VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 23/5/2021.

     WHO: Số người chết vì Covid-19 cao gấp ba lần thống kê; Vaccine Covid-19 tạo ra 9 tỷ phú mới; Xuất hiện dịch bệnh “chết người” do biến chứng COVID-19 tại Ấn Độ; Nga sở hữu robot chiến đấu như “phim viễn tưởng”; Bà Aung San Suu Kyi sắp ra hầu tòa; Thế giới vượt 167 triệu ca mắc Covid 19…là những tin chính được cập nhật.
     Ảnh minh họa.
WHO: Số người chết vì Covid-19 cao gấp ba lần thống kê
(vnexpress.net) Số người chết liên quan tới Covid-19 có thể cao gấp nhiều lần số liệu hiện nay, tương tự tình trạng năm 2020, theo báo cáo của WHO.
“Tổng số người chết cao hơn thống kê chính thức ít nhất 2-3 lần”, Samira Asma, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong cuộc họp báo hôm nay, sau khi cơ quan này công bố báo cáo thường niên về tình hình sức khỏe toàn cầu.
WHO cho biết khi Covid-19 được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vào ngày 30/1/2020, số liệu tử vong chính thức do đại dịch được công bố là 171 người. Đến 31/12/2020, số liệu này được báo cáo là 1.813.188 người.
Tuy nhiên, các tính toán sơ bộ cho thấy tổng số ca tử vong toàn cầu liên quan đến Covid-19 trong năm 2020 ít nhất là 3 triệu người, cao hơn 1,2 triệu so với thống kê chính thức.
Dựa trên tỷ lệ số ca tử vong vượt mức dự báo (excess mortality) của năm 2020, WHO cho rằng nhân loại đang bỏ sót rất nhiều người chết có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Covid-19, so với con số thống kê 3,3 triệu ca tử vong được báo cáo với WHO hiện nay.
Số ca tử vong vượt mức dự báo được định nghĩa là số người chết trong một khoảng thời gian nhất định ở mức cao hơn dự báo và thường được dùng để tính số người tử vong do Covid-19.
Theo trang thống kê theo thời gian thực Worldometers, thế giới đến nay đã ghi nhận gần 166 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 3,4 triệu ca tử vong, trong khi 146.451.980 người đã bình phục.
Năm nay đã chứng kiến hơn 1,5 triệu ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu, trong bối cảnh virus lây lan nhanh ở châu Mỹ Latin cùng một số khu vực của châu Á. Số ca tử vong được cho là sẽ vượt qua mức 1,8 triệu của năm 2020 chỉ trong vài tuần nữa.
Những tháng gần đây, số liệu thống kê đang đảo ngược. Châu Âu và Bắc Mỹ từng chiếm 73% số ca tử vong toàn cầu vào đầu năm sau đợt tăng đột biến mùa đông, nhưng hiện tại châu Mỹ Latin, châu Á và châu Phi chiếm 72% số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới.
Vaccine Covid-19 tạo ra 9 tỷ phú mới
(vnexpress.net) Vaccine Covid-19 đã tạo ra ít nhất 9 tỷ phú mới sau khi cổ phiếu của các công ty sản xuất chúng tăng vọt.
Đứng đầu danh sách các tỷ phú mới là CEO Stéphane Bancel của Moderna và CEO Ugur Sahin của BioNTech, công ty đã hợp tác sản xuất vaccine với Pfizer. Theo phân tích của People’s Vaccine Alliance – một nhóm vận động bao gồm Oxfam, UNAIDS, Global Justice Now và Amnesty International – cả hai CEO này đều hiện có tài sản khoảng 4 tỷ USD.
Các giám đốc điều hành cấp cao của CanSino Biologics (Trung Quốc) và các nhà đầu tư ban đầu vào Moderna cũng đã trở thành tỷ phú khi cổ phiếu các công ty sản xuất vaccine tăng mạnh. Đà tăng được thúc đẩy bởi kỳ vọng lợi nhuận thu được từ vaccine Covid-19, báo hiệu cho triển vọng tương lai của các công ty.
Giá cổ phiếu của Moderna đã tăng hơn 700% kể từ tháng 2/2020, trong khi BioNTech tăng 600%. Cổ phiếu của CanSino Biologics tăng khoảng 440% so với cùng kỳ. Vaccine Covid-19 một liều của CanSino Biologics đã được phê duyệt để sử dụng ở Trung Quốc vào tháng 2/2021.
Các nhà hoạt động cho rằng, sự xuất hiện của nhóm tỷ phú này càng làm tăng sự bất bình đẳng do đại dịch gây ra. Theo họ, 9 tỷ phú mới có tổng tài sản trị giá 19,3 tỷ USD, đủ để tiêm chủng cho khoảng 780 triệu người ở các nước nghèo.
“Những tỷ phú này phản ánh khoản lợi nhuận khổng lồ mà nhiều tập đoàn dược phẩm đang kiếm được từ sự độc quyền các loại vaccine”, Anne Marriott, Giám đốc chính sách y tế của Oxfam, tuyên bố. “Những vaccine này được tài trợ bởi ngân sách công và trước hết phải mang lại lợi ích chung toàn cầu, chứ không phải lợi nhuận cho tư nhân”, bà nói thêm.
Xuất hiện dịch bệnh “chết người” do biến chứng COVID-19 tại Ấn Độ
Trong bối cảnh Ấn Độ vẫn đang “chao đảo” vì COVID-19, một dịch bệnh mới gây tỉ lệ tử vong tương đối cao lại nổi lên tại nước này. Theo Thủ tướng Narendra Modi, dịch bệnh nêu trên là một biến chứng của COVID-19.
Indian Express ngày 22/5 dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo, bệnh nấm đen (bệnh Mucormycosis) sẽ là thách thức tiếp theo mà nước này phải đối mặt, sau COVID-19. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều bệnh nhân COVID-19 mắc nhiễm trùng nấm trên cả nước, đặt ra áp lực mới cho hệ thống y tế Ấn Độ.
Theo Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan, sự lây lan nhanh của bệnh nấm đen – một biến chứng hậu COVID-19 rất đáng lo ngại. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh liên quan đến các ca COVID-19 bao gồm đau hoặc nghẹt mũi, viêm trên má, mảng nấm bên trong miệng và sưng ở mí mắt.
India Times dẫn lời Tiến sỹ Mohsin Wali, bác sỹ tại Bệnh viện Sir Ganga Ram, New Delhi cho hay: “Tất cả các trường hợp mắc nấm đen có biến chứng nặng và phải phẫu thuật cắt bỏ là những trường hợp chẩn đoán muộn và có tỷ lệ tử vong tương đối cao khoảng 54%. Vì tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh nên người dân cần liên lạc ngay với bác sỹ khi có triệu chứng. Ngoài trường hợp phát hiện muộn thì đây là căn bệnh có thể chữa được”.
Được biết, một trong những nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh này là do lạm dụng thuốc steroid để điều trị COVID-19. Nếu các bệnh nhân nhiễm COVID-19 thể nhẹ sử dụng steroid không theo chỉ định, có thể gây nhiễm trùng thứ phát. Với những người dùng steroid liều cao không theo chỉ định, lượng đường trong máu sẽ tăng, dẫn đến ức chế miễn dịch và có thể gây ra bệnh.
Nga sở hữu robot chiến đấu như “phim viễn tưởng”
TASS ngày 22/5 (giờ Việt Nam) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, nước này sở hữu “các robot chiến đấu của tương lai”, đồng thời nhấn mạnh việc trang bị cho lực lượng vũ trang Nga những phương tiện như vậy là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi có tên “Tri thức mới”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, nước này đã cho ra mắt hàng loạt robot tấn công có khả năng chiến đấu độc lập, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để xử lý tình huống.
“Quá trình sản xuất hàng loạt đã bắt đầu. Không còn là thử nghiệm, mà đó là những con robot có thể xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng bởi khả năng chiến đấu độc lập. Nó chính xác là thứ vũ khí của tương lai”, ông Sergei Shoigu nhấn mạnh.
Theo ông Sergei Shiogu, việc trang bị cho lực lượng vũ trang những phương tiện như vậy là một trong những ưu tiên hàng đầu. Và Moscow có rất nhiều việc phải làm để mở rộng dòng robot phức hợp, phục vụ mục đích quân sự.
Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, mặc dù ngân sách dành cho quân sự của Nga không quá nhiều như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), nhưng nước này đã dành phấn lớn trong số đó để “mài dao”.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đơn vị đầu tiên có robot tấn công sẽ được thành lập trong lực lượng vũ trang Nga để vận hành 5 hệ thống robot “Uranus-9” với 20 xe chiến đấu. Các chiến lược tấn công và phòng thủ sẽ được nghiên cứu trong một trung tâm khoa học của Bộ Quốc phòng.
Được biết, Uranus-9 là một nền tảng chiến đấu đa chức năng được phát triển bởi Cục sản xuất thiết bị kỹ thuật 766 của Nga, với tổng trọng lượng 10 tấn, chiều dài 4,5 m, rộng 2 m, cao 1,4 m và tốc độ di chuyển tối đa là 40 km/h.
Robot chiến đấu này kết hợp hỏa lực mạnh mẽ, được trang bị hệ thống vũ khí có điều khiển toàn diện bao gồm 4 tên lửa chống tăng 9S120 “Bumblebee-M”, 4 tên lửa phòng không 9K33 SA-18 và 1 pháo 2A72 cỡ nòng 30mm với cơ số đạn 200 viên và súng máy 7,62mm gắn trên xe. Về lý thuyết, tên lửa chống tăng của nó có tầm bắn 5.800 mét, đủ sức đe dọa các mục tiêu thiết giáp chủ yếu hiện nay.
*** Diễn biến COVID-19 Thế giới vượt 167 triệu ca mắc; Số ca tử vong ở Mỹ Latinh vượt 1 triệu.
   Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 555.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 167 triệu ca, trong đó trên 3,46 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (243.777 ca), Brazil (71.283 ca) và Argentina (32.171 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.788 ca), Brazil (1.681 ca) và Colombia (509 ca).
Như vậy, dù có dấu hiệu giảm nhiệt song số ca mắc và tử vong hàng ngày ở Ấn Độ vẫn ở mức cao nhất thế giới. Ấn Độ đã ghi nhận trên 26,5 triệu ca mắc từ đầu đại dịch, trong đó trên 299.296 ca tử vong.
Trong khi đó, Mỹ tạm ra khỏi danh sách 3 quốc gia có số ca mắc và tử vong hàng ngày cao nhất thế giới. Tuy nhiên, xét về tổng số ca từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với trên 33,8 triệu ca mắc và trên 603.800 ca tử vong vì COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu do Ủy ban châu Âu (EU) và Italy chủ trì dưới hình thức trực tuyến, lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, cụ thể là tăng nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn.
Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Rome” theo đó kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vaccine và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine. Trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A), một công cụ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để phân bổ vaccine, dược phẩm và các loại dụng cụ xét nghiệm. Tuyên bố Rome còn đề cập đến chương trình COVAX như là một cách để phân phối số vaccine dành để tặng đến các nước. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận liên quan đến nỗ lực của Mỹ và nhiều quốc gia khác theo đó muốn dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng không bao gồm một cam kết rõ ràng nhằm tài trợ đầy đủ cho chương trình ACT-A, vốn vẫn đang bị thiếu 19 tỷ USD.
Tại hội nghị, đại diện các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới. EU thì cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tiến hành đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển vaccine, theo đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và 60% vào cuối năm 2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết mỗi nước sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho các nước nghèo. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết Washington sẽ tiếp tục tặng nguồn cung vaccine dư thừa cho những nước cần vaccine. Còn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thì nhấn mạnh nước này sẽ cung cấp thêm 3 tỷ USD để viện trợ quốc tế trong 3 năm tới nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội. Cũng theo ông Tập Cận Bình, những nước phát triển và sản xuất vaccine quan trọng cần phải có trách nhiệm cung cấp thêm vaccine cho các nước đang phát triển, vốn đang rất cần vaccine. Trung Quốc ủng hộ việc các công ty sản xuất vaccine chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển và tiến hành sản xuất chung vaccine với những nước này.
Sri Lanka ban bố hạn chế đi lại trên toàn quốc
Tình hình dịch bệnh tại Sri Lanka diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 22/5, nước này đã ghi nhận số người tử vong là 44 người – cao nhất trong vòng một ngày từ trước tới nay, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên 1.133 người.
Theo các quan chức y tế, Sri Lanka đã chứng kiến một lượng lớn bệnh nhân tử vong trong những tuần gần đây do sự lây lan nhanh chóng của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh, khiến các bệnh viện và các đơn vị chăm sóc đặc biệt rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức đã yêu cầu người dân ở trong nhà, không ra ngoài nếu không thật sự cần thiết, tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang và giãn cách. Chỉ trong vòng một tháng, Sri Lanka đã ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm mới, buộc giới chức phải áp đặt lệnh hạn chế đi lại trên toàn lãnh thổ. Chỉ những công nhân trong các lĩnh vực thiết yếu, nhân viên y tế, xe tải chở thực phẩm, hiệu thuốc mới được phép làm việc.
Thống kê của Bộ Y tế Sri Lanka cho biết đến nay, nước này đã ghi nhận 161.242 bệnh nhân
*** Bà Aung San Suu Kyi sắp ra hầu tòa
Lãnh đạo chính phủ quân sự của Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing trong một bài phỏng vấn đã cập nhật tình hình sức khỏe của cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi và cho biết bà này sẽ phải ra hầu tòa trong vài ngày tới.
New Delhi “nóng mặt” với thuật ngữ biến thể Ấn Độ?
“Không có bất cứ trích dẫn khoa học nào về một biến thể như vậy của COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi đó là biến thể B.1.617”, Reuters dẫn nguồn thạo tin từ Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ ngày 22/5 cho biết.
Ông Biden khẳng định “không ảo tưởng” về vấn đề Triều Tiên
Tại buổi họp báo chung sau khi kết thúc Thượng đỉnh Mỹ – Hàn sáng 22/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Joe Biden nêu rõ sẽ thảo luận chặt chẽ với Seoul về cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên và “không ảo tưởng” về mục tiêu phi hạt nhân hoá toàn diện bán đảo này.
Nước châu Âu đầu tiên rút khỏi định dạng “17+1” của Trung Quốc
Lithuania ngày 22/5 tuyên bố rút khỏi định dạng 17+1 hay còn gọi là Diễn đàn Hợp tác giữa khối 17 nước Trung Âu, Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nước khác hành động tương tự.
Học giả Mỹ tiết lộ về vai trò của Tổng thống Nixon trong vụ bê bối Watergate
Richard M. Nixon là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên từ nhiệm. Ông đã đi đến quyết định đó sau khi bị đe sẽ đem ra luận tội trong làn sóng cuộc điều tra vụ bê bối Watergate: cái tên được đặt cho khách sạn và phức hợp văn phòng dùng làm trụ sở của Ủy ban Quốc gia dân chủ (DNC), một nơi mà những cá nhân có liên hệ với chính quyền Nixon đã xâm nhập và cố gắng đặt rệp (nghe lén điện tử) trước cuộc bầu cử năm 1972.
Thu hồi loạt nước đóng chai “ion khử độc” gây tử vong và viêm gan
Giới chức Mỹ ngày 22/5 (giờ Việt Nam) đã ra lệnh thu hồi hàng loạt sản phẩm nước đóng chai “cao cấp” mang nhãn hiệu Real Water, vốn được quảng cáo là có đặc tính khử độc và tốt cho sức khoẻ.
Cuộc sống sau chiến tranh của lính trẻ em ở châu Phi
Kể từ khi ra đời vào năm 2000 đến nay, Nghị định thư của Liên Hợp Quốc cấm sử dụng binh lính trẻ em đã được 126 nước ký kết. Nhưng đến nay vẫn có khoảng 300.000 – 500.000 trẻ em tại 87 quốc gia khác nhau tham chiến.
Tìm thấy túi kim cương, nhẫn vàng trị giá 2 triệu USD trong rừng
Một chiếc túi chứa đầy kim cương, nhẫn vàng và đá quý giá được cảnh sát Nga tìm thấy trong một cánh rừng gần Kazan, gần 3 năm từ thời điểm chúng bị đánh cắp hồi World Cup 2018.
Binh sĩ Bỉ đánh cắp thiết giáp, rocket rồi biến mất bí ẩn
Binh sĩ Bỉ Jurgen Conings, người bị cho là mang tư tưởng cực hữu, đã biến mất sau khi đánh cắp lô vũ khí “khủng” từ một căn cứ quân sự.
Indonesia điều hàng trăm binh sĩ đến Papua “quét sạch” phiến quân
Nguồn tin độc quyền của Reuters ngày 21/5 cho biết, chiến dịch truy quét và trấn áp mới của lực lượng cảnh sát nước này tại tỉnh Papua sẽ được duy trì cho đến khi nào các phần tử phiến quân vũ trang ở khu vực này bị xóa sổ.
Chuyên gia: Vaccine COVID-19 hiện nay kém hiệu quả hơn với biến chủng Ấn Độ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các mẫu vaccine COVID-19 hiện nay có thể kém hiệu quả hơn với biến chủng virus SARS-CoV-2 nguồn gốc từ Ấn Độ so với các chủng còn lại.
Sinh viên Australia bỏ học, xuống đường tuần hành
Hàng nghìn sinh viên Australia đã xuống đường hôm 21/5 tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn kêu gọi chính phủ ngừng tài trợ cho ngành công nghiệp khí đốt, liên quan đến kế hoạch trị giá hàng trăm triệu USD của Thủ tướng nước này.
Phi công Ấn Độ kịp bung dù nhưng vẫn thiệt mạng vì gãy cổ
Một phi công thuộc Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đã thiệt mạng trong một vụ rơi tiêm kích MiG-21 tại bang Punjab vào rạng sáng 21/5.
Myanmar giải tán đảng của bà Aung San Suu Kyi
Ủy ban Bầu cử Myanmar dự kiến sẽ giải tán Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi với cáo buộc gian lận bầu cử, Myanmar Now dẫn nguồn tin thành viên ủy ban này ngày 21/5 cho biết.

TQ-TT