Covid-19 có thể khơi mào ‘Chiến tranh Lạnh’ Mỹ – Trung; Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông, máy bay, tàu Mỹ liên tục xuất hiện; Tác động kinh tế do Covid-19 có thể lên tới 8,8 nghìn tỉ trên toàn cầu; Triệu chứng lạ của bệnh nhân Covid-19 khiến chuyên gia đau đầu; Thế giới hơn 312.000 người tử vong, WHO cảnh báo nguy cơ Covid-19 tái bùng phát…là những tin chính được cập nhật.
Covid-19 có thể khơi mào ‘Chiến tranh Lạnh’ Mỹ – Trung
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.
Trump ca ngợi quan hệ Mỹ – Trung khi ký thỏa thuận thương mại sơ bộ hôm 15/1, ngày người nhiễm nCoV đầu tiên của Mỹ trở về từ Vũ Hán.
Tuyên bố “quan hệ của chúng tôi đang ở thời điểm tốt nhất từ trước tới nay” Tổng thống Donald Trump đưa ra trong ngày ký thỏa thuận thương mại sơ bộ dường như đã giúp Mỹ và Trung Quốc tránh được nguy cơ đối đầu thương mại biến thành Chiến tranh Lạnh mới. Thỏa thuận cũng thắp lên hy vọng rằng siêu cường số một thế giới có thể giải quyết bất đồng với Trung Quốc trong hòa bình.
Cùng ngày hôm đó, giới chức y tế ở thành phố Vũ Hán thừa nhận họ không thể loại trừ khả năng virus gây bệnh viêm phổi mới khiến 41 người nhiễm có thể lây truyền từ người sang người. Đây cũng là ngày một người đàn ông từ Vũ Hán bay về Washington và mang theo mầm bệnh chết người này, trở thành ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Mỹ.
4 tháng sau, Covid-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ, khiến hơn 4,5 triệu người nhiễm và hơn 300.000 người chết, đồng thời đẩy nền kinh tế toàn cầu chìm sâu trong suy thoái. Đại dịch cũng “hồi sinh” tất cả kịch bản tồi tệ nhất của mối quan hệ Mỹ – Trung, đẩy hai nước tiến sát nhất tới bờ vực đối đầu kể từ khi thiết lập quan hệ cách đây 4 thập kỷ.
Từ vấn đề chuỗi cung ứng, thị thực cho tới an ninh mạng và Đài Loan, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không ngừng đối đầu nhau trên nhiều mặt trận. Trump thậm chí bày tỏ sự thất vọng với thỏa thuận thương mại giữa hai nước, một trong số ít cam kết nhằm ngăn chặn những cuộc đấu khẩu leo thang thành xung đột thực sự.
Ngày 14/5, Trump nói rằng ông thất vọng với cách Trung Quốc xử lý Covid-19 và có thể trả đũa bằng cách cắt hoàn toàn quan hệ với nước này. “Tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng ngay bây giờ tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”, Tổng thống Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network và khẳng định có thể “tiết kiệm được 500 tỷ USD” nếu cắt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông, máy bay, tàu Mỹ liên tục xuất hiện
Mỹ đang tăng áp lực quân sự lên Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng dâng cao trên Biển Đông vì các yêu sách phi lý và sự hung hăng của Bắc Kinh.
Trong vài tuần qua, sự xuất hiện của các tàu Hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ đã đưa ra thông điệp rằng quân đội Mỹ dự định duy trì sự hiện diện trong khu vực và bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ.
Việc đưa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trở lại khu vực vào cuối tháng cũng là ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng áp lực ngoại giao với Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công khai chỉ trích Bắc Kinh không ngăn chặn được sự lây lan của virus và không minh bạch trong giai đoạn đầu đại dịch.
Lầu Năm Góc cũng cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách có được lợi thế quân sự và kinh tế qua việc mở rộng khu vực lực lượng Trung Quốc hoạt động.
Quân đội Mỹ có thể cung cấp hỏa lực mọi nơi, mọi lúc
Và Lầu Năm Góc cũng nói rõ khả năng ứng phó của Mỹ với các hành động của Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi có năng lực và khả năng cung cấp hỏa lực tầm xa ở mọi nơi, mọi lúc. Chúng tôi cũng có thể mang đến hỏa lực áp đảo”, tướng Timothy Ray, chỉ huy của Bộ tư lệnh không kích toàn cầu (AFGSC) giám sát lực lượng máy bay ném bom trong khu vực, cho biết.
Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng
Biển Đông được coi là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây có một số tuyến đường biển đông đúc nhất trên thế giới và các mỏ tài nguyên thiên nhiên tiềm năng như dầu khí.
Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng các tiền đồn trên đảo nhân tạo, lắp đặt các cơ sở quân sự cùng tên lửa ở đó nhằm kiểm soát các tuyến đường thủy chiến lược này.
Tác động kinh tế do Covid-19 có thể lên tới 8,8 nghìn tỉ trên toàn cầu
– Nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5,8 nghìn tỉ tới 8,8 nghìn tỉ USD- tương đương 6,4% tới 9,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu do đại dịch gây ra bởi Virus Corona chủng mới (COVID-19), theo nhận định trong một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố.
Triệu chứng lạ của bệnh nhân Covid-19 khiến chuyên gia đau đầu
Các nhà nghiên cứu Anh cho biết nhiều bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lạ và kéo dài đến vài tháng, cho thấy còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá về căn bệnh mới này.
Vào giữa tháng 3, Paul Garner cứ nghĩ ông bị ho nhẹ. Là một giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, ngày hôm đó ông đã thảo luận về dịch Covid-19 với David Nabarro, đặc phái viên của Vương quốc Anh về đại dịch. Khi kết thúc cuộc gọi trực tuyến, ông Nabarro khuyên ông Garner nên ngay lập tức về nhà và tự cách ly.
Vị giáo sư đã nghe theo lời khuyên của ông Nabarro dù ông cảm thấy “chỉ hơi mệt một chút”, theo Guardian.
Nhiều ngày sau đó, ông có những biểu hiện kỳ lạ. Người đau nhức “như bị ai đánh”, đầu đau như búa bổ. “Những triệu chứng rất kỳ cục”, ông nói. Ngoài ra, giáo sư Garner còn bị mất khứu giác, tức ngực và tim đập nhanh. Đã có lúc ông nghĩ rằng mình sắp chết. Ông cố gắng lên mạng tra cứu triệu chứng của bệnh viêm cơ tim, nhưng ông quá mệt đến nỗi không thể sử dụng máy tính.
Hàng loạt triệu chứng kỳ lạ
Giáo sư Garner gượng gạo thừa nhận mình là thành viên của “nhóm miễn dịch bầy đàn”. Đây là cụm bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 trước khi Anh tuyên bố phong tỏa. Ông cho rằng bệnh tình của mình sẽ chóng khỏi. Tuy nhiên, tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn, sức khỏe giảm sút rõ rệt, tinh thần lao dốc và cơ thể hoàn toàn kiệt sức.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới gây ra một loạt các triệu chứng nặng hơn nhiều so với trước đây. Thời gian biểu hiện triệu chứng cũng có thể dài hơn khiến người bệnh rất khổ sở. Trong trường hợp của giáo sư Garner là 7 tuần.
Giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool cho biết từ kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy mỗi ngày Covid-19 lại có thêm triệu chứng mới. Ông bị đau đầu, đau bụng, ù tai, khó thở, chóng mặt và viêm khớp ở tay. Mỗi lần ông Garner nghĩ rằng mình đã đỡ hơn thì sau đó bệnh lại trở nặng hơn.
*** Thế giới hơn 312.000 người tử vong, WHO cảnh báo nguy cơ Covid-19 tái bùng phát
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, với số ca nhiễm mới và tử vong vì virus không ngừng tăng buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ra cảnh báo khẩn về nguy cơ tái bùng phát dịch lần hai.
Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 17/5 (theo giờ Việt Nam), virus corona chủng mới đã tấn công 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 4,7 triệu người và khiến ít nhất 312.221 trường hợp trong số đó thiệt mạng. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 1,8 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sau điều trị.
Thế giới hơn 312.000 người tử vong, WHO cảnh báo nguy cơ Covid-19 tái bùng phát
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã chấm dứt hoặc nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi tình hình dịch trong nước có dấu hiệu ổn định. Tại châu Âu, một trong các tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu, các bãi biển đã bắt đầu tái mở cửa đúng vào đợt nắng nóng đầu tiên. Châu lục này cũng đang chuẩn bị cho các trận đấu đầu tiên thuộc giải Vô địch bóng đá quốc gia Đức (Bundesliga) quay trở lại sau hơn một tháng phải tạm dừng.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo những quốc gia nói trên nên thận trọng, coi đây là “thời điểm để chuẩn bị, chứ không phải để ăn mừng” nhằm tránh nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới vào mùa đông tới đây.
Trung Quốc đối mặt thách thức lớn vì nguy cơ bùng phát dịch hai
Tiến sĩ Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học nổi tiếng đang giữ vai trò cố vấn y tế cấp cao cho Chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 cho biết, nước này vẫn đang đối mặt với thách thức lớn từ nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm virus corona chủng mới lần thứ hai vì thiếu miễn dịch.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, ông Chung thừa nhận, nhà chức trách đại lục không nên tự mãn trước những thành công bước đầu trong công tác dập dịch. Sau khi tuyên bố không chế được dịch thành công, Bắc Kinh đã cho nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc hồi tháng trước. Một số trường học và doanh nghiệp trên khắp cả nước đã được phép mở cửa trở lại.
Song, trước sự gia tăng trở lại các ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng ở một số địa phương, nhà chức trách Trung Quốc đã phải cho phong tỏa thành phố gần 11 triệu dân Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang hồi cuối tháng 4 và đang áp dụng biện pháp tương tự với thành phố Thư Lan, thuộc tỉnh Cát Lâm, giáp biên giới Triều Tiên.
Tính đến sáng ngày 17/5, Trung Quốc đã bị Ấn Độ soán ngôi vùng dịch lớn nhất châu Á, với tổng số ca mắc Covid-19 là 82.941 người, tăng 8 người so với một ngày trước đó và tổng số ca tử vong giữ nguyên trong nhiều ngày qua là 4.633 người.
Italia thận trọng nới lỏng phong tỏa
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tuyên bố, nước này cần phải thận trọng tái mở nền kinh tế đất nước, có tính toán đến rủi ro của việc trỗi dậy đường cong dịch bệnh một lần nữa. Phát biểu của ông Conte được đưa ra khi các quan chức y tế Italia thông báo, nước này có thêm 153 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 16/5, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm dập dịch hồi tháng 3.
Nhà chức trách địa phương đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế và dự kiến sẽ tiếp tục làm điều này vào đầu tuần tới. Các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và khách sạn được khuyến nghị phải kiểm tra thân nhiệt khách hàng, yêu cầu họ đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội nhằm phòng chống sự lây lan của virus corona chủng mới. Ông Conte thông báo, Italia cũng sẽ dỡ bỏ lệnh giới hạn đi lại đối với những du khách xuất phát từ các nước châu Âu vào ngày 3/6.
Italia hiện là một trong những “điểm nóng” về dịch Covid-19 với gần 225.000 ca dương tính với virus corona chủng mới và ít nhất 31.763 bệnh nhân trong số đó đã thiệt mạng.
Barack Obama chỉ trích các quan chức Mỹ về cách ứng phó dịch
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/5 bất ngờ lên tiếng chỉ trích một số quan chức có nhiệm vụ giám sát cuộc chiến chống Covid-19 của nước này.
Theo AP, phát biểu trước các sinh viên mới tốt nghiệp trong một sự kiện phát sóng trực tiếp 2 giờ đồng hồ trên cả YouTube, Facebook và Twitter, ông Obama nhấn mạnh, dịch Covid-19 cho thấy nhiều quan chức Mỹ “thậm chí còn không cố tỏ ra chịu trách nhiệm” về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng do virus corona chủng mới gây ra.
Ông Obama không đề cập đến tên của Tổng thống Donald Trump hay bất kỳ quan chức liên bang hoặc tiểu bang nào của Mỹ. Song, các phát biểu mới của cựu tổng thống dường như đã cho thấy sự không hài lòng của ông đối với những gì Washington đang làm để phòng chống dịch bệnh.
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm (hơn 1,5 triệu người) và tổng số ca tử vong (89.451 người) đều cao nhất thế giới, tính đến hết ngày 16/5.
– Nepal ghi nhận ca tử vong vì virus corona chủng mới đầu tiên của nước này cuối ngày 16/5. Nạn nhân là một phụ nữ 29 tuổi, mới sinh con gần đây. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số trường hợp mắc Covid-19 tại quốc gia này là 281 người.
– Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson cho biết, các học sinh và thành viên gia đình các em sẽ được xét nghiệm Covid-19 nếu có triệu chứng bệnh. Tuyên bố này nhằm trấn an các bậc phụ huynh cũng như các tổ chức hoạt động xã hội vì trẻ em khi một số trường học ở đảo quốc sương mù sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/6 tới.
– Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia vì Covid-19 lần cuối cùng tới cuối tháng 6, khi số ca tử vong hàng ngày vì dịch của nước này đạt mức thấp nhất trong gần 8 tuần qua. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, với hơn 276.000 người nhiễm virus và 27.563 bệnh nhân đã tử vong.
– Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 16/5 thông báo, nước này sẽ dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới ở thủ đô Budapest từ ngày 18/5 do tình hình dịch bệnh tại đây đã được kiểm soát. Động thái diễn ra 2 tuần sau khi nhà chức trách chấm dứt lệnh phong tỏa nhằm dập dịch ở các khu vực còn lại của nước này.
– Ấn Độ ngày 16/5 lần đầu tiên thông báo có tổng số ca mắc Covid-19 vượt Trung Quốc và trở thành “ổ dịch” lớn nhất châu Á. Tính đến sáng sớm 17/5, nước này ghi nhận 90.398 người dương tính với virus corona chủng mới và 2.862 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong. thông báo tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này hiện ở mức 85.940 ca, lần đầu tiên vượt số ca mắc bệnh Trung Quốc (82.941 ca), nơi dịch bệnh khởi phát.
– Theo báo Guardian, do không đặt bàn trước, vợ chồng Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ban đầu đã bị một quán cà phê nổi tiếng ở thủ đô đô Wellington từ chối phục vụ vì hết chỗ theo quy định giãn cách ngăn Covid-19. Song, quản lý quán sau đó chạy theo để thông báo cho cặp đôi biết họ có thể quay lại vì quán vừa có bàn trống. New Zealand đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 27/4, nhưng nhiều cửa hàng, doanh nghiệp vẫn chưa tái mở cửa. Quốc gia này hiện ghi nhận 21 ca tử vong trong tổng số 1.498 trường hợp nhiễm Covid-19.
– Nga ngày 16/5 có thêm 119 ca tử vong vì Covid-19, mức tăng cao nhất kể từ dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng lên 2.537 người. Quốc gia này hiện là vùng dịch lớn thứ 3 trên thế giới với ít nhất 272.043 người dương tính với virus corona chủng mới, tăng 9.200 trường hợp trong vòng 24 giờ qua. Cho đến nay, Nga đã thực hiện hơn 6,6 triệu lượt xét nghiệm Covid-19 và đang theo dõi y tế khoảng 259.000 người.
*** Biểu tình rầm rộ chống hạn chế đi lại tại châu Âu
Trong khi đại dịch COVID-19 tại “lục địa già” vẫn chưa xuất hiện các dấu hiệu thực sự khả quan, thì mới đây làn sóng biểu tình phản đối các hạn chế đi lại tại nhiều nơi đã nổ ra, gây cản trở nỗ lực chống lại sự lây lan bệnh dịch của các chính phủ.
Hàn Quốc: Vấn nạn “Phòng chat thứ N”
Vấn nạn “phòng chat thứ N” ở Hàn Quốc đã gây chấn động dư luận, các phòng chat này là nơi để các tội phạm tình dục trực tuyến hoạt động bán dâm. Bọn tội phạm lưu trữ các video khiêu dâm của các cô gái trẻ Hàn Quốc bị ép buộc tự quay, hoặc bị hiếp dâm trong các phòng chat trực tuyến.
Vết nứt không dễ hàn gắn
Trong lúc “cuộc chiến” khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân còn chưa kết thúc, thì cuộc tranh giành ai là người đầu tiên nhận được vaccine COVID-19 dường như đã bắt đầu. Cuộc chiến này đã một lần nữa phơi bày những vết nứt không dễ hàn gắn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.
Campuchia chữa khỏi toàn bộ ca mắc COVID-19
Bệnh nhân cuối cùng của Campuchia điều trị COVID-19 đã hồi phục và rời bệnh viện. Giờ đây, Campuchia không còn trường hợp nào mắc COVID-19, Bộ Y tế nước này ngày 16/5 tuyên bố, dù khẳng định vẫn tiếp tục đề cao cảnh giác.
Người dân Vũ Hán đổ xô đi xét nghiệm lại COVID-19
Khi Vũ Hán, điểm bùng phát và cũng là ổ dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, triển khai chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn, đông đảo người dân đã đổ xô đến các trung tâm y tể để kiểm tra, dấy lên mối lo ngại về nguy cơ lây nhiễm ngay trong cộng đồng.
Đi nhờ xe tải về quê, 23 người chết thảm
Một chiếc xe tải chở đầy lao động nhập cư đang trên đường về nhà vào thời điểm Ấn Độ đang tiến hành phong tỏa toàn quốc đã bất ngờ gặp nạn vào rạng sáng 16/5 khiến ít nhất 23 người chết và 35 người bị thương.
Hạ viện Mỹ thông qua gói 3.000 tỷ USD cứu trợ nền kinh tế
Hạ viện Mỹ chiều 15/5 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật trị giá 3.000 tỷ USD nhằm cứu trợ các cá nhân, doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19, vốn đang khiến phần lớn nền kinh tế nước này đóng cửa.
Italia cho phép tự do đi lại từ tháng 6
Chính phủ Italia ngày 16/5 đã phê duyệt một nghị định cho phép đi lại trong và ngoài nước từ 3/6, trong một nỗ lực đột phá nhằm mở cửa đất nước sau nhiều tuần áp dụng biện pháp phong tỏa quyết liệt nhất thế giới.
Ông Trump công bố “chiến dịch thần tốc” phát triển vaccine COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 (giờ địa phương) đã công bố chi tiết “chiến dịch thần tốc” nhằm bào chế thành công vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm nay, ngay cả khi các chuyên gia cảnh báo rằng một bước đột phá như vậy có thể mất hơn 18 tháng.
Anh đầu tư tiền tỉ huấn luyện chó phát hiện “mùi” của COVID-19
Các chú chó tinh nhuệ đang được giới khoa học Anh huấn luyện để phát hiện ra COVID-19 trước khi các triệu chứng xuất hiện trên người, trong một chương trình thí nghiệm được đầu tư 500.000 Bảng (khoảng 1.4 tỷ VND) bởi chính phủ Anh.
“Bóng đen” COVID-19 bao trùm mối quan hệ Mỹ – Trung
Đại dịch COVID-19 tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn vốn có và làm gia tăng những căng thẳng mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và điều không may là vào thời điểm thế giới cần có sự dẫn dắt và quản lý thì hai cường quốc lớn nhất lại đang trong trạng thái đối đầu gay gắt.
Bộ trưởng Y tế từ chức, Brazil có thể “vỡ trận” vì COVID-19
Bộ trưởng Y tế Brazil đã đột ngột từ chức hôm 15/5 (giờ địa phương) sau chưa đầy một tháng tại nhiệm. Tuyên bố được đưa ra vào thời điểm quốc gia này đang trở thành điểm nóng COVID-19 trên thế giới, với gần 15.000 trường hợp tử vong.
Có một cảnh sát Pháp như thế!
Marcel Guillaume (1/10/1872 – 10/2/1963) được sinh ra trong một gia đình trung lưu ở xã Épernay, tỉnh Marne, thuộc nước Pháp. Người thường được mệnh danh là thám tử giỏi nhất lịch sử nước Pháp này lại không bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành cảnh sát. Trái lại, thời trẻ ông làm nghề bán tạp hoá, rồi phục vụ trong quân ngũ một vài năm trước khi lên Paris lập nghiệp.
Cách phòng chống dịch và cuộc sống hậu cách ly ở Việt Nam trong con mắt nhà báo Mỹ
“Sự quản lý nhanh chóng và hiểu biết của đất nước, kết hợp với các chính sách nghiêm ngặt của Chính phủ, cho phép Việt Nam tiêu diệt virus SARS-CoV-2 hiệu quả hơn hầu hết các quốc gia”, đây là khẳng định của phóng viên Katie Lockhart khẳng định điều này trong một bài viết được đăng tải trên hãng CNN ngày 15/5.
COVID-19 tấn công Iran đợt hai, số người nhiễm phá kỉ lục
Số ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận tại Iran trong 24h qua tăng vọt lên mức cao nhất từ giữa tháng 4, khiến nhiều người lo ngại quốc gia Trung Đông này đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Trung Quốc nói gì sau lời đe doạ cắt đứt quan hệ của Tổng thống Trump?
Trung Quốc nói rằng một mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc có lợi cho cả đôi bên, đồng thời hối thúc Washington từ bỏ “thái độ Chiến tranh Lạnh”.
Các nước tiểu vùng sông Mekong chống buôn bán ma tuý thành công hơn
Các nước khu vực tiểu vùng sông Mekong đóng vai trò thiết yếu nhằm đạt được thành công trong chống buôn bán ma tuý và tội phạm. Tuy nhiên, thị trường ma tuý tổng hợp tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á vẫn ở mức báo động về đa dạng hoá.
Tổng hợp-TT