VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 7/5/2021.

    Covid-19 tại Ấn Độ lại phá đỉnh, hơn 412.000 ca nhiễm trong ngày; Đức phản đối bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin Covid-19; Covid-19 lan đến “nóc nhà thế giới”, Nepal nguy cơ thành “Ấn Độ thứ hai”; Biến chủng mới đẩy Ấn Độ vào vực thẳm Covid-19; Anh và Mỹ đi nước cờ quân sự ở Biển Đông nhằm thách thức Trung Quốc; Châu Á tiếp tục là tâm dịch COVID-19 của thế giới…là những tin chính được cập nhật.
Covid-19 tại Ấn Độ lại phá đỉnh, hơn 412.000 ca nhiễm trong ngày
Bất cập trong vận chuyển và điều phối nguồn cung oxy y tế đẩy Ấn Độ vào cơn khát oxy y tế. Ảnh: AFP    Bất cập trong vận chuyển và điều phối nguồn cung oxy y tế đẩy Ấn Độ vào cơn khát oxy y tế. Ảnh: AFP
Ấn Độ xác nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở mức kỷ lục trong ngày 6/5 khi hệ thống y tế nước này kiệt quệ vì làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2.
Khát oxy y tế
Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này xuất hiện 412.262 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm Covid-19 vượt 21 triệu, chỉ 2 ngày sau khi bước qua mốc 20 triệu.
Ấn Độ cũng ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong ngày lên mức cao nhất, với 3.980 người chết. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng con số này là chưa đầy đủ.
Chính phủ Ấn Độ đang đối mặt với những chỉ trích vì cho phép thực hiện các cuộc vận động bầu cử và các lễ hội tôn giáo quy mô lớn vài tháng trước, nhưng không đề phòng hoặc chuẩn bị đối phó với làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ bắt đầu tăng lên trong tháng 2 nhưng phải đến tháng 4 làn sóng lây nhiễm mới nhân rộng, khiến các bệnh viện phải vật lộn với tình trạng thiếu giường bệnh cũng như nguồn cung oxy và thuốc điều trị cho bệnh nhân. Cộng đồng quốc tế đã cam kết gửi viện trợ y tế oxy đóng bình, máy cô đặc oxy và các vật tư y tế khác cho Ấn Độ. Một số chuyến hàng viện trợ quốc tế đã đến Ấn Độ.
Theo đánh giá của ông Abhay Soi, Chủ tịch kiêm CEO của Max Healthcare, công ty đang nắm chuỗi các bệnh viện ở Delhi, Maharashtra, Punjab, và Uttarakhand, tình hình vẫn chưa thuyên giảm vì số ca mắc Covid-19 đang tăng lên. “Điều đó có nghĩa là về cơ bản nhu cầu oxy cũng đang tăng lên”, ông Abhay Soi nói với đài CNBC hồi đầu tuần.
Anh và Mỹ đi nước cờ quân sự ở Biển Đông nhằm thách thức Trung Quốc
– Trong cuộc gặp ở thủ đô Washington mới đây, Tư lệnh Hải quân Anh và Mỹ cho biết họ đang “phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo vệ sự tự do ở các vùng biển”. Tuyên bố này được đưa ra ngay trước khi Anh và Mỹ chuẩn bị thực hiện một chiến dịch triển khai chung quy mô lớn đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ thực hiện kế hoạch triển khai đầu tiên đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tháng này và tàu khu trục của Mỹ – USS The Sullivans cùng với một đội chiến đấu cơ F-35B Lightning II của Thủy quân lục chiến Mỹ cũng tham gia vào cuộc triển khai chung này.
Nhóm tàu sân bay mới (CSG) sẽ thực hiện hải trình hơn 26.000 dặm trong hơn 28 tuần và sẽ ghé thăm 40 nước trong lịch trình của họ.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng sẽ đi qua Biển Đông nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền tham lam của Trung Quốc ở khu vực biển chiến lược này.
Tư lệnh Hải quân Anh – Đô đốc Tony Radakin cho biết, hoạt động triển khai nhóm tàu sân bay mới (CSG) là minh chứng cho sức mạnh của mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ “trong thế giới ngày càng đối đầu gay gắt” cũng như sự công nhận về các lợi thế kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chương trình triển khai tàu sân bay giữa Mỹ và Anh đánh dấu hoạt động triển khai hải quân và không quân lớn nhất của Anh kể từ chiến tranh Falklands.
Đô đốc Radakin cho hay, Anh có kế hoạch tăng cường sự hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sau khi đánh giá lại chính sách an ninh và quốc phòng gần đây. Trong lần đánh giá mới nhất diễn ra hồi tháng Ba vừa rồi, Anh đã xác định Nga và Trung Quốc là hai đối thủ chính trên sân khấu toàn cầu.
Đức phản đối bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin Covid-19
Đức, nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu, quê hương của một ngành dược phẩm lớn, đã bác bỏ các đề xuất bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19.
Hãng tin AP dẫn lời một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Yếu tố hạn chế đối với việc sản xuất vắc-xin là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao, chứ không phải bằng sáng chế. Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới và phải duy trì việc đó trong tương lai”.
Theo người phát ngôn trên, Đức sẽ tập trung tăng năng lực sản xuất của các nhà sản xuất vắc-xin thay vì bỏ bản quyền sáng chế vắc-xin.
Các nhà hoạt động và tổ chức nhân đạo đã lên tiếng hoan nghênh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19. Thông báo này đã đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trong thế giới phát triển có ngành sản xuất vắc-xin lớn, công khai ủng hộ ý tưởng mà Ấn Độ và Nam Phi đưa ra.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gồm 164 thành viên. Nếu chỉ một quốc gia bỏ phiếu chống, đề xuất sẽ thất bại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (6/5) cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19.
Nga ủng hộ bỏ bản quyền vắc-xin Covid-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ từ bỏ bản quyền sáng chế đối với vắc xin ngừa Covid-19 vì tầm quan trọng của việc chống lại đại dịch.
Covid-19 lan đến “nóc nhà thế giới”, Nepal nguy cơ thành “Ấn Độ thứ hai”
(DTO) Các ca dương tính với Covid-19 đã được phát hiện ở khu vực cắm trại trên đỉnh Everest khi Nepal vừa cho phép nối lại hoạt động du lịch, leo núi ở nơi được coi là “nóc nhà thế giới” này.
Guardian và BBC dẫn lời ban quản lý khu vực cắm trại trên đỉnh Everest cho biết, ít nhất 17 người leo núi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi có các triệu chứng giống như mắc Covid-19 và được sơ tán khỏi khu vực cắm trại.
Cuối tháng 4, một nhà leo núi người Ba Lan có tên Pawel Michalski cho biết trên tài khoản Facebook rằng, hơn 30 người đã được sơ tán bằng trực thăng khỏi khu vực cắm trại trên đỉnh Everest đến bệnh viện ở thủ đô Kathmandu của Nepal.
Trong một diễn biến liên quan khác, báo Himalayan Times hôm 7/5 đưa tin, dịch Covid-19 cũng bùng phát ở đỉnh Dhaulagiri cao thứ 7 thế giới và nằm cách đỉnh Everest khoảng 345km về phía tây. Ít nhất 19 người leo núi đã được sơ tán khỏi khu vực cắm trại trên đỉnh núi này. Trong đó 7 người đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, 12 người còn lại cũng có triệu chứng và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Trước tình hình này, nhiều người cho rằng, Nepal có thể sẽ quyết định đóng cửa Everest và các đỉnh núi nổi tiếng khác vốn thu hút những người yêu thích chinh phục đỉnh cao.
Biến chủng mới đẩy Ấn Độ vào vực thẳm Covid-19
Chính phủ Ấn Độ hôm 6/5 cho rằng biến chủng B.1.617 mang đột biến kép, được phát hiện tại nước này vào tháng 3, có thể liên quan đợt bùng phát Covid-19 lần này.
Biến thể B.1.617 từ Ấn Độ chứa hai đột biến L452R và E484Q, gọi là “đột biến kép”, có khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19.
B.1.617 hiện diện trong một số lượng lớn mẫu bệnh phẩm ở nhiều bang Ấn Độ. Theo đó, trong khoảng 13.000 mẫu được giải trình tự, có hơn 3.500 mẫu mang các biến chủng đáng lo ngại, bao gồm B.1.617. Đặc biệt, B.1.617 được tìm thấy ở Maharashtra, Karnataka, Tây Bengal, Gujarat và Chhattisgarh, là những điểm nóng Covid-19 hiện nay.
Tuy nhiên, một quan chức của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) Ấn Độ cho biết họ vẫn chưa xác định chắc chắn mối liên hệ giữa biến chủng này và đợt bùng phát.
*** Châu Á tiếp tục là tâm dịch COVID-19 của thế giới
   (ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 7/5/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 156.672.834 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.269.034 ca tử vong và 134.036.491 ca bình phục. Châu Á hiện là tâm dịch của thế giới khi đã có tổng cộng 42.485.041 ca nhiễm và 552.512 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 843.577 ca mắc và 13.734 ca tử vong mới vì đại dịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (414.433 ca); Brazil (72.559 ca); Mỹ (46.424 ca); Argentina (24.086 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (22.388 ca); Pháp (21.712 ca); Đức (17.014 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (3.920 ca); Brazil (2.531 ca); Mỹ (849 ca); Ba Lan (510 ca); Colombia (399 ca); Argentina (398 ca)…
Châu Á hiện đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới khi châu lục này đã có tổng cộng 42.485.041 ca nhiễm và 552.512 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 519.678 ca mắc và 5.472 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 36.529.766 ca được điều trị khỏi; 5.402.763 ca đang được điều trị tích cực và 33.443 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 6/5, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 414.433 ca mắc mới và 3.920 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, liên tiếp nhiều ngày qua quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong ngày. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng số bệnh nhân mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 21.485.285 ca và 234.071 ca. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều khi tác động của dịch bệnh đã được cảm nhận rõ ở các bang miền Nam Ấn Độ như Karnataka, Kerala và Tamil Nadu, với số ca nhiễm mới tăng đột biến.
Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Iraq. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có gần 5 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 2,6 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận gần 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19…
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 18.579 ca mắc mới và 379 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.511.277 người mắc COVID-19, trong đó 69.836 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, khối này có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái lan và Campuchia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực khi ghi nhận có 1.697.305 ca nhiễm và 46.496 ca tử vong vì đại dịch.
Từ sáng 6/5, Campuchia đã chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới COVID-19. Hiện Campuchia có tổng cộng 17.621 ca mắc và 114 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 6/5 cho biết quốc gia này đã có thêm 105 ca mắc COVID-19. Đây là lần thứ 3 kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19 bùng phát tại Lào, số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ ở mức 3 con số. Tính tới sáng 7/5, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.177 ca mắc COVID-19, trong đó 105 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Brunei, ngày 6/5, chính phủ nước này công bố không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, đánh dấu một năm không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng nhờ vào việc duy trì các biện pháp kiểm soát đường biên giới cũng như các quy định đi lại chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 hiện tại được ghi nhận là 45.208.252 người, với 1.028.480 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 116.124 ca nhiễm mới và 2.800 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.728.090 ca mắc COVID-19 và 105.850 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 6/5, nước này có thêm 21.712 ca nhiễm mới và 219 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức…
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 65.020 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 38.696.360 ca, tổng số người tử vong là 868.308 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 30.517.233 trường hợp. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 tại châu lục. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 33.367.797 ca nhiễm và 593.995 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.355.985 ca nhiễm và 218.007 ca tử vong. Tiếp đó là các quốc gia Canada, Panama, Cộng hòa Dominica, Costa Rica…
Khu vực Nam Mỹ ghi nhận có tổng cộng 25.569.774 ca nhiễm; 694.573 ca tử vong và 23.237.895 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 15.009.023 ca nhiễm, trong đó 417.176 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, Ausralia hiện đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 19 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.884 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Papua New Guinea là quốc gia ghi nhận có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất tại châu lục, với 223 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên lần lượt 11.630 ca và 121 ca.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.649.033 ca mắc COVID-19, trong đó 123.937 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.590.370 trường hợp, trong đó 54.620 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.149 ca mắc mới COVID-19 và 63 ca tử vong vì đại dịch./.

Tổng hợp-TT