Nga phát triển kỹ thuật phát hiện kháng thể COVID-19 trong huyết tương; Mỹ dành gần 6,5 tỷ USD giúp các nước chống Covid-19; FED bàn các biện pháp phục hồi kinh tế Mỹ; Hơn 227.000 người chết vì nCoV toàn cầu; Việt nam: 14 ngày không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng…là những tin chính được cập nhật.
Nga phát triển kỹ thuật phát hiện kháng thể COVID-19 trong huyết tương
Huyết tương của bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 17/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Bộ trưởng Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đang phát triển hệ thống xét nghiệm phát hiện các kháng thể trong huyết tương nhằm đưa vào chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 29/4, Bộ trưởng Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đang phát triển hệ thống xét nghiệm phát hiện các kháng thể trong huyết tương nhằm đưa vào chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Ông Murashko tiết lộ thông tin trên trong cuộc thảo luận bàn tròn về COVID-19 trên kênh truyền hình Rossiya-24.
Trong cuộc thảo luận, ông nói rõ hệ thống xét nghiệm đang được phát triển chủ yếu nhằm thử nghiệm huyết tương, chọn mẫu có thể sử dụng làm thuốc và dùng để xác định xem một người có kháng thể trong hệ miễn dịch hay không.
Tính đến sáng nay theo giờ Việt Nam, Nga đã ghi nhận 99.399 ca mắc COVID-19 làm 972 người thiệt mạng. So với 24 giờ trước đó, Nga ghi nhận thêm 5.841 ca mắc mới và 105 ca tử vong.
Hiện nước này đang có 88.141 bệnh nhân đang phải điều trị và mới chỉ chữa khỏi cho 10.286 người./.
Mỹ dành gần 6,5 tỷ USD giúp các nước chống Covid-19
VOV.VN – Ngoại trưởng Mỹ Mike Popeo ngày 29/04 cho biết Mỹ đã dành gần 6,5 tỷ USD để giúp các nước chống dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu tại buổi họp báo cập nhật hoạt động đối ngoại của Mỹ thời gian gần đây, ông Pompeo cho biết Mỹ đã dành tổng cộng 6,5 tỷ USD từ ngân sách chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ để giúp các nước trên toàn thế giới chống Covid-19.
Ông Pompeo nhấn mạnh, đây là khoản đóng góp lớn nhất của một quốc gia cho cuộc chiến chống Covid-19, gấp 12 lần số tiền mà Trung Quốc hỗ trợ các nước. Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đặc biệt tự hào về công việc mà Mỹ đã thực hiện ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
“Chính phủ Mỹ đã cung cấp hơn 32 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực ứng phó dịch bệnh Covid-19 tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ Myanmar, Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác để ngăn chặn sự lây lan Covid-19 tại nước này. Chúng tôi cũng đang hợp tác với các bạn bè ở Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để chia sẻ thông tin và những thực tiễn tốt nhất khi chúng ta bắt đầu thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ và những nước nêu trên thảo luận cách thức duy trì các chuỗi cung ứng toàn cầu và khôi phục nền kinh tế. Ông Pompeo cũng đề cao hợp tác với Ấn Độ, nước đã gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu các nguồn cung y tế quan trọng bao gồm thuốc được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ông Pompeo cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ tiếp tục giúp đáp ứng nhu cầu lương thực của thế giới trong bối cảnh bùng phát Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu./.
FED bàn các biện pháp phục hồi kinh tế Mỹ
SGGP – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 29-4 bắt đầu họp bàn về các biện pháp phục hồi kinh tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đây là cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED – kể từ khi ngân hàng này quyết định giảm lãi suất cho vay xuống 0% vào giữa tháng 3 vừa qua, sau khi tiến hành 2 cuộc họp khẩn cấp. Do đó, giới chuyên gia cho rằng sẽ có rất ít khả năng FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất xuống âm.
Mặc dù vậy, với hơn 26 triệu việc làm bị mất đi, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, các động thái bơm tiền cho nền kinh tế quan trọng hơn nhiều so với tuyên bố về chính sách mà cơ quan này đưa ra. Trước khi cuộc họp của FOMC được tổ chức, FED đã rất nỗ lực để liên tục tung ra nhiều chương trình hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng, công ty, doanh nghiệp nhỏ, từ trung ương đến địa phương. Ngày 31-3 vừa qua, FED cho biết sẽ ra mắt một cơ chế cho vay tạm thời, lần đầu tiên cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài chuyển đổi trái phiếu Kho bạc Mỹ của họ thành USD.
Hôm 28-4, FED thông báo kế hoạch mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch bệnh được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giảm thiểu các thiệt hại kinh tế.
Hơn 227.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 227.000 người chết vì nCoV trong gần 3,2 triệu ca nhiễm, một số nước báo cáo số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 3.187.919 ca nhiễm và 227.177 ca tử vong do nCoV được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 76.189 và 10.320 ca so với hôm qua. Hơn 997.000 người đã hồi phục.
Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận 1.037.526 ca nhiễm, trong đó 60.846 người đã tử vong, tăng lần lượt 25.926 và 2.503 ca.
Đến nay, Mỹ đã thực hiện hơn 6 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ. Đại học Harvard công bố một nghiên cứu khuyến nghị Mỹ cần tiến hành ít nhất 5 triệu xét nghiệm nCoV/ngày vào tháng 6 để có thể sớm mở cửa trở lại kinh tế, trong khi mức xét nghiệm một ngày ở Mỹ hôm 22/4 là 314.182.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/4 ký sắc lệnh dựa trên Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các nhà máy thịt tiếp tục hoạt động do lo ngại về tình trạng thiếu thực phẩm và nguồn cung ứng bị gián đoạn.
Việt nam: 14 ngày không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng
6h sáng 30/4, Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính nCoV, đánh dấu sáu ngày không thêm ca nhiễm mới và 14 ngày không ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Hôm qua, thêm hai người tái dương tính nCoV, nâng số ca dương tính trở lại lên 11. Tổng số ca nhiễm 270, trong đó 219 người khỏi bệnh, 51 bệnh nhân đang điều trị.
Các bệnh nhân tái dương tính gồm 188, 137, 74, 130 và 50 ở Hà Nội; 52 và 149 ở Quảng Ninh; 36 ở Bình Thuận; 207, 224 và 151 ở TP HCM. Bộ Y tế cho biết năm người tái dương tính kết quả nuôi cấy virus cho thấy là “xác nCoV”, không có khả năng lây nhiễm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là thời gian để các ngành công an, quốc phòng, y tế rà soát, chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống dịch. Sau kỳ nghỉ lễ, toàn bộ xã hội trở lại cuộc sống bình thường.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ Khoa học, Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh.
Hơn 34.000 người đang được cách ly, theo dõi sức khỏe. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 316. Cách ly tập trung tại cơ sở khác là hơn 6.700. Số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tây Ban Nha báo cáo số người nhiễm do nCoV tăng lên 236.899 sau khi ghi nhận thêm 4.771 trường hợp. Số người chết tăng thêm 453 trường hợp lên 24.275. Số người nhiễm và ca tử vong mới đều tiếp tục tăng chỉ vài ngày sau khi ghi nhận mức thấp nhất trong 5 tuần và chính phủ nới lệnh phong tỏa toàn quốc.
Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa từ giữa tháng 3 và tuần này bắt đầu cho phép trẻ em dưới 14 tuổi ra ngoài mỗi ngày một giờ. Tất cả người dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục và đi bộ từ cuối tuần tới.
Italy ghi nhận thêm 2.086 ca nhiễm và 323 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 203.591 và 27.682, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.
Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5 khi ca nhiễm và ca tử vong liên tục giảm.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu, xác nhận thêm 630 ca nhiễm và 461 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 166.541 và 24.121. Pháp sẽ cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.
Anh phát hiện thêm 5.296 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 166.441. Nước này ghi nhận 26.097 ca tử vong, tăng 4.419 trường hợp so với một ngày trước, tương đương 17%, sau khi đưa số người chết trong viện dưỡng lão và những nơi khác vào thống kê.
Anh trước đó chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão. Nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn một tháng.
Đức báo cáo thêm 1.462 ca nhiễm và 125 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 161.197 và 6.405. Các biện pháp hạn chế cùng việc xét nghiệm rộng rãi khiến tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn nhiều nước châu Âu. Gần 3/4 người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.
Nga báo cáo thêm 5.841 ca nhiễm và 105 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên lần lượt 99.399 và 972, hiện là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitry Peskov nói Covid-19 gây ra khủng hoảng và thách thức chưa từng có cho Nga, khiến giới chức nước này phải điều chỉnh biện pháp đối phó hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Các địa phương đang phối hợp với chính phủ để xây dựng biện pháp đối phó khủng hoảng và khắc phục hậu quả.
Tại châu Mỹ Latin, Brazil ghi nhận thêm 6.276 ca nhiễm và 359 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt 78.162 và 5.466. Theo Bộ Y tế Brazil, số người chết có thể cao hơn con số chính thức, trong khi các chuyên gia tin rằng ca nhiễm ở nước này có thể cao hơn 12-15 lần số liệu hiện tại do lượng lớn các trường hợp không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm hạn chế.
Tổng thống Jair Bolsonaro thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt để làm chậm sự lây lan của Covid-19 và hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động hoạt động kinh tế. Bolsonaro cũng gây tranh cãi khi cho rằng Covid-19 chỉ như cúm thường và khiến người dân bất mãn với cách ứng phó dịch bệnh của chính quyền ông.
Mexico báo cáo 16.752 ca nhiễm và 1.569 ca tử vong, tăng lần lượt 1.223 và 135 ca. Chính phủ nước này cho biết số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với các ca đã được xác nhận.
Tại Trung Đông, Arab Saudi ghi nhận 1.325 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 21.402 và 157.
Nước này đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, tuy nhiên, thánh địa Mecca vẫn được giữ nguyên các biện pháp phong tỏa 24/7. Tại những nơi khác, người dân được phép ra khỏi nhà từ 9h đến 17h và nối lại một số hoạt động kinh doanh tới 13/5. Trung tâm thương mại, đại lý bán buôn và các công ty xây dựng cũng được cho phép hoạt động trở lại.
Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 549 ca nhiễm mới và thêm 9 trường hợp tử vong. Nước này đến nay ghi nhận 11.929 ca nhiễm và 98 ca tử vong.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 93.657 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 80 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 16 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng số người chết lên 5.957.
Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh. Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước. Chính quyền trong những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.
Trung Quốc đại lục báo cáo thêm 4 ca nhiễm nCoV, tất cả đều là ngoại nhập, không có thêm ca tử vong. Nước này đã ghi nhận 82.862 người nhiễm và 4.633 người chết vì Covid-19. Hiện hơn 1.000 ca không triệu chứng đang được giám sát y tế chặt chẽ.
Hàn Quốc lần đầu không ghi nhận ca nhiễm nội địa kể từ ngày 29/2. Có thêm 4 ca ngoại nhập, nâng tổng số người nhiễm nCoV tại nước này lên 10.765, trong đó 247 người đã chết, tăng một trường hợp so với hôm qua.
Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ báo cáo 1.702 ca nhiễm mới và 69 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 31.360 33.062 và 1.079. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ kéo dài đến ngày 3/5.
Dù số người chết vì nCoV tại Ấn Độ thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này lại rất hạn chế. Do đó, sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm, với trung bình 1.500 trường hợp mỗi ngày trong tuần qua, có thể khiến các bệnh viện công rơi vào tình trạng quá tải.
Bộ Y tế Ấn Độ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.
Đông Nam Á ghi nhận 43.239 ca nhiễm nCoV, trong đó 1.517 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 15.641 ca nhiễm và 14 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 9.771 ca nhiễm và 784 ca tử vong, trong khi Philippines là vùng dịch lớn thứ ba.
Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 24 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Liên Hợp Quốc cảnh báo tai họa
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo, hơn 1,5 tỷ người lao động, tương đương khoảng 1/2 lực lượng lao động trên thế giới có nguy cơ bị hủy hoại sinh kế vì sự hoành hành của dịch Covid-19.
Theo ILO, những lao động chỉ có việc làm tạm bợ đang đối mặt rủi ro lớn nhất, với nhiều người trong số họ đang hoạt động trong các ngành bán lẻ, chế xuất và công nghiệp thực phẩm. Tính trung bình trên toàn cầu, khoảng 2 tỷ người lao động không chính thức đã bị sụt giảm tới 60% thu nhập trong tháng đầu tiên dịch Covid-19 tấn công khu vực của họ.
Ngay tại Mỹ, chỉ trong vòng 5 tuần qua đã có đến hơn 26 triệu người, tương đương 1/6 lực lượng lao động của nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp.
Trung Quốc lợi dụng Covid-19 khiến ông Trump thất cử?
(NLĐO) – Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-4 cho rằng cách thức Trung Quốc ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh “sẽ làm bất cứ điều gì có thể” để khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông đang cân nhắc các phương án khác nhau về hậu quả đối với Trung Quốc liên quan tới đại dịch Covid-19. “Tôi có thể làm nhiều việc” – nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ liên tục đổ lỗi Trung Quốc về đại dịch Covid-19 toàn cầu khiến ít nhất 60.000 người chết tại Mỹ, đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái nặng nề và làm ảnh hưởng đến các nỗ lực tái đắc cử của ông.
Ông Trump, người bị cáo buộc không hành động kịp thời để chuẩn bị cho nước Mỹ đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, cho rằng Trung Quốc lẽ ra nên tích cực thông tin với thế giới về dịch Covid-19 sớm hơn.
Khi được hỏi về việc liệu ông có cân nhắc sử dụng các đòn thuế quan lên Trung Quốc, ông Trump không cho biết cụ thể nhưng nói rằng: “Có nhiều điều tôi có thể làm. Tôi đang xem xét những gì đã xảy ra. Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì họ có thể để khiến tôi thất bại trong cuộc đua này”.
Tổng thống Mỹ cho hay Trung Quốc muốn đối thủ đảng Dân chủ của ông – cựu Phó Tổng thống Joe Biden – chiến thắng trong cuộc tranh cử để giảm sức ép mà ông gây ra với nước này về thương mại và các vấn đề khác.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng cho rằng Hàn Quốc đã đồng ý trả cho Mỹ nhiều tiền hơn về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng nhưng không tiết lộ số tiền.
Hàng nghìn người biểu tình phản đối cách ly xã hội ở Đức
Người dân ở Berlin, Stuttgart đã xuống đường biểu tình phản đối sự mất tự do khi chính phủ Đức áp dụng các biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Hàng nghìn người đã tham gia vào các cuộc biểu tình ở thành phố Berlin, Stuttgart vào ngày 25/4, chống lại các biện pháp mà chính phủ đưa ra để bảo vệ đất nước trước đại dịch Covid-19, DW cho biết.
Khoảng 1.000 người đã tập trung biểu tình tại Volksbühne, gần trung tâm thành phố Berlin. Những người biểu tình hét lên “tôi muốn trở lại cuộc sống của tôi” và giơ cao các tấm biển với dòng chữ “bảo vệ quyền lập hiến”.
Những người biểu tình cầm theo những tờ báo và đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc phong tỏa. Họ tuyên bố rằng virus corona là một nỗ lực để giành lấy quyền lực bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi.
Cảnh sát đã phong tỏa quảng trường trước tòa nhà trong nỗ lực ngăn chặn sự tập trung đông người. Họ dùng loa phóng thanh cầm tay để kêu gọi người dân tự giải tán. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 100 người.
Đây là ngày thứ 7 liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình ở Berlin. Cảnh sát cho biết họ đã triển khai 180 binh sĩ để giải tán cuộc biểu tình mới nhất. Những người tham gia biểu tình gồm người theo chủ nghĩa dân túy cực đoan và theo thuyết âm mưu.
Ở khu vực tây nam thành phố Stuttgart, khoảng 350-500 người đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhóm Querdenken. Lãnh đạo nhóm này là Michael Ballweg cho biết cuộc biểu tình để hỗ trợ các quyền cơ bản như tự do hội họp và tự do tôn giáo.
Đức đã thực hiện một loạt các biện pháp cách ly xã hội để hạn chế sự lây lan của Covid-19, đã giết chết hơn 5.800 người. Chính quyền cấm các cuộc tụ họp trên 20 người, nhà hàng, quán bar và trường học phải đóng cửa.
Một số khu vực trên khắp cả nước bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội trong tuần này, khi số ca nhiễm mới giảm mạnh, bao gồm mở cửa trở lại một phần các trường học, các cửa hàng không thiết yếu có diện tích dưới 800 m2. Chính quyền cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và khi đi mua sắm.
*** Hàng triệu liều vaccine COVID-19 sẽ sớm có mặt trên thị trường
Một công ty Đức hợp tác với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm trên người một loại vaccine COVID-19 tiềm năng, có thể cung cấp hàng triệu liều vào cuối năm nay.
Một người Việt rao bán “thuốc chữa COVID-19” bị bắt
Chủ một phòng khám Đông y ở thành phố Moscow là người Việt đã bị cảnh sát địa phương bắt giam vì rao bán một loại thuốc được quảng cáo là “có thể chữa khỏi” COVID-19.
Trung Quốc họp Quốc hội sau hơn 2 tháng trì hoãn vì COVID-19
Trong phiên họp ngày 29/4, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) đã phê chuẩn quyết định tổ chức kỳ họp Quốc hội thường niên vào cuối tháng 5 tới sau hơn hai tháng trì hoãn vì dịch COVID-19, Tân Hoa Xã đưa tin.
Liều lĩnh tấn công bằng dao giữa lệnh cách ly
Ít nhất 4 người đã bị thương trong một vụ tấn công bằng dao xảy ra tại thành phố Hanau của Đức vào tối 28/4 (giờ địa phương), vào đúng thời điểm Đức đang gồng mình chống dịch COVID-19.
Chuyên gia lý giải vì sao nhiều bệnh nhân tái nhiễm COVID-19
Nhóm chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng, các bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 vẫn có thể dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 gây bệnh này. Nguyên nhân là do các “mảnh” virus đã bị bất hoạt, hay có thể coi là “xác” của virus.
Kinh tế – Trọng tâm của tình báo đất nước Mặt trời mọc
Nếu như tình báo Đức phát xít từ Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn được các nhà nghiên cứu đánh giá bằng một từ là “tình báo tổng lực” thì người đồng minh của họ trong thời kỳ này lại nổi tiếng với những hoạt động tình báo kinh tế.
Tổng thống Putin cho người Nga tiếp tục nghỉ làm hưởng lương
Tổng thống Nga Vladimir Putin kéo dài ngày nghỉ hưởng lương của công dân Nga đến hết ngày 11/5 tới, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tăng chóng mặt.
COVID-19: Hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, giới siêu giàu càng giàu thêm
Trong khi nền kinh tế khủng hoảng và hàng chục triệu người dân mất việc, tầng lớp tỷ phú ở Mỹ lại đang tiếp tục giàu thêm nhờ gói cứu trợ CARES Act của chính phủ, theo Alan MacLeod, nhà báo và nhà phân tích truyền thông tại Đại học Truyền thông Glasgow.
Lao xe chở dầu vào chợ rồi kích nổ làm 11 trẻ em mất mạng
Ít nhất 40 người, bao gồm 11 trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom bằng xe chở dầu ở thành phố Afrin phía Bắc Syria, khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Ổ dịch lớn nhất châu Âu vạch lộ trình 4 bước dỡ bỏ phong tỏa
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 28/4 (giờ địa phương) đã phác thảo kế hoạch 4 giai đoạn nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường sau nhiều tuần phong tỏa toàn quốc. Kế hoạch dự kiến bắt đầu từ 11/5 tới.
WHO hối thúc châu Âu duy trì biện pháp mạnh chống COVID-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh COVID-19 vẫn “đặc biệt” nguy hiểm, đồng thời nhấn mạnh châu Âu cần duy trì những biện pháp mạnh. Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước ở “Lục địa Già” đang chuẩn bị từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế ứng phó với đại dịch COVID-19.
Mỹ chính thức cán mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19
Mỹ chính thức trở thành quốc gia đầu tiên có số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận vượt qua mốc một 1 người, cùng với đó là gần 6 vạn ca tử vong.
Tổng hợp-TT