Xung đột Mỹ-Trung gia tăng, Châu Á lo mắc kẹt giữa “hai làn đạn”; Kịch bản Trump từ chối rời Nhà Trắng gây lo ngại; Mối nguy từ bảy nước EU; Indonesia có số ca nhiễm mới cao kỷ lục; Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Myanmar nguy cơ hết chỗ cách ly…là những tin chính được cập nhật.
Xung đột Mỹ-Trung gia tăng, Châu Á lo mắc kẹt giữa “hai làn đạn”
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019. Ảnh: Reuters
VOV.VN – Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến châu Á lo ngại về một cuộc chiến tranh Lạnh mới và phức tạp hơn.
Khi Mỹ và Trung Quốc tranh luận tại Liên Hợp Quốc về dịch bệnh Covid-19 và trật tự quốc tế, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc hơn giữa hai quốc gia đã làm gia tăng những lo ngại ở châu Á về một cuộc chiến tranh Lạnh mới và phức tạp hơn.
Châu Á lo ngại rơi vào tình thế mắc kẹt
Trong bài phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22/9, Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, đồng thời hối thúc các quốc gia khác đặt lợi ích của họ lên trên hết, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cáo buộc Mỹ phá hoại chủ nghĩa đa phương. Các nhà lãnh đạo khác kêu gọi cải cách Liên hợp Quốc để đối phó với những nguy cơ về địa chính trị trên toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Chúng ta đang đi theo một định hướng nguy hiểm, giống như bước vào một cuộc chiến tranh Lạnh mới”…
Các quốc gia nhỏ hơn tại châu Á cố gắng tránh bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm, nhưng nỗ lực này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thời gian gần đây, Washington đã thể hiện lập trường cứng rắn trước tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Biển Đông, hối thúc các nước khác thận trọng trước Sáng kiến Vành đai – Con đường và đưa tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen.
Ông Alexander Neill, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu quốc tế chiến lược Singapore nhận xét, mối lo ngại về ảnh hưởng của xung đột Mỹ-Trung đã gia tăng tại Đông Nam Á, ngay cả khi các nước như Singapore cố gắng cân bằng giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Mỹ.
Ông Alexander Neill nói: “Nhiều nước Đông Nam Á có quan hệ kinh tế vô cùng chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng họ đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu tầm nhìn quản trị mà Bắc Kinh theo đuổi, cũng như cách hành xử của nước này có phù hợp với các lợi ích của họ hay không. Các quốc gia Đông Nam Á có lẽ đã suy xét kỹ lưỡng việc bên nào sẽ tiếp tục mang đến những giá trị cho khu vực trong tương lai gần, bên cạnh vấn đề an ninh. Tôi cho rằng họ vẫn tin Mỹ là nước có thể mang đến những giá trị đó”.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Myanmar nguy cơ hết chỗ cách ly
Theo số liệu thống kê trên trang Worldometers, tính tới 6h sáng 25/9, Myanmar đã có 8.344 người nhiễm Covid-19, tăng 1.052 ca trong 24 giờ qua.
Hãng tin Reuters cho hay, Myanmar đã cách ly hàng chục nghìn người nhằm ngăn chặn dịch bùng phát, tạo gánh nặng quá lớn cho hệ thống y tế trong nước. Đối tượng bị cách ly gồm người nhiễm Covid-19, người chờ kết quả xét nghiệm virus, người tiếp xúc gần và người lao động hồi hương.
Ngay cả những trường hợp không có triệu chứng mắc bệnh hoặc có triệu chứng nhẹ cũng được yêu cầu nhập viện hoặc thực hiện cách ly.
Tuy nhiên, chiến lược “ngăn chặn tối đa” mà Myanmar theo đuổi từ khi có ca mắc Covid-19 đầu tiên, có thể phản tác dụng nếu các cơ sở đã quá tải không thể tiếp nhận thêm người, chuyên gia y tế Kyaw San Wai nói. Theo ông, chiến lược này chỉ khả thi tới giữa tháng 8 khi số ca nhiễm ở mức thấp.
Khi số ca nhiễm tăng mạnh từ cuối tháng 8, cách tiếp cận này đã nhanh chóng đẩy các trung tâm y tế và cách ly vào tình trạng quá tải. Theo Bộ Y tế Myanmar, số người được cách ly đã tăng hơn hai lần từ khoảng 19.000 người trong tháng 8 lên hơn 45.000 người tính đến ngày 21/9.
Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong của Myanmar đã tăng thêm 20 trường hợp, đưa tổng số người thiệt mạng kể từ đầu dịch tới nay lên 150 người. Số người có bệnh lý nền không qua khỏi chiếm hơn 90% trong tổng số ca tử vong vì Covid-19.
Kịch bản Trump từ chối rời Nhà Trắng gây lo ngại
Trump mới đây cho biết ông không hứa rời Nhà Trắng trong hòa bình nếu thất cử, làm dấy lên lo ngại Mỹ rơi vào khủng hoảng hậu bầu cử.
Khi ngày bầu cử tổng thống năm 2016 càng tới gần, các phát biểu của ứng viên Donald Trump khi đó ngày càng gây tranh cãi. Ông tuyên bố chỉ có cuộc bỏ phiếu gian lận mới có thể khiến ông thất cử. Trong vòng tranh luận trực tiếp thứ ba, Trump được hỏi liệu ông có chấp nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu này nếu thua Hillary Clinton hay không.
“Tôi sẽ xem xét vào lúc đó. Tôi không thể nói bất cứ điều gì lúc này. Tôi sẽ xem xét nó vào thời điểm đó. Điều tôi đã thấy thật sự rất tệ”, Trump nói.
Câu trả lời của Trump lúc đó khiến nhiều người lo ngại kịch bản ông có thể từ chối chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua ứng viên Clinton, khi trước đó thường xuyên cáo buộc quá trình bầu cử Mỹ có nhiều gian lận.
Tuy nhiên, Trump đã thắng cử và điều mà nhiều người lo ngại không xảy ra. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu ở những bang chủ chốt, bà Clinton đã thừa nhận thua cuộc và gọi điện chúc mừng Trump.
Khi bầu cử tổng thống Mỹ 2020 chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra, nhiều người lại một lần nữa nghĩ tới khả năng Trump từ chối chuyển giao quyền lực nếu thất cử. Trong cuộc họp báo ngày 23/9, Tổng thống Mỹ đã được yêu cầu giải đáp lo ngại này.
“Ngài Tổng thống, nếu ông thắng, hòa hoặc thua trong cuộc bầu cử này, ông có cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sau khi có kết quả không?”, một phóng viên đặt câu hỏi.
Trump không đưa ra lời cam kết, thay vào đó, ông nói rằng “chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra”. “Các bạn biết rằng tôi đã phàn nàn rất nhiều về các lá phiếu. Và các lá phiếu đó là một thảm họa”, Tổng thống Mỹ nói, dường như đề cập tới hình thức bỏ phiếu qua thư, phương pháp mà ông luôn cáo buộc tiềm ẩn nhiều gian lận.
Trump cũng nói rằng Mỹ sẽ không chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực mà chỉ có “sự tiếp nối quyền lực”, như ngầm khẳng định ông sẽ không thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng với ứng viên Joe Biden.
Câu trả lời của Trump khiến nhiều người không khỏi lo lắng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông từ chối rời Nhà Trắng. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong bài phỏng vấn qua điện thoại trước đó cảnh báo Mỹ có thể đối mặt “kịch bản ác mộng” nếu Trump vẫn tuyên bố thắng cử và từ chối rời nhiệm sở ngay cả khi thua Joe Biden.
Indonesia có số ca nhiễm mới cao kỷ lục
Hôm 24/9, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại đây, với 4.634 ca, nâng tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 lên 262.022 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục.
Với thêm 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số người thiệt mạng do Covid-19 của quốc gia Đông Nam Á đến nay đã tăng lên tới 10.105 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 2.180 ca nhiễm mới và thêm 36 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh của quốc gia này này lên lần lượt là 296.755 và 5.127.
Philippines hiện vẫn là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất Đông Nam Á và có tới gần một nửa số ca tử vong tại Philippines được ghi nhận trong vòng 30 ngày trở lại đây.
Mối nguy từ bảy nước EU
Tính tới nay, dịch Covid-19 đã tấn công hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến sáng 25/9, toàn cầu đã có hơn 32,3 triệu người nhiễm bệnh, hơn 986 nghìn người trong đó đã tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, với hơn 7,1 triệu ca nhiễm, tăng 38.688 ca trong 24 giờ qua. Cùng ngày, số ca tử vong tại Mỹ tăng thêm 801 ca, đưa tổng số người thiệt mạng kể từ đầu dịch lên 207.397.
Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca nhiễm là Ấn Độ với 5.816.103 ca mắc, trong đó bao gồm 92.317 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với 4.657.702 ca nhiễm và 139.808 ca tử vong.
Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cảnh báo, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại 7 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), gồm Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Hungary, Cộng hòa Séc, Malta và Croatia.
Cơ quan trên cho hay, 7 nước này ghi nhận số ca nhập viện cũng như số ca mắc Covid-19 thể nặng gia tăng. Bên cạnh đó, tỉ lệ tử vong cao đã được ghi nhận do có nhiều bệnh nhân là người cao tuổi.
*** Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm gần 300.000 ca mắc COVID-19
(ĐCSVN) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 295.265 ca mắc và 5.554 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 25/9 lần lượt là 32.382.133 và 986.838 trường hợp.
Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới và đứng đầu về số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận được trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Nga đã vượt xa mốc “triệu ca nhiễm” COVID-19.
Tính đến sáng 25/9, đã có 23.893.760 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 7.501.535 ca bệnh đang điều trị thì có 7.438.225 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 63.310 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 4.660.771 trường hợp, trong đó có 218.705 ca tử vong và 2.446.990 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 62.917 ca nhiễm và 596 ca tử vong mới vì COVID-19.
Hiện Pháp đã vượt Anh và trở thành nước có nhiều ca nhiễm COVID-19 đứng thứ 3 ở khu vực châu Âu, với 497.237 trường hợp, đứng sau các nước Nga và Tây Ban Nha với lần lượt 1.128.836 và 704.209 trường hợp ghi nhận được tới thời điểm hiện tại. Nghiên cứu cho thấy tại các quốc gia như Pháp và Anh, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng chủ yếu ở những người trẻ tuổi, vốn là đối tượng ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nước này cũng đang ghi nhận xu hướng đáng lo ngại khi ngày càng có thêm nhiều người già bị nhiễm bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến lo ngại, ngày 24/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về việc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên, khi các chính phủ ở châu Âu và bên ngoài áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ. Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã liệt kê Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, CH Séc và Malta là những quốc gia đặc biệt “đáng lo ngại”, do đã ghi nhận hoặc đang có xu hướng gia tăng các trường hợp nhập viện, các ca nặng và cả số trường hợp tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 48.025 ca nhiễm COVID-19 và 1.464 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 8.560.944 và 303.856 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 7.178.969 ca nhiễm và 207.399 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 710.049 và 74.949 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 148.788 ca nhiễm và 9.246 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 25/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 9.935.964 trường hợp, với 184.241 ca tử vong và 8.230.513 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.521.219 ca bệnh đang điều trị thì có 20.592 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với 85.919 ca, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (5.816.103 ca). Tiếp điến là Iran và Bangladesh, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 436.319; 355.384 trường hợp.
Tại Israel, nội các nước này quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc do số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng mỗi ngày. Lệnh phong tỏa dự kiến có hiệu lực từ ngày 25/9 và kéo dài ít nhất đến buổi tối ngày lễ Simhat Torah của người Hồi giáo, tức ngày 10/10. Theo đó, tất cả các cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa, ngoại trừ các nhà máy, công xưởng và các dịch vụ được xác định là thiết yếu. Các lễ cầu nguyện và sự kiện hội họp giới hạn tối đa 20 người tham gia và ở địa điểm gần nhà. Ngoài ra, sân bay quốc tế Ben Gurion sẽ tạm thời đóng cửa nhà ga đi. Tính đến sáng 25/9, Israel ghi nhận 212.115 ca mắc và 1.378 ca tử vong vì COVID-19, đứng thứ 10 trong bảng thống kê của worldometers.info về tình hình dịch bệnh tại châu Á.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 53.551 ca nhiễm và 1.517 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 7.748.386 trường hợp, với 244.366 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Peru và Argentina…với lần lượt 4.657.702; 790.823; 782.695; 678.266 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 25/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.444.479 trường hợp, trong đó có 34.755 ca tử vong và 1.190.340 ca bình phục. Trong tổng số 219.384 ca đang điều trị thì có 1.455 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 667.049 ca nhiễm COVID-19 và 16.283 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.861 ca nhiễm và 77 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ma-rốc, Ai Cập và Ethiopia với lần lượt 110.099; 102.513; 71.687 ca nhiễm bệnh.
Trước tình hình trên, ngày 24/9, nguyên thủ nhiều nước châu Phi đã kêu gọi Liên hợp quốc tăng cường đoàn kết quốc tế để đối mặt với đại dịch COVID-19, trong đó có việc hủy bỏ nợ công cho các quốc gia ở châu lục Đen và cung cấp hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tháng 4/2020, các nước G20 đã lùi thời gian trả nợ cho các nước nghèo nhất. Tuy nhiên, Liên minh châu Phi (AU) muốn G20 kéo dài thời gian này đến năm 2021 để giúp phục hồi nền kinh tế lục địa Đen. Châu Phi là một trong những châu lục ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch COVID-19 do số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh ghi nhận được thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Tuy nhiên, khu vực này lại chịu tác động mạnh của suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 91 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 9 ca ở Australia; 3 ca ở New Zealand, 4 ca ở Papua New Guinea và 75 ca ở French Polynesia. Hiện khu vực này ghi nhận 30.868 ca nhiễm và 900 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 26.983 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.827 ca./.
*** Nổ xe chở nhiên liệu kinh hoàng, 28 người thiệt mạng
Ít nhất 28 người đã thiệt mạng khi một xe chở nhiên liệu phát nổ ở bang Kogi, miền Trung Nigeria và bốc cháy dữ dội ngày 23/9 (giờ địa phương).
Tổng thống Nga Putin được đề cử giải Nobel Hòa bình
Nhà văn Nga Sergey Komkov ngày 24/9 cho biết ông đã gửi đề xuất đề cử giải Nobel Hòa bình 2021 cho Tổng thống Vladimir Putin.
Hàn Quốc cáo buộcTriều Tiên bắn chết quan chức của Seoul
Hàn Quốc ngày 24/9 lên tiếng yêu cầu Triều Tiên xin lỗi về hành vi “vô nhân đạo”, liên quan tới cáo buộc binh sĩ Bình Nhưỡng đã bắn chết và thiêu xác một quan chức Seoul.
Người biểu tình quá khích bắn trọng thương cảnh sát Mỹ
Hai cảnh sát tại thành phố Louisville đã bị bắn vào đêm 23/9 (theo giờ Mỹ) trong các cuộc biểu tình phản đối phán quyết của tòa án liên quan đến cái chết của một người phụ nữ da màu.
Nga phát hiện khủng bố Idlib chuẩn bị tấn công hóa học
Tình báo Nga phát hiện các tay súng cực đoan ở Idlib lên kế hoạch tấn công hóa học rồi dàn dựng hiện trường để đổ vấy tội cho lực lượng chính phủ Syria.
Con trai ông Trump bị buộc ra hầu tòa ngay trước cuộc bầu cử
Eric Trump, người con thứ ba của Tổng thống Donald Trump, sẽ phải trình diện trước tòa trước ngày 7/10 trong khuôn khổ cuộc điều tra về tổ chức Trump Organization.
Quốc tế đề cao chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là hạt nhân
Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) và lãnh đạo các quốc gia thành viên tái khẳng định sự ủng hộ với chủ nghĩa đa phương, coi đây là yếu tố then chốt hướng đến xây dựng một thế giới ngày càng an toàn, công bằng, phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.
Hàng trăm con cá voi mắc cạn đến chết ngoài khơi Australia
Ít nhất 380 con cá voi đã chết trong một vụ mắc cạn hàng loạt ở một vùng vịnh hẻo lánh trên đảo Tasmania của Australia.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc lại bùng nổ ở Mỹ
Thành phố Louisville của Mỹ đang chứng kiến cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình sau khi có phán quyết rằng những cảnh sát liên quan đến cái chết của Breonna Taylor sẽ không bị truy tố.
Chiến hạm săn ngầm Nga bị tàu hàng đâm rách gần Đan Mạch
Tàu săn ngầm hạng nhẹ Kazanets của quân đội Nga đã va chạm với một tàu vận tải gần Đan Mạch trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc.
Tháp Eiffel bị doạ đánh bom, cảnh sát Pháp phong toả toàn bộ khu vực
Giới chức Pháp sơ tán khẩn mọi người và phong toả tháp Eiffel ở thủ đô Paris sau khi nhận cuộc gọi từ kẻ nặc danh báo tin một quả bom được cài ở khu vực.
WHO thông báo thế giới vừa phá kỷ lục mới về COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận tuần trước suýt chạm mốc 2 triệu, cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tổng thống Belarus Lukashenko nhậm chức nhiệm kỳ thứ 6
Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko hôm nay (23/9) chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kì mới, trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
COVID-19 và nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” Trung-Mỹ làm nóng nghị trường LHQ
Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) và lãnh đạo các quốc gia thành viên tái khẳng định sự ủng hộ với chủ nghĩa đa phương, coi đây là yếu tố then chốt hướng đến xây dựng một thế giới ngày càng an toàn, công bằng, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Nhân vật Navalny xuất viện sau nghi án trúng độc Novichok
Nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny được xuất viện chỉ một tháng sau nghi án trúng độc Novichok và gần hai tuần sau khi các nguồn tin khẳng định ông này đã hồi phục thần kỳ.
Tiêm kích Su-30 Nga đâm xuống rừng, nghi do trúng đạn của Su-35
Tiêm kích Su-30 thuộc biên chế Quân khu miền Tây của quân đội Nga đã đâm xuống một cánh rừng ở vùng Tver, song phi công may mắn thoát nạn.
Triều Tiên sẽ khoe tên lửa “khủng” trong cuộc duyệt binh?
Một loại phương tiện được cho là mang theo tên lửa đạn đạo đã được phát hiện tại khu vực diễn tập duyệt binh của Triều Tiên, vào thời điểm nước này dường như đang chuẩn bị cho một cuộc phô diễn quân sự quy mô lớn.
Tổng hợp-TT