VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 26/3/2021.

     Ông Biden nói thẳng: “Sẽ buộc Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc”; Họp báo chính thức lần đầu, ông Biden nói sẽ thúc đẩy Trung Quốc chơi theo luật quốc tế; Thách thức đầu tiên; Canada phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông; Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 4; Sự cố Kênh đào Suez khiến gần 10 tỷ USD hàng hóa bị tắc nghẽn mỗi ngày; Tỷ phú Thái Lan ‘săn’ khách sạn bán tháo để đón đầu phục hồi du lịch; Hơn 126 triệu ca Covid-19 toàn cầu, EU tăng áp lực với AstraZeneca…là những tin chính được cập nhật.
Ông Biden nói thẳng: “Sẽ buộc Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc”
Ông Biden nói thẳng: Sẽ buộc Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc - 1   Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP)
Dân trí Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc phải “tuân thủ quy tắc” và sẽ hành động đáp trả Triều Tiên nếu tình hình leo thang sau các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.
Reuters cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/3 đã có cuộc họp báo đầu tiên sau 2 tháng nhậm chức. Trong cuộc họp báo kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ này, chủ nhân Nhà Trắng đề cập đến hàng loạt vấn đề bao gồm cả đối nội và đối ngoại.
Buộc Trung Quốc tuân thủ quy tắc
Ông Biden dành thời lượng lớn của cuộc họp báo để nói về những việc mà Mỹ sẽ làm để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề khiến Washington quan ngại như xuất nhập khẩu, nhân quyền.
“Đầu tháng này, tôi đã hội đàm với lãnh đạo các nước đồng minh trong Bộ Tứ gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để thảo luận cách thức để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm ở khu vực… Tôi sẽ mời một liên minh dân chủ tới đây để thảo luận về tương lai, để làm rõ quan điểm rằng, để giải quyết các vấn đề này, chúng ta phải buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, cạnh tranh công bằng”, ông Biden nói. Tuy nhiên, ông Biden cũng nhấn mạnh, Mỹ thực sự không muốn đối đầu với Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi về các chính sách thuế quan với Trung Quốc từ thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden cho biết, hiện tại chính quyền của ông sẽ giữ nguyên chính sách này và coi đó là đòn bẩy cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Họp báo chính thức lần đầu, ông Biden nói sẽ thúc đẩy Trung Quốc chơi theo luật quốc tế
Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết thúc đẩy Trung Quốc chơi theo luật quốc tế.
Theo Reuters, tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên diễn ra hôm qua (25/3), ông Biden xuất hiện trong hơn 1 tiếng và chỉ nhận câu hỏi của 10 nhà báo. Người đứng đầu nước Mỹ dường như đã chuẩn bị kỹ càng, bình tĩnh nhận câu hỏi và đôi khi đọc thông tin có sẵn được ghi trong giấy.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Washington sẽ không đối đầu với Bắc Kinh về những khác biệt trong thương mại, về việc Bắc Kinh xây dựng quân đội… Tuy nhiên, ông cho biết sẽ thúc giục Trung Quốc “chơi theo luật quốc tế, cạnh tranh công bằng, thương mại công bằng”.
Trong cuộc họp báo, ông Biden cũng đề cập tới tương lai chính trị của bản thân.
Ở tuổi 78, nhiều nhà phân tích chính trị tin rằng ông Biden chỉ đảm đương được một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có tái tranh cử không, đương kim Tổng thống Mỹ cho biết ông vẫn có ý định và sẽ vẫn liên danh với Phó tổng thống Harris.
Tổng thống Biden cũng đặt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 tại Mỹ trong 100 ngày đầu nhậm chức.
Về vấn đề Triều Tiên, ông nói đã chuẩn bị tiến hành một số hình thức ngoại giao với Triều Tiên, song mọi việc còn tuỳ thuộc vào kết quả phi hạt nhân của quốc gia châu Á. Về việc Triều Tiên phóng tên lửa, ông Biden nói: “Nếu họ chọn leo thang, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng”.
Theo Fox News, còn nhiều vấn đề bị ông Biden bỏ ngỏ trong cuộc họp báo. Hầu hết câu hỏi tập trung vào cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía nam. Nhiều câu hỏi về đại dịch Covid-19, tái mở cửa trường học hoặc giảm bớt số người ngại tiêm vắc-xin vẫn chưa được giải đáp.
Thách thức đầu tiên
SGGP Không có gì ngạc nhiên khi ngay sau thông tin Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra bờ biển phía Đông của Nhật Bản sáng 25-3, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã mạnh mẽ lên án và phản đối: “Hành động này đe dọa hòa bình, an ninh của Nhật Bản và khu vực, đồng thời vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc”.
Hành động thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên có thể được coi là động thái thách thức đầu tiên nhằm vào Mỹ dưới thời chính phủ tân Tổng thống Joe Biden. Giới phân tích cho rằng, vụ thử này cho thấy Triều Tiên tiếp tục phát triển kho vũ khí tên lửa đạn đạo của mình và có thể là một phần của chiến thuật tinh tế nhằm gây sức ép để giành được lợi thế trước khi chấp nhận đàm phán với chính phủ mới của Mỹ.
Ông Vipin Narang – chuyên gia về vấn đề hạt nhân thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng, vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất sẽ là một “bước leo thang” sau vụ thử cuối tuần qua, điều này cho thấy Triều Tiên đã cải thiện năng lực công nghệ, đồng thời phát đi đòn đáp trả tương xứng đối với hoạt động diễn tập chung Mỹ-Hàn.
Chuyên gia này cũng cho rằng, vụ thử mới nói trên cũng là tín hiệu gửi đến Mỹ rằng Bình Nhưỡng đang cải thiện kho vũ khí của họ. Cũng theo ông ta, mặc dù vụ thử nghiệm không hủy hoại những nỗ lực ngoại giao lâu nay của các bên, song là lời cảnh báo đối với các nước về cái giá phải trả nếu họ không đạt được thỏa thuận nào với Bình Nhưỡng. Các chuyên gia chính trị quốc tế lâu nay vẫn theo dõi sát sao các động thái của Triều Tiên để xem liệu nước này có làm gia tăng căng thẳng nhằm giành được lợi thế trước khi đàm phán với chính phủ của Tổng thống Biden hay không. Trong những ngày gần đây, Bình Nhưỡng đã đưa ra một số phát ngôn thù địch. Vụ thử này cũng làm gia tăng nguy cơ Bình Nhưỡng quay trở lại chu kỳ gây căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên nhằm buộc Washington phải đưa ra những nhượng bộ nhất định.
Canada phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Cùng với nhiều quốc gia khác, Canada ngày 25/3 lên tiếng phản đối các vụ xâm nhập gần đây của Trung Quốc ở biển Tây Philippines – cách người Philippines gọi Biển Đông.
Trang ABS-CBN News dẫn một thông điệp trên mạng xã hội Twitter của Đại sứ Canada tại Philippines Peter MacArthur viết: “Canada phản đối những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, gồm cả ở ngoài khơi Philippines. Những động thái đó làm gia tăng căng thẳng, xói mòn sự ổn định của khu vực và trật tự thế giới dựa trên luật lệ”.
Ông Arthur đưa ra thông điệp trên sau khi 220 con tàu của Trung Quốc bị phát hiện thả neo ở một bãi rạn san hô ở ngoài khơi Philippines.
Hồi đầu tuần này, Mỹ, Nhật, Australia và Anh cũng chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc.
Đại sứ quán Mỹ ra thông báo cho biết: “Trung Quốc đã dùng lực lượng dân quân biển để hăm doạ, khiêu khích và đe doạ các quốc gia khác. Đó là những hành động gây hại cho hoà bình và an ninh trong vùng…Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của đồng minh Philippines. Chúng tôi đứng về phía Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời của Mỹ ở châu Á”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho rằng, Mỹ không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, Đại sứ Nhật tại Philippines Kazuhiko Koshikawa nói: “Các vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hoà bình và ổn định ở khu vực, là mối quan tâm của tất cả mọi người. Chúng tôi ủng hộ thực thi pháp quyền trên biển”. Nhà ngoại giao này nói thêm, đó là lý do tại sao Nhật cực lực phản đối bất cứ hành động nào khiến căng thẳng gia tăng.
Nigel Adams, Quốc vụ khanh phụ trách châu Á của Anh cho biết, ông chia sẻ với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin về mối quan ngại của Anh đối với vấn đề Biển Đông, gồm cả những hành động làm gia tăng căng thẳng tại đây.
Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 4
Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, xử lý khác biệt giữa các nước thành viên, cố gắng duy trì đoàn kết, đồng thuận để giải quyết các vấn đề…
Đây là thông tin được ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế – Bộ Ngoại giao cho biết tại họp báo ngày 25/3
Ông Đỗ Hùng Việt cho biết chương trình hoạt động trong tháng 4 của Hội đồng Bảo An sẽ tương đối bận rộn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ, xử lý 12 vấn đề ở tất cả các khu vực trên thế giới.
“Với tư cách là một nước Ủy viên không thường trực, Việt Nam may mắn được đảm nhiệm hai lần vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cùng 1 nhiệm kỳ”, ông Hùng cho biết
Theo ông Hùng, để thực hiện vai trò đó, Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, xử lý khác biệt giữa các nước thành viên, cố gắng duy trì đoàn kết, đồng thuận để giải quyết các vấn đề.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Theo đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên.
Sự cố Kênh đào Suez khiến gần 10 tỷ USD hàng hóa bị tắc nghẽn mỗi ngày
Ước tính hiện tại có khoảng 165 – 185 tàu chở hàng đang chờ để đi qua Kênh đào Suez…
Theo tính toán sơ bộ của Bloomberg, tình trạng giao thông đình trệ ở Kênh đào Suez (Ai Cập) khiến khoảng 9,6 tỷ USD hàng hóa bị tắc nghẽn tại đây mỗi ngày.
Từ ngày 23/3 đến nay, tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới này rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng sau khi tàu container siêu trọng siêu trường Ever Given bị mắc cạn và xoay ngang trên Kênh đào Suez, khiến hàng trăm tàu chở hàng không thể đi qua.
Số liệu trên được tính toán dựa trên phân tích của tờ báo Lloyd’s List, trong đó ước tính lưu lượng hàng hóa qua Kênh đào Suez từ phía Tây mỗi ngày trị giá khoảng 5,1 tỷ USD, còn lượng hàng hóa từ phía Đông trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Ước tính hiện tại có khoảng 165-185 tàu đang chờ để đi qua Kênh đào Suez.
Đến nay, công tác “giải cứu” con tàu Ever Given – nặng 220.000 tấn và dài 400 m – không có tiến triển. Việc này đã tạm thời dừng lại cho tới sáng ngày 25/3 (giờ Ai Cập), đại lý vận chuyển Inchcape dẫn thông tin từ cơ quan quản lý Kênh đào Suez cho biết.
Tỷ phú Thái Lan ‘săn’ khách sạn bán tháo để đón đầu phục hồi du lịch
Asset World – tập đoàn kinh doanh bất động sản và khách sạn của tỷ phú Thái Lan, Charoen Sirivadhanabhakdi – đang lên kế hoạch mua lại các khách sạn đang gặp khó khăn do Covid-19 nhằm đón đầu sự phục hồi của ngành du lịch Thái Lan mở cửa trở lại dự kiến vào cuối năm nay.
*** Hơn 126 triệu ca Covid-19 toàn cầu, EU tăng áp lực với AstraZeneca
  Thế giới ghi nhận hơn 126 triệu người nhiễm, hơn 2,7 triệu người chết do nCoV, EU tỏ ra thất vọng và yêu cầu AstraZeneca bảo đảm nguồn cung vaccine.
Thế giới đã ghi nhận 126.017.539 ca nhiễm nCoV và 2.765.806 ca tử vong, tăng lần lượt 698.717 và 10.951, trong khi 101.690.095 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang bày tỏ thất vọng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung của vaccine Covid-19 do AstraZeneca sản xuất, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba đang quét qua châu lục này và chương trình tiêm chủng của EU đang bị Mỹ, Anh bỏ xa.
“Chúng tôi muốn và phải giải thích với công dân châu Âu rằng họ sẽ được phân phối vaccine đầy đủ và công bằng. Công ty cần theo kịp và tuân thủ hợp đồng đã ký với các nước thành viên EU trước khi có thể tiếp tục xuất khẩu vaccine”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói hôm 25/3.
AstraZeneca chỉ bảo đảm cung cấp được 100 triệu liều vaccine cho EU trước tháng 7, trong khi khối này cần hơn 300 triệu liều. EC tuần này công bố kế hoạch siết kiểm soát xuất khẩu vaccine, cho phép chặn nguồn hàng đến những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
EU cũng chia rẽ về quan điểm kiểm soát xuất khẩu với những công ty không đáp ứng cam kết hợp đồng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những lãnh đạo ủng hộ hành động cứng rắn như chặn toàn bộ nguồn xuất khẩu với những tập đoàn dược “không tôn trọng cam kết với châu Âu”.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.762.608 ca nhiễm và 559.471 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 61.554 và 1.269 trường hợp so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/3 đặt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, gấp đôi con số ban đầu ông đưa ra. Thay đổi được thông báo sau khi giới chức Mỹ hoàn thành mục tiêu 100 triệu liều hồi tuần trước, sớm hơn một tháng so với kế hoạch.
Tính đến giữa tuần này, 85 triệu người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và hơn 46 triệu người tiêm đủ hai liều.
Tuy nhiên, quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch. Thành phố Miami Beach, bang Florida, cuối tuần qua phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân lũ lượt kéo về bãi biển vui chơi tới mức mất kiểm soát giữa đại dịch.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 12.320.169 ca nhiễm và 303.462, tăng so với hôm trước lần lượt 92.990 và 2.375 ca.
Tổng thống Jair Bolsonaro hôm 24/3 thông báo sẽ thành lập ủy ban chống khủng hoảng với 27 thống đốc để đối phó đợt sóng Covid-19 đang tàn phá đất nước, đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận khi ông đang chịu thêm nhiều áp lực. Bolsonaro đã bị chỉ trích vì hạ thấp mức nghiêm trọng của đại dịch, phản đối các biện pháp phong tỏa của địa phương và lên tiếng chống lại vaccine.
Ấn Độ là vùng dịch thứ ba thế giới với 11.846.082 ca nhiễm và 160.983, tăng lần lượt 59.069 và 257. Ca nhiễm ở Ấn Độ tăng trở lại trong những tuần gần đây, khiến một số khu vực phải áp hạn chế tụ tập đông người. Các điểm nóng như bang phía tây Maharashtra và thủ phủ Mumbai tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại chỗ ở những khu vực đông đúc.
Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho tất cả những người trên 45 tuổi kể từ ngày 1/4. Các chuyên gia cho biết Ấn Độ đã tiêm chủng cho gần 50 triệu người nhưng chương trình với mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trước cuối tháng 7 đang bị chậm so với kế hoạch.
Hiện chỉ những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác, cùng với người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine nội địa Bharat Biotech.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 4.424.087 ca nhiễm và 93.378 ca tử vong. Tổng thống Macron hôm 23/3 cho biết sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng kể từ tháng 4. Pháp đang đối phó sóng Covid-19 thứ ba, nhưng tụt hậu so với nhiều nước phương Tây về số lượng người được tiêm chủng. Pháp hiện tiêm được 8,8 triệu liều, so với hơn 30 triệu ở Anh và gần 11 triệu ở Đức.
Xu hướng tiêm chủng tăng nhanh những tuần gần đây, song ca nhiễm cũng tăng đột biến. Với việc các bệnh viện ở một số khu vực bị quá tải, chính phủ đặt 1/3 dân số vào tình trạng phong tỏa và công bố kế hoạch thành lập 35 trung tâm tiêm chủng đại trà. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy ngày càng nhiều người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.
Anh báo cáo 4.319.128 người nhiễm và 126.445 người chết, tăng lần lượt 6.220 và 63 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây. Bộ trưởng phụ trách vaccine Nadhim Zahawi cho biết tính đến 20/3, nước này đã tiêm 873.784 mũi vaccine Covid-19 cho người dân, mức cao kỷ lục trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này.
Anh hôm 23/3 đánh dấu một năm đất nước áp lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19. Nhiều địa điểm ở Anh đã được thắp sáng để tưởng nhớ những người đã chết trong đại dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân chết vì Covid-19 sẽ được xây dựng vào thời điểm thích hợp, sau lời kêu gọi từ các bác sĩ, giáo viên và y tá.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.482.559 ca nhiễm, tăng 6.107, trong đó 40.081 người chết, tăng 98.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã được tiêm vaccine.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 693.048 ca nhiễm và 13.095 ca tử vong, tăng lần lượt 8.773 và 56 ca.
Philippines từ 22/3 mở rộng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 từ thủ đô Manila sang 4 tỉnh lân cận gồm Bulacan, Cavite, Laguna và Rizal. Các biện pháp hạn chế gồm giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập đông người và chỉ đi lại khi cần thiết.
Theo thống kê của AFP, tính đến 22/3, hơn 455 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở 162 vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 56% số liều đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,1% được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi sinh sống của 9% dân số toàn cầu.
Hơn nửa tỷ liều vắc-xin được sử dụng, ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng
Tính đến 5h sáng nay, trên thế giới có hơn 126 triệu ca nhiễm Covid-19 và 101.686.379 người đã chiến thắng virus corona, theo thống kê của Worldometers.
Thế giới dùng hơn 500 triệu liều vắc-xin
Hơn nửa tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới, sau chưa đầy 4 tháng kể từ khi triển khai tiêm chủng, theo chương trình Theo dấu vắc-xin của Bloomberg.
Cho tới giờ, vắc-xin đã được tiêm ở 140 nước trên thế giới. Hầu hết các mũi tiêm được thực hiện ở những nước phát triển, vốn sở hữu sớm hàng trăm triệu liều. Có 39% số liều vắc-xin được tiêm ở Mỹ và châu Âu.
Tính trung bình, mỗi ngày có 12 triệu liều vắc-xin được tiêm trên thế giới.
Pháp nhận thất bại trong triển khai vắc-xin ngừa Covid-19
Theo CNN, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thừa nhận thất bại trong chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 và cam kết sẽ đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin.
Ông Macron cho biết như vậy vài ngày sau khi Chính phủ Pháp buộc phải áp dụng các hạn chế mới liên quan tới virus corona nhằm hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 ở nước này.
“Chúng tôi không đủ nhanh, không đủ mạnh”, người đứng đầu nước Pháp nói. Đây là lần thừa nhận thất bại hiếm hoi của Tổng thống Pháp về các nỗ lực tiêm chủng của châu Âu.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Macron tuyên bố chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 là ưu tiên quốc gia của Pháp. Ông cam kết triển khai vắc-xin tại tâm điểm cuộc chiến chống Covid-19 của Pháp.
Tính đến đầu tuần này, 9,3% tổng dân số Pháp đã được tiêm vắc-xin một phần, theo Our World in Data.
Mỹ vượt ngưỡng 30 triệu ca nhiễm Covid-19
Theo thống kê của Đại học John Hopkins, kể từ đầu đại dịch tới giờ, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã vượt quá con số 30 triệu và 545.237 ca tử vong.
Các số liệu trên được thống kê từ 50 bang của Mỹ, gồm cả Quận Columbia và các lãnh thổ khác của Mỹ.
Trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho hay, ít nhất 169.223.125 liều vắc-xin đã được phân phát, ít nhất 107.060.274 liều đã được tiêm. Ít nhất 85.472.166 người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin và ít nhất 46.365.515 người đã được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Nhà Trắng ngày 25/3 tiết lộ dự định chi 10 tỷ USD để mở rộng việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại các trung tâm y tế cộng đồng trên khắp nước Mỹ và để nâng cao nhận thức, lòng tin vào vắc-xin ngừa Covid-19.
Số tiền 10 tỷ này sẽ được lấy từ Chương trình cứu trợ Mỹ, khoản 1,9 nghìn tỷ USD được phê chuẩn trong tháng này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vắc-xin tới cuối tháng 4, tăng gấp đôi mục tiêu trong 100 ngày đầu cầm quyền.
EU xuất khẩu 77 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19
Theo Bloomberg, Liên minh Châu Âu (EU) đã xuất khẩu 77 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 tới 33 quốc gia kể từ tháng 12/2020, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Quan chức này cũng cho hay, EU hy vọng sẽ nhận được 100 liều vắc-xin trong quý 1 và 360 triệu liều vào quý 2 của năm nay.
Chủ nghĩa hoài nghi về vắc-xin làm tăng tỷ lệ tử vong
Hãng tin Bloomberg dẫn một nghiên cứu mới cho biết, các quốc gia có số lượng người từ chối hoặc trì hoãn tiêm vắc-xin ngừa virus corona có thể đối mặt với tỷ lệ tử vong cao gấp 9 lần những quốc gia khác.
Thuỵ Điển tái khởi động tiêm chủng bằng vắc-xin AstraZeneca
Thuỵ Điển đã tái khởi động chương trình tiêm chủng với vắc-xin AstraZeneca, song chỉ dùng với người từ 65 tuổi trở lên. Nước này vẫn tạm dừng tiêm vắc-xin này cho những người ít hơn 65 tuổi để xem xét lại dữ liệu về độ an toàn của vắc-xin.
Phần Lan lần đầu phong toả để ngăn Covid-19 lây lan
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người Phần Lan được yêu cầu ở trong nhà khi chính phủ nước này tìm cách ngăn chặn các biến thể của virus corona lây lan và tránh cho hệ thống y tế quá tải.
Chính phủ của Thủ tướng Sanna Marin ngày 25/3 đề xuất phong toả, chỉ cho phép người dân rời nhà để làm những việc thật sự cần thiết như mua thực phẩm, khám bác sĩ.

Tổng hợp-TT