi cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch và lợi khuẩn kiểm soát nấm trắng.
Tuy nhiên, khi cơ thể suy yếu do tác động của kháng sinh hoặc môi trường, nấm sẽ phát triển mạnh và gây bệnh. Khi đó, bệnh nhân sẽ có cảm giác ngứa ngáy hoặc khó chịu ở vùng có nấm.
Các biểu hiện bệnh tùy thuộc vào vị trí có nấm. Bệnh nhân có thể bị tưa miệng với những mảng trắng trên lưỡi, vòm miệng, môi hay vùng da quanh miệng nứt nẻ.
Nấm trắng cũng dễ gây viêm thực quản, viêm âm đạo. Máu nhiễm nấm có nguy cơ để lại một loạt triệu chứng nguy hiểm như sốt, suy đa tạng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng nấm trắng như sử dụng thuốc kháng sinh quá liều, tác dụng phụ của một số loại thuốc gây suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng của ung thư, AIDS, tiểu đường, vệ sinh kém, thời tiết nóng ẩm…
*** 115.000 nhân viên y tế đã tử vong do Covid-19
  (VNN) Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 115.000 nhân viên y tế đã tử vong do Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
“Chúng tôi ước tính 115.000 nhân viên y tế đã phải đánh đổi tính mạng của mình cho việc cứu người”, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại buổi khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới của WHO ngày 24/5.
“Trong gần 18 tháng, các bác sĩ và nhân viên y tế trên toàn thế giới đã đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì nhân loại. Có nhiều người đã ngã xuống”, ông Tedros cho hay.
Cũng theo Tổng giám đốc WHO, kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra, nhân viên y tế tại nhiều nước đã rơi vào tình trạng thất vọng, bất lực khi không được bảo vệ, thiếu khả năng tiếp cận với các thiết bị bảo hộ và vắc-xin.
Ông mô tả sự bất bình đẳng về vắc-xin là vấn đề then chốt cần được khắc phục, và chính nó đang khiến dịch bệnh kéo dài thêm. Hơn 75% tổng số vắc-xin Covid-19 trên thế giới hiện mới chỉ được cung cấp cho 10 quốc gia.
Nhà lãnh đạo WHO cho rằng, số lượng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu cho đến nay sẽ đủ cung cấp cho tất cả nhân viên y tế và người cao tuổi trên thế giới, nếu chúng được phân phối một cách công bằng. Ông kêu gọi những quốc gia có trữ lượng lớn vắc-xin Covid-19 chia sẻ và hợp tác nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất và phân phối vắc-xin ra thế giới.
“Chúng tôi đang vận chuyển từng liều một trong tổng số 72 triệu liều mà chúng tôi đang có đến 125 quốc gia và vùng lãnh thổ”, ông Tedros cho biết. “Hôm nay, tôi kêu gọi các quốc gia thành viên hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ việc tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9 tới”.
Đồng thời, ông kêu gọi mở rộng phạm vi này lên 30% dân số thế giới vào cuối năm nay.
*** – Theo trang thống kê Worldometers, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới cho đến sáng 25/5 là 167.961.605, trong đó có 3.486.280 ca tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazil tiếp tục là 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ virus corona.
– Giới chức Singapore mới đây đã tạm thời phê chuẩn việc sử dụng thiết bị xét nghiệm nhanh Covid-19 qua đường thở do startup nội địa Breathonix phát triển. Công ty cho biết thiết bị xét nghiệm của mình có khả năng trả kết quả chỉ trong vòng 60 giây, với tỷ lệ chính xác lên tới hơn 90% sau các thử nghiệm lâm sàng trong nước.
– Theo thông tin từ một quan chức y tế cấp cao của Thái Lan hôm 24/5, nước này sẽ mở rộng thời gian chờ từ thời điểm tiêm liều đầu tiên đến thời điểm tiêm liều thứ hai của vắc-xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất lên thành 16 tuần, trong một nỗ lực nhằm tiêm chủng cho nhiều người trưởng thành trong nước với tốc độ nhanh hơn.
Malaysia tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục
Bộ Y tế Malaysia hôm 24/5 đã ghi nhận thêm 61 ca tử vong bởi Covid-19, mức cao kỷ lục kể từ thời điểm dịch bệnh mới bùng phát ở nước này.
Cơ quan này cũng cho biết, tất cả 61 nạn nhân đều là công dân Malaysia, tuổi từ 27 đến 98. Nhiều người trong số họ từng mắc các bệnh nền như cao huyết áp và tiểu đường. 55 người đã tử vong khi được điều trị trong bệnh viện.
Malaysia cũng đã ghi nhận 6.509 ca nhiễm mới trong ngày 24/5, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên hơn 518.600 người, trong đó có 2.309 ca tử vong. 711 bệnh nhân đang ở trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, một con số kỷ lục khác theo ghi nhận từ trang tin của CNA.
Cũng trong hôm 24/5, Bộ Y tế Malaysia tuyên bố đã phát hiện thêm 20 cụm lây nhiễm mới, trong đó có 8 cụm từ nơi làm việc, 6 cụm từ các địa điểm công cộng, và 3 cụm từ các hoạt động tôn giáo. Tổng cộng, quốc gia Đông Nam Á này đã xác định được 2.045 cụm dịch Covid-19, trong đó có 1.475 cụm đã được kiểm soát, và 570 cụm vẫn còn có nguy cơ lây nhiễm.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Y tế Malaysia, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này sẽ lên tới 9.000 ca vào đầu tháng 6 tới, nếu các biện pháp quản lý an toàn giữa mùa dịch bệnh không được người dân tuân thủ.
Trung Quốc bác tin 3 nhà nghiên cứu ở Vũ Hán nhập viện từ tháng 11/2019
Hôm 23/5, báo Wall Street Journal, dẫn một hồ sơ chưa được công bố của tình báo Mỹ, cho biết 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán từng phải nhập viện từ hồi tháng 11/2019, tức chỉ 1 tháng trước khi Trung Quốc chính thức ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Hồ sơ này còn cung cấp những chi tiết mới về “số nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng, thời gian ủ bệnh và thời điểm nhập viện”. Theo Wall Street Journal, điều này có thể làm tăng thêm sức nặng cho những lời kêu gọi về việc tiến hành một cuộc điều tra rộng hơn về khả năng virus corona bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/5, khi được phóng viên hãng tin Bloomberg đặt câu hỏi về thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời: “Thông tin mà bạn đề cập về việc 3 người tại Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh là hoàn toàn sai sự thật”.
Trích dẫn một tuyên bố từ Viện Virus học Vũ Hán, ông Triệu Lập Kiên cho biết cơ sở này không hề bị phơi nhiễm với virus corona, và không có nhân viên nghiên cứu nào nhiễm Covid-19 trước thời điểm 30/12 năm 2019.
TQ-TT