Hàn Quốc khởi động chiến dịch toàn cầu chống kỳ thị người châu Á; Mỹ quyết rút chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc; Ca nhiễm Covid-19 ở Đức có thể cao gấp 10 lần số liệu công bố; Sản xuất thành công kháng thể diệt virus corona; Mỹ dự báo có tới 200.000 ca nhiễm mỗi ngày vào tháng 6; Gần 252.000 người chết vì nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
Hàn Quốc khởi động chiến dịch toàn cầu chống kỳ thị người châu Á
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi dạo trong công viên ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
SGGP Mạng lưới cơ quan tình nguyện của Hàn Quốc (VANK) ngày 4-5 cho biết sẽ khởi động chiến dịch toàn cầu chống nạn phân biệt, kỳ thị người châu Á tại châu Âu và Mỹ. VANK cho biết sẽ thiết kế 5 tấm áp phích kêu gọi chống nạn phân biệt chủng tộc và đăng tải trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram…
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, tại châu Âu và Mỹ đã xuất hiện tình trạng kỳ thị người châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Hàn Quốc khởi động chiến dịch toàn cầu chống kỳ thị người châu Á ảnh 1
Nhiều trường hợp bị nhục mạ, hành hung vô căn cứ, thậm chí học sinh còn bị cấm đến trường hoặc cưỡng chế chuyển trường. Trước đó, Ủy ban Hoạch định chính sách châu Á – Thái Bình Dương (A3PCON) của Mỹ đã lập trang web tiếp nhận khai báo tội phạm bạo lực, phân biệt chủng tộc đối với người châu Á mang tên Stop AAPI (www.asianpacificpolicyandplanningcouncil.org/stop-aapi-hate).
Trong vòng một tháng kể từ trung tuần tháng 3, đã có hơn 1.500 trường hợp bị hại tố cáo lên A3PCON. Theo VANK, cảnh sát địa phương không tích cực giải quyết nên các vụ bạo hành, phân biệt chủng tộc, lăng mạ người châu Á ngày càng gia tăng.
Mỹ quyết rút chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc
SGGPSau khi cảnh báo sẽ áp đặt mức thuế mới tới 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD (do liên quan cách xử lý dịch Covid-19), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh sáng kiến nhằm rút những chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc.
Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan khác của Mỹ đang tìm biện pháp nhằm thúc đẩy các công ty loại bỏ cả nguồn cung và sản xuất khỏi Trung Quốc, thay vào đó là các nước khác “thân thiện hơn”. Trong số những biện pháp này có các ưu đãi về thuế và trợ cấp đang được cân nhắc. Hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach cho biết, đây là vấn đề then chốt với an ninh Mỹ và chính phủ sẽ sớm thông báo biện pháp mới.
Ca nhiễm Covid-19 ở Đức có thể cao gấp 10 lần số liệu công bố
Dựa trên nghiên cứu thực địa, các nhà khoa học cho rằng số ca nhiễm Covid-19 tại Đức có thể cao gấp 10 lần số liệu chính thức được công bố và nhiều trường hợp không có triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bonn hôm 4/5 cho biết con số này dựa theo nghiên cứu sơ bộ tại thị trấn Gangelt ở thành phố Heinsberg, một trong những nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất nước này. Con số cũng cho thấy nguy cơ lây nhiễm từ những người nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Bằng việc lấy mẫu ngẫu nhiên 919 người, các nhà nghiên cứu kết luận rằng khoảng 15% dân số thị trấn Gangelt đã bị nhiễm Covid-19, với tỷ lệ tử vong là 0,37%.
Ngoại suy trên toàn quốc, họ cho biết khoảng 1,8 triệu người sống ở Đức có thể đã nhiễm Covid-19. Con số này gấp hơn 10 lần so với hơn 160.000 trường hợp được công bố cho đến nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 1/5 số người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách ly xã hội và vệ sinh cá nhân để ngăn chặn đại dịch lây lan.
“Bất cứ ai có vẻ khỏe mạnh mà chúng ta gặp mỗi ngày đều có thể vô tình nhiễm Covid-19. Chúng ta phải nhận thức được điều này và có phản ứng phù hợp”, Martin Exner, người đứng đầu Viện nghiên cứu Dịch tễ và Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Bonn, đồng tác giả của nghiên cứu, nói với Guardian.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính tới ngày 5/5, Đức ghi nhận 166.152 ca nhiễm Covid-19, và 6.993 trường hợp tử vong.
Một số quan chức nhận định Đức và các nước châu Âu đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19.
Sản xuất thành công kháng thể diệt virus corona
Các nhà nghiên cứu tại Hà Lan đã sản xuất ra loại kháng thể đơn dòng có thể kiềm chế virus corona trong phòng thí nghiệm, đem lại hi vọng về loại thuốc chống Covid-19.
Các nhà nghiên cứu tại đại học Utrecht, trung tâm y khoa Erasmus và Harbor BioMed tại Hà Lan mới đây đã công bố nghiên cứu về kháng thể đơn dòng có thể diệt virus corona trên tế bào.
Thử nghiệm của các nhà khoa học cho thấy loại kháng thể được đặt tên là 47D11 có thể nhắm vào gai protein của virus SARS-CoV-2 và vô hiệu hóa gai này. Theo Bloomberg, trong thí nghiệm tại đại học Utrecht, kháng thể không chỉ vô hiệu hóa được virus SARS-CoV-2 mà còn cả loại virus tương tự là SARS-CoV-1, từng gây ra bệnh SARS đầu những năm 2000.
Mỹ dự báo có tới 200.000 ca nhiễm mỗi ngày vào tháng 6
Trong khi ông Trump thúc giục các bang mở cửa lại kinh tế, đội ngũ của tổng thống Mỹ lặng lẽ dự báo mức tăng dần của số ca nhiễm và ca tử vong vì virus corona trong những tuần tới.
Theo tài liệu nội bộ mà New York Times thu thập được, dự báo của chính quyền Trump cho biết con số tử vong vì virus corona sẽ đạt đến 3.000 ca mỗi ngày vào ngày 1/6, gấp đôi mức hiện tại là 1.750 ca mỗi ngày.
Những dự báo này dựa trên mô hình lấy dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Số ca nhiễm mới phát hiện hàng ngày được dự đoán tăng đến 200.000 ca, tăng nhiều so với con số 25.000 ca/ngày hiện nay.
Một mô hình dự đoán khác, từng được Nhà Trắng trích dẫn nhiều lần, cũng thay đổi các ước tính và dự báo mức tử vong cao hơn gấp đôi so với tiên đoán hồi tháng trước.
Cụ thể, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khoẻ thuộc Đại học Washington hôm 4/5 ước tính tổng số ca tử vong vì virus corona ở Mỹ sẽ tăng đến 135.000 cho đến đầu tháng 8, cao gấp đôi so với dự báo mà đơn vị này công bố hồi ngày 17/4.
Trong cuộc phỏng vấn cuối tuần qua với Fox News, Tổng thống Donald Trump cũng thừa nhận số ca tử vong ở Mỹ có thể tăng đến 100.000 người, nhiều gấp đôi so với những báo cáo mà ông nhận được chỉ hai tuần trước đó.
*** Gần 252.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận gần 252.000 người chết vì nCoV trong hơn 3,6 triệu ca nhiễm, nhiều nước đang dần nới phong tỏa.
212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 3.639.616 ca nhiễm và 251.721 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 74.729 và 3.637 so với hôm qua, trong đó 1.192.842 người đã hồi phục, theo thống kê của WorldoMeters.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.210.356 ca nhiễm nCoV, tăng 23.321 ca so với hôm trước. Thêm 1.126 người chết vì nCoV, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 69.723.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói khoảng 80.000-100.000 người có thể chết trong dịch Covid-19 tại Mỹ, dù trước đó nhiều lần cho rằng ca tử vong sẽ thấp hơn 100.000 và ước tính con số nằm trong khoảng 60.000-70.000.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 164 người chết do nCoV, mức thấp nhất từ 18/3, nâng tổng số ca tử vong do nCoV lên 25.428, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Italy và Anh. Số ca nhiễm tăng 838 lên 248.301.
Giới chuyên gia y tế tin rằng Tây Ban Nha đã đi qua đỉnh dịch vào ngày 2/4 khi báo cáo 950 người chết vì nCoV trong vòng 24 giờ. Từ đó đến nay, số ca tử vong mới giảm dần. Người dân Tây Ban Nha được phép ra ngoài tập thể dục từ ngày 2/5, sau 7 tuần phong tỏa. Tuy nhiên, giới chức liên tục khuyến cáo tránh tụ tập đông người khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội.
Italy ghi nhận thêm 1.221 ca nhiễm và 195 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 211.938 và 29.079.
Người dân Italy được phép đi lại trong vùng để thăm người thân nhưng phải đeo khẩu trang từ ngày 4/5, còn trường học, tiệm làm đầu, phòng thể dục và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn phải đóng cửa. Quán cà phê và nhà hàng chỉ bán đồ mang đi, việc đi lại giữa các vùng bị cấm trừ đi làm, khám chữa bệnh hoặc tình huống khẩn cấp.
Hạn chế về tang lễ được nới lỏng, với tối đa 15 người được phép tham dự lễ viếng, nhưng các hoạt động tôn giáo và đám cưới vẫn chưa được khôi phục.
Anh là vùng dịch lớn thứ ba toàn cầu với 190.584 ca nhiễm và 28.734 người tử vong, tăng 3.985 và 288 so với hôm trước.
Lệnh phong tỏa ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. Anh dự kiến đánh giá công tác chống dịch vào ngày 7/5 và lộ trình nới các hạn chế sẽ được công bố vào tuần sau, khi nhiều người lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp “cách biệt cộng đồng”.
Thủ tướng Boris Johnson nói Anh đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa. Chính phủ Anh hứng chỉ trích nặng nề từ phe đối lập vì sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Pháp xác nhận thêm 769 ca nhiễm và 306 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 169.462 và 25.201.
Pháp sẽ nới phong tỏa, cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau ngày 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.
Đức ghi nhận thêm 488 ca nhiễm và 127 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm và chết vì nCoV tại Đức lần lượt là 166.152 và 6.993. Giới chức Đức sẽ họp vào ngày 6/5 để quyết định việc mở lại trường học, nhà hàng và giải bóng đá.
Nước này đã cho phép địa điểm tôn giáo, sân chơi, bảo tàng và sở thú mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo “các yêu cầu về vệ sinh, kiểm soát ra vào và tránh xếp hàng dài”.
Nga ghi nhận thêm 10.581 ca nhiễm nCoV, giảm nhẹ so với mức kỷ lục trước đó một ngày, nâng tổng số người nhiễm lên 145.268. Thêm 76 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 1.356. Nga là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới.
Một số quan chức cấp cao Nga gồm Thủ tướng Mikhail Mishustin, Bộ trưởng Xây dựng và Nhà ở Vladimir Yakushev và Thứ trưởng Dmitry Volkov đã xét nghiệm dương tính với virus. Dù số ca nhiễm mới tăng đáng kể, tỷ lệ tử vong tại Nga thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Giới chức y tế cảnh báo đợt bùng phát Covid-19 thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu năm nay.
Giới chức Nga đã triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn dịch lây lan từ cuối tháng 3. Tổng thống Vladimir Putin nói Nga có thể nới lỏng các hạn chế từ 12/5, tùy theo tình hình tại đại dịch, song yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì nghiêm ngặt cách biệt cộng đồng.
Tại châu Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất khu vực Mỹ Latin với 107.844 ca nhiễm và 7.328 ca tử vong, tăng lần lượt 6.697 và 303.
Các chuyên gia đang chuẩn bị cho tình hình tồi tệ hơn ở vùng dịch lớn nhất Nam Mỹ khi dịch bệnh được cho là còn vài tuần nữa mới đạt đỉnh. Bang Rio de Janeiro tuần trước cho biết họ sẽ gia hạn lệnh yêu cầu người dân ở nhà đến 11/5, bỏ qua yêu cầu của Tổng thống Jair Bolsonaro rằng giới chức địa phương và các bang cần khuyến khích người dân trở lại làm việc.
Mexico báo cáo 23.471 ca nhiễm và 2.154 ca tử vong, tăng lần lượt 1.383 và 93 ca. Số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với các ca đã được xác nhận.
Dù số ca nhiễm mới vẫn gia tăng, chính phủ Mexico đang đối mặt với những lời kêu gọi nới lỏng các hạn chế đối với ngành công nghiệp. Hơn 300 giám đốc điều hành Mỹ đã viết thư cho Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador vào tuần trước để thúc giục nhanh chóng mở lại các nhà cung cấp của họ ở Mexico.
Tại Trung Đông, Arab Saudi ghi nhận 1.654 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 28.656 và 191.
Nước này đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày trong tháng lễ Ramadan, nhưng thánh địa Mecca vẫn giữ nguyên các biện pháp phong tỏa. Người dân được phép ra khỏi nhà từ 9h đến 17h và nối lại một số hoạt động kinh doanh tới 13/5. Trung tâm thương mại, đại lý bán buôn và các công ty xây dựng cũng được hoạt động trở lại.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 567 ca nhiễm mới và thêm 11 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 14.730 và 137.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 98.647 ca nhiễm, tăng 1.223. Nước này ghi nhận thêm 74 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 6.277.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 2.856 ca nhiễm nCoV mới, mức cao nhất từ khi Covid-19 bùng phát tại nước này, nâng tổng số người nhiễm cả nước lên 42.836. Thêm 94 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.394, trong khi gần 12.000 người đã hồi phục.
New Delhi hôm qua thông báo sẽ đón công dân không có triệu chứng ở nước ngoài về bằng các chuyến bay đặc biệt và tàu hải quân từ ngày 7/5, nhưng yêu cầu họ phải tự trả chi phí chuyến đi và chịu cách ly 14 ngày khi về nước.
Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.308 ca nhiễm nCoV, nâng số người nhiễm toàn khu vực lên 49.919, trong đó 1.671 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 18.778 ca nhiễm và 18 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 11.587 và 864. Philippines ghi nhận 9.485 người nhiễm nCoV và 623 người chết.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước chưa ghi nhận ca tử vong nào do nCoV.
*** Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ dự báo sẽ gấp đôi hiện tại
Một mô hình mới được Nhà Trắng trích dẫn dự báo rằng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ có thể lên đến 134.000, gấp đôi số ca tử vong ở thời điểm hiện tại.
Đồng minh của Thủ tướng Anh từ chức vì lợi dụng chức vụ
Một đồng minh của Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa thông báo từ chức sau khi một kết quả điều tra cho thấy người này đã lợi dụng chức vụ của mình để đe dọa người khác, theo AP.
Thương mại Mỹ-Trung Quốc lại bất ổn trong bối cảnh dịch bệnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ sẽ huỷ thỏa thuận thương mại giai đoạn một nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết chi 200 tỷ USD mua hàng hóa và các loại dịch vụ của Mỹ.
Đánh bom xe ở Afghanistan, ít nhất 12 người thương vong
Các tay súng Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công xảy ra hôm 3/5 tại khu vực gần doanh trại quân đội ở huyện Nahr-e-Saraj.
Cựu quan chức Triều Tiên xin lỗi vì tung tin về sức khỏe ông Kim Jong-un
Hai cựu quan chức Triều Tiên, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc, đã lên tiếng xin lỗi hôm 4/5 vì từng loan tin rằng tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không ổn, Yonhap đưa tin.
Thủ tướng Nhật Bản quyết gia hạn phong tỏa sau nhiều đồn đoán
Chính phủ Nhật Bản ngày 4/5 chính thức gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vì đại dịch COVID-19 đến ngày 31/5. Song, nước này sẵn sàng nới lỏng một số hạn chế để hồi sinh nền kinh tế, Tokyo Times đưa tin.
Số người nhiễm COVID-19 Nga tăng vượt tầm kiểm soát
Nga có ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới COVID-19, tức có mức tăng số ca nhiễm chỉ sau Mỹ – tâm dịch lớn nhất toàn cầu.
Australia và New Zealand cân nhắc “bắt tay” vượt khủng hoảng COVID-19
Một hành lang du lịch song phương có thể sẽ là quân bài giúp Australia và New Zealand hồi phục kinh tế sau quá trình đối phó hiệu quả với COVID-19, với bước đi đầu tiên là cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra trong ngày 5/5, Reuters đưa tin.
Gia hạn phong toả đất nước, Ấn Độ ban bố loạt quy tắc mới
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gia hạn lệnh phong toả toàn quốc tới ngày 17/5, nhưng cũng đã nới lỏng một số hạn chế kể từ ngày hôm nay (4/5), theo CNA.
Chân dung hải tặc trong thế kỷ XXI
260 năm trước Công nguyên, những tên cướp biển Phénic và Mycénic đã dong buồm lướt dọc ngang trên Địa Trung Hải. Kể từ đó lịch sử của giới hải tặc đã trải qua nhiều thăng trầm, từ thời kỳ hoàng kim vào đầu thế kỷ XVIII cho đến tận ngày nay.
Kẻ vượt ngục huyền thoại trong lịch sử Nhật Bản
“Kẻ không thể bị giam cầm” là cái tên người đời gọi Yoshie Shiratori – người 4 lần thoát khỏi những nhà tù nghiêm ngặt nhất thời phát xít Nhật.
Quân đội Nga chặn đường, xua đuổi lính Mỹ ở Tây Bắc Syria
Quân cảnh Nga trên 8 xe bọc thép hạng nặng đã chặn đường lính Mỹ tiến vào một khu vực nông thôn ở Tây Bắc Syria để trả đũa hành động tương tự cách đây không lâu của Mỹ.
Tổng thống Trump: Mỹ sẽ có vaccine COVID-19 vào cuối năm
Mỹ hiện vẫn là điểm nóng COVID-19 của thế giới với hơn một triệu ca nhiễm và gần 70 ngàn ca tử vong, theo số liệu của Đại học John Hopkins.
Nhiều loại vaccine phòng chống COVID-19 được đưa vào thử nghiệm
Nhiều loại vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ sớm được đưa vào sử dụng trên toàn cầu.
Giang Thanh – Tống Mỹ Linh: Hai lựa chọn và hai kết cục
Giang Thanh và Tống Mỹ Linh, hai đệ nhất phu nhân là những người phụ nữ mạnh mẽ có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử Trung Quốc. Tống Mỹ Linh xuất thân là tiểu thư Thượng Hải thuộc dòng họ quyền quý, còn Giang Thanh xuất thân là cô gái Sơn Đông thuộc thành phần dân nghèo.
WHO quả quyết COVID-19 không phải do con người tạo ra
Đại diện kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có nguồn gốc từ tự nhiên, không phải do con người tạo ra.
Tổng hợp-TT