Tổ chức Y tế Thế giới hôm 9/3 cảnh báo rằng nguy cơ từ việc Covid-19 bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu là “rất thật”, nhưng nhấn mạnh dịch bệnh vẫn có thể được kiểm soát.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.
“Mối đe dọa về đại dịch đã trở nên rất thật”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong buổi họp báo ngày 9/3.
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: “Đó sẽ là đại dịch đầu tiên trong lịch sử có thể được kiểm soát… Chúng ta sẽ không ở thế lệ thuộc vào virus”.
Theo kế hoạch phòng chống đại dịch của WHO, ứng phó với đại dịch sẽ đòi hỏi các quốc gia phải “huy động toàn bộ hệ thống y tế, cơ sở vật chất và công nhân viên trên toàn quốc và ở địa phương”, nhằm “phân phối thiết bị bảo hộ cho cá nhân” và “phân phối thuốc chống siêu vi, vật tư y tế khác theo kế hoạch quốc gia”.
Trước dịch Covid-19, WHO từng tuyên bố đại dịch với dịch Sars năm 2003 và dịch cúm H1N1 năm 2009.
Tổng giám WHO cho rằng virus corona chủng mới đã tạo được “chỗ bám vững chắc tại nhiều quốc gia”, điều này có nghĩa nguy cơ xảy ra “đại dịch” đang tăng lên.
Tuy nhiên, ông cũng hoan nghênh thực tế rằng cho tới thời điểm hiện tại, chỉ một số ít các quốc gia có dấu hiệu duy trì lây lan trong cộng đồng. Ông kêu gọi các chính phủ tập trung vào cả việc ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh lây lan.
Trong số bốn quốc gia có nhiều ca bệnh nhất, Trung Quốc đang kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh và số ca bệnh mới ở Hàn Quốc cũng đang giảm. WHO cũng ca ngợi những nỗ lực phòng chống Covid-19 của Italy.
“Cho dù đó là đại dịch hay không, quy tắc của trò chơi là như nhau, không bao giờ bỏ cuộc. Hãy để hy vọng là thuốc giải cho nỗi sợ hãi. Hãy để sự đoàn kết là liều thuốc giải độc”, tổng giám đốc WHO nói.
Tính tới ngày 9/3, trên toàn thế giới có 111.362 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, trong đó 80.735 ca bệnh tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19.
Xếp sau Trung Quốc là Hàn Quốc (7.478 ca bệnh), Italy (7.375 ca bệnh) và Iran (7.161 ca bệnh). Đây là các điểm nóng mới ngoài Trung Quốc bùng phát dịch Covid-19 thời gian qua.
Tại châu Âu, Pháp ghi nhận 1.209 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, trong khi Đức có 1.151 ca bệnh. Tây Ban Nha sắp chạm ngưỡng 1.000 ca bệnh khi tính tới ngày 9/3, nước này ghi nhận 979 trường hợp.
Tổng số người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới tính đến ngày 9/3 là 3.892 người, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Trước đó ít giờ, đài CNN tuyên bố họ sẽ bắt đầu dùng từ “đại dịch” để nói về Covid-19, dù WHO chưa chính thức công bố dịch. Theo CNN, các tiêu chí cụ thể cho một đại dịch chưa được xác định, nhưng có 3 tiêu chí chung, gồm loại virus gây bệnh hoặc tử vong, lây nhiễm từ người sang người và lây lan khắp thế giới.
Trong khi đó, theo Telegraph, “đại dịch” là thuật ngữ được sử dụng bởi các chuyên gia y tế khi dịch bệnh đang phát triển ở nhiều quốc gia và lục địa cùng một lúc. Thuật ngữ này đề cập đến sự lây lan của một căn bệnh, chứ không phải là tiềm năng hay sự nguy hiểm của nó.
WHO định nghĩa thuật ngữ này là “sự bùng phát của mầm bệnh mới lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trên toàn cầu”. Một dịch bệnh sẽ chỉ được gọi là đại dịch khi nó là bệnh truyền nhiễm và lan rộng ở một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn cư dân.
Hôm 5/3, Tổng giám đốc Tedros cho rằng Covid-19 chưa phải đại dịch nhưng đang có “những dấu hiệu đáng lo ngại”.
Nói trước các phóng viên tại Geneve, ông cho rằng có một “danh sách dài” các quốc gia không tỏ đủ “sự cam kết chính trị” cần thiết để đương đầu với “mối đe dọa chúng ta gặp phải”.
“Đây không phải một cuộc diễn tập”, AFP dẫn lời ông nói hôm 5/3.
Theo Ngân hàng Thế giới, hàng năm chi phí của các nước dành cho ngăn chặn đại dịch từ trung bình đến nặng là khoảng 570 tỷ USD, tương đương 0,7% thu nhập của thế giới.
Đại dịch Sars bùng phát vào năm 2002-2003 khiến khoảng 8.000 người lây nhiễm và gây thiệt hại khoảng 50 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù tỷ lệ tử vong của Covid-19 thấp hơn Sars, nhưng virus corona chủng mới được đánh giá có sức tàn phá khủng khiếp hơn. Điều này một phần là do thế giới hiện nay phụ thuộc vào Trung Quốc hơn 17 năm trước.
Trung Quốc chỉ chiếm 5% nền kinh tế thế giới trong thời dịch Sars xuất hiện, nhưng hiện chiếm 1/5 và khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu.
Nguồn tintuc.vn-TT