VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng của nền kinh tế năm 2020

   – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục được đẩy mạnh, số vốn giải ngân 10 tháng đạt trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%).

    Ảnh minh họa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cùng với đại dịch Covid-19, mưa lũ lịch sử trong tháng 10/2020 đã có những ảnh hưởng và thiệt hại đến phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt đối các địa phương miền Trung. Mặc dù vậy, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng nhìn chung vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trở lại sau dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9/2020 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn các tháng gần đây. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tăng 0,09% so với tháng 9/2020, chủ yếu do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tín dụng phục hồi đà tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, từ đó nhiều tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng 10,1%. Tính chung 10 tháng năm 2020, xuất siêu ước đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN tiếp tục được đẩy mạnh, số vốn giải ngân 10 tháng đạt trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%). Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công từ NSNN 10 tháng năm 2020 tăng cả về số vốn và tỷ lệ so cùng kỳ năm 2019, tuy tỷ lệ giải ngân cao hơn 13,61% nhưng số vốn giải ngân bằng 150,3% so cùng kỳ năm 2019 (cao hơn 107,6 nghìn tỷ đồng). Đây là số liệu rất tích cực, là thành quả của sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 cũng có một số điểm cần lưu ý như nền kinh tế đã có sự phục hồi, nhưng không đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các ngành, lĩnh vực. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy sự ảnh hưởng trực diện và lâu dài của dịch Covid-19. Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 2,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài 10 tháng vẫn ở mức thấp, giảm 19,4% so cùng kỳ…
“Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng đi cùng với đó là không ít thách thức như năng lực cạnh tranh và năng suất lao động của doanh nghiệp nước ta rất hạn chế, nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước thì hàng hóa sản xuất trong nước không cạnh tranh được với hàng hóa từ EU, không tận dụng được lợi thế có được từ Hiệp định EVFTA để xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo trong thời gian tới, nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bối cảnh trong nước và quốc tế, như tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất định và rủi ro khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến có thể kéo dài trong một vài năm tới; ảnh hưởng đến niềm tin và sự phục hồi của kinh tế thế giới và hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch quốc tế phục hồi rất chậm, do vậy cần quan tâm thúc đẩy thị trường trong nước, nhất là các tháng cuối năm 2020, đồng thời tính toán đến khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, trong tháng lại chịu thêm ảnh hưởng nặng nề của bão lũ ở khu vực miền Trung nhưng kinh tế Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2020 tiếp tục duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.
Trước tình hình bão lụt nghiêm trọng tại các địa phương, nhất là miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ, cung cấp lương thực, phương tiện… kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho người dân; xử lý môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm và khả năng dịch bệnh sau lũ. Người dân cả nước kịp thời chung tay cùng các cấp, các ngành chia sẻ, hỗ trợ người dân vùng lũ giảm bớt khó khăn.
Nguồn VnMedia-TT