VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Kết thúc Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC; Indonesia-Australia hàn gắn quan hệ ngoại giao; Bê bối chính trị Hàn Quốc leo thang; Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ;… là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Các quan chức cao cấp APEC dự SOM 1 và các hội nghị liên quan từ ngày 18/2 đến 3/3/2017

Kết thúc Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các hội nghị liên quan

Sau hai tuần làm việc, ngày 3/3, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các hội nghị liên quan đã hoàn thành chương trình nghị sự và kết thúc thành công. Tại cuộc họp báo ngay sau phiên bế mạc Hội nghị, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: ”SOM 1 đã kết thúc thành công với nhiều kết quả rất tích cực, đặt ra định hướng hợp tác của khu vực trong cả năm 2017”.

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với 60 cuộc họp, hội thảo, đối thoại với sự tham dự của 1.938 đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế, khu vực, cũng như nhiều học giả, doanh nghiệp và báo chí, Hội nghị đã đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thể hiện trên toàn bộ các mặt nội dung, vật chất hậu cần, an ninh y tế và các khâu tổ chức.

Về nội dung, thành quả lớn nhất là Hội nghị đã thể hiện đồng thuận về tinh thần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại và tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo.

Hội nghị SOM 1 và các hội nghị liên quan đã thể hiện sự đồng thuận cao đối với 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC Việt Nam 2017, là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất và được các nền kinh tế ủng hộ, thống nhất bốn định hướng lớn:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai những định hướng hợp tác lớn, dài hạn của APEC, đặc biệt là các bước cụ thể để đạt được các mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2020 trong khu vực.

Thứ hai, nhất trí hình thành cơ chế để tiến hành thảo luận về tầm nhìn APEC sau 2020.  Việt Nam với vai trò chủ nhà, dự kiến sẽ tổ chức đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tầm nhìn sau 2020, và đạt nhất trí với các thành viên về thành phần của cơ chế không chỉ là chính phủ, mà toàn bộ các bên liên quan, như các học giả, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và xã hội.

Thứ ba, Việt Nam đã cùng với các thành viên tái định hướng hợp tác của APEC không chỉ tập trung vào tự do hoá thương mại và đầu tư, mà quan trọng nữa là bảo đảm tính bao trùm của thương mại và tăng trưởng.

Bao trùm là nội hàm nhiều cơ chế hợp tác APEC hiện đang thúc đẩy. Trong năm 2017, Việt Nam sẽ xâu chuỗi, hài hoà các sáng kiến ở từng uỷ ban, nhóm công tác, đưa bao trùm thành nội dung xuyên suốt của hợp tác APEC, cả về kinh tế, xã hội và tài chính. Tính chất bao trùm trên các lĩnh vực hợp tác về kinh tế, xã hội và tài chính nhằm bảo đảm các thành quả của tăng trưởng được phân bổ đồng đều cho các thành phần trong xã hội.

Thứ tư, APEC cần tiếp tục là cơ chế đi đầu về hợp tác, giải quyết các nhu cầu thiết thực của người dân. Trong số này có thể kể đến việc phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử xuyên biên giới, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thành thị-nông thôn để củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng… Đồng thời, APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, đóng góp thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, như hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, từng bước hiện thực hoá Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), kết nối, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Tại hội nghị này, 7 bộ, ngành của Việt Nam cũng chủ trì, đồng chủ trì các cơ chế APEC. Dưới sự chủ trì của Việt Nam , các cơ chế APEC đều khởi động tốt hoạt động đầu tiên, thống nhất được kế hoạch công tác cho cả năm 2017. Các bộ, ngành cũng phối hợp chặt chẽ, thể hiện tinh thần “khởi xướng, chủ động tham gia xây dựng, định hình” hợp tác APEC, với nhiều sáng kiến thiết thực.

Ở các ủy ban, nhóm công tác Việt Nam cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến mới, góp phần triển khai các ưu tiên của APEC 2017. Có thể kể đến các sáng kiến về hợp tác phát triển nguồn nhân lực và việc làm tương lai trong kỷ nguyên số; định hướng chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tổ chức đối thoại về chống tham nhũng và gian lận thương mại…

Indonesia-Australia hàn gắn quan hệ ngoại giao

Ngày 26 và 27/2/2017, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Australia kể từ khi ông nhậm chức (tháng 10/2014). Chuyến thăm được coi là cơ hội giúp khôi phục mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa hai quốc gia láng giềng này.

Điểm nổi bật của chuyến thăm này là việc Tổng thống Widodo và Thủ tướng Turnbull đã nhất trí khôi phục toàn bộ hoạt động hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ mở tòa lãnh sự Australia tại thành phố Surabaya của Indonesia, trong khi nhiều trung tâm đào tạo ngôn ngữ Indonesia sẽ hoạt động tại các thành phố Sydney, Brisbane và Darwin của Australia. Hai nước cũng cam kết sẽ hoàn tất thỏa thuận tự do thương mại song phương trong năm nay.

Là hai nền kinh tế lớn hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, song trong những năm qua, mối quan hệ song phương đã chứng kiến không ít căng thẳng như tranh cãi về chính sách của Australia gửi trả thuyền chở người nhập cư, Indonesia tử hình hai công dân Australia bị kết tội buôn bán ma túy, hay bê bối nghe lén cựu Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono của tình báo Australia.

Tuy nhiên, tin vào những lợi ích kinh tế đôi bên cùng có lợi, lãnh đạo hai nước đã có những động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ. Chuyến thăm lần này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Australia và Indonesia sau một thời gian sóng gió.

Bê bối chính trị Hàn Quốc leo thang

Ngày 27/2/2017, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã bác bỏ đề nghị của nhóm công tố viên đặc biệt về việc kéo dài cuộc điều tra vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil. Quyết định này của ông đã khiến căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng.

Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày trước khi thời hạn điều tra vụ bê bối kéo dài 70 ngày kết thúc. Trước đó, bà Park đã bị Quốc hội luận tội vào ngày 9/12/2016 và bị đình chỉ chức vụ trong quá trình chờ Tòa án Hiến pháp quyết định có chấp thuận luận tội của Quốc hội hay không.

Ngay sau khi Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn không chấp nhận gia hạn cuộc điều tra, các đảng đối lập đã quyết định đề nghị Chủ tịch Quốc hội Chung Xi Cưn trực tiếp tổ chức cuộc bỏ phiếu về một dự luật cho phép kéo dài thời hạn điều tra vụ bê bối liên quan đến Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun đã kêu gọi người dân chấp nhận phán quyết mà Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra về việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye và tập trung xây dựng một đất nước Đại Hàn Dân quốc mới. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi mọi người bình tĩnh và đoàn kết trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc bị chia rẽ mạnh mẽ trước khi Tòa án Hiến pháp công bố phán quyết về việc Quốc hội đề xuất luận tội bà Park Geun-hye vào ngày 13/3 tới.

Căng thẳng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo

Ngày 27/2/2017, mâu thuẫn đã phát sinh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích cách tiếp cận “thành kiến, theo tiêu chuẩn kép” và “vô trách nhiệm” của Áo đối với một chiến dịch tuyên truyền do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự định tiến hành tại Áo, nhằm vận động người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ dự luật sửa đổi Hiến pháp trước thềm cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16-4-2017 tới đây. Dự luật sửa đổi Hiến pháp được cho là nhằm trao thêm nhiều quyền cho Tổng thống Erdogan.

Ðộng thái chỉ trích này của phía Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz cho rằng, Tổng thống Erdogan “không thể tự ý” tổ chức các chiến dịch vận động trên, đồng thời nhận định việc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động này sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Áo, cũng như cản trở việc hòa nhập của cộng đồng 360.000 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Áo. Do vậy, chính quyền Vienna chắc chắn phản đối kế hoạch này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Huseyin Muftuoglu thì nhấn mạnh, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận những bình luận thiếu trách nhiệm, vượt thẩm quyền và những quan điểm sai lệch từ phía Áo. Theo ông Muftuoglu, những bình luận của Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz mới là một ví dụ về cách tiếp cận “thành kiến và theo tiêu chuẩn kép”.

Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ

Ngày 1/3/2017 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức trước lưỡng viện Quốc hội và các thành viên chính phủ, trong đó gửi gắm một thông điệp về đoàn kết và sức mạnh. Nội dung bài phát biểu quan trọng này đề cập đến nhiều vấn đề trong chương trình hành động mà người đứng đầu nước Mỹ cam kết sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, như chính sách nhập cư, y tế, an ninh, chống khủng bố…

Theo thăm dò dư luận, bài phát biểu của tổng thống Trump đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng nước này. Theo CNN/ORC, có 69% số người theo dõi bài phát biểu của ông Trump tin rằng các chính sách mà tổng thống Trump liệt kê sẽ đưa nước Mỹ phát triển đúng hướng. 70% ủng hộ các biện pháp chống khủng bố của ông. 64% lạc quan về chính sách thuế. 62% đồng tình với chính sách nhập cư. 61% chấp nhận chính sách y tế mà tổng thống Mỹ dự định theo đuổi.

Nhìn chung dư luận đánh giá cao bài phát biểu của ông Trump và cho rằng ông đã dịu giọng hơn và không còn thể hiện thái độ “hiếu chiến” như trước.

Trước đó, ngày 27/2/2017, ông Donald Trump trở thành tâm điểm chú ý cả trong và ngoài nước Mỹ khi tuyên bố sẽ tăng cường một khoản ngân sách khổng lồ để thực hiện chiến dịch củng cố sức mạnh quân sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Theo ông, khoản tăng ngân sách quốc phòng này là một trong những bước đi hiện thực hóa cam kết của ông về đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.

Gia tăng căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ

Căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ leo lên một nấc thang mới khi thị trấn Frechen quyết định hủy một cuộc mít-tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Gaggenau và Cologne có động thái tương tự.

Cuộc mít-tinh này dự kiến diễn ra ở Golden Palast vào ngày 5/3, đã bị hủy với lý do bên cho thuê địa điểm không đồng ý cho tổ chức một sự kiện mang tính chính trị. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci sẽ có bài phát biểu tại cuộc mít-tinh này.

Frechen là một thị trấn nhỏ nằm gần Cologne, thuộc bang Nordrhein-Westfalen. Trước đó, thành phố Cologne cũng đã hủy một cuộc mít-tinh tương tự, dự kiến cũng có ông Zeybekci phát biểu, với lý do không đảm bảo an ninh.

Nơi đầu tiên ở Đức hủy các cuộc mít-tinh của người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ là Gaggenau, một thành phố nhỏ ở bang Baden-Württemberg, vì lý do khán phòng quá nhỏ, không đảm bảo không gian. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag có kế hoạch phát biểu tại cuộc mít-tinh này. Vì vụ việc này, ông Bozdag đã hủy luôn cuộc gặp với Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas và quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít-tinh lớn ở Đức trong cộng đồng người gốc Thổ với tham vọng tìm kiếm sự ủng hộ đối với việc cải cách hiến pháp vào tháng 4 tới, qua đó gia tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Quan hệ song phương giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng hết sức căng thẳng, khiến ngoại trưởng hai nước phải thông qua một cuộc điện đàm hôm 3/3 để lên kế hoạch gặp nhau vào ngày 8/3 tới tại Berlin để bàn thảo về tình hình hiện nay.

 Trước đó hôm 27/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ phóng viên nổi tiếng Deniz Yucel làm việc cho tờ Die Welt (Thế giới) của Đức. Phản ứng về vụ việc, chính quyền Berlin tuyên bố vụ bắt giữ phóng viên người Đức đang điều tra vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ đã gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hai nước.

Nga cáo buộc Phương Tây can thiệp vào tình hình Macedonia

Ngày 3/3, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nhấn mạnh sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ Cộng hòa Macedonia ngày càng có những hình thức “không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ ngày 11/12/2016 trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, đảng cầm quyền đã nhận được đa số phiếu cử tri trong khi phe đối lập được Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ công khai ủng hộ đã thất bại. Tuy nhiên, quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và một số quan chức cấp cao khác của Châu Âu đã gây áp lực đòi Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov dành ghế Thủ tướng cho phe đối lập vốn chủ trương theo đường lối “cương lĩnh Albania”, một cương lĩnh hướng tới liên bang hóa Macedonia, xem xét lại cơ cấu chính quyền, thậm chí cả biểu tượng quốc gia. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh người dân Macedonia cần phải tự quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Macedonia tiếp tục chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị khi ngày 1/3 Tổng thống nước này Gjorge Ivanov từ chối ủy quyền cho lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đối lập Zoran Zaev thành lập chính phủ dù đã nhận được sự ủng hộ của 67/120 nghị sĩ Quốc hội. Tổng thống Ivanov từng tuyên bố sẽ cho phép ông Zaev thành lập chính phủ nếu nhận được đủ sự ủng hộ từ các đảng trong Quốc hội. Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới nhất, ông Ivanov nhấn mạnh sẽ không ủy quyền cho bất cứ ai thành lập chính phủ khi người đó ủng hộ chính sách gây tổn hại đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của đất nước. Tuyên bố của Tổng thống Ivanov ám chỉ đến đề xuất gây tranh cãi của các đảng người thiểu số gốc Albania, vốn ủng hộ ông Zaev, về việc đưa tiếng Albania trở thành ngôn ngữ chính thức ở Macedonia.

Đề xuất nêu trên của các đảng thiểu số người gốc Albania đã dẫn tới các cuộc biểu tình trong nhiều ngày liên tiếp, với sự tham gia của hàng nghìn người tại thủ đô Skopje và một số thành phố khác để phản đối yêu cầu này, bày tỏ quan ngại về nguy cơ”liên bang hóa” cũng như đất nước tan vỡ./.

 Nguồn ĐCSVN-TT