VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 24/4/2021.

        Thi thể chất chồng lò hỏa táng, bệnh viện cạn oxy: Ấn Độ thất thủ trước đại dịch Covid-19; Dịch Covid-19 diễn biến nguy cấp, hút cạn mọi nguồn lực y tế của Ấn Độ; Nhật Bản phát hiện biến thể SARS-CoV-2 có đặc tính kép; Doanh nghiệp Singapore tiếp tục để mắt tới các dự án công nghiệp tại Việt Nam; Kỹ sư người Việt được Bộ Quốc phòng Mỹ vinh danh; Hy vọng cứu thủy thủ tàu ngầm Indonesia tiêu tan; Thế giới ghi nhận gần 859.000 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong một ngày…là những tin chính được cập nhật.
Thi thể chất chồng lò hỏa táng, bệnh viện cạn oxy: Ấn Độ thất thủ trước đại dịch Covid-19
Người thân khóc thương một bệnh nhân vừa tử vong vì Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters    Người thân khóc thương một bệnh nhân vừa tử vong vì Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
VOV.VN – Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục toàn cầu về số ca mắc Covid-19 theo ngày; tang thương bao trùm khắp mọi nơi, trong khi hệ thống y tế của nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ.
“Bất lực và vô vọng”
Hiện giờ, Ấn Độ đang trở thành tâm chấn của đại dịch. Số ca mắc Covid-19 trung bình tính theo ngày đã tăng hơn 20 lần trong 2 tháng qua. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận gần 333.000 ca mắc mới, tự phá vỡ kỷ lục mà nước này ghi nhận 1 ngày trước đó với 314.835 ca mắc. Đây đều là những mức tăng cao nhất thế giới trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.
Số ca tử vong tại Ấn Độ cũng tăng hơn 17 lần trong 2 tháng qua. Theo các phương tiện truyền thông, bệnh nhân xếp hàng dài tại các bệnh viện, tình trạng thiếu máy thở và oxy trở nên nghiêm trọng hơn, thi thể người chết do Covid-19 chất chồng tại các lò hỏa táng.
Làn sóng Covid-19 thứ 2 đang tấn công Ấn Độ với mức độ kinh hoàng. Các bệnh viện đang cạn kiệt oxy, giường bệnh và thuốc kháng virus. Nhiều bệnh nhân phải quay trở về vì bệnh viện quá tải. Những tiếng còi xe cứu thương gầm rít suốt cả ngày trên các con đường vắng vẻ ở thủ đô New Dehli – một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ấn Độ. Hiện New Dehli đã ban bố lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
Chính quyền thành phố New Dehli cho biết, 6 bệnh viện ở khu vực này đã hết oxy để cung cấp cho bệnh nhân. Trong khi các bang lân cận bảo vệ chặt chẽ nguồn cung của họ bằng nhiều biện pháp, kể cả bố trí cảnh sát vũ trang tại các cơ sở sản xuất.
“Bất lực và vô vọng”, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Menon Rao đăng tải dòng Tweet cho biết. “Ấn Độ đang rơi nước mắt”.
Kiran Mazumdar Shaw, chủ tịch điều hành của công ty chăm sóc sức khỏe Biocon, viết trong một bài bình luận đăng trên tờ Economic Times rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một làn sóng thứ hai sẽ ập đến một cách kinh hoàng như vậy”.
Sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm
Các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng cho biết, thủ phạm chính khiến đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2 nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát là một loại biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Biến thể B.1.617 chứa đột biến kép E484Q và L452R, có khả năng lây lan dễ dàng hơn và giảm hiệu quả vaccine. Theo các nhà khoa học, biến thể này cũng cho thấy dấu hiệu dễ lây nhiễm hơn so với chủng ban đầu.
Ấn Độ đã quá chủ quan
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, làn sóng Covid-19 mới tại Ấn Độ sẽ không trở nên quá tồi tệ nếu nước này không nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch hoặc chậm phân phối vaccine cho người dân.
Theo CNN, giới lãnh đạo Ấn Độ đang đối mặt với sự chỉ trích gia tăng của công chúng về điều mà họ mô tả là “lơ là trong khâu chống dịch” – dù đã được giới chuyên gia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 2 nghiêm trọng trong nhiều tháng qua. Chính phủ của Thủ tướng Modi đã ban hành lệnh phong tỏa rộng rãi trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng sau đó nhanh chóng nới lỏng biện pháp này do do tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế. Trong thời gian gần đây, chính phủ đã bị chỉ trích vì cho phép tổ chức các lễ hội lớn của người Hindu cũng như các cuộc vận động tranh cử để chuẩn bị cho bầu cử địa phương.
Dịch Covid-19 diễn biến nguy cấp, hút cạn mọi nguồn lực y tế của Ấn Độ
VOV.VN – Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ đang rất nguy cấp khi số ca mắc trong ngày phá vỡ mọi mức kỷ lục trên thế giới, trong khi hệ thống y tế của nước này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Dịch bệnh đang hút cạn các nguồn lực của Ấn Độ
Dịch vụ y tế và các dịch vụ thiết yếu khác trên khắp Ấn Độ gần như sụp đổ khi làn sóng Covid-19 thứ hai tràn qua nước này với tốc độ kinh hoàng vào giữa tháng 3. Các nghĩa địa không còn chỗ trống. Bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì quá tải, còn các gia đình tuyệt vọng cầu cứu sự giúp đỡ trên mạng xã hội
Hôm 22/4, Ấn Độ đã phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới trong một ngày trên toàn cầu với 314.835 ca mắc mới. Với gần 16 triệu người mắc Covid-19, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Sự bùng nổ của làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ không chỉ gây rủi ro cho sự phục hồi kinh tế của nước này mà còn ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Ông Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dịch bệnh tại New Delhi cho biết: “Mọi thứ đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Không có oxy. Rất khó tìm giường bệnh. Không thể đi xét nghiệm. Bạn phải chờ đợi hơn một tuần lễ. Hệ thống y tế gần như sụp đổ”.
Trước đó hôm 21/4, ít nhất 22 bệnh nhân Covd-19 đang được điều trị bằng máy thở đã tử vong trong thời gian chờ đợi các nguồn cung ứng oxy, một quan chức cấp cao tại quận Nashik ở bang Maharashtra, Ấn Độ cho biết.
Trước sự thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế tại các bệnh viện trên toàn quốc, chính quyền địa phương và các tiểu bang đã kêu gọi chính phủ liên bang cung cấp thêm oxy và thuốc men. Tổng thống Modi ngày 21/4 thông báo kế hoạch cung cấp 100.000 bình oxy trên toàn quốc, xây dựng nhà máy sản xuất oxy mới và thành lập những bệnh viện dành riêng cho bệnh nhân Covid-19. Nhưng các chuyên gia lo ngại, kế hoạch này được đưa ra quá muộn và con số trên là quá ít trong bối cảnh các bệnh nhân nhiễm virus phải chống chọi từng ngày với “tử thần” và việc tiếp diễn các cuộc tụ tập đông người khiến virus lây lan nhanh và mạnh hơn.
Sai lầm của Ấn Độ và lời cảnh tỉnh với thế giới
Dù đa phần sự chú ý đều dồn vào biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Ấn Độ trong thời gian gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây bùng phát làn sóng mới dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ các hành vi xã hội, điểm yếu trong hệ thống y tế và một số sai lầm về mặt chính sách của nước này.
Giới chức Ấn Độ có lẽ đã quá chủ quan khi tin rằng những điều tồi tệ nhất đã lùi về phía sau khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu giảm vào tháng 9/2020. Số ca bệnh đã giảm trong 30 tuần liên tiếp trước khi bắt đầu tăng vào giữa tháng 2 và bùng phát dữ dội từ giữa tháng 3. Theo một số chuyên gia, Ấn Độ đã không nắm bắt cơ hội để củng cố cơ sở hạ tầng y tế và tăng cường chiến dịch tiêm chủng.
Nhật Bản phát hiện biến thể SARS-CoV-2 có đặc tính kép
SGGP Chính phủ Nhật Bản vừa xác nhận 5 ca mắc Covid-19 ở nước này nhiễm biến thể kép (virus SARS-CoV-2 có đặc tính của hai biến thể khác nhau).
Biến thể này được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và được cho là có khả năng lây nhiễm cao và ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine. Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato cho biết, chính phủ đang đề cao cảnh giác trước biến thể mới do có thể châm ngòi cho sự gia tăng số ca nhiễm mới.
Trong khi đó, theo nhật báo Yomiuri, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Nhật Bản đã nâng cảnh báo về biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Philippines lên mức cảnh báo tương đương với các biến thể được phát hiện lần đầu ở Anh, Nam Phi và Brazil.
Doanh nghiệp Singapore tiếp tục để mắt tới các dự án công nghiệp tại Việt Nam
Trong năm 2020, Singapore đã vượt lên là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Singapore khẳng định họ đang để mắt tới nhiều dự án trong lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp chế biến của Việt Nam tại sự kiện “Kết nối giao thương trong lĩnh vực đầu tư công nghiệp giữa các doanh nghiệp Singapore với các địa phương Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Invesprocen), Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Tháp tổ chức.
Buổi giao thương đã giúp hơn 100 doanh nghiệp Singapore và các địa phương Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư hơn trong thời gian tới.
Kỹ sư người Việt được Bộ Quốc phòng Mỹ vinh danh
Trần Đại Chí, sinh năm 1992, được nêu tên trên bảng vàng của Bộ Quốc phòng Mỹ vì đã đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cho Trung tâm tội phạm mạng nước này.
Trần Đại Chí là kỹ sư bảo mật của Amazon và đang ở Texas (Mỹ). Những ngày dịch Covid bùng phát tại đây, Chí phải làm việc từ xa. Mỗi sáng, công việc đầu tiên của anh là mở máy tính, họp trực tuyến với nhóm kỹ sư bảo mật. Nhưng cuộc họp buổi sáng đầu tháng 4 có thêm một phần đặc biệt, Chí được đồng nghiệp chúc mừng sau khi tên anh xuất hiện trên trang của DC3.
DC3 VDP (Vulnerability Disclosure Program) là tên Chương trình Phát hiện Lỗ hổng bảo mật, thuộc Trung tâm Tội phạm mạng (DC3) của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD). Mỗi tháng, Trung tâm này công bố một “nhà nghiên cứu của tháng” – là người có đóng góp về an toàn thông tin cho hệ thống của đơn vị. Danh hiệu này trong tháng 3 vừa qua thuộc về Chí với nickname “0xfatty”.
Cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ vinh danh Chí là “nhà nghiên cứu của tháng”. Trong thông báo trên Twitter, Trung tâm Tội phạm mạng của Mỹ nhận định hai phương thức tấn công mà Chí phát hiện và cảnh báo được xếp hạng “nghiêm trọng”. Nếu bị khai thác có thể “dẫn đến sự xâm phạm hoàn toàn vào hệ thống” của đơn vị này.
Hy vọng cứu thủy thủ tàu ngầm Indonesia tiêu tan
Hy vọng giải cứu hơn 50 người trên tàu ngầm Indonesia mất tích đã tiêu tan khi lượng oxy dự trữ của nó được cho là cạn kiệt vào sáng nay.
Khi hàng trăm quân nhân tham gia cuộc tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402, giới chức cho biết lượng oxy dự trữ của tàu chỉ đủ dùng trong 72 giờ sau khi mất điện. Thời hạn đó đã trôi qua vào rạng sáng nay mà giới chức vẫn chưa thấy tung tích con tàu và 53 thủy thủ đoàn. Trọng tâm của hoạt động giải cứu giờ sẽ chuyển sang trục vớt con tàu gặp nạn khỏi vùng biển ngoài khơi Bali.
KRI Nanggala liên lạc lần cuối với sở chỉ huy lúc 3h sáng 21/4 để xin phép lặn xuống biển, con tàu mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Đội cứu hộ Indonesia hôm 23/4 phát hiện vật thể có “từ tính cao” trôi nổi ở độ sâu 50-100 mét phía bắc Bali nhưng chưa xác định được đây có phải là con tàu hay không.
Trước đó, hải quân Indonesia nhận định tàu ngầm có thể đã chìm xuống 600-700 mét, sâu hơn nhiều so với độ sâu hoạt động tối đa của tàu. Áp suất nước biển ở độ sâu 700 m cao gấp 70 lần áp suất khí quyển ở mặt biển, trong đó mỗi mét vuông vỏ tàu sẽ phải chịu lực ép hơn 720 tấn. Các tàu ngầm thông thường khi ở độ sâu này nhiều khả năng sẽ bị biến dạng vỏ, thậm chí bị ép nát nếu thân tàu gặp sự cố.
KRI Nanggala nặng 1.395 tấn được đóng tại Đức năm 1977 và gia nhập hạm đội Indonesia năm 1981. Nó đã trải qua quá trình sửa chữa hai năm tại Hàn Quốc và hoàn tất năm 2012.
*** Thế giới ghi nhận gần 859.000 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong một ngày
  (ĐCSVN) – Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 24/4 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 146.183.332 ca, trong đó 3.097.928 ca tử vong và 124.299.327 ca đã được chữa khỏi.
     Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 858.693 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ – nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 – ghi nhận số ca nhiễm mới là 55.974 ca và số ca tử vong mới là 677, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 32.725.095 ca và 584.962 ca.
Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch. Với số ca nhiễm mới cao kỷ lục 345.147 ca trong ngày 23/4, tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ đã lên tới 16.602.456 ca, trong đó 189.549 ca tử vong Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc khiến hệ thống y tế của Ấn Độ ở nhiều bang và thành phố đang phải chịu gánh nặng lớn.Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Một số kỳ thi trung học đã phải hoãn hoặc hủy do tình hình dịch bệnh xấu đi.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 14.237.078 ca và số ca tử vong là 386.416. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 64.939 ca nhiễm mới.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (43.656.415 ca). Với 37.825.926 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 36.090.851 ca và Nam Mỹ với 24.023.670 ca. Châu Phi (4.523.778 ca) và châu Đại Dương (61.971 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ – quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Hiện Mexico ghi nhận 2.319.519 ca nhiễm, 214.095 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 2.824.652 ca nhiễm, trong đó 64.939 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm với 1.572.985 ca, trong đó 54.066 ca đã tử vong.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.626 ca, trong đó 910 ca đã tử vong.
Tại châu Âu, giới chức y tế Bỉ thông báo ghi nhận sự xuất hiện của biến thể virus tại Ấn Độ ở quốc gia này. Cụ thể, biến thể mới được phát hiện ở 20 sinh viên điều dưỡng từ Paris (Pháp) đến Bỉ hồi giữa tháng 4. Nhóm có tổng cộng 43 sinh viên đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Các chuyên gia cho rằng nhóm đã bị lây bệnh từ một bệnh nhân siêu lây nhiễm, có thể là một thành viên của nhóm hoặc từ một hành khách khác cũng có mặt trên chuyến đi từ Pháp tới Bỉ.
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Campuchia đã ghi nhận thêm 655 ca lây nhiễm mới – mức cao nhất từ trước tới nay. Trong số này, có 1 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 8.848 người, trong đó 8.301 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 61 người. Dù đã ban bố lệnh phong tỏa, song thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preah Sihanouk vẫn có số ca nhiễm mới cao nhất trên cả nước. Trước tình hình trên, Campuchia tiếp tục siết chặt lệnh phong tỏa với việc thực thi nghiêm những biện pháp hành chính tại nhiều địa phương. Liên tiếp trong 2 ngày qua, đã có 26 người bị bắt giữ vì vi phạm lệnh phong tỏa cấm đi lại giữa các tỉnh.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng, chống COVID-19 xác nhận có thêm 65 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, bao gồm 60 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo và 1 ca ở tỉnh Viêng Chăn. Đây là mức tăng trong ngày cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Lào. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, thêm nhiều tỉnh của Lào đã ra lệnh hạn chế đi lại và tạm thời cấm ra, vào tỉnh trong đó có Khammuan, Bolikhamxay, tỉnh Viêng Chăn và Xieng Khouang. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận tổng cộng 159 ca mắc COVID-19, không có ca nào tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 20 ngày đầu tháng 4, thủ đô Viêng Chăn đã có tới hơn 90 ca lây nhiễm trong cộng đồng, cho thấy tình hình COVID-19 tại Lào đang ở giai đoạn rất căng thẳng, đặc biệt là trong những ngày tới.
Trong khi đó, giới chức Thái Lan vừa đưa ra cảnh báo rằng nếu số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tiếp tục ở mức 1.500 ca/ngày thì tất cả các giường chăm sóc tích cực (IUC) ở thủ đô Bangkok sẽ kín bệnh nhân trong vòng 1 tuần và trên toàn quốc trong vòng 19 ngày. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ngày 23/4, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục, với 2.070 ca, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tính đến hiện tại là 50.183 ca, trong đó có 121 người không qua khỏi.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây gồm: Osaka, Kyoto và Hyogo. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 4 tỉnh, thành này. Quyết định trên, có hiệu lực từ ngày 25/4 tới ngày 11/5, được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhất là số ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, ở các tỉnh, thành này đã tăng mạnh trong những tuần qua, khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, trong khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng đang tới gần./.

Tổng hợp-TT