Việc các chính phủ đổ nhiều tiền của, công sức chạy đua phát triển vắc-xin phòng ngừa Covid-19 đang làm thay đổi những thông lệ, thậm chí cả một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực này trên thế giới.
Theo CNN, cho tới mãi gần đây, khoảng thời gian nhanh nhất để phát triển thành công một loại vắc-xin trên thế giới vẫn là 4 năm. Hầu hết các vắc-xin đều mất tới 10 – 15 năm mới có thể trình làng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang chạy đua để rút ngắn quá trình này xuống còn dưới 1 năm.
Một nhà nghiên cứu vắc-xin Covid-19 tại Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh quốc gia Nikolai Gamaleya ở Moscow, Nga. Ảnh: AP
Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực phát triển vắc-xin phòng ngừa virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), thủ phạm gây ra đại dịch Covid-19 thông qua sử dụng cả các kỹ thuật đã biết, lẫn những công nghệ mới.
Chưa bao giờ tài trợ cho việc chế vắc-xin lại lớn đến như vậy, với hàng tỷ USD đang được rót cho các nhóm nghiên cứu khắp toàn cầu nhằm tạo ra sản phẩm có khả năng khống chế đại dịch. Trong đó, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đầu tư lớn nhất. Tuy nhiên, trước cả khi các nhóm người có nguy cơ cao có thể được tiêm vắc-xin, rất nhiều việc cần được hoàn tất và nhiều thỏa thuận cần được thông qua.
Con đường ra đời vắc-xin Covid-19
Giới khoa học hy vọng sẽ cho ra mắt một loại vắc-xin Covid-19 vào đầu năm 2021. Để làm được điều đó, quá trình phát triển đã được tăng tốc một cách nhanh chóng.
Trước khi được thông qua sử dụng, một loại vắc xin phải trải qua nhiều giai đoạn. Sau giai đoạn nghiên cứu và phát triển ban đầu sẽ là một loạt các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng (bao gồm 3 giai đoạn). Thông thường, mỗi bước này có thể mất tới 2 năm hoặc hơn để hoàn thành. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua ngăn chặn virus corona chủng mới, một vài trong số các bước trên đang được kết hợp hoặc thậm chí bỏ qua để đẩy nhanh quá trình.
Theo CNN, có 29 vắc-xin đang được kiểm tra tính năng phòng ngừa Covid-19 trong nhiều cuộc thử nghiệm trên người diễn ra đồng thời khắp thế giới.
Hầu hết các chế phẩm tiềm năng trong các cuộc thử nghiệm trên người này đều nhận được sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, châu Âu hoặc Trung Quốc. Một số chuyên gia tin, các nhà quản lý ở một trong những quốc gia và khu vực này sẽ phê duyệt một loại vắc-xin an toàn, hiệu quả đầu tiên.
Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới bắt đầu thử nghiệm vắc-xin trên người vào ngày 16/3, chỉ 2 tháng sau khi nhận diện được trình tự gen SARS-CoV-2.
Hiện có 6 loại vắc-xin đang được thử nghiệm giai đoạn cuối ở người (giai đoạn 3) trước khi chờ phê duyệt. Trong đó, 3 loại của Trung Quốc (gồm 2 loại do công ty quốc doanh Sinopharm phát triển và một loại là sản phẩm của hãng dược tư nhân Sinovac Biotech); một loại của Anh (sản phẩm hợp tác giữa Đại học Oxford và công ty AstraZeneca) và 2 loại của Mỹ (gồm một của Moderna và một của đại gia dược phẩm Pfizer).
Theo giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner tại Đại học Oxford, việc đạt được giai đoạn cuối của thử nghiệm chỉ 6 tháng sau giải trình tự gen virus là rất nhanh, vì quá trình này thông thường sẽ kéo dài ít nhất 6 năm.
Tốc độ thử nghiệm kỷ lục
Tiến triển trong bào chế vắc-xin chống Covid-19 nhanh hơn so với các loại vắc-xin khác khi các cuộc thử nghiệm trên người bắt đầu được xúc tiến chỉ 67 ngày sau khi dịch bùng phát. Trong một nỗ lực để có chế phẩm càng sớm càng tốt, một số quốc gia đang đẩy nhanh quá trình thông qua các loại vắc xin trước khi hiệu quả của chúng được chứng thực trong các thử nghiệm giai đoạn 3.
Trung Quốc đã làm điều đó khi phê chuẩn một vắc-xin thử nghiệm dùng cho quân đội của nước này vào cuối tháng 6. Hiện Nga cũng khẳng định đã phát triển thành công vắc-xin Covid-19 bất chấp các nghi ngại việc họ đã “đốt cháy giai đoạn”. Vào ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã ký giấy phép lưu hành Sputnik V, loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt dùng đại trà.
Song, Nga vẫn chưa công bố các dữ liệu khoa học về quá trình thử nghiệm chế phẩm nói trên. Ngoài ra, vắc-xin được phê duyệt chỉ một ngày trước khi bước vào các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 – bước cuối cùng và cũng là quan trọng nhất trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Mặc dù kiểu đẩy nhanh tiến độ như trên khó lòng xảy ra ở Mỹ hay châu Âu, những nơi mà các cơ quan quản lý luôn yêu cầu có đầy đủ các cuộc thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả, nhưng một số hãng dược phẩm đang thúc đẩy sản xuất và dự trữ trong trường hợp nhà chức trách bật đèn xanh cho vắc-xin của họ tung ra thị trường.
Công ty AstraZeneca cho biết đã đạt được thỏa thuận với một số chính phủ, kể cả Mỹ và Anh cũng như các tổ chức khác để sản xuất ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin với đợt giao hàng đầu tiên có thể bắt đầu ngay từ tháng 9.
Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Y sinh tiên tiến (BARDA) trực thuộc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ đang bơm hàng tỷ đô la vào các công ty để tăng cường phát triển và sản xuất vắc-xin, bao gồm cả AstraZeneca. Cơ quan này cũng đã ký hợp đồng về số lượng liều vắc-xin với Novavax, Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna cũng như Sanofi và GSK.
Các lo ngại
Tốc độ phát triển, phê duyệt quá nhanh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân cảnh giác với việc tiêm chủng. Một cuộc thăm dò gần đây của CNN cho thấy, chỉ 66% người Mỹ sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 nếu sản phẩm này trình làng.
Hơn thế nữa, ngay cả khi tất cả mọi người đều sử dụng vắc-xin Covid-19, chế phẩm gần như chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả 100%. Thực tế, nhiều loại vắc-xin có hiệu quả phòng ngừa mầm bệnh khá thấp. Ví dụ, vắc-xin sốt rét đầu tiên trên thế giới – RTS, S hoặc Mosquirix bắt đầu được lưu hành khắp châu Phi vào năm ngoái, dù chỉ cung cấp 39% khả năng bảo vệ trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 17 tháng tuổi. Điều này vẫn được coi là có giá trị ở các nước có tỷ lệ mắc bệnh cao khi được sử dụng chung với các biện pháp can thiệp khác.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (BARDA) từng tuyên bố, vắc-xin Covid-19 sẽ phải có khả năng bảo vệ ít nhất 50% số người tiêm chủng mới được coi là hiệu quả. Tỉ lệ hiệu quả này được tin có thể giúp ngăn chặn việc lây nhiễm virus, đặc biệt là khi kết hợp với các biện pháp điều trị và phòng ngừa khác.
Một số chuyên gia tin, virus corona chủng mới sẽ không bao giờ thực sự biến mất và thay vào đó có thể trở thành một bệnh nhiễm trùng phổ biến, dễ kiểm soát hơn như cúm. Số khác cảnh báo, những vắc-xin cán đích đầu tiên không nhất thiết là những sản phẩm tốt nhất và rằng thế giới rốt cuộc nhiều khả năng sẽ sử dụng nhiều vắc-xin để dập dịch.
Nỗ lực phát triển vắc-xin cũng đang bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng dược phẩm trên toàn cầu. Chẳng hạn, các chuyên gia cho biết, thế giới hiện không có đủ ống thủy tinh để đựng vắc-xin và các nhà máy cũng không đủ năng lực để chiết rót và đóng gói chúng.
Tuy nhiên, các quốc gia đã dành những ngân sách “khủng” nhằm lấp đầy khoảng trống. Chỉ tính riêng tại Mỹ, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã quyết định chi hơn 1,5 tỷ USD cho việc bào chế và phân phối trong nước nhằm đảm bảo tiếp cận đủ số liều vắc-xin cần thiết cho cuộc chiến chống đại dịch của nước này.
Việc gấp rút đảm bảo nguồn cung cũng đang làm gia tăng các vấn đề địa chính trị. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích các quốc gia hợp tác để đảm bảo sự tiếp cận công bằng khắp toàn cầu, nhưng một số chuyên gia lo ngại mục tiêu này sẽ bị các lợi ích quốc gia cản trở.
Theo ông Robin Robinson, Giám đốc BARDA, điều đó từng có tiền lệ trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009. CDC ước tính, đại dịch cúm nói trên đã cướp đi sinh mạng của 575.000 người khắp thế giới, cao hơn gấp 31 lần con số thống kê chính thức của WHO. Khi vắc-xin H1N1 trình làng, các nước giàu hơn đã cấp tập thâu tóm các nguồn cung, khiến những nước nghèo hơn bị đẩy về phía sau chờ đợi.
May mắn, chủng H1N1 nhẹ hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia và một bộ phận dân số cao tuổi đã cho thấy khả năng miễn dịch virus, đồng nghĩa vắc-xin không đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 hoàn toàn khác và hiện không có dấu hiệu sẽ suy giảm tự nhiên.
Với hy vọng tránh lặp lại những gì đã xảy ra vào năm 2009, WHO ngày 24/4 đã triển khai chương trình Tăng tốc tiếp cận bộ công cụ Covid-19 (ACT), trong đó các quốc gia nhất trí sẽ đảm bảo “tất cả mọi người có quyền tiếp cận mọi công cụ để ngăn chặn, phát hiện, điều trị và đánh bại Covid-19”. Song, Mỹ và Trung Quốc đã không ký thỏa thuận. Chỉ hơn một tháng sau, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi WHO.
Trong một động thái đáng lo ngại khác, vào cuối tháng 6, Chính phủ Mỹ đã mua hầu như mọi nguồn cung thuốc remdesivir sẵn có tới tháng 9 trên toàn cầu. Remdesivir là thuốc đầu tiên cho thấy hiệu quả trong việc điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng. Nhiều ý kiến e sợ, thỏa thuận thâu tóm remdesivir nhằm đảm bảo ưu tiên cho các bệnh nhân Mỹ có nguy cơ đóng vai trò như bản kế hoạch phân phối các phương pháp điều trị và vắc-xin trong tương lai.
Nguồn VNN-TT