– Một số câu hỏi sẽ được đào bới sâu để làm rõ như: Ở đâu và trong bối cảnh nào Covid-19 xuất hiện? Phát hiện và cảnh báo của tổ chức y tế thế giới WHO kịp thời trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan không?
Thế giới hậu Covid-19 – Phần 1
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch Covid-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.
Trước hết, cần khẳng định xuất phát ban đầu là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, nhưng rất nhanh chóng cuộc khủng hoảng này đã vượt ra khỏi phạm vi của một cuộc khủng hoảng y tế thông thường, trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện lan sang các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội…
Nếu Covid-19 không nhanh chóng được dập tắt, nguy cơ xuất hiện một cuộc đại suy thoái lần thứ hai (Great Depression) trong vòng một thế kỷ, tương đương hoặc lớn hơn cuộc đại suy thoái 1929-1933 và là cuộc đại suy thoái đầu tiên trong thế kỷ 21, đang trở nên hiện hữu và là nỗi ám ảnh kinh hoàng của tất cả các quốc gia, các đại công ty xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn.
Cần nhớ rằng, cuộc đại suy thoái thế giới lần thứ nhất đã “vẽ” lại một cách căn bản so sánh và cán cân quyền lực ở Châu Âu và thế giới, cùng với đó là sự xuất hiện của Chủ nghĩa phát xít và tiếp đó là cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.
Mới chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng Coronavirus đã phơi bày một loạt các yếu kém, bất cập trong quản trị quốc gia và quản trị xã hội ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Phát hiện và cảnh báo của tổ chức y tế thế giới WHO có kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan hay không?
Đại dịch Covid-19 cũng là lời cảnh báo, nhắc nhở nghiêm khắc về cách hành xử thô bạo của con người đối với thiên nhiên và buộc con người phải trả giá cho cách hành xử này. Tuy đắt giá, nhưng đây cũng mới chỉ là những phí tổn ban đầu, và cái giá phải trả sau này sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nếu các sai sót hệ thống không được khắc phục triệt để.
Có thể tạm hình dung một thế giới hậu đại dịch Covid-19 như sau:
1. Khả năng cao sẽ sớm xuất hiện một chiến dịch dân sự lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, với hàng loạt các cuộc điều trần, các hành động pháp lý, các nỗ lực “tìm hiểu sự thật” (fact-finding missions) được mở ra nhằm truy tìm nguồn gốc virus, nguyên nhân đại dịch và xem xét, đánh giá lại toàn bộ các quy trình hiện đang thực hiện.
Việc thực thi các khuyến nghị hay các kết luận từ những báo cáo, chiến dịch truy tìm này có thể sẽ làm bay chức nhiều chính trị gia, đưa đến các chuyển dịch địa chính trị, địa chiến lược quan trọng, cũng như việc hình thành các liên minh, tập hợp lực lượng mới ở phạm vi khu vực và toàn cầu.
Mọi người hẳn đã rõ, các nước nói chung, đặc biệt là các nước phương Tây, vô cùng nhạy cảm với sinh mạng công dân của họ. Trong rất nhiều vụ việc, Thủ tướng hay Tổng thống các nước phương Tây phải đích thân ra tay trong nhiều sự việc “cỏn con” có khi chỉ liên quan đến một công dân của họ bị bắt cóc hoặc sát hại ở nước ngoài.
Việc con virus corona chết chóc “xổng chuồng” nhanh chóng phát tán, khiến cả thế giới ngã ngửa, trở tay không kịp vì mức độ sát thương kinh hoàng, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người bị lây nhiễm, cộng với thiệt hại vật chất không kể xiết là chuyện động trời khó có thể bỏ qua. Sở dĩ câu chuyện này đang tạm thời được gác lại vì tất cả mọi người, mọi quốc gia lúc này đều phải lo chống dịch, lo câu chuyện sinh tồn.
Tuy nhiên, khi virus dần biến mất thì cũng là lúc xuất hiện màn lục vấn, kể cả những màn “báo thù” khốc liệt và tàn bạo, khi nhiều lực lượng xã hội ở nhiều quốc gia tìm cách truy vấn đến gốc rễ, chỉ với mục đích duy nhất làm sao thảm kịch tương tự không lặp lại, nếu có xảy ra thì các tác hại sẽ giảm thiểu đáng kể.
Một số câu hỏi sau chắc sẽ được đào bới sâu để làm rõ, chẳng hạn: Ở đâu và trong bối cảnh nào Covid-19 xuất hiện? Cơ chế phát tán virus thực sự diễn ra thế nào, đặc biệt là việc lây từ người sang người. Phát hiện và cảnh báo của tổ chức y tế thế giới WHO có kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan hay không? Nếu không thì nguyên nhân là gì và WHO cần phải có các cải cách gì để làm tốt hơn công việc của mình?
Nguyên nhân thất bại tồi tệ nhất của các cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ và phương Tây nằm ở đâu khi họ không đưa ra được cảnh báo sớm? Tại sao các nhà khoa học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới của Mỹ và thế giới lại bất lực, phản ứng quá chậm chạp để mất khoảng “thời gian vàng” quý báu ngăn chặn bệnh dịch, không khuyến nghị các nhà lãnh đạo, các chính trị gia trên thế giới đưa ra các biện pháp ngăn chặn quyết liệt hơn ngay từ đầu?
Tại sao lại xảy ra tình trạng các trang thiết bị y tế thiết yếu thiếu trầm trọng đến như vậy? Nếu được làm lại từ đầu thì các chính quyền địa phương, các quốc gia hay các tổ chức quốc tế có thể làm được gì tốt hơn? Có ai, có quốc gia nào mắc lỗi trong chuyện này, tại sao họ lại để chuyện đó xảy ra?
Và còn rất nhiều câu hỏi khác nữa. Đặt ra câu hỏi có nghĩa là đi tìm câu trả lời và các biện pháp khắc phục để ngăn thảm kịch không bao giờ lặp lại trong tương lai.
Quan hệ tay đôi giữa hai siêu cường
“Hậu đại dịch Coronavirus” sẽ chứng kiến sự tăng tốc, chứ không phải giảm đi, cạnh tranh địa chiến lược, cạnh tranh địa chính trị trên phạm vi toàn cầu và ở những khu vực địa lý quan trọng, giàu tài nguyên và nhiều tiềm năng như Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Phi.
Chỉ mới khoảng 3 tháng trước khi xảy ra đại dịch, sự manh nha cạnh tranh chiến lược toàn diện, nhưng hết sức quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại, là mối quan tâm cũng như lo ngại hàng đầu của các nước trên thế giới.
Câu chuyện đang ồn ào bỗng dưng bị chìm xuống chính là do Covid-19. Lúc này, câu chuyện bao trùm, chi phối mối quan tâm khắp thế giới là phòng, chống Covid-19 chứ không phải bất kỳ vấn đề nào khác.
Cuộc “Chiến tranh lạnh 2.0” mà mọi người từng “háo hức” chờ đợi đã tạm thời bị “trì hoãn”. Còn sự “hòa hoãn” hay “hợp tác” Trung Quốc- Mỹ mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay mang nhiều tính chất tạm thời bởi cuộc khủng hoảng y tế và virus corona đã và đang tác động trực tiếp đến cả hai siêu cường, buộc họ phải hợp tác với nhau vì sự sống còn của mình, không còn cách nào khác.
Nhiều khả năng sự hợp tác này sẽ sớm “chết yểu” một khi bệnh dịch Covid-19 biến mất. Chuyện này cũng tương tự như sự “hợp tác”, “quan hệ đồng minh” giữa Mỹ và Liên xô được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai chống lại “khối trục” do Đức Quốc Xã lãnh đạo.
Chỉ một năm ngay sau khi phe phát xít thất bại và chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt vào năm 1945 thì quan hệ hệ Liên Xô – Mỹ lại quay trở lại trạng thái đối đầu tất yếu. Điều này cũng phù hợp với bản chất đối kháng của hai hình thái kinh tế, hai hệ thống ý thức hệ hoàn toàn đối lập nhau.
Quay trở lại quan hệ Trung – Mỹ, có ít nhất 3 lý do do để thấy sự căng thẳng sẽ sớm trở lại:
Thứ nhất, các vấn đề cơ bản dẫn đến nghi kỵ, mâu thuẫn Trung – Mỹ thời gian qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một mới ký cuối năm 2019 chỉ mới đụng đến “phần ngọn” và chưa đủ thời gian kiểm nghiệm về tác động tích cực của thỏa thuận này trong việc làm dịu căng thẳng quan hệ Trung – Mỹ.
Thứ hai, Coronavirus khoét sâu thêm các nghi kỵ và giảm lòng tin chiến lược Trung – Mỹ vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng trước đó. Chẳng hạn, bắt chấp phản đối gay gắt của Trung Quốc, bắt chấp việc WHO đã sử dụng tên mới, Tổng thống Trump, trong rất nhiều trường hợp, vẫn khăng khăng sử dụng từ “Virus Trung Quốc” hay “Virus Vũ Hán”.
Ngay cả khi đang ở thời điểm căng thẳng nhất đối phó với dịch bệnh, Mỹ vẫn “không quên” thông qua một số đạo luật hỗ trợ Đài Loan về ngoại giao và quân sự nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc sau này.
Thứ ba, tuy không nói ra, nhưng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua hết sức quyết liệt xem bên nào “cán đích” trước trong việc chống Covid-19 và ra khỏi cuộc chiến với thương tích bớt nghiêm trọng hơn so với đối phương.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng chống Covid-19 lúc này là cuộc chiến sinh tồn, không được phép mắc sai lầm. Chỉ một sai sót chiến lược, một tính toán sai lầm thì cái giá phải trả là đối phương sẽ băng lên dẫn trước, còn mình bị qua mặt và mãi mãi ở vị thế của kẻ bám đuôi.
Nước nào thoát khỏi bệnh dịch sớm lúc này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể sớm bắt tay vào việc khôi phục hạ tầng sản xuất, dịch vụ, cuộc sống bình thường của người dân, tăng năng lực quốc gia của bản thân đồng thời hỗ trợ cho các đồng minh, trong khi đối phương còn đang vật lộn trong cơn khốn khó.
Nguồn VNN-TT