VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Trung Quốc đầu tư 10 tỷ USD mỗi năm cho “quyền lực mềm”

Trung Quốc xây dựng “quyền lực mềm” như một sự bổ sung đối với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng…
Trung Quốc đầu tư 10 tỷ USD mỗi năm cho “quyền lực mềm”
Quảng cáo về Trung Quốc trên Quảng trường Thời đại ở Mỹ – Ảnh: The Economist.
Những hình ảnh về Trung Quốc nối tiếp nhau xuất hiện trên một tấm biển quảng cáo điện tử lớn ở Quảng trường Thời đại, New York: những ngôi đền cổ, những cao ốc lấp lánh ánh đèn, và những cánh đồng ngập tràn nắng.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã nói về triển vọng mới mà kênh truyền hình tiếng Anh của hãng tin này mang lại. Ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, lũ trẻ chơi đùa dưới những tấm biển quảng cáo về những tòa nhà chung cư do Trung Quốc xây dựng. Trên những tấm biển này là lời hứa của chủ đầu tư về “một phong cách sống mới”.

Trên khắp thế giới, trẻ em nhiều nơi đang theo học các chương trình tiếng Trung Quốc được Chính phủ nước này cấp ngân sách. Một số trẻ em ở Deleware, Mỹ mặc trang phục truyền thống Trung Quốc và cúi chào thày giáo của mình trong Ngày Khổng tử.

Trong nhiều năm qua, người tiêu dùng trên thế giới vẫn quen với nhãn “Made in China” (“Sản xuất tại Trung Quốc”) trên hàng hóa mà họ mua. Tuy nhiên, tờ The Economist nói rằng, gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực quảng bá hình ảnh của nước này với tư cách một thương hiệu, với khả năng thu hút người dân từ các quốc gia khác như cách mà nước Mỹ làm bằng văn hóa, sản phẩm và các giá trị của mình.

Một thập kỷ trước, Trung Quốc đã công bố một mục tiêu mới: xây dựng “quyền lực mềm” như một sự bổ sung đối với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của nước này. Theo ông David Shambaugh thuộc Đại học Washington Mỹ, ước tính mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 10 tỷ USD cho chiến lược này. Với chi phí như vậy, chương trình phát triển “quyền lực mềm” của Trung Quốc là một trong những chương trình xây dựng hình ảnh quốc gia do nhà nước cấp vốn tốn kém nhất trên thế giới từ trước đến nay. Ông Shambaugh cũng nhấn mạnh, vào năm 2014, Mỹ chỉ chi chưa đầy 670 triệu USD cho “ngoại giao công chúng”.

The Economist nói rằng Trung Quốc đã mượn ý tưởng về “quyền lực mềm” từ mộc học giả người Mỹ có tên Joseph Nye, người đã đưa ra thuật ngữ này vào năm 1990. Ông Nye lập luận rằng chỉ riêng quyền lực cứng là không đủ để gây ảnh hưởng trên thế giới, mà còn cần phải có “sự thu hút của quyền lực mềm”.

Trung Quốc có thể dùng sức mạnh kinh tế của mình để gây ảnh hưởng lên quốc gia khác, chẳng hạn thông qua xây dựng đường xá và các công trình hạ tầng khác cho họ. Nhưng học giả Nye xem đó là quyền lực cứng. Và Trung Quốc quyết định phải có thêm quyền lực mềm để hút các quốc gia khác vào ảnh hưởng của họ một cách “êm ái” hơn.

Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đẩy mạnh việc phát triển quyền lực mềm cho quốc gia. Trong những chuyến công du nước ngoài, ông Tập thường đi cùng vợ, bà Bành Lệ Viên – một đệ nhất phu nhân có phong cách thời trang được ca ngợi.

Chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào quảng bá văn hóa và tạo ấn tượng rằng chính sách của Trung Quốc là rất ôn hòa. Về văn hóa, Trung Quốc thúc đẩy quảng bá Khổng giáo như một thông điệp về sự hài hòa. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã thành lập khoảng 500 “viện Khổng Tử” do Chính phủ nước này cấp ngân sách tại 140 quốc gia. Những “viện Khổng Tử” này tổ chức các lớp học ngôn ngữ, chương trình biểu diễn nghệ thuật, và dạy nấu các món ăn Trung Quốc.

Trung Quốc cũng hy vọng người dân các nước trên thế giới sẽ đón nhận một số phong tục truyền thống của nước này. Chẳng hạn, Trung Quốc đã nỗ lực để đưa Tết Nguyên đán trở thành một dịp lễ phổ biến như Giáng sinh. Năm 2010, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức gần 100 sự kiện đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài. Năm nay, Bắc Kinh tài trợ khoảng 2.000 sự kiện như vậy tại 140 quốc gia để đón năm mới con gà. Trong những dịp như vậy, đèn lồng đỏ Trung Quốc giăng đầy những con phố ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Về phần mình, các nhà ngoại giao Trung Quốc bận rộn với việc thuyết phục các quốc gia rằng sự nổi lên của Trung Quốc không có gì là đáng sợ. Ông Tập thì nói về một “dạng mới của mối quan hệ giữa các cường quốc”, hàm ý rằng Trung Quốc có thể cùng tồn tại với Mỹ mà không dẫn tới sự đối đầu có thể gây chiến tranh thế giới.

Chiến lược “một vành đai, một con đường” – trong đó Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu – nhằm cùng cố hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia sẵn sàng dùng sự hưng thịnh mới của mình để đem lại những điều tốt đẹp cho thế giới.

Để hỗ trợ cho việc xây dựng hình ảnh này, Trung Quốc đầu tư mạnh vào truyền thông tiếng nước ngoài. Tân Hoa Xã đã mở gần 40 cơ sở ở nước ngoài trong thời gian từ năm 2009-2011, nâng tổng số chi nhánh của hãng thông tấn này ở nước ngoài lên 162. Trong cùng khoảng thời gian, số nhà báo của Tân Hoa Xã ở nước ngoài tăng gấp đôi.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hiện có 6 kênh quốc tế, được giao nhiệm vụ “kể những câu chuyện hay về Trung Quốc, truyền bá tiếng nói của Trung Quốc” và “thể hiện vai trò của Trung Quốc với tư cách người xây dựng hòa bình cho thế giới”. Tờ China Daily, tờ báo tiếng Anh chính của Chính phủ Trung Quốc, trả tiền để chèn nội dung vào những tờ báo lớn của Mỹ như Washington Post và Wall Street Journal.

Trung Quốc muốn thông điệp của họ được thể hiện rõ ngay trên đất Mỹ. Nước này bắt đầu mua quảng cáo trên Quảng trường Thời đại vào năm 2011. Năm ngoái, Tân Hoa Xã dùng biển quảng cáo tại đây để phát 120 lần/ngày một đoạn video bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ngoài ra, một cuộc điều tra vào năm 2015 của hãng tin Reuters tiết lộ rằng đài tiếng nói quốc tế Trung Quốc (China Radio Internationa) kiểm soát 33 đài phát thanh ở 14 quốc gia, trong đó có Mỹ, và những đài này thường tránh nói những điều bất lợi về Trung Quốc.

Nỗ lực phát triển “quyền lực mềm” của Trung Quốc đã mang lại một số kết quả. Trong các cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu, người dân châu Phi thường có cái nhìn tích cực về Trung Quốc hơn so với người dân ở các khu vực khác, một phần do Trung Quốc rót mạnh vốn vào “lục địa đen”.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều thuận lợi. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ, vào cuối năm 2016 chỉ có 38% người Mỹ được hỏi có ấn tượng tích cực về Trung Quốc, từ mức hơn một nửa vào năm 2012.

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Trung Quốc được xem là một nhân tố xói mòn “quyền lực mềm” của nước này. Nhiều người nước ngoài giờ đây đánh đồng hình ảnh của Trung Quốc với khói bụi ô nhiễm – một lý do khiến số du khách quốc tế tới thăm Trung Quốc vào năm 2015 giảm 37% so với năm 2007, bên cạnh việc siết thị thực và biến động tỷ giá Nhân dân tệ.

Nguồn VnEconomy-TT