VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 5/12/2020.

     Tổng giám đốc WHO: Thế giới có thể bắt đầu mơ đại dịch kết thúc; Ông Joe Biden đề nghị người Mỹ đeo khẩu trang 100 ngày; Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt các quan chức Trung Quốc; WHO cảnh báo về vắc-xin; Hơn 66 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO khuyên các nước không chủ quan…là những tin chính được cập nhật.
Tổng giám đốc WHO: Thế giới có thể bắt đầu mơ đại dịch kết thúc
Các nhà khoa học đang chạy đua để có được vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19    Các nhà khoa học đang chạy đua để có được vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19
Tổng giám đốc WHO tuyên bố kết quả tích cực từ các thử nghiệm vaccine nghĩa là “thế giới có thể bắt đầu mơ về kết thúc đại dịch” Covid-19.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra thông điệp khả quan về Covid-19 trong bài phát biểu trước phiên họp cấp cao đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) về đại dịch hôm 4/12. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo dù có thể ngăn chặn được virus nhưng “con đường phía trước vẫn còn gian nan”.
Ông cho rằng đại dịch đã cho nhân loại thấy “điều tốt nhất và tệ nhất”, về “lòng nhân ái và những hành động hy sinh truyền cảm hứng, những thành công ngoạn mục của khoa học và sáng tạo, và những minh chứng ấm lòng về tình đoàn kết, nhưng cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại về sự tư lợi, đổ lỗi và chia rẽ”.
Nhắc đến số lây nhiễm và tử vong đang gia tăng, Tedros lưu ý những “nơi khoa học bị nhấn chìm bởi các thuyết âm mưu, nơi sự đoàn kết bị chia rẽ phá hoại, nơi hy sinh bị thay bằng tư lợi, virus sẽ phát triển và lây lan mạnh”. Ông không nói rõ quốc gia nào.
Ông cảnh báo vaccine sẽ “không giải quyết được tận gốc lỗ hổng” nghèo đói, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu, những điều cần phải giải quyết sau khi đại dịch kết thúc.
“Chúng ta không thể và không được phép quay lại mô hình sản xuất và tiêu dùng tận diệt như trước, không được phép coi thường hành tinh đã duy trì sự sống này, không được phép quay lại vòng tròn hoảng loạn và can thiệp, cũng như quay lại những nền chính trị gây chia rẽ đã thúc đẩy đại dịch này”, ông nói.
Ông Joe Biden đề nghị người Mỹ đeo khẩu trang 100 ngày
SGGP Theo CNN, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 4-12 cho biết, ông sẽ yêu cầu người Mỹ đeo khẩu trang trong 100 ngày đầu tiên sau khi ông vào Nhà Trắng để hạn chế sự lây lan Covid-19 và tin rằng số ca nhiễm Covid-19 sẽ “giảm đáng kể” nếu người Mỹ đeo khẩu trang.
Các chuyên gia hiến pháp cho rằng, Tổng thống Mỹ không có thẩm quyền hợp pháp để ra lệnh cho người Mỹ đeo khẩu trang, nhưng ông Biden cho biết mình và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ làm gương bằng cách đeo khẩu trang. Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ cho biết ông “rất vui” khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 để giảm bớt lo ngại về sự an toàn của vaccine.
Mỹ đã ghi nhận 14,1 triệu trường hợp mắc Covid-19 và 276.000 ca tử vong, là quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Trong diễn biến liên quan, một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 3-12 cho biết, cơ quan này đang xem xét ban hành một loại giấy chứng nhận điện tử cho những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Đây được coi là bước tiến mới trong các nỗ lực kiểm soát và phòng chống đại dịch.
Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt các quan chức Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố một đợt trừng phạt mới nhằm vào các quan chức Trung Quốc bị lãnh đạo Bộ này cáo buộc có “các hành vi ác ý”.
Báo RT trích dẫn một tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát đi tối 4/12 giờ địa phương (rạng sáng 5/12 giờ Việt Nam) cho biết, đòn trừng phạt lần này bao gồm cả việc hạn chế thị thực.
Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt các quan chức Trung Quốc
Theo báo RT, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra các đòn trừng phạt với tốc độ nhanh chóng trong bối cảnh ông Trump gần như chắc chắn phải rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau.
Hồi đầu tuần này, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một loạt “biện pháp cấm vận liên quan đến Venezuela” nhằm vào Tập đoàn Xuất – Nhập khẩu điện tử quốc gia Trung Quốc với cáo buộc bán phần mềm, dịch vụ đào tạo và công nghệ giám sát cho Caracas.
Cũng trong tuần này, chính quyền ông Trump đã áp giới hạn thị thực diện rộng đối với các thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình của họ, giới hạn thời gian lưu trú tại Mỹ xuống còn tối đa 1 tháng. Washington cũng đã hạn chế nghiêm ngặt khả năng hoạt động của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ, coi tổng cộng 10 cơ quan thông tấn báo chí lớn của đại lục là “cơ quan đại diện chính phủ nước ngoài”.
Trung Quốc đã “ăn miếng, trả miếng” Mỹ bằng các biện pháp trừng phạt tương ứng. Cụ thể, vào tháng 10, sau khi ba nhà sản xuất vũ khí lớn của Mỹ bán hàng tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan, Bắc Kinh đã đưa các công ty quốc phòng Mỹ vào danh sách đen. Bắc Kinh cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 11 thượng nghị sĩ và người đứng đầu tổ chức phi chính phủ của Mỹ với lí do “can thiệp vào tình hình nội bộ của Trung Quốc”.
WHO cảnh báo về vắc-xin.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, đột phá trong phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 đã dẫn tới nhận thức sai lầm về việc đại dịch kết thúc.
“Tiến triển về vắc-xin mang đến cho tất cả chúng ta một lối thoát và chúng ta hiện có thể bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tuy nhiên, WHO quan ngại rằng ngày càng có nhiều người cho rằng đại dịch Covid-19 đã chấm dứt”, ông Tedros nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu WHO, nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến tỉ lệ lây nhiễm virus cao, tạo ra áp lực rất lớn đối với hệ thống các bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế và đội ngũ y, bác sĩ. Ông nhấn mạnh, quyết định của các chính phủ và mỗi người dân sẽ quyết định diễn tiến của đại dịch cũng như thời điểm đại dịch kết thúc.
Báo Guardian dẫn lời Mike Ryan, quan chức phụ trách xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO nói thêm, hiện có nhiều dữ liệu phản ánh vắc-xin có thể không giúp bảo vệ người tiêm chủng cả đời trước virus và do đó việc tái nhiễm có thể xảy ra.
Ông Tedros tin, để giúp chấm dứt đại dịch Covid-19, các nước cần đầu tư vào 4 lĩnh vực then chốt gồm vắc-xin, sự sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xảy ra đại dịch tiếp theo, y tế như nền tảng của hòa bình và thịnh vượng cũng như chủ nghĩa đa phương nhằm bảo vệ tương lai chung của thế giới.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các tiến bộ về vaccine mang lại cho chúng ta một bước tiến và giờ đây chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
“Tuy nhiên, WHO lo ngại rằng ngày càng nhiều người cho rằng đại dịch đã kết thúc. Nhiều nơi đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm rất cao, gây áp lực rất lớn cho các bệnh viện, khoa chăm sóc tích cực và nhân viên y tế”, ông nói.
Ông Biden hứa không bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19
Tổng thống mới đắc cử Joe Biden tuyên bố, người dân Mỹ sẽ không bị bắt ép phải sử dụng vắc-xin phòng ngừa virus corona chủng mới khi chế phẩm này chính thức tung ra thị trường.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lần đầu tiên yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở bất kỳ đâu khi ra khỏi nhà. CDC khẳng định Mỹ “đã bước vào giai đoạn lây nhiễm virus mức độ cao”.
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch trên thế giới với hơn 14,7 triệu ca mắc và xấp xỉ 286.000 trường hợp tử vong.
Ông Biden cho hay, lễ tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Nhà Trắng của ông vào tháng 1/2021 dự kiến sẽ giảm quy mô để ngăn chặn nguy cơ lây lan mầm bệnh nguy hiểm.
Hong Kong phạt nặng người vi phạm quy định phòng chống dịch
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm các quy định phòng chống Covid-19 như tụ tập đông người nơi công cộng, không đeo khẩu trang và không làm xét nghiệm kiểm dịch bắt buộc từ 2.000 HKD (gần 6 triệu đồng) lên 5.000 HKD (khoảng 15 triệu đồng).
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, quyết định dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/12. Hội đồng điều hành đặc khu đã phê chuẩn động thái này tại một phiên họp đặc biệt hôm 4/12.
Đối với những người không chịu nộp phạt vi phạm quy định về đeo khẩu trang hoặc xét nghiệm bắt buộc, mức phạt tối đa sẽ được nâng lên tới 10.000 HKD (30 triệu đồng). Trong khi, mức xử phạt tối đa đối với việc tụ tập đông người ở nơi công cộng vẫn là 6 tháng tù giam và nộp phạt 25.000 HKD (hơn 74,9 triệu đồng).
Hồi đầu tuần này, bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong tuyên bố chính quyền địa phương sẽ tăng nặng xử phạt những vi phạm giãn cách xã hội nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm virus thứ 4. Trong tuần vừa qua, Hong Kong đã 3 lần ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày lên tới hơn 100 người.
*** Hơn 66 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO khuyên các nước không chủ quan
WHO cảnh báo các chính phủ và người dân không nên mất cảnh giác vì các thông tin tích cực về vaccine, nói rằng hệ thống y tế vẫn chịu nhiều áp lực khi ca nhiễm toàn cầu đã vượt 66 triệu.
Thế giới ghi nhận 66.162.224 ca nhiễm và 1.523.082 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 707.009 và 12.911 ca trong một ngày, trong khi 45.766.466 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 241.910 ca nhiễm và 3.053 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 14.736.565, trong đó 285.280 người đã chết. Vài ngày qua, số ca nhiễm và ca tử vong trong 24 giờ liên tục cao kỷ lục. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.
Chính quyền địa phương và các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, với hy vọng giảm bớt sự bùng phát trở lại của Covid-19 sau thời gian tạm lắng vào mùa hè.
California, bang có 40 triệu dân, từ 5/12 áp đặt một số lệnh ở nhà nghiêm ngặt nhất đất nước, khi các khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại bệnh viện dự kiến đạt hết công suất. Người dân California sẽ phải ở nhà, tránh đi lại trừ phi ra ngoài để thực hiện các hoạt động đã xin phép như mua nhu yếu phẩm, khám bệnh, dắt chó đi dạo và tập thể dục ngoài trời. Lệnh cấm cũng đặt ra hạn chế mới với hàng loạt hoạt động kinh doanh thương mại.
Ngoài thiệt hại về người, hệ thống chăm sóc y tế toàn quốc cũng đối mặt với viễn cảnh nguồn lực và nhân sự quá tải tới mức sụp đổ.
Tại khu vực Trung Tây, Thống đốc Mike DeWine hôm 3/12 cho hay các bệnh viện ở Ohio “không những vẫn trong tình trạng khủng hoảng mà còn khủng hoảng tồi tệ hơn”, khi bang này ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 5 trong nước. Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer hôm 3/12 cũng tuyên bố có thể sẽ gia hạn lệnh “tạm dừng” một số hoạt động kinh tế và cá nhân trong ba tuần.
Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình trong tháng vì Covid-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng 1, trước khi giảm xuống trong tháng 2.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 35.852 ca nhiễm và 487 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.607.632 và 139.714.
Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần trước tới thăm các cơ sở sản xuất vaccine, nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19 trong công tác kiểm soát đại dịch. Hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vaccine sẵn sàng. Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền, thay vì tiêm chủng toàn quốc.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 657 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 175.964. Số người nhiễm nCoV tăng 46.452 trong 24 giờ qua, lên 6.533.968. Số ca nhiễm mới trung bình tại Brazil đã tăng từ 10.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11 lên hơn 50.000/ngày, trong khi số người chết mỗi ngày tăng gấp gần 9 lần chỉ trong một tuần.
Các thống đốc bang và chính trị gia đối lập đang thúc giục chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia. Việc Bolsonaro tuyên bố “sẽ không sử dụng vaccine Covid-19” làm dấy lên lo ngại hàng triệu người ủng hộ ông cũng sẽ không chịu tiêm, khiến Brazil không thể đạt được mục tiêu tối thiểu 70-75% dân số được tiêm chủng để ngăn đại dịch.
Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.268.552 ca nhiễm và 54.767 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 11.221 và 397 ca. Tổng thống Pháp tuần trước nói rằng nước này đã qua đỉnh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Chính phủ đã nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai vì Covid-19, được áp dụng từ ngày 30/10, với việc cho phép tất cả cửa hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần. Các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép tổ chức trở lại, nhưng tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người bất kể quy mô của nhà thờ.
Anh báo cáo thêm 14.879 ca nhiễm và 414 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.674.134 và 60.113. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.
Quốc hội Anh đã thông qua kế hoạch kiểm soát Covid-19 cấp khu vực, buộc hơn 40% dân số phải chịu lệnh hạn chế khắt khe, bất chấp sự phản đối của hàng chục nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson.
Đức ghi nhận 23.541 ca nhiễm và 431 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.152.283 và 18.691. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng một năm sau.
Phản ứng của Đức trước làn sóng Covid-19 đầu tiên được đánh giá cao, nhưng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi làn sóng thứ hai tấn công châu Âu, số ca nhiễm được ghi nhận khá đáng kể. Bên cạnh đó, đông đảo người dân trở nên tức giận vì những lệnh hạn chế, dẫn đến các cuộc biểu tình.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 27.403 ca nhiễm nCoV và 569 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.402.949 và 42.176. Nga dự kiến tiêm vaccine cho khoảng hai triệu người vào tháng 12.
Anna Popova, giám đốc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga, hôm 1/12 cho biết tình hình dịch tại nước này đang có xu hướng chậm lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói đại dịch vẫn khá nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, đáng lo ngại nhất là Kaliningrad và Saint Peterburg. Thay vì áp dụng các lệnh phong tỏa trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nga chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Saint Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 49.695 người chết, tăng 347, trong tổng số 1.016.835 ca nhiễm, tăng 13.341. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.
Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.
Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 629 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 36.332, trong đó 536 trường hợp tử vong, tăng 7 ca so với một ngày trước. Đây là mức tăng ca nhiễm trong một ngày cao nhất trong 9 tháng.
Từ 5/12, thủ đô Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ, đóng cửa hầu hết các cơ sở và cửa hàng lúc 21h. Thủ tướng Chung Sye-kyun cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 563.680 ca nhiễm, tăng 5.803, trong đó 17.479 người chết, tăng 124.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Philippines báo cáo 436.345 ca nhiễm và 8.509 ca tử vong, tăng lần lượt 934 và 63 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Philippines là một trong những nơi ăn lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trung tướng Cesar Binag, người đứng đầu tổ công tác đặc biệt chống Covid-19, trong cuộc họp báo ngày 4/12 cho biết cảnh sát và binh sĩ Philippines sẽ đi tuần tại các khu vực công cộng của thủ đô Manila và mang theo gậy mây dài một mét để đo khoảng cách. Manila là một trong những “điểm nóng” Covid-19 tại Philippines. Người vi phạm quy tắc giãn cách xã hội có thể bị đánh roi.
Chính phủ Philippines đã ban lệnh cấm tổ chức tiệc Giáng sinh, các buổi tụ họp gia đình và hát mừng ngoài trời. Philippines cũng hủy kế hoạch cho phép trẻ em tới các trung tâm mua sắm.
Anh và Bahrain là các nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech. WHO hy vọng có 500 triệu liều vaccine thông qua sáng kiến COVAX vào quý I năm 2021.
WHO cảnh báo các nước không nên chủ quan cho rằng khủng hoảng sắp qua vì chương trình tiêm chủng đang cận kề. “Vaccine không có nghĩa là không còn Covid”, giám đốc mảng khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/12.
“Vaccine và tiêm chủng sẽ bổ sung một công cụ lớn, mạnh mẽ vào bộ công cụ mà chúng ta có. Nhưng chỉ riêng vaccine không đủ để xóa sổ đại dịch”.
*** Ông Trump rút hầu hết quân đội Mỹ khỏi Somalia
Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh đưa hầu hết binh sĩ và nhân viên an ninh Mỹ ra khỏi Somalia, nơi họ đang triển khai các chiến dịch tấn công nhóm phiến quân Al-Shabaab, Lầu Năm Góc cho biết hôm 4/12.
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ cho các quốc gia hậu xung đột ở châu Phi
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 3/12 đã tổ chức buổi thảo luận cấp Bộ trưởng về Quản lý và cải cách ngành an ninh.
Nga lên lịch cho tàu sân bay Kuznetsov trở lại đại dương
Tàu tuần dương mang máy bay Đô đốc Kuznetsov của Nga sẽ được sửa chữa trước khi ra khơi trở lại vào năm 2022, ba năm sau một loạt sự cố cháy nổ, hư hại.
Lầu Năm Góc liệt Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc vào danh sách đen
Lầu Năm Góc vừa đưa thêm 4 công ty Trung Quốc vào danh sách đen trừng phạt, một động thái có thể sẽ làm leo thang hơn nữa căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhân viên kiểm phiếu Mỹ vẫn đếm phiếu sau khi “đuổi” nhân chứng về?
Trong phiên điều trần với Ủy ban Thượng viện Georgia ngày 3/12, một nhân chứng tự giới thiệu mình là “tình nguyện viên” cho đội pháp lý của ông Trump và là một luật sư, Jackie Pick, đã đưa ra những gì mô tả là “bằng chứng” về gian lận bầu cử trong bang.
Vụ án buôn bán súng đạn trực tuyến từ Mỹ về Trung Quốc
Bộ Công an Trung Quốc và các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã từng triệt phá thành công một vụ buôn lậu vũ khí và đạn dược xuyên quốc gia cực lớn liên quan đến 16 tỉnh và thành phố bao gồm các thành phố lớn như Chiết Giang, Bắc Kinh, Thiên Tân, Cát Lâm và Quảng Đông.
Dư chấn của COVID-19 có thể kéo dài nhiều thập kỷ
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 3/12 cảnh báo thế giới có thể phải chống chọi với “dư chấn” của đại dịch COVID-19 trong nhiều thập kỷ tới ngay cả khi vaccine nhanh chóng được phê duyệt.
Cách tiết kiệm ngân sách lạ kỳ của Tổng thống Mexico
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ngày 3/12 cho biết rằng ông sẽ không thay thế Chánh văn phòng sắp mãn nhiệm, Alfonso Romo, đồng thời sẽ đóng cửa văn phòng của ông này để tiết kiệm ngân sách.
Iran bác khả năng viết lại thoả thuận hạt nhân cùng ông Joe Biden
Ngoại trưởng Iran kêu gọi Tổng thống Mỹ đắc cử Joe dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này, song bác bỏ mọi khả năng viết lại thoả thuận hạt nhân 2015.
Hòa bình được tái lập ở Nagorno-Karabakh
Armenia hoàn tất việc trao trả phía Azerbaijan một loạt vùng đất ở Nagorno-Karabakh theo đúng thỏa thuận đình chiến mà hai bên đạt được sau hơn 6 tuần xung đột đẫm máu, mở ra giai đoạn mới cho người dân hai bên tại vùng đất tranh cãi suốt nhiều thập kỷ.
Tòa án Tối cao Wisconsin bác đơn kiện của ông Trump
Đội ngũ pháp lý đại diện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thách thức kết quả bầu cử kể từ đầu tháng 11, cáo buộc gian lận cử tri diện rộng và nộp đơn kiện ở một số bang chiến trường phản đối những gì họ mô tả là “phiếu bầu bất hợp pháp”.
COVID-19 cướp đi sinh mạng 10.000 người mỗi ngày
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới, tỷ lệ càng báo động hơn vào tuần trước khi cứ mỗi 9 giây lại có một ca tử vong, trong bối cảnh tiêm chủng vaccine hàng loạt sắp được triển khai ở nhiều nước phát triển.
Ba cựu Tổng thống Mỹ tình nguyện lên TV tiêm vaccine COVID-19
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton tình nguyện tiêm vaccine COVID-19 trước ống kính truyền thông để khuyến khích người dân Mỹ làm theo.
Con gái Ivanka của ông Trump bị thẩm vấn vì lễ nhậm chức 2017
Cô Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump, bị thẩm vấn liên quan tới cáo buộc sử dụng sai mục đích quỹ phi lợi nhuận trong lễ nhậm chức tổng thống đầu năm 2017.
Azerbaijan lần đầu hé lộ số binh sĩ chết trong xung đột với Armenia
Hơn ba tuần từ thời điểm giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan ở vùng Nagorno-Karabakh chấm dứt, Baku lần đầu xác nhận nước này mất gần 2.800 binh sĩ vì bom đạn đối phương.
Kịch bản nào cho Iraq sau sự rút lui của quân đội Mỹ?
Trong nhiệm vụ truy quét tận gốc nơi ẩn náu của tổ chức khủng bố IS, các lực lượng Iraq đã giải phóng gần 90 ngôi làng trên khắp một tỉnh phía Bắc vốn nổi tiếng bất ổn. Tuy nhiên, hoạt động của các lực lượng này vẫn chủ yếu dựa vào tình báo Mỹ, cũng như hỗ trợ từ liên quân.

Tổng hợp-TT