IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP tại Đông Nam Á; Vì sao giới đầu tư toàn cầu đổ xô mua trái phiếu Trung Quốc?; Doanh nghiệp Mỹ “sốt xình xịch” vì kế hoạch tăng thuế của ông Biden; E ngại Nga, Mỹ hủy bỏ kế hoạch phái tàu chiến đi vào Biển Đen?; *** 139.670.800 ca nhiễm, gần 3 triệu người tử vong vì COVID-19 trên thế giới…là những tin chính được cập nhật.
IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP tại Đông Nam Á
Ảnh minh họa.
– Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế một số nước Đông Nam Á, ngay cả khi tổ chức này tỏ ra lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, IMF dự báo 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất ở Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trưởng chung 4,9% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 5,2% trước đó.
Ông Jonathan Ostry – Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho biết, nguyên nhân khiến triển vọng kinh tế của một số nước Đông Nam Á giảm là do sự gia tăng của số ca mắc Covid-19 và các nước tuyên bố phong tỏa lần nữa.
Việc hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế Đông Nam Á được đưa ra khi IMF nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ 7,3% lên 7,6% cho năm nay. Tổ chức này cũng nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2021 từ 5,5% lên 6%. Các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand sẽ có những khởi sắc.
IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng các nền kinh tế lớn khác của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 8,1%. Trong khi Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng 12,5%, nhanh hơn so với dự báo 11,5% được đưa ra trước đó. Ngoài ra, IMF cảnh báo sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế châu Á có thể vẫn không đồng đều trong ít nhất là 5 năm tới.
Bên cạnh việc đưa ra những dự báo, Báo cáo của IMF cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải cách cơ cấu để thúc đẩy năng suất và sản lượng, đồng thời đầu tư xanh để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.
Để đảm bảo mục tiêu này cần dựa trên 3 điều kiện bắt buộc. Thứ nhất, thương mại phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở châu Á, là nền tảng của phép màu châu Á. Vì vậy, để phát huy hết tiềm năng của châu Á cần phải giảm bớt các hạn chế cản trở thương mại, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tránh xung đột thương mại… Thứ hai, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đứng vững và phục hồi sau đại dịch. Thứ ba, hướng tới một nền kinh tế xanh với việc tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Vì sao giới đầu tư toàn cầu đổ xô mua trái phiếu Trung Quốc?
Các quỹ đầu tư trên toàn cầu đang có một cái nhìn mới về trái phiếu chính phủ Trung Quốc…
Tuy quan điểm từng người, năm 2021 có thể là một thời điểm tuyệt vời hoặc cũng có thể là một thời điểm tồi tệ để trái phiếu Trung Quốc vươn ra toàn cầu. Nhưng với huyền thoại đầu tư Ray Dalio, sự trỗi dậy của trái phiếu Trung Quốc là một xu hướng tất yếu.
Trong một bài đăng trên LinkedIn gần đây, ông Dalio chỉ ra rằng mức nợ của Mỹ đã tăng theo một quỹ đạo đáng báo động suốt thập kỷ qua và thậm chí còn phình to nhanh hơn kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch. Hàng loạt gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hàng nghìn tỷ USD buộc các nhà chức trách Mỹ tăng tần suất phát hành trái phiếu chính phủ để có tiền trang trải khi ngân sách thâm hụt leo thang kỷ lục. Trong tình huống như vậy, trái phiếu Trung Quốc cho thấy sự ổn định đáng kể so với trái phiếu Mỹ – theo ông Dalio.
MỘT PHẦN TẤT YẾU CỦA LỊCH SỬ
Nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ cũng chỉ ra rằng danh mục hiện tại của các quỹ đầu tư quốc tế chưa phản ánh được vị thế kinh tế đối trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ nhìn thế giới hiện cũng là thị trường trái phiếu lớn thứ hai thế giới, nhưng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của khối ngoại cho đến nay vẫn còn tương đối thấp.
Các quỹ đầu tư toàn cầu nắm giữ hơn 1/3 trái phiếu Mỹ nhưng chỉ khoảng 6% trái phiếu Trung Quốc. Bởi vậy, hiện tượng dòng tiền đổ vào trái phiếu đồng Nhân dân tệ thực ra chính là một phần tất yếu của lịch sử, khi thị trường vốn của một nền kinh tế mới nổi đe dọa vị thế một siêu cường.
“Vị thế quá lớn của trái phiếu Mỹ phần lớn là do đặc quyền khổng lồ của Mỹ khi đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu của thế giới. Điều đó cho phép Mỹ vay quá nhiều tiền trong nhiều thập kỷ. Như một phần của chu kỳ lịch sử, sẽ có sự xuất hiện cạnh tranh của thị trường vốn ở các nền kinh tế mới nổi. Phù hợp với chu kỳ tất yếu này, ta đang chứng kiến sự dịch chuyển đầu tư từ trái phiếu Mỹ sang trái phiếu Trung Quốc” – ông Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất hành tinh Bridgewater Associates nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Mỹ “sốt xình xịch” vì kế hoạch tăng thuế của ông Biden
Phần lớn giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phản đối kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Joe Biden…
Phần lớn giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phản đối kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Joe Biden do lo ngại kế hoạch này cản trở đà phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch.
Có tới 55 đại doanh nghiệp Mỹ nằm trong danh sách Fortune 500 hoặc có tên trong chỉ số S&P 500 không phải nộp một đồng thuế thu nhập nào trong năm 2020 nhờ các khoản khấu trừ thuế – một phân tích của Viện Chính sách kinh tế và thuế cho hay. Trong khi đó, thu ngân sách từ thuế của Mỹ đã giảm mạnh từ khi Tổng thống Donald Trump giảm thuế doanh nghiệp vào năm 2018. Thâm hụt ngân sách thậm chí lên mức kỷ lục trong năm ngoái sau khi Washington tung ra hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế từ đại dịch.
ÔNG BIDEN MUỐN THUẾ TĂNG THẾ NÀO?
Đó là lý do vì sao ông Biden muốn tăng thuế doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại lên 28% để trang trải cho một gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD mà ông công bố mới đây.
Ngoài mức tăng thuế doanh nghiệp 28%, ông Biden còn tham vọng áp thuế tối thiểu 15% với các đại công ty. Điều này đồng nghĩa ngay cả khi có nhiều điều kiện để miễn trừ thuế, các doanh nghiệp lớn vẫn phải chịu mức thuế ít nhất 15%. Nguyên nhân là các đại công ty đã “sử dụng những lỗ hổng luật pháp để không phải trả bất kỳ xu lẻ nào tiền thuế thu nhập liên bang”, trong khi đó các hộ gia đình trung lưu phải trả mức thuế hơn 20%. “Điều đó không công bằng với phần còn lại, những người dân đang đóng rất nhiều thuế vào ngân sách Mỹ” – theo ông Biden.
“Tổng thống có một niềm tin mạnh mẽ rằng các tập đoàn lớn, các đại công ty đã kiếm bộn tiền trong vài thập kỷ qua nên trả nhiều tiền thuế hơn”.
E ngại Nga, Mỹ hủy bỏ kế hoạch phái tàu chiến đi vào Biển Đen?
– Lầu Năm Góc tuần này đã hủy bỏ kế hoạch đưa hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ đi qua Biển Đen vì lo ngại tình trạng căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, hai quan chức của Mỹ nắm rõ tình hình đã cho biết như vậy.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Hải quân Mỹ đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ về việc họ có kế hoạch đưa hai tàu khu trục đi qua Biển Đen. Ankara đang là nước quản lý giao thông đi lại qua Eo biển Bosporus và Eo biển Dardanelles dẫn tới Biển Đen theo Hiệp ước Montreux 1936.
Kế hoạch trên không có gì bất thường và cũng chẳng phát đi thông điệp mới cụ thể nào bởi Hải quân Mỹ thường tiến hành 8 hoặc 9 chiến dịch như vậy mỗi năm, một vị quan chức Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, sau khi các cuộc đụng độ ở miền đông Ukraine giữa binh sĩ thuộc quân đội Ukraine và lực lượng ly khai nổ ra, giới chức Mỹ đã quyết định hủy bỏ kế hoạch để tránh làm leo thang căng thẳng.
Một số quan chức ở thủ đô Kiev của Ukraine đã thể hiện sự thất vọng trước tin các tàu khu trục của Mỹ không đi qua Biển Đen, một cựu quan chức cấp cao của Ukraine cho hay. Ukraine mong muốn có sự xuất hiện của hai tàu chiến của Mỹ ở đây để phát đi thông điệp cảnh báo với Nga trong bối cảnh Kiev cáo buộc Moscow tăng cường hàng nghìn binh sĩ đến biên giới phía đông với Ukraine.
*** 139.670.800 ca nhiễm, gần 3 triệu người tử vong vì COVID-19 trên thế giới
(ĐCSVN) – Đến sáng 16/4, thế giới có tổng số 139.670.800 ca nhiễm và 2.999.246 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 836.294 và 13.839 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 16/4, đã có 118.719.056 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.915.786 ca bệnh đang điều trị, có 17.845.622 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 106.876 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 216.850 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (80.529 ca) và Mỹ (74.479 ca). Tuy nhiên, Brazil lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.774 ca, sau đó là Ấn Độ (1.183 ca) và Mỹ (895 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 42.365.606 ca, trong đó có 966.569 ca tử vong và 36.604.467 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 199.467 ca nhiễm và 3.864 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.187.879; 4.675.153 và 4.380.976 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.191 ca, sau khi có thêm 30 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (115.937 ca) và Nga (104.398 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 95.798 ca nhiễm COVID-19 và 1.568 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 37.184.535 và 842.974 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 32.224.139 ca nhiễm và 578.993 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.291.246 và 1.096.716 ca nhiễm, cùng 210.812 và 23.500 ca tử vong vì COVID-19.
Với 32.588.924 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 16/4, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 458.542 ca đã tử vong do COVID-19 và 28.639.217 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 14.287.740; 4.086.957 và 2.168.872 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 174.335; 35.031 và 65.680 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 156.256 ca nhiễm và 5.357 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 23.031.584 ca và 612.214 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 80.529 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 13.758.093 vào thời điểm hiện tại, và 4.211 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 365.954 ca.
Tính đến sáng 16/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.433.974 ca, trong đó có 117.363 ca tử vong và 3.963.106 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.562.931 ca nhiễm và 53.571 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.372 ca nhiễm và 73 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 504.260 và 279.376 ca nhiễm bệnh cùng 8.927 và 9.553 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 60.572 ca nhiễm (tăng 221 ca) và 1.166 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 15 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.457 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Chính phủ Nhật Bản, tối 15/4, đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 4 địa phương gồm: Saitama, Chiba, Kanagawa và Aichi từ ngày 20/4 – 11/5. Như vậy, đến nay đã có 10 địa phương tại Nhật Bản phải áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, với 6 địa phương trước đó là: Okinawa, Tokyo, Osaka, Hyogo, Miyagi, Kyoto.
Chính phủ Algeria cũng quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm một phần thêm 15 ngày tại một số tỉnh và thành phố, bắt đầu từ ngày 16/4. Theo đó, bất chấp tháng lễ Ramadan, giới nghiêm một phần sẽ được áp dụng từ 23h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau, tại 9 tỉnh thành gồm: Batna, Biskra, Blida, Tebessa, Tizi-Ouzou, Algiers, Jijel, Sidi Bel Abbes và Oran. Ở 49 tỉnh, thành phố khác, người dân không phải chịu lệnh phong tỏa, nhưng tùy theo diễn biến thực tế của dịch bệnh, lãnh đạo địa phương có thể thiết lập, sửa đổi, hoặc điều chỉnh lịch trình, biện pháp phong toả để đề xuất các cơ quan thẩm quyền quyết định áp dụng.
Chính phủ Hà Lan dự kiến áp đặt việc cách ly bắt buộc kể từ ngày 15/5 tới đối với du khách đến từ các quốc gia có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng. Nước này cũng yêu cầu cách ly bắt buộc trong 10 ngày đối với khách du lịch đến Hà Lan. Những trường hợp không tuân thủ quy định cách ly sẽ bị phạt tài chính lên tới 95 euro (tương đương 113,7 USD). Ngoài ra, bất kỳ du khách nào khi đến Hà Lan đều phải điền tờ khai ghi rõ địa chỉ nơi họ sẽ cách ly, có thể ở nhà hoặc ở nơi khác. Tại Hà Lan sẽ không áp dụng cách ly tại khách sạn.
Cơ quan Vận tải hàng không Nga thông báo lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh đã được gia hạn cho đến tháng 6 do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh./.
Tổng hợp-TT