Nhanh nhất và an toàn nhất. Ngành hàng không đang thực thi chiến dịch với quy mô và mức độ cấp bách chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Nhiệm vụ lịch sử
Sau giai đoạn một – cuộc chạy đua tìm kiếm vắc-xin, vấn đề kế tiếp nằm ở khâu vận chuyển: làm thế nào để phân phối vắc-xin Covid-19 nhanh nhất và an toàn nhất có thể.
Tại các kho lạnh của sân bay Frankfurt (Đức), hãng hàng không Lufthansa đang chuẩn bị một nhiệm vụ chưa từng có trong lịch sử, chuyển hàng tỷ liều vắc-xin ra toàn cầu. Tương tự, hãng hàng không American Airlines có cả container được kiểm soát nhiệt độ và các lô hàng đóng gói sẵn với túi lạnh hoặc đá khô. Delta Air Lines bắt đầu cho phép sử dụng các container được kiểm soát nhiệt độ.
Các công ty vận chuyển cũng đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ quan trọng này. A&M Cold Storage đã cung cấp 90 container để giải quyết nhu cầu lưu trữ lạnh khi vắc-xin Covid-19 được tung ra. Với khả năng giám sát từ xa 24/7, những container này tích hợp với nền tảng số giúp đơn vị vận chuyển và bên thuê có thể kiểm tra tình trạng nhiệt độ và hàng hóa.
Jeff Quellhorst, Giám đốc kinh doanh A&M Cold Storage, cho biết, họ rất vinh dự khi tham gia một phần trong nhiệm vụ mang ý nghĩa lịch sử. Công việc vận chuyển phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn và y tế.
Kho lạnh đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn cầu
Hiện, Anh và Mỹ là các nước đầu tiên khởi động chiến dịch tiêm phòng Covid-19. Vắc-xin được chuyển tới Anh qua đường hầm xuyên biển Manche, trong những chuyến xe tải đặc biệt, với hệ thống giữ lạnh trong khoảng -80 độ C đến -70 độ C. Vào đến lãnh thổ Anh, vắc-xin được phân phối cho 50 bệnh viện và 1.000 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.
Quá trình lưu chuyển và bảo quản vắc-xin Covid-19 mới, nếu được đưa vào chương trình tiêm chủng rộng rãi, trở thành nhu cầu cấp bách cho mọi quốc gia. Tất cả vắc-xin đều yêu cầu nhiệt độ rất thấp để duy trì hiệu quả, bài toán bảo quản và lưu chuyển lạnh cho vắc xin có thể là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng tiếp theo cho chuỗi cung ứng và ngành hậu cần.
Theo Thermo King, một công ty vận chuyển, họ đang làm việc với các công ty dược phẩm và chính phủ, các công ty về hậu cần để đảm bảo vắc-xin sẽ vận chuyển an toàn từ các công ty y tế đến các phòng khám và bệnh viện. Nhiệm vụ này cũng tương tự với việc vận chuyển cá ngừ tươi đến Nhật Bản với các đòi hỏi về kho lạnh tương tự.
Francesco Incalza, Chủ tịch Thermo King Europe nói với CNN Business rằng, vắc-xin do Pfizer (PFE) và BioNTech phát triển phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C khi vận chuyển. Mỗi container có thể chở 300.000 liều vắc-xin bằng đường bộ hoặc đường biển.
Nỗ lực phân phối vắc-xin Covid-19 diễn ra với quy mô và mức độ cấp bách chưa từng có trong lịch sử nhân loại, bao gồm hàng tỷ liều với những yêu cầu khắt khe về nhiệt độ bảo quản đe dọa đặt mạng lưới vận chuyển lạnh vào tình trạng quá tải.
Cuộc đua mới
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 50% vắc-xin bị hỏng trên toàn thế giới vì không có cơ sở hạ tầng hậu cần phù hợp. Nếu điều này xảy ra với vắc-xin Covid-19, chúng ta có thể mất hàng tỷ liều – một lỗi lầm tốn kém đến từ khâu thiết lập và triển khai kế hoạch hậu cần.
Nếu chuyển vắc-xin đến toàn thế giới qua đường hàng không, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, để mỗi người trên thế giới nhận được một liều vắc-xin ngừa Covid-19 cần huy động đến 8.000 chiếc máy bay vận tải lớn như loại Boeing 747.
Chỉ riêng việc đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong đợt 1, mỗi ngày sẽ phải có 1.000 chuyến bay cất cánh và chương trình phải được kéo dài trong hai tuần liên tiếp. Đương nhiên, các máy bay phải được trang bị hệ thống giữ lạnh -80 độ C.
JLL dự đoán kho lạnh sẽ trở thành là một ngôi sao trong lĩnh vực hậu cần tương lai. Các nhà đầu tư đã quan tâm đến ngành lưu trữ lạnh từ lâu, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng đặt mua hàng hóa trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, đòi hỏi nhiều kho lạnh gần khách hàng hơn.
Đã có sự gia tăng đột biến trong các yêu cầu hậu cần ngắn hạn liên quan trực tiếp đến tác động tức thời của đại dịch, đặc biệt là cho nhu cầu mua hàng trực tuyến và hỗ trợ các dịch vụ y tế quan trọng.
FedEx và UPS, những công ty giá cổ phiếu đã tăng trong năm nay do đại dịch buộc hàng triệu người phải dựa vào mua sắm trực tuyến, có thể được hưởng lợi hơn nữa từ vai trò của họ trong việc phân phối vắc-xin. Công ty vận chuyển UPS của Mỹ cho hay đã tăng công suất sản xuất đá khô lên hơn 500kg đá khô/giờ tại các kho hàng ở Mỹ để lưu trữ và vận chuyển vắc-xin Covid-19. Các công ty lớn và các nhà đầu tư đang thâu tóm các công ty vận tải có hoạt động bảo quản lạnh.
Theo kế hoạch, Pfizer lên kế hoạch cung cấp 50 triệu liều vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới trong năm nay và thêm 1,3 tỷ liều trong năm sau.
Trong khi đó, Moderna dự kiến bàn giao từ 500 triệu đến 1 tỷ liều cho các nước trên toàn thế giới vào năm 2021, trong đó có 100-125 triệu liều vào ba tháng đầu năm. Đá khô sẽ là một thách thức lo lớn đối với các mục tiêu tham vọng này.
Nguồn VNN-TT