Ba mối nguy có thể khiến kinh tế Trung Quốc ‘lụn bại’; “Đừng điều thêm máy bay, bom đạn tới Vịnh Ba Tư”; Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ, ông Trump công bố “quà tặng” bất ngờ…là những tin chính được cập nhật.
Ba mối nguy có thể khiến kinh tế Trung Quốc ‘lụn bại’
Ảnh minh họa.
Tăng trưởng 6,2% trong quý 2 của Trung Quốc là thấp nhất kể từ khi các số liệu theo quý được công bố. Ước tính sơ bộ quý 3 đạt khoảng 6-6,5%, thấp nhất từ trước đến nay.
Mặc dù các thị trường chứng khoán toàn cầu đã bình ổn và đàm phán thương mại với Mỹ đã được nối lại sau hai tháng gián đoạn, kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt khó khăn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, Richard Koo – nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura – viết trong báo cáo hôm 18/9.
Một phần lớn sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đến từ khả năng cung cấp lao động rẻ hơn ở quy mô lớn so với các quốc gia công nghiệp khác.
“Bộ ba yếu tố nguy cơ làm suy giảm tăng trưởng” có thể hủy hoại lợi thế sản xuất của Trung Quốc và chuyển đầu tư nước ngoài quan trọng sang nơi khác, theo Richard Koo. Trong báo cáo, ông chỉ ra cụ thể 3 mối đe dọa chính và cách thức chúng có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc lụn bại.
Bẫy thu nhập trung bình
Khi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc làm dâng cao cơn thủy triều kinh tế cho gần 1,4 tỷ người dân nước này, các mức lương cũng tăng theo. “Bẫy thu nhập trung bình” này rất nguy hiểm cho thị trường lao động giá rẻ của Trung Quốc, khi lợi ích sản xuất rời khỏi Trung Quốc chuyển sang các nước rẻ hơn.
Dân số suy giảm
Dữ liệu nhân khẩu học cho thấy, lực lượng dân số trong độ tuổi làm việc của Trung Quốc đã giảm từ đầu thập niên 2010, và xu hướng này báo trước một sự suy giảm dân số ròng vào năm 2032, theo ông Koo.
Sự kết hợp của bẫy thu nhập trung bình với xu hướng dân số giảm là “cực hiếm” đối với một đất nước có sức mạnh kinh tế như Trung Quốc. “Chỉ hai yếu tố này đã tạo ra một thách thức lớn cho bất kỳ nước nào, nữa là Trung Quốc vốn đang hứng chịu cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ khởi xướng”, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura bình luận.
Theo ông, với chỉ 13 năm nữa là dân số chính thức suy giảm, Trung Quốc nên tập trung vào phát triển tài sản trí tuệ của riêng mình và rời xa vai trò “công xưởng của thế giới”.
Thương chiến
Tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài sang năm thứ 2. Ngoài các quyết định hoãn đánh thuế và cam kết tiếp tục đàm phán, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nhắm tới một thỏa thuận.
“Đừng điều thêm máy bay, bom đạn tới Vịnh Ba Tư”
Đây là cảnh báo của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong bài phát biểu tại một cuộc diễu binh của quân đội Iran hôm nay (22/9). Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, việc này có thể đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc chạy đua vũ trang không đáng có.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo: “Đừng đưa chiến đấu cơ, bom đạn và các vũ khí nguy hiểm khác đến đây”, Tehran sẽ: “không cho phép bất cứ quốc gia nào xâm phạm biên giới Iran”.
Cũng tại buổi diễu binh này, các quan chức Tehran đã cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng bằng cách triển khai các tàu chiến gần vùng biển Iran và gửi thêm quân tới Iraq. Trước đó một ngày, Lầu Năm Góc bật đèn xanh cho việc triển khai thêm lực lượng đến vùng Vịnh để củng cố hệ thống phòng không cho các đồng minh Trung Đông, bao gồm Ả Rập Saudi và UAE, sau khi Washington đổ lỗi cho Iran về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Ả Rập Saudi hồi cuối tuần trước. Phiến quân Yemen – Houthi đã nhận trách nhiệm về vụ việc này, trong khi Tehran phủ nhận mọi liên quan.
Tại buổi lễ diễu binh vừa kể, Tổng thống Rouhani hứa sẽ công bố một kế hoạch an ninh mới cho Vịnh Ba Tư mà các nước khác trong khu vực có thể tham gia. Kế hoạch này sẽ đảm bảo an toàn cho các tàu buôn khi đi qua Eo biển Hormuz, tuyến đường thủy nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và Ấn Độ Dương. “Iran mở rộng vòng tay tình hữu nghị với tất cả các nước láng giềng”, Tổng thống Rouhani nói, đồng thời hứa sẽ trình bày kế hoạch của ông tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, nơi ông dự kiến sẽ đến vào ngày mai, 23/9.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đây từng khẳng định Washington đang nỗ lực xây dựng một liên minh nhằm bảo vệ an ninh vùng Vịnh trong cuộc khủng hoảng với Iran.Tuy nhiên, đáp lại khẳng định trên, Tehran gọi đây là hành động giả tạo, và nhấn mạnh chỉ có các quốc gia vùng Vịnh mới có thể duy trì an ninh trong khu vực, chứ không phải các cường quốc bên ngoài.
Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ, ông Trump công bố “quà tặng” bất ngờ
Ngay sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt chân đến Mỹ để bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần, Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump đã công bố “quà tặng” bất ngờ dành cho New Delhi.
Tổng thống Trump ngày 22/9 cho biết, Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc tập trận chung có tên Tiger Triumph vào tháng 11 năm nay. Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước quy tụ cả lục quân, hải quân và không quân tham gia.
Mặc dù Mỹ và Ấn Độ trước đây từng tổ chức các cuộc tập trận song phương nhưng cho đến thời điểm hiện tại, New Delhi mới tham gia cuộc diễn tập quy tụ cả 3 nhánh thuộc quân đội với mình Nga.
Theo Sputnik, trong chuyến công du Mỹ lần này, lãnh đạo chính phủ Ấn Độ đã thảo luận hàng loạt vấn đề với các quan chức thuộc chính quyền ông Trump. Chương trình nghị sự giữa họ dự kiến có cả vấn đề về thương mại, sự leo thang căng thẳng ở khu vực Kashmir, mối quan hệ với Pakistan và sự hợp tác kinh tế Mỹ – Ấn.
Trước khi hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Modi, ông Trump đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Pakistan Imran Khan để bàn về tình hình ở Kashmir, khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa New Delhi và Islamabad.
Ông Khan thậm chí đã khẩn nài lãnh đạo Nhà Trắng đứng ra làm trung gian hòa giải tranh chấp. Song, đề nghị này đã vấp phải các phản ứng trái chiều ở cả Pakistan và Ấn Độ. Ban đầu, ông Trump ủng hộ ý tưởng nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm và cho rằng hai nước có thể tự giải quyết vấn đề này.
*** Mỹ đem “sứ giả chiến tranh” đến Trung Đông, Iran nổi giận
Mỹ đưa tàu khu trục USS Nitze mang hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk đến bờ biển phía Đông Bắc Arab Saudi nhằm “vá lỗ hổng” phòng thủ sau vụ nhà máy dầu bị tấn công, khiến Iran nổi giận.
Sau vụ phá hoại nhà máy dầu, Houthi muốn thôi tấn công Arab Saudi
Liên hợp quốc (LHQ) xác nhận việc phiến quân Houthi đã đề nghị dừng tấn công Arab Saudi bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo, cho đây là bước đi quan trọng hướng đến hoà bình.
Phòng không Syria bắn hạ UAV vũ trang hiện đại gần Israel
Lực lượng phòng không Syria bắn rơi máy bay không người lái (UAV) mang bom tại tỉnh miền Nam Quneitra, giáp biên giới Israel.
Ngày Quốc tế Hòa bình 2019: Hành động vì khí hậu, hành động vì hòa bình!
Hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả cần nỗ lực hướng tới của mọi dân tộc, mọi quốc gia. Gần 40 năm kể từ khi được Liên Hợp Quốc (LHQ) khởi xướng năm 1981, ngày Quốc tế Hòa bình 21-9 giờ đây đã gắn với một thông điệp mới: Hòa bình chính là hành động vì khí hậu.
Xe buýt gặp nạn tại Mỹ, 30 du khách Trung Quốc thương vong
Một chiếc xe buýt chở khách du lịch Trung Quốc hôm 20-9 (giờ địa phương) đã bất ngờ gặp tai nạn khi đang di chuyển ở bang Utah, Mỹ làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 26 người bị thương.
Mỹ điều thêm quân tăng cường phòng thủ cho Saudi Arabia
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 20-9 (giờ địa phương) đã phê duyệt kế hoạch điều động thêm binh sĩ tới Saudi Arabia nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ cho quốc gia này sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu hồi tuần trước.
Nga hối thúc các nước vùng Vịnh đàm phán hạ nhiệt nguy cơ chiến tranh
Nga hối thúc các nước vùng Vịnh khởi động các cuộc đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng, trong bối cảnh nguy cơ xung đột vũ trang bùng phát sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Arab Saudi.
Thượng viện Mỹ phân tích hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông
Rạng sáng 19-9 (theo giờ Hà Nội), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về chính sách của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới sự chủ trì của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa James Risch và Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menedez. Người điều trần là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell.
Tổng hợp-TT