VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Trang chủ Tin trong nước

Cạnh tranh bằng sức mạnh văn hóa và trí tuệ Việt Nam

“Chúng ta có muốn con mình, vợ mình, em mình làm việc 9-10 giờ/ngày quanh năm không? Hoặc làm 10-12 giờ/ngày trong 6 tháng không? Có ai đưa người thân mình vào những chỗ làm việc như vậy không? Đây là câu hỏi cần trả lời khi thảo luận và biểu quyết thông qua phương án tăng giờ làm thêm”.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ với PV Báo SGGP về đề xuất tăng giờ làm thêm, theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đang được các ĐBQH tranh luận.
Cạnh tranh bằng sức mạnh văn hóa và trí tuệ Việt Nam ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM
Hãy hỏi công nhân muốn làm bao nhiêu giờ

– PHÓNG VIÊN: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Song, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm, trong đó có phương án nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ như hiện hành lên 400 giờ/năm. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

>> ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THIỆN NHÂN: Nói về số giờ làm, thống kê cho thấy, 38 nước công nghiệp phát triển (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD) tiếp tục giảm giờ làm xuống dưới 40 giờ/tuần. Thực tế, nhiều nước dù thiếu lao động thì họ vẫn giảm giờ làm. Họ đi vào con đường đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ người lao động (NLĐ). Trong 38 nước OECD, nước có thời gian làm việc thấp nhất là 26 giờ (Đức) và 2 nước cao nhất là Mexico (48 giờ) và Hàn Quốc (43 giờ). Thống kê 19 nước ở châu Á cho thấy, nước làm việc dài nhất là Nepal, đến 53,6 giờ nhưng thu nhập đầu người (GDP/người) rất thấp, chỉ gần 850 USD. Trong 6 nước khác làm việc từ 45-48 giờ có đến 3 nước thu nhập dưới 2.000 USD là Myanmar, Pakistan và Bangladesh. Trong số các nước có giờ làm việc từ 40-44 giờ/tuần có Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Indonesia. Việt Nam làm việc từ 44-48 giờ (theo quy định của pháp luật, chưa tính làm thêm giờ) và có thu nhập đầu người 2.680 USD. Bốn quốc gia làm việc dưới 40 giờ có các nước Australia, New Zealand, Nhật Bản với thu nhập đầu người hơn 38.000 USD và Afghanistan với thu nhập dưới 600 USD.

Như vậy, để bàn về giờ làm việc của Việt Nam nhiều hay ít thì chúng ta thấy, thế giới có 3 mốc: 40 giờ (5 ngày làm việc mỗi tuần), 44 giờ (5,5 ngày làm việc mỗi tuần) và 48 giờ (6 ngày làm việc mỗi tuần). Trường hợp chúng ta bổ sung 300-400 giờ làm thêm thì số giờ của Việt Nam sẽ từ 54-56 giờ và sẽ đứng đầu thế giới về số giờ làm việc thực tế. Một số ĐBQH đã chính xác khi nói, Việt Nam làm việc 48 giờ đã thuộc tốp cao nhất của thế giới. Bây giờ mà cộng thêm giờ làm thêm thì càng cao nữa (không so với châu Phi vì chưa có thống kê).

Về giờ làm thêm, mỗi năm có 52 tuần, nếu làm thêm 300 giờ/năm thì trừ ngày lễ, nghỉ, sẽ còn 50 tuần làm việc đầy đủ. Như vậy, mỗi tuần làm thêm 6 giờ, nếu làm 6 ngày thì mỗi ngày làm việc 9 giờ, mỗi tuần 54 giờ, làm quanh năm không hề có tính mùa vụ. Còn nếu làm thêm 400 giờ/năm mà làm đều 50 tuần, thì mỗi tuần làm thêm 8 giờ. Như vậy, số giờ làm việc sẽ là 56 giờ/tuần, cao nhất thế giới. Dù 54 giờ/tuần hay 56 giờ/tuần đều là khủng khiếp, bởi như đã nói, cao nhất là Nepal (GDP/người chỉ 850 USD) thì cũng chỉ 53,6 giờ/ tuần.

Phương án không làm thêm 300 giờ cả năm mà làm trong 6 tháng thì số giờ làm thêm mỗi tuần là 12 giờ, số giờ làm việc một tuần là 60 giờ. Con số này còn khủng khiếp hơn nữa và cũng phải làm 6 tháng liên tục trong năm thì mới hết quỹ 300 giờ làm thêm đó. Đó là chưa tính, nếu 300 giờ đó làm cao điểm trong 3 tháng của 1 năm thì sẽ là 72 giờ/tuần, mỗi ngày làm 12 tiếng. Vì vậy, chúng ta hãy sống cùng công nhân, hãy hỏi họ muốn làm bao nhiêu giờ một ngày, một tuần, một năm. Chúng ta sẽ biết họ nghĩ gì và chỉ cần làm thêm 300 giờ/năm, trong khi mỗi tuần bình thường đều làm việc 48 giờ, thì cuộc sống của họ, gia đình của họ, tương lai của họ như thế nào?

Nếu 400 giờ làm thêm làm trong 6 tháng thì một tuần sẽ làm 64 giờ. Trong tuần phải có 4 ngày làm 10 giờ và 2 ngày làm 12 giờ thì mới hết 400 giờ đó. Nếu làm như vậy thì là sự đày đọa con người. Chúng ta có muốn con mình, vợ mình, em mình làm việc 9-10 giờ/ngày quanh năm hoặc làm 10-12 giờ/ngày trong 6 tháng không? Chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi này trước khi thảo luận về làm thêm giờ.

– Tại diễn đàn Quốc hội, đồng chí khẳng định, nếu làm việc 9-10 giờ/ngày quanh năm thì không thể có hạnh phúc. Vì sao đồng chí có nhận xét này?

Từ năm 2006, khi tôi làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có 2 người phụ nữ Mỹ (1 trong 2 người gốc châu Á) nhất định muốn gặp tôi chỉ để nói 2 điều thì họ mới yên lòng trước khi rời Việt Nam. Họ nói với tôi: đất nước Việt Nam có truyền thống văn hóa, đặc biệt là truyền thống gia đình, Việt Nam phải giữ lấy, đừng phá hỏng. Họ nói, nước của tôi (người Mỹ có gốc nước châu Á) đã phá gần xong truyền thống gia đình rồi. Các bạn không thể để việc đó xảy ra. Điều thứ 2 họ nói với tôi là: Việt Nam có cơ hội để có nền đại học tốt nhất thế giới. Các đại học giỏi trên thế giới chỉ dạy người ta học để ra trường có việc làm với thu nhập cao. Còn Việt Nam có thể có nền giáo dục đại học mà khi ra trường không những chỉ biết kiếm tiền mà còn biết làm cho mình và người khác hạnh phúc. Đây là 2 lời khuyên có giá trị nhất đối với tôi khi vừa nhận chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

12 năm sau, thế giới đã chứng kiến trường hợp một thanh niên cưới người máy làm vợ hay đám cưới chỉ có một người là cô dâu, cưới chính mình. Đối với tôi, đó là dấu hiệu đau khổ. Họ chỉ nhìn thấy cuộc sống của cá nhân, không hình dung được, không cảm nhận được hạnh phúc gia đình. Có quốc gia thu nhập đầu người vào loại cao nhất thế giới, nhưng 40% người đến độ tuổi lập gia đình không có nhu cầu lấy vợ lấy chồng hoặc không có nhu cầu sinh con, dẫn đến nguy cơ quốc gia ngày càng teo tóp lại về dân số. Một quốc gia mà không tái tạo được con người thì làm sao tái tạo được văn hóa dân tộc, làm sao có tương lai. Một con người khi khó khăn, họ phải có gia đình, họ hàng để dựa vào. Cho nên một quốc gia mà con người không tìm thấy hạnh phúc gia đình thì đó là dấu hiệu khủng hoảng về gia đình, về văn hóa, khủng hoảng xã hội.

“Nếu trong một đất nước mà mục tiêu hàng đầu của mỗi người là nâng cao thu nhập, làm việc đến gần như kiệt sức, không còn thời gian để chăm sóc sức khỏe cho mình, không có thời gian để tìm kiếm bạn đời, để xây dựng gia đình; có gia đình thì không có thời gian để chăm sóc vợ chồng, con cái, không biết niềm hạnh phúc của một gia đình thì sau 1 đến 2 thế hệ, thu nhập sẽ là rất cao, có thể là thần kỳ về kinh tế, nhưng là một xã hội tiến tới không gia đình: 1/4, 1/3 rồi 1/2 và hơn một nửa số người ở độ tuổi lấy vợ, lấy chồng không còn nhu cầu lập gia đình, hoặc có lập gia đình thì không muốn có con hoặc chỉ có 1 con, xã hội đó sẽ ngày càng teo tóp về dân số. Một xã hội mà gia đình không còn là tế bào của xã hội thì làm sao giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo quan niệm của người Việt Nam, một xã hội đặt thu nhập lên trên nhu cầu có một cuộc sống gia đình và cộng đồng mạnh mẽ, sẽ làm cho người Việt Nam không hạnh phúc”
Nếu chúng ta lấy những quốc gia chỉ nhấn mạnh đến công việc, làm thêm giờ, không chăm lo hạnh phúc gia đình, không muốn sinh con làm hình mẫu thì chúng ta sẽ đẩy đất nước đi vào con đường suy vong. Đã có những tính toán của một đất nước Đông Á, nếu nước họ không tăng được tỷ suất sinh gần với tỷ suất sinh thay thế (1 phụ nữ sinh bình quân 2,1 con) mà vẫn ở mức 1-1,2 con trên một phụ nữ thì sau 200-300 năm, đất nước đó sẽ không tồn tại trên thế giới vì bị tuyệt chủng.
Một quốc gia có năng suất lao động có thể cao bậc nhất thế giới, trình độ khoa học và công nghệ có thể thuộc tốp cao nhất thế giới, nhưng đất nước đó không hẳn sẽ phát triển bền vững và có tương lai lâu dài vì không tái tạo được chính con người của mình và có lẽ người dân không cảm thấy hạnh phúc. Một đất nước phát triển bền vững có lẽ phải phát triển bền vững 4 yếu tố: 1. Môi trường tự nhiên, 2. Hoạt động kinh tế; 3. Văn hóa dân tộc; 4. Con người là công dân của nước đó.

TPHCM đang có thu nhập đầu người cao nhất nước nhưng tỷ lệ sinh là thấp nhất nước. Đó là dấu hiệu cho thấy có sự bất cập, bất ổn trong cuộc sống gia đình của người dân thành phố. Do vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng tới đây của TPHCM, chúng tôi sẽ có một chương trình hành động về xây dựng gia đình hạnh phúc. Tất nhiên, ngoài vấn đề thời gian lao động còn những vấn đề bức xúc khác của TPHCM như nhà ở, trường học, y tế, giao thông, môi trường.

Không tăng giờ làm, nhà đầu tư sẽ rời Việt Nam: Không có cơ sở

– Nhưng thưa đồng chí, một số ý kiến lo ngại các nhà đầu tư rời Việt Nam nếu không cho làm thêm 400 giờ/năm?

Nếu họ rời Việt Nam thì sẽ đến quốc gia nào? Nếu làm thêm 400 giờ/năm tức là mỗi tuần làm 56 giờ, làm quanh năm. Vậy có quốc gia nào trên thế giới mà mỗi NLĐ làm việc với số giờ đó không? Nhà đầu tư bỏ Việt Nam vì không cho làm 56 giờ/tuần để sang nước khác, trong khi không có quốc gia nào cho làm đến 54 giờ/tuần? Tôi cho rằng việc đưa ra lập luận sợ các nhà đầu tư bỏ Việt Nam đi nếu không cho làm thêm 400 giờ/năm là không có cơ sở. Hãy thử hỏi các nhà đầu tư, họ sẽ đi đến nước nào để có thể buộc NLĐ làm việc 56 giờ/tuần quanh năm? Đó là chưa kể, môi trường đầu tư không phải chỉ có thời gian làm việc dài mà cần nhiều yếu tố quan trọng khác, đặc biệt là ổn định chính trị. Các nhà đầu tư thế giới đến Việt Nam vì chúng ta ổn định chính trị, vì Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, vì người Việt cần cù, sáng tạo, vì chất lượng lao động ngày càng nâng cao. Sau đó mới đến vấn đề chi phí lao động, thời gian lao động.

Về chi phí lao động có lo ngại khi tăng lương thì nhà đầu tư cũng bỏ đi. Nhưng chúng ta tăng lương có mức độ, có lộ trình và phù hợp với quy luật kinh tế thì nhà đầu tư cũng không bỏ đi. Hiện nay, chi phí cho ngành công nghiệp chế tạo ở Trung Quốc là 4 USD/giờ, Hàn Quốc 22 USD/giờ, Nhật Bản 28 USD/giờ, Đức 45 USD/giờ, Ấn Độ 1,8 USD/giờ; Việt Nam 1,7 USD/giờ…

Cạnh tranh bằng sức mạnh văn hóa và trí tuệ Việt Nam ảnh 2 Hãy hỏi công nhân muốn làm bao nhiêu giờ. Ảnh: MỸ HẠNH
Nếu chúng ta tăng lương lên một chút thì nhà đầu tư đi đâu để có chi phí lao động thấp hơn đáng kể? Xu hướng là thu nhập phải tăng khi GDP đầu người tăng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chi phí lao động 1 giờ nằm trong khoảng 0,04-0,08% x GDP đầu người/năm, đó là công thức kinh nghiệm. Biết GDP đầu người/năm là biết lương nằm trong mức nào. Vì thế GDP đầu người/năm tăng thì đương nhiên lương phải tăng, miễn là trong khoảng tính của công thức này thì sẽ không tạo ra bất lợi. Ngoài ra, các nước có GDP cao hơn Việt Nam thì mức lương cũng cao hơn, vì thế họ đi khỏi Việt Nam thì đi đâu, khi mà chi phí lao động các nước đều tương đương hoặc cao hơn. Vì thế, chúng ta vẫn có sức cạnh tranh, không sợ nhà đầu tư bỏ đi vì tăng lương.

Chúng ta luôn chịu áp lực như Trung Quốc đã gặp, khi GDP của họ tăng lên thì lương phải tăng và khi đó, một số nhà đầu tư đã rời Trung Quốc sang Thái Lan, Indonesia, Việt Nam. Hiện nay, GDP đầu người Việt Nam đang tăng lên thì lương cũng phải tăng lên. Việt Nam phải cạnh tranh bằng thứ khác nữa, chúng ta không thể “dìm” mức lương như cũ. Nhưng cũng có thể, vài năm nữa, các nhà đầu tư đó lại rời bỏ Việt Nam để tìm sang châu Phi, bởi ở đó chi phí lao động rẻ hơn. Đó là điều chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta phải đi lên bằng công nghệ mới và chất lượng nhân lực, không thể dựa mãi vào nhân công giá rẻ. Việt Nam phải chấp nhận không cạnh tranh bằng giá lao động thấp với các nước nghèo hơn mình. Chúng ta cạnh tranh bằng văn hóa, sáng tạo và trí tuệ của người Việt Nam. Chúng ta đã rất nghèo, nhưng vẫn thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Giờ đây cơ đồ của đất nước đã khác hẳn. Nhất định chúng ta sẽ cạnh tranh thắng lợi trong kinh tế.

Rất nhiều người nước ngoài nhận xét người Việt Nam lạc quan, yêu đời mặc dù GDP/người của ta còn thấp, chưa đến 3.000 USD, trong khi bình quân của thế giới là 11.300 USD. Đó chính là do văn hóa của người Việt Nam, quan niệm hạnh phúc của người Việt Nam.
Nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, PGS Lê Ngọc Văn (năm 2018) đã làm sáng tỏ về định tính và định lượng: Người Việt Nam quan niệm hạnh phúc như thế nào. Về vật chất, 3 nhu cầu quan trọng nhất là có thu nhập ổn định (75,6% ý kiến); có nhà riêng (69,5%); có việc làm đầy đủ (68%). Về mặt xã hội, 3 nhu cầu quan trọng nhất là: 95,4% mong có gia đình hòa thuận; 73,4% mong muốn con, cháu ngoan tiến bộ và 60% mong muốn có quan hệ họ hàng tốt. Như vậy, trong 6 yếu tố (3 vật chất, 3 tinh thần) quan trọng nhất về hạnh phúc mà người Việt Nam quan tâm thì đứng đầu là gia đình hòa thuận. Thực tế, với người Việt Nam, gia đình là chỗ dựa vững chắc, điều đó đã được chứng minh qua lịch sử mấy ngàn năm. Khi đất nước khó khăn, làng xã là trụ cột; khi cả đất nước, làng xã khó khăn thì gia đình chính là trụ cột. Đó là một lý do vì sao đất nước Việt Nam tồn tại và phát triển trong hơn mấy ngàn năm qua. Yêu nước thì phải làm đất nước phát triển bền vững, không được phá nát gia đình, như hai người bạn Mỹ đã cảnh báo với tôi vào năm 2006. Những chính sách có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình Việt Nam chính là phá hoại tương lai, tiền đồ của đất nước.
– Vậy, với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đồng chí có đề xuất gì?

Từ những phân tích trên, tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo cần cung cấp đầy đủ số liệu thống kê về các vấn đề lao động, việc làm, giờ làm, chi phí nhân công của các nước trên thế giới và trong khu vực để ĐBQH có thể thảo luận sâu. Sau thảo luận, cũng cần tham khảo ý kiến ĐBQH. Nếu xu hướng đồng thuận cao hơn hẳn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại và đặc điểm văn hóa thì có thể thông qua dự thảo luật ngay trong kỳ họp này. Còn nếu không thì nên lùi lại, vì đây là vấn đề hệ trọng của đất nước.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, giờ làm việc 48 giờ/tuần của Việt Nam hiện đã vào tốp cao nhất thế giới. Hầu hết các quốc gia đã giảm xuống 44 giờ và 40 giờ/tuần. Các nước phát triển giảm xuống dưới 40 giờ. Việt Nam cũng nên có lộ trình giảm xuống 44 giờ, sau đó là 40 giờ. Giảm giờ làm đương nhiên phải có lộ trình để hài hòa lợi ích giữa các bên. Cũng cần lưu ý, các nước không có 2 loại giờ làm như Việt Nam: một giờ làm cho cán bộ công nhân viên khu vực nhà nước (40 giờ/tuần) và một giờ làm cho lao động khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần), dù đây là vấn đề lịch sử nhưng cũng cần giải quyết.

Với giờ làm thêm, nếu để thuận cho cả các bên, tôi đề xuất chọn phương án không quá 300 giờ/năm, nhưng phải có quy định: trong một tuần, không quá bao nhiêu giờ làm thêm liên tục. NLĐ có thể làm thêm với cường độ rất cao trong tuần nhưng không nên liên tục. Các chuyên gia y tế và lao động phải bàn, xác định trong một tuần làm việc không quá bao nhiêu giờ để bảo đảm sức khỏe của NLĐ. Mặt khác, làm thêm phải có chế độ phù hợp. Các nước đều quy định rất rõ. Ví dụ, Trung Quốc quy định giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ/tuần, làm thêm trong ngày làm việc thì mức lương trả không dưới 1,5 lần; làm thêm vào cuối tuần thì không dưới 2 lần; làm thêm vào ngày nghỉ thì không dưới 3 lần. Chúng ta cũng nên quy định rõ mức lương làm thêm giờ.

Giờ làm việc là một chỉ số của thành tựu phát triển kinh tế, là một minh chứng cho giá trị văn hóa Việt Nam, là một đặc điểm quan trọng của chế độ chính trị nhà nước XHCN. Khi bàn về giờ làm việc, phải hiểu xu hướng phát triển của nhân loại.

– Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn SGGP-TT