VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 18/8/2020.

 Yêu cầu Malaysia xác minh, làm rõ vụ truy đuổi tàu cá làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng; Trung Quốc đề nghị thử nghiệm vaccine Covid-19 cùng Nga; Vaccine COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc được cấp bằng sáng chế; Phát hiện virus SARS-CoV-2 trong da của người âm tính; Hàn Quốc thay đổi quy định phí điều trị COVID-19 với người nước ngoài; Thế giới 22 triệu ca nhiễm Covid-19…là những tin chính được cập nhật.

Yêu cầu Malaysia xác minh, làm rõ vụ truy đuổi tàu cá làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng

       Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong một buổi họp báo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Ngày 17/8/2020, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị khẳng định thông tin trên báo chí nước ngoài về việc Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia truy đuổi tàu cá Việt Nam và làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin nói trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng của Malaysia để xác minh, làm rõ vụ việc. Theo thông tin ban đầu từ phía Malaysia, ngày 16/8, tại vùng biển ngoài khơi bang Kelantan (Malaysia) đã xảy ra một vụ va chạm giữa Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia và hai tàu cá Việt Nam, làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng. Hai tàu cá cùng các ngư dân còn lại đang bị phía Malaysia tạm giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Malaysia.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc nghiêm trọng này, yêu cầu phía Malaysia xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhân viên công vụ làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng, đối xử nhân đạo với ngư dân và tàu cá Việt Nam.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiếp tục làm việc, yêu cầu các cơ quan chức năng của Malaysia cung cấp thông tin cụ thể về vụ việc, thu xếp thăm lãnh sự các ngư dân và tiến hành các biện pháp bảo hộ đối với ngư dân thiệt mạng. Đồng thời, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong nước xác minh nhân thân các ngư dân, nắm thêm thông tin về vụ việc để có cơ sở đấu tranh với các sai phạm, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”./.

Trung Quốc đề nghị thử nghiệm vaccine Covid-19 cùng Nga
Các nhà khoa học Trung Quốc đề nghị thực hiện các thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 chung với Nga để học hỏi lẫn nhau.
Đề nghị được viện sĩ Chung Nam Sơn đưa ra trong một hội nghị chuyên đề tổ chức hôm 16/8.
Viện sĩ phát biểu: “Trung Quốc và Nga có thể học hỏi được nhiều điều từ nhau. Công nghệ và chiến lược của Nga (trong việc đẩy lùi Covid-19) rất đáng để nghiên cứu. Trong khi đó, Trung Quốc lại có những phương pháp độc đáo kiểm soát đại dịch, đặc biệt là sử dụng y học cổ truyền”.
Viện sĩ Chung chưa đề cập đến loại vaccine ông nhắm tới, hay nơi mà thử nghiệm sẽ diễn ra. Song, ông công nhận Nga đã đạt được những thành công nhanh chóng trong việc phát triển biện pháp ngăn ngừa Covid-19.
Giáo sư Jin Dong-yan, chuyên gia virus của Đại học Hong Kong lại cho rằng hợp tác Nga – Trung không phải là ý kiến hay, lưu ý Nga không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, lập tức phê duyệt vaccine chưa qua thử nghiệm quy mô lớn. Trong khi đó, Trung Quốc cần tiếp tục nghiên cứu vaccine tại nước ngoài bởi tình hình dịch tễ nội địa suy yếu, không đủ số trường hợp dương tính để xác định độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm.
Đại lục đang sở hữu 4 trong số 9 “ứng viên” tiềm năng bước vào thử nghiệm giai đoạn ba. Vừa qua, giới chức y tế cũng nêu điều kiện để phê duyệt vaccine. Theo đó, các liều tiêm phải có tác dụng khoảng 50%, thời gian duy trì miễn dịch ít nhất 6 tháng. Các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn hiệu quả nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm cũng có thể được sử dụng trong tình thế khẩn cấp.
Hầu hết vaccine của Trung Quốc được phát triển theo công nghệ truyền thống, sử dụng virus bất hoạt để kích thích miễn dịch ở người. Các “ứng viên” đang được thử nghiệm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil, Ả Rập Xê Út và Indonesia.

Vaccine COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc được cấp bằng sáng chế
Tờ Global Times cho hay, vaccine vừa được cấp bằng sáng chế là loại tái tổ hợp có tên Ad5-nCoV. Loại vaccine này được phát triển bởi Công ty Dược phẩm sinh học CanSino (Trung Quốc) phối hợp nhóm do chuyên gia bệnh truyền nhiễm quân đội Trung Quốc Chen Wei dẫn đầu.
Việc được cấp bằng sáng chế đã khẳng định vaccine có tính hiệu quả và an toàn cao, đồng thời chứng minh quyền sở hữu trí tuệ của CanSino.
Các chuyên gia cũng cho rằng bằng sáng chế sẽ nâng cao lòng tin của thị trường quốc tế với vaccine COVID-19 do Trung Quốc phát triển.

Phát hiện virus SARS-CoV-2 trong da của người âm tính
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên da của một người, bất chấp kết quả mẫu dịch từ đường hô hấp là âm tính.
Vụ việc liên quan đến một cụ bà 81 tuổi, người đã được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vì có các triệu chứng như sốt. Tuy nhiên, các xét nghiệm SARS-CoV-2, bao gồm lấy dịch từ mũi, hầu họng và xét nghiệm kháng thể được thực hiện 6 tuần sau đó đều cho kết quả âm tính.
Khi bệnh nhân đến bệnh viện, bà còn bị các triệu chứng như nổi mẩn đỏ trên da. Một nhóm bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Đại học Basel đã xét nghiệm mẫu da để tìm virus SARS-CoV-2 và đã cho kết quả dương tính.

Hàn Quốc thay đổi quy định phí điều trị COVID-19 với người nước ngoài
Bệnh nhân người nước ngoài mắc COVID-19 nhập cảnh Hàn Quốc sẽ phải chia sẻ chi phí điều trị tại nước này từ ngày 24/8 tới và những người vi phạm quy định phòng dịch sẽ phải thanh toán đầy đủ chi phí chữa trị.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế của Hàn Quốc cho biết việc thu phí điều trị này còn theo nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ ngoại giao.
Trước đó, Hàn Quốc đã cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho tất cả bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả người nước ngoài song ngày càng có nhiều lời kêu gọi bệnh nhân nước ngoài chia sẻ gánh nặng tài chính.

Biểu tình rầm rộ tại Madrid phản đối đeo khẩu trang chống COVID-19
Straits Times ngày 17/8 đưa tin, hàng trăm người Tây Ban Nha hôm 16/8 đã đổ xuống đường phố tại thủ đô Madrid biểu tình rầm rộ, để phản đối việc chính phủ nước này bắt buộc đeo khẩu trang cũng như đưa ra những hạn chế
Theo Straits Times, những người biểu tình này hưởng ứng lời kêu gọi trên mạng xã hội để phản đối việc đeo khẩu trang bắt buộc, cũng như các biện pháp hạn chế khác mà Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra nhằm kiểm soát sự lây lan của COVID-19.
Họ cho rằng các chính phủ trên thế giới đang phóng đại số ca mắc COVID-19 để hạn chế quyền tự do của người dân, bắt người dân phải ở nhà. Chính vì thế, những người này đi biểu tình cũng không hề đeo khẩu trang.

***   Thế giới 22 triệu ca nhiễm Covid-19
Thế giới tiếp tục hứng chịu sự lây lan mạnh và nguy hiểm của đại dịch Covid-19, với hơn 183.000 ca nhiễm mới và thêm hơn 3.800 người tử vong trong 24 giờ qua.
Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 18/8, dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm mầm bệnh cho hơn 22 triệu người và cướp đi mạng sống của gần 776.600 nạn nhân.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu danh sách với hơn 5,6 triệu ca dương tính và trên 173.600 ca tử vong.

Ở vị trí thứ 3 sau Mỹ và Brazil, Ấn Độ ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 qua đời ở mức cao nhất trong 24 giờ, với 880 trường hợp. Như vậy, tính đến hiện tại, quốc gia châu Á này có hơn 2,7 triệu người nhiễm Covid-19 và gần 52.000 người tử vong.

Trên toàn cầu, đại dịch vẫn diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường, với châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch nghiêm trọng nhất. Nhiều quốc gia cũng đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh lần 2 và lần 3.

Loạt chỉ thị của Tổng thống Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vừa ban hành 4 chỉ thị quan trọng nhằm tăng cường các biện pháp phòng dịch, bao gồm hệ thống hỗ trợ đối phó khẩn cấp liên ngành, khởi động hệ thống ứng phó chung tại các địa phương sẵn sàng khu vực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ, dốc toàn lực để phòng dịch tại thủ đô Seoul cùng tỉnh Gyeonggi, và không để lọt lỗ hổng trong thực hiện giãn cách xã hội mức II.
Ông Moon đặc biệt lưu ý tình trạng lây nhiễm tập thể tại các nhà thờ và yêu cầu các cơ sở này phải tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch, chẳng hạn như xét nghiệm, điều tra dịch tễ học, tự cách ly tại nhà và không để virus lan ra cộng đồng.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc tuyên bố sẽ nghiêm trị những trường hợp vi phạm và không tuân thủ quy tắc phòng dịch.

Malaysia và Singapore tái mở cửa biên giới chung
Việc đi lại giữa Malaysia và Singapore đã được nối lại ngày 17/8 sau khi đóng cửa từ tháng 3 để ngăn dịch bệnh. Tuy vậy, số người tối đa được phép thông quan hai chiều mỗi ngày là 2.060.
Malaysia đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19 kể từ 18/3. Trước đó, mỗi ngày có hơn 300.000 người đi lại giữa nước này với Singapore, trong đó khoảng 100.000 người Malaysia thường xuyên đến và đi từ Singapore để làm việc hoặc học tập.
Hai quốc gia Đông Nam Á đều tuyên bố đã khống chế được dịch Covid-19.

Philippines thử nghiệm thuốc trị Covid-19
Philippines vừa triển khai thử nghiệm Avigan – một loại thuốc chống cúm của Nhật Bản – để đánh giá hiệu quả của dược phẩm này trong điều trị Covid-19.
Theo Thứ trưởng Y tế Philippines, đợt thử nghiệm sẽ kéo dài 90 ngày và bước đầu được thực hiện tại 4 bệnh viện ở thủ đô Manila. Những người tham gia sẽ chia làm 2 nhóm. Một nhóm được điều trị theo phác đồ hiện có ở các bệnh viện, còn nhóm kia cũng theo phác đồ này nhưng thêm thuốc Avigan.

Avigan là tên của loại thuốc chống virus favipiravir. Sản phẩm của một chi nhánh thuộc công ty Fujifilm Holdings, được đánh giá có thể trị được Covid-19. Mới đây, Fujifilm Holdings bày tỏ hy vọng các cuộc thử nghiệm tính hiệu quả của Avigan tại Nhật Bản sẽ hoàn tất trong tháng 9 và sớm được thông qua.
Đầu năm nay, Thủ tướng Abe Shinzo từng mong muốn Avigan sẽ được phép dùng cho bệnh nhân Covid-19 vào tháng 5. Tuy nhiên, một báo cáo khi đó không công nhận tính hiệu quả của thuốc này trong điều trị Covid-19.

***  Chỉ trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 167.183  ca nhiễm mới, và thêm 3.725 ca tử vong. Số ca mắc bệnh tại Mỹ – ổ dịch lớn nhất thế giới đã lên đến 5.600.984 ca sau khi nước này có thêm 29.569 ca mắc mới trong ngày hôm qua. Cường quốc hàng đầu thế giới đã ghi nhận 173.609  ca tử vong, 2.965.458 ca bình phục. Sau Mỹ là Brazil với 3.359.570  ca mắc COVID-19 và 108.536 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 2.701.604 ca mắc và 51.925 ca tử vong.

Châu Âu hiện ghi nhận 3.179.832 ca mắc COVID-19, trong đó có 203.330 ca tử vong. Nga, Tây Ban Nha, Anh là ba quốc gia dẫn đầu danh sách số ca mắc COVID-19 trong khu vực với lần lượt số ca mắc bệnh là 927.745; 358.843 và 319.197.

Một số nước châu Âu đã siết chặt các biện pháp để phòng dịch. Nhà chức trách Italy quyết định đóng cửa các vũ trường và các hộp đêm, đồng thời yêu cầu người dân phải bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài vào ban đêm tại một số khu vực. Quyết định này bắt đầu được thực hiện từ ngày 17/8 và sẽ kéo dài đến ngày 7/9. Quyết định tái áp đặt các biện pháp hạn chế nói trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh trên cả nước Italy đặc biệt là trong giới trẻ. Tính đến ngày 18/8, Italy ghi nhận tổng cộng 254.235 ca mắc, trong đó có 35.400 ca tử vong. Giới chức y tế Italy cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng gần đây là do những người trẻ tuổi không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.

Tây Ban Nha đã đóng cửa các hộp đêm ở thêm nhiều vùng, sau khi các quy định nhằm khống chế dịch chính thức có hiệu lực. Tây Ban Nha hiện có tổng cộng gần 358.843  ca nhiễm, mức cao nhất tại khu vực Tây Âu. Trong 14 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm tại nước này là 115 ca trên 100.000 dân, trong khi con số này tại Pháp là 45 ca, Anh (19 ca) và Đức (16 ca). Tuy nhiên, phần lớn các ca nhiễm mới là những người không có triệu chứng và nguy cơ tử vong đã giảm đáng kể. Kể từ khi chấm dứt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào ngày 21/6, Tây Ban Nha ghi nhận chưa tới 300 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện là 28.617 ca.

Số ca mắc COVID-19 tại Bắc Mỹ đã tăng lên 6.602.550  ca sau khi khu vực này ghi nhận thêm 36.988 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện đã có 248.069 ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này. Mỹ chiếm tới hơn 85% số ca mắc COVID-19 ở khu vực này. Tiếp theo đó là Mexico với 522.162 ca nhiễm, 56.757 ca tử vong. Canada cũng ghi nhận con số 122.636 ca nhiễm, trong đó 9.030 ca đã tử vong.

Số ca mắc COVID-19 tại châu Á đã lên tới 5.736.994 sau khi có thêm 77.315 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Khu vực này đã ghi nhận tổng số 121.512 ca tử vong. Ấn Độ hiện có số ca mắc nhiều thứ 3 thế giới và là tâm dịch của châu Á, ghi nhận tổng cộng 2.701.604 ca mắc, trong đó hơn 51.925 ca tử vong. Đáng chú ý, 12 bang ở nước này đã ghi nhận trên 55.000 ca mắc. Tiến sĩ V.K. Paul, thành viên lực lượng ứng phó COVID-19 của Chính phủ Ấn Độ, cảnh báo đại dịch sẽ tiếp tục là một thách thức và là “cuộc chiến trường kỳ” mà mỗi người dân phải đối mặt. Do đó, ông kêu gọi người dân Ấn Độ không lơ là cảnh giác và tự giác thực hiện các hướng dẫn đảm bảo an toàn mọi lúc, mọi nơi.

Indonesia trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất do dịch bệnh COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á sau khi ghi nhận thêm 57 ca tử vong trong 24 giờ qua. Theo số liệu của Chính phủ Indonesia, tổng số ca tử vong tại nước này hiện là 6.207 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia phát hiện thêm 1.821 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 141.370 ca.

Bộ Y tế Philippines công bố trong 24 giờ qua, nước này có thêm 3.314 ca mắc và 18 ca tử vong. Như vậy, đến nay Philippines xác nhận 164.474 ca mắc, trong đó có 2.681 ca tử vong. Philippines bắt đầu thử nghiệm Avigan – một loại thuốc điều trị cúm của Nhật Bản để đánh giá hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nam Mỹ ghi nhận 5.313.688 ca nhiễm sau khi có thêm 30.698 ca nhiễm mới trong ngày qua,  trong đó có 177.173 ca đã tử vong. Brazil vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm và ca tử vong với con số lần lượt là 3.359.570 và 108.536. Riêng trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 19.373 ca nhiễm, 657  ca tử vong.

Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 8.074, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên  1.131.216,  trong đó 25.931 ca đã tử vong. Nam Phi là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực với 589.886 ca, trong đó 11.982 ca đã tử vong. Hiện Nam Phi bắt đầu bước vào giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 NVX-CoV2373 do công ty công nghệ sinh học của Mỹ Novavax sản xuất. Có 2.904 người tình nguyện trong độ tuổi từ 18-64 đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm này.

Châu Đại Dương có thêm 290 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 25.740 ca, trong đó có 447 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới của khu vực này trong 24 giờ  qua, Australia có tới 271 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 23.559, trong đó có 421 ca tử vong./.

 Tổng hợp-TT