Khủng hoảng chíp toàn cầu: “Cơn điên” gom hàng và sự phụ thuộc vào châu Á; Nhật chuẩn bị kịch bản 20.000 người Trung Quốc đổ lên Senkaku/Điếu Ngư; Biển Đông: “Bắt mạch” diễn biến mới; Châu Âu có thêm nhiều ca mắc mới COVID-19; Ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng 11%…là những tin chính được cập nhật.
Khủng hoảng chíp toàn cầu: “Cơn điên” gom hàng và sự phụ thuộc vào châu Á
Các ngành công nghiệp từ ôtô cho tới thiết bị điện tử đang rơi vào tình cảnh điêu đứng trước tình trạng gián đoạn sản xuất do thiếu chíp trầm trọng…
Từ những đơn hàng bị chậm trễ, nguồn cung linh kiện cho thiết bị gia dụng thiếu hụt cho tới điện thoại thông minh bị đội giá, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chíp bán dẫn chưa từng có.
Sự thiếu hụt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là việc các hãng ôtô và hàng điện tử tính toán sai về nhu cầu tiêu dùng hậu Covid-19. Nhu cầu tăng mạnh khiến các hãng này phải gấp rút chuẩn bị đơn hàng. Tuy nhiên, lúc này, các nhà sản xuất chíp đang phải gồng mình phục vụ những thương hiệu công nghệ lớn như Apple, khi mà điện thoại di động 5G và Internet bùng nổ sau đại dịch.
Cùng với đó là lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào các hãng công nghệ Trung Quốc càng khiến cuộc khủng hoảng thiếu chíp càng trầm trọng.
“CƠN ĐIÊN” GOM HÀNG VÀ CUỘC KHỦNG HOẢNG THIẾU CHÍP CHƯA TỪNG CÓ
Tình trạng thiếu chíp ban đầu xảy ra chủ yếu trong ngành công nghiệp ôtô, sau đó lan rộng ra các ngành nghề khác như truyền thông, điện tử. Với việc mọi công ty sử dụng chíp trong sản phẩm đều hoảng sợ và “điên cuồng” gom hàng tích trữ, tình trạng thiếu hụt càng nghiêm trọng, thổi giá chíp tăng vọt.
QUÁ PHỤ THUỘC VÀO CHÂU Á
Theo các nhà phân tích, gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là ngành công nghiệp chíp toàn cầu phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động sản xuất tại châu Á. Hiện tại, phần lớn hoạt động sản xuất chíp diễn ra tại châu lục này, nơi các công ty lớn như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd (TSMC) (Đài Loan) và Samsung thầu sản xuất cho hàng trăm công ty chíp.
Nhật chuẩn bị kịch bản 20.000 người Trung Quốc đổ lên Senkaku/Điếu Ngư
Khi hải cảnh Trung Quốc tăng cường tiếp cận quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản đã nghĩ tới kịch bản xảy ra xung đột vũ trang.
Đây là kịch bản ác mộng đối với Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản. Một tàu cá Trung Quốc bị hỏng gần Senkaku/ Điếu Ngư, nhóm đảo mà Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc điều lực lượng hải cảnh bảo vệ con tàu. Các ngư dân Trung Quốc đổ lên một trong số các đảo để chờ đợi con tàu được sửa, bất chấp cảnh báo từ phía Nhật Bản. Giữa lúc căng thẳng, hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản.
Khi hải cảnh Trung Quốc nhiều lần “rình rập” tàu cá Nhật Bản quanh khu vực nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong năm nay, những kịch bản như vậy không phải không có khả năng xảy ra. Nội bộ đảng cầm quyền của Nhật Bản đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về việc cần phải đưa ra những quy định rõ ràng để giải quyết những tình huống này.
Biển Đông: “Bắt mạch” diễn biến mới
Kinhtedothi – Biển Đông lại nóng lên vì loạt hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trong suốt tháng qua, dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế do lo ngại về các mục đích sâu xa mà Bắc Kinh có thể đang nhắm đến tại vùng biển tranh chấp. Giới quan sát và học giả quốc tế đã có những nhận định về diễn biến hiện nay, cảnh báo khu vực về một vòng xoáy đối kháng phức tạp.
*** Châu Âu có thêm nhiều ca mắc mới COVID-19
(ĐCSVN) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 636.572 ca nhiễm và 10.363 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tính đến sáng 3/4 lên lần lượt 130.801.571 và 2.850.148 trường hợp. Xét theo quy mô khu vực, châu Âu ghi nhận thêm nhiều số ca nhiễm mới nhất, với 218.647 ca, tiếp đến là châu Á 211.089 ca.
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 3/4 cho thấy, hiện toàn thế giới có 105.294.782 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 22.656.641 ca bệnh đang điều trị thì có 22.559.027 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 97.614 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 40.077.527 trường hợp, trong đó có 920.676 ca tử vong và 28.257.649 ca được điều trị khỏi. Hiện các nước châu Âu đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng để ứng phó với làn sóng thứ 3 của dịch bệnh, tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vaccine đã khiến chương trình tiêm chủng tại các nước trong khu vực bị cản trở.
Số ca mắc COVID-19 tăng vọt và tiến độ tiêm chủng chậm chạp đã phủ bóng đen lên các lễ hội được mong đợi ở châu Âu trong năm thứ hai liên tiếp. Mới đây nhất, Ban tổ chức liên hoan truyện tranh nổi tiếng thế giới ở Angouleme (Pháp), dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới, đã thông báo hủy sự kiện này do lo ngại dịch COVID-19. 7 lễ hội văn hóa dự kiến diễn ra tại Đức và Thụy Sĩ cũng bị ảnh hưởng gồm Deichbrand, Hurricane, Southside, Rock am Ring, Rock im Park, onneMondSterne và Greenfield. Trong khi đó, hai bữa tiệc văn hóa lớn là Sonar và Primavera ở Barcelona (Tây Ban Nha) cũng bị hủy trong năm thứ hai liên tiếp.
*** Ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng 11%
Thế giới ghi nhận hơn 131 triệu người nhiễm, hơn 2,8 triệu người chết do nCoV, ca mới tuần qua tăng ở khắp nơi nhưng vẫn thấp so với kỷ lục hồi tháng một.
Thế giới đã ghi nhận 130.780.396 ca nhiễm nCoV và 2.849.609 ca tử vong, tăng lần lượt 615.397 và 9.824, trong khi 105.256.543 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Trung bình ca Covid-19 mới mỗi ngày tăng 11% tuần qua, lên khoảng 582.000, theo thống kê của AFP. Xu hướng tăng này đã bắt đầu từ một tháng trước nhưng số ca nhiễm mới hiện nay vẫn kém kỷ lục 743.600 ca mới mỗi ngày trong tuần từ 5-11/1.
Ca mới tăng ở hầu hết khu vực trên thế giới, tăng 32% ở châu Á, 15% ở Mỹ và Canada, 9% ở châu Âu, 6% ở châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribe, 2% ở Trung Đông.
Ở châu Đại Dương, ca nhiễm giảm 31%, sau khi tăng đột biến trong vài tuần trước do diễn biến dịch ở Papua New Guinea. Các nước khác tại khu vực này gần như “sạch bóng” nCoV.
Tunisia là nước ghi nhận tốc độ gia tăng dịch bệnh nhanh nhất trong số các quốc gia báo cáo hơn 1.000 trường hợp hàng ngày trong tuần qua, khi ca mới tăng 77% lên 1.000 ca mỗi ngày. Theo sau là Azerbaijan (74%, 1.900 ca), Bangladesh (72%, 4.800 ca), Argentina (66%, 12.200 ca) và Croatia (51 ca, 1.700 ca).
Mức giảm lớn nhất trong tuần này được ghi nhận ở Bờ Tây, nơi ca mắc mới giảm 41% nhưng vẫn ở mức trung bình 1.000 ca mỗi ngày. Theo là Kuwait (giảm 29%, 1.100 ca), Estonia (giảm 28%, 1.000 ca), Cộng hòa Czech (giảm 21%, 6.300 ca) và Anh (giảm 19%, 4.400 ca).
Brazil vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong và ca nhiễm mới nhất trong tuần qua, với trung bình 74.200 ca mới một ngày, giảm 4% so với tuần trước. Họ báo cáo trung bình 3.117 ca tử vong một ngày. Mỹ ghi nhận trung bình 66.200 ca mới một ngày, tăng 14% và trung bình 962 người chết một ngày.
Tháng ba là tháng ghi nhận nhiều ca tử vong vì nCoV cao nhất ở Brazil kể từ khi đại dịch bùng phát. Với 57.606 ca tử vong từ 1/3 đến 30/3, Bộ Y tế ghi nhận số người chết nhiều hơn 75% so với tháng chết chóc thứ hai trong đại dịch ở Brazil là tháng 7/2020.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 30/3 ký sắc lệnh giải ngân 918 triệu USD vốn vay để đối phó đại dịch Covid-19, trong bối cảnh nước này ghi nhận số người chết vì đại dịch trong một ngày cao chưa từng có. Các khoản vay sẽ được chuyển cho Bộ Y tế Brazil để sử dụng trên 2.600 phòng khám công và bổ sung giường bệnh, giúp củng cố hệ thống y tế Brazil.
Tính bình quân trên đầu người, Hungary là nước báo cáo nhiều ca mới nhất tuần này, với 604 trên 100.000 dân. Israel đang dẫn đầu thế giới về tiêm chủng và đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh từ 650 trên 100.000 người xuống còn 31.
Số người chết vì nCoV toàn cầu đã tăng 13% lên 10.337 người một ngày trong tuần này, nhưng vẫn thấp so với mức 15.000 người một ngày hồi cuối tháng một.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho 100 triệu người. Cụ thể, CDC ngày 2/4 thông báo 101.804.762 người đã được tiêm ít nhất một liều, tức hơn 30% dân số Mỹ. Gần 58 triệu người trong số đó đã tiêm chủng đầy đủ, theo phác đồ một hoặc hai mũi. Hơn một nửa trong số này là người từ 65 tuổi trở lên.
Tổng thống Joe Biden tuần trước đã hứa rằng 90% người lớn ở Mỹ sẽ đủ điều kiện nhận vắc xin trước ngày 19 tháng 4.
Biden đã cam kết rằng 200 triệu liều sẽ được sử dụng trong 100 ngày đầu tiên tại vị, tăng gấp đôi so với mục tiêu ban đầu đã đạt được vào cuối tháng Ba.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 công bố loạt động thái mới nhằm mở rộng chiến dịch tiêm chủng và đảm bảo 90% người lớn đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 trước ngày 19/4. Tuy nhiên, ông cảnh báo người Mỹ cuộc chiến đánh bại Covid-19 “còn lâu mới thắng” và kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh khi đất nước trên bờ vực sóng lây nhiễm thứ tư.
Biden cũng kêu gọi các bang đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và hạn chế với các doanh nghiệp nên đảo ngược động thái này. Hiện 6 bang ở Mỹ đã dỡ bỏ quy định về khẩu trang và một số bang khác có kế hoạch tương tự vào nửa đầu tháng 4.
CDC ngày 2/4 ra chỉ dẫn mới rằng những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải cách ly hoặc làm xét nghiệm Covid-19 sau khi đi lại trong Mỹ. Tuy nhiên, người từ nước ngoài đến Mỹ phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi lên máy bay, làm xét nghiệm sau khi đến và cách ly nếu chính quyền địa phương yêu cầu. Những người đã tiêm phòng đẩy đủ có thể ra nước ngoài mà không cần xét nghiệm nCoV trước khi đi, trừ khi điểm đến quốc tế yêu cầu.
*** Đồi Capitol tại Mỹ lại bị tấn công, Vệ binh Quốc gia được huy động
Cảnh sát khu vực Capitol của thủ đô Washington, Mỹ, ngày 2/4 cho biết, một đối tượng đã lao xe ô tô đâm vào 2 sĩ quan cảnh sát trước khi đâm vào hàng rào phía Bắc của khu vực tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Hiện trường rợn người vụ tai nạn tàu hỏa tại Đài Loan làm 48 người chết
Ít nhất 48 người đã chết và hàng chục người khác bị thương hoặc vẫn đăng mắc kẹt sau khi đoàn tàu chở gần 500 hành khách ở Đài Loan (Trung Quốc) trật bánh rồi đâm vào vách hầm, nghi do đâm trúng xe tải.
Tai nạn tàu hỏa thảm khốc, ít nhất 36 người thiệt mạng
Ít nhất 36 người thiệt mạng và 72 người khác bị thương khi một đoàn tàu trật bánh trong đường hầm phía đông đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Biểu tình chưa lắng dịu, Myanmar lại gián đoạn Internet diện rộng
Các cuộc biểu tình tại Myanmar vẫn diễn ra dưới ánh nến trong đêm, bất chấp việc hệ thống điện, Internet tại quốc gia này lại gián đoạn diện rộng. Những diễn tiến khó lường tại Myanmar buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) phải lên tiếng.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ tiếc vì không đạt được thỏa thuận với Triều Tiên
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ “lấy làm tiếc” khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã không thể thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trẻ em di cư bị thả từ tường cao 4 m ở biên giới Mỹ
Hai bé gái người Ecuador đã bị thả xuống từ bức tường cao 4 m ở biên giới Mỹ-Mexico vào giữa đêm 31/3 (giờ địa phương) trước khi được các sĩ quan Mỹ phát hiện.
Chuyên gia: Đã đến lúc Việt Nam tham gia tích cực vào quản trị toàn cầu
Chuyên gia của tờ The Diplomat đánh giá Việt Nam là một cường quốc mới nổi và đang ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng, tầm vóc trên trường quốc tế nhờ những đóng góp quan trọng cho thế giới thời gian qua.
Chủ siêu tàu Ever Given khởi kiện công ty vận hành Đài Loan
Business Insider ngày 2/4 đưa tin, sau sự cố mắc cạn tại kênh đào Suez, chủ sở hữu của siêu tàu hàng Ever Given đã khởi kiện tập đoàn hàng hải vận hành con tàu này.
Mỹ – Trung sẽ tìm được “điểm chung” trong hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu?
Trong bối cảnh Mỹ đang chờ đợi việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác nhận sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Nhà Trắng vào cuối tháng này, các nhà phân tích cảnh báo hai bên vẫn còn đang thiếu sự tin tưởng lẫn nhau về cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Nga cảnh báo Ukraine sẽ bị “hủy hoại” nếu xới lại cuộc chiến miền Đông
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov việc cuộc chiến ở miền Đông Ukraine bị khơi dậy một lần nữa sẽ “hủy hoại” Ukraine, đồng thời kêu gọi chính quyền ở Kiev kiềm chế.
Người mẹ ôm chặt bảo vệ con trong vụ xả súng đẫm máu tại California
Cậu bé 9 tuổi, một trong số các nạn nhân trong vụ xả súng tại Los Angeles, Mỹ, hôm 31/3, đã chết trong vòng tay của người mẹ, người đã cố gắng cứu cậu nhưng không thành công.
Ít nhất 20 binh sĩ Myanmar thiệt mạng sau vụ đụng độ với phiến quân
Ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng và 4 xe tải quân sự bị phá hủy sau các cuộc xung đột giữa quân đội Myanmar với Quân đội Độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất tại Myanmar, DVB news đưa tin.
Trung Quốc- Iran bắt tay trên thị trường dầu mỏ
Một thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm được Trung Quốc và Iran ký hôm 27-3 nhằm tăng cường liên minh kinh tế và chính trị lâu đời có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông và cắt giảm nỗ lực của Mỹ nhằm giữ Tehran bị cô lập.
WHO nói châu Âu tiêm vaccine COVID-19 “chậm không thể chấp nhận”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích việc triển khai vaccine của châu Âu là “chậm không thể chấp nhận được”, trong bối cảnh khu vực này chứng kiến sự gia tăng “đáng lo ngại” về ca nhiễm COVID-19.
Đại sứ Nga tại Mỹ không có lịch trở lại Washington
Nga cách đây hai tuần triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ để tham vấn về mối quan hệ song phương nhưng hiện vẫn chưa có lịch cho nhà ngoại giao này trở về trụ sở ở Washington.
Pháp tung “quân bài cuối cùng” đối phó COVID-19
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 31/3 (giờ địa phương) ra lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, với việc áp dụng một biện pháp mà nước này cố gắng tránh trong thời gian dài, đó là đóng cửa tất cả các trường học.
Quốc tế đồng loạt quan ngại trước báo cáo của WHO về nguồn gốc COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã công bố một bản báo cáo về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, báo cáo này lại chưa đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn nào về thời gian, địa điểm hay vật chủ truyền bệnh, mà chỉ đánh giá khả năng xảy ra của một số giả thuyết vốn gây tranh cãi. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngay lập tức phản ứng về kết quả mà WHO đưa ra.
Tổng hợp-TT