Hà Nội đang có 1.471 trường hợp được cách ly y tế và theo dõi giám sát sức khỏe do đi qua vùng dịch. Tuy nhiên, có những trường hợp cách ly đang ở khách sạn hạng sang, chưa biết xử lý như thế nào.
Ông Ngô Văn Quý, PCT UBND TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Hà Nội “bối rối” vì người bị cách ly ở khách sạn hạng sang
Trong cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tại thành phố Hà Nội chiều 10/2, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, địa phương có có 11 điểm lưu trú có đối tượng phải cách ly. Các điểm cách ly tại cơ sở lưu trú đã cử cán bộ y tế đến kiểm tra thường xuyên, các đối tượng thực hiện đúng quy định cách ly 14 ngày.
Tuy nhiên quận đang gặp khó bởi có trường hợp du khách chỉ thuê khách sạn vài ngày, nhưng theo quyết định cách ly thì phải đủ 14 ngày. “Vậy, thời gian du khách ở thêm ngày trong khách sạn những ngày phải cách ly tính chi phí chi trả thế nào?”, đại diện quận Hoàn Kiếm nêu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, hiện nay, các trường hợp cách ly tập trung của thành phố hiện ăn theo tiêu chuẩn của chiến sĩ, 57 nghìn/người/ngày. Vấn đề đặt ra là có đưa trường hợp du khách như ở Hoàn Kiếm vào khu cách ly tập trung này không. Ví dụ họ thuê khách sạn một ngày 200 USD thì xử lý thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, ông Quý đề nghị lãnh đạo Sở Tài chính trả lời. Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, các trường hợp cách ly hiện đã có quy định cụ thể. Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế sẽ có báo cáo với Ban chỉ đạo. Theo vị này, quy định tại Thông tư 32 cho thấy, các trường hợp bị cách ly thì người cách ly phải chi trả chi phí
“Nhà nước chỉ chi trả cho các hộ nghèo”, đại diện Sở Tài chính nói, đồng thời cho biết, liên quan đến các trường hợp cách ly sẽ phải báo cáo thêm.
Trước tình huống này, ông Quý đề nghị “quận Hoàn Kiếm vận động khách sạn, một là giảm giá xuống một nửa hoặc miễn phí trong thời gian cách ly. Hai là điều chuyển về khu cách ly tập trung của thành phố”.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, với các trường hợp du khách bị cách ly mà đến hạn visa thì phải hỗ trợ họ, chứ không thể chuyển đi nơi khác. Ông Hiền cũng đề nghị các quận, huyện vận động các nơi cư trú hỗ trợ các trường hợp du khách này.
Hà Nội chi hơn một trăm tỉ phòng dịch nCoV
Trước đó, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến 15h ngày 10/2 Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCoV.
Hà Nội đang phải tiến hành giám sát tại bệnh viện và cộng đồng cho 1.471 trường hợp được cách ly y tế và theo dõi giám sát sức khỏe do có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch về. Trong đó, còn 861 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe.
Theo ông Hạnh, mặc dù chưa ghi nhận ca mắc nCoV nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ca mắc từ những trường hợp trở về từ vùng dịch, với đặc điểm lây lan nhanh của dịch bệnh do nCoV, không loại trừ khả năng dịch bùng phát và lan rộng khi có trường hợp mắc trên địa bàn thành phố.
Do vậy, PGĐ Sở Y tế Hà Nội kiến nghị cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, bao vây, khoanh vùng xử lý với mục tiêu không để xuất hiện ca bệnh thứ phát.
Đặc biệt, Hà Nội cũng đã quyết định bổ sung kinh phí phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn thành phố đợt I là 105,7 tỷ đồng.
Ông Hạnh cũng thông tin, hiện tại phòng xét nghiệm của TT Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã có đủ khả năng sẵn sàng triển khai làm xét nghiệm phát hiện nCoV khi được Bộ Y tế cho phép và cấp nguyên liệu mồi để xét nghiệm.
Cũng theo ông Hạnh, hiện Hà Nội đã cử đoàn công tác của TT Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội lên Vĩnh Phúc để xem xét, học hỏi và rút kinh nghiệm về công tác phòng dịch.
Nguồn tintuc.vn-TT