– Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia; kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào; khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ; hòa đàm Syria không đạt được đột phá; đối thoại kinh tế lần đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia
Từ ngày 20 – 22/7/2017, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia theo lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, là dịp để hai bên nhìn lại thành quả 50 năm quan hệ Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2017) và mở ra một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm qua, mặc dù có biết bao khó khăn, thử thách với nhiều thăng trầm nhưng tình đoàn kết, hữu nghị quyền thống, sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia đã không ngừng được củng cố, phát triển. Đây là tài sản vô giá, thiêng liêng và bền vững của hai dân tộc, cần được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục gìn giữ, vun đắp để mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và toàn diện.
Trong bối cảnh Việt Nam và Campuchia đều thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cả hai nước đều hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên cơ sở các nguyên tắc: Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của mình chống lại nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.
Trong những năm qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tình hình ở mỗi nước cũng có những khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực, cố gắng của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia của mỗi nước.
Đây là lần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Campuchia vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường khóa IV; quan hệ Việt Nam -Campuchia tiếp tục được củng cố, tăng cường trên các lĩnh vực. Qua chuyến thăm, Việt Nam khẳng định đường lối, chủ trương nhất quán, luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với Campuchia và Đảng Nhân dân Campuchia. Chuyến thăm nhằm tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Campuchia; tiếp tục thúc đẩy thực hiện có kết quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; tạo điều kiện chính trị thuận lợi cho việc thúc đẩy giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam – Campuchia đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào
Ngày 18/7, tại thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra Lễ kỷ niệm trọng thể 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith; Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith; Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou và nhiều lãnh đạo cao cấp, Đảng, Nhà nước Lào đã tham dự buổi lễ. Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn đã tham dự lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith đã nêu bật ý nghĩa của sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao và ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào, là nhân tố quan trọng thắt chặt tình hữu nghị vĩ đại, liên minh chiến đấu, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào; là nền tảng vững chắc, là động lực tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; đồng thời là nhân tố quan trọng góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Trong diễn văn đáp từ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng nhấn mạnh việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962 là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đánh giá cao và nêu bật những thành quả mà hai Đảng, hai nước đã đạt được trong 55 năm qua; bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em đã luôn dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sự ủng hộ mạnh mẽ, sự giúp đỡ to lớn, chí tình, chí nghĩa và hiệu quả trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, trên cơ sở phát huy những thành tựu và kinh nghiệm quý báu sau 30 năm đổi mới, nhân dân Lào anh em sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ VIII; xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa, uy tín và vị thế của nước CHDCND Lào không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế.
Hàn Quốc đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên
Ngày 17/7, Hàn Quốc đề xuất tiến hành đối thoại quân sự với Triều Tiên nhằm giảm căng thẳng tại khu vực biên giới liên Triều. Đây là bước đi tiếp theo trong đề nghị hòa bình mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra trong bài phát biểu tại Berlin (Đức).
Trong tuyên bố cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk cho biết, Seoul muốn tiến hành cuộc gặp gỡ hiếm hoi với Bình Nhưỡng tại Tongilgak – một tòa nhà của Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom. Mục tiêu của cuộc gặp gỡ này nhằm chấm dứt “tất cả các hành vi thù địch” gần đường phân định quân sự giữa hai miền Triều Tiên (MDL).
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng yêu cầu Triều Tiên đưa ra lời hồi đáp trước đề xuất trên thông qua đường dây liên lạc quân sự liên Triều tại khu vực phía Tây, sau khi kênh liên lạc này được khôi phục. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra ngày 17/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã không nêu rõ chương trình nghị sự cụ thể, cũng như cấp độ của vòng đối thoại mà nước này mong muốn thực hiện với Triều Tiên.
Nếu như đề xuất của Hàn Quốc trở thành hiện thực, thì đây sẽ là lần đầu tiên các đại diện quân sự của hai miền Triều Tiên cùng tham gia thảo luận trong vòng 3 năm qua. Trước đó, đại diện quân sự của Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc gặp cấp sự vụ tại làng Panmunjom vào ngày 15/10/2014 nhằm hạ nhiệt trong quan hệ căng thẳng giữa hai miền song không thể đạt được một thỏa thuận chung.
Ngoài đề xuất tiến hành đối thoại quân sự với Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất riêng rẽ nhằm nối lại các cuộc đàm phán Chữ Thập đỏ để thảo luận về việc nối lại các hoạt động đoàn tụ gia đình nhân dịp lễ Chuseok vào đầu tháng 10 tới. Hàn Quốc cho biết đang chờ đợi lời hồi đáp của Triều Tiên về vấn đề này, thông qua một văn phòng liên lạc hiện đang bị đình chỉ hoạt động tại làng Panmunjom. Vòng thảo luận gần đây nhất giữa hai miền Triều Tiên về việc tổ chức lễ đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953 đã được thực hiện từ tháng 10/2015.
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ
Ngày 19/7, Hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ đã khai mạc tại thành phố Mendoza, Argentina. Trọng tâm của hội nghị lần này là thúc đẩy việc hình thành một hiệp định thương mại với Liên minh Thái Bình Dương – khối thương mại khu vực Mỹ Latinh non trẻ hơn, được thành lập năm 2011, bao gồm Mexico, Chile, Colombia và Peru.
Tại hội nghị chuyên đề đầu tiên, các đại biểu tham dự đã phân tích tính cấp thiết của việc xây dựng một thỏa thuận với Liên minh Thái Bình Dương, song song với một hiệp định thương mại mà Mercosur đang theo đuổi với Liên minh châu Âu trong bối cảnh Mercosur đang bị suy yếu bởi quan hệ căng thẳng giữa các nước thành viên.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Mercosur được tổ chức trong 18 tháng qua này có sự tham dự của lãnh đạo các nước Chile, Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay. Tháng 6/2016, Uruguay thông báo quyết định hủy Hội nghị thượng đỉnh của Mercosur được lên kế hoạch vào tháng 7/2016 vì “tình hình chính trị đặc biệt”, tuy nhiên, Uruguay vẫn trao chức chủ tịch luân phiên cho Venezuela. Do Brazil và Argentina chỉ trích chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro về cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này nên Venezuela đã quyết định ngừng tham gia hội nghị Mercosur và sau đó thông báo rút khỏi Mercosur. Hiện Argentina đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Mercosur. Dự kiến, tại hội nghị lần này, Brazil sẽ tiếp nhận vị trí chủ tịch luân phiên.
Cũng trong ngày 19/7, Argentina thông báo nước này đã gửi đi văn bản xác nhận Quốc hội nước này thông qua hiệp định thương mại giữa Mercosur và Ai Cập, theo đó thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 1 tháng tới sau gần 7 năm ngưng trệ. Việc thực thi thỏa thuận này sẽ giúp giảm 60% thuế quan hàng xuất khẩu của Argentina vào thị trường Ai Cập và hưởng ưu đãi thuế trong thời gian 10 năm đối với nhiều mặt hàng khác. Đây là thỏa thuận hợp tác thương mại được các nước thành viên Mercosur gồm Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay ký kết với Ai Cập vào năm 2010, bao trùm lĩnh vực thực phẩm, ô tô, linh kiện ô tô và các mặt hàng công nghiệp.
Ngoài Liên minh châu Âu, Mercosur đang tìm cách hoàn tất các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại với Canada và Hàn Quốc.
Hòa đàm Syria không đạt được đột phá
Từ ngày 10 đến 15/7, tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ đã diễn ra vòng hòa đàm thứ 7 về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ. Không ngoài dự đoán, vòng đàm phán lần này đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ sự đột phá nào.
Các bên tiếp tục lảng tránh đề cập những vấn đề cốt lõi liên quan đến tương lai Syria, như soạn thảo Hiến pháp mới, lập chính phủ chuyển tiếp, hay tổ chức các cuộc bầu cử. Thay vào đó, chủ đề chống khủng bố chiếm hầu hết thời lượng thảo luận. Nhưng các cuộc đàm phán vẫn chứng kiến sự bất đồng giữa các bên, nhất là việc xác định các lực lượng khủng bố. Không những vậy, cuộc đàm phán còn cho thấy dấu hiệu của sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm đối lập tại Syria, tác động tiêu cực đến không khí đàm phán.
Chỉ có một điều được xem là thành công của cuộc hòa đàm lần này, đó là không bên nào rời bàn thương lượng. Cả Liên hợp quốc và Nga đều đưa ra đánh giá tích cực cho rằng, cơ chế tham vấn được hình thành từ các vòng trước đã giúp các bên thảo luận chi tiết và mang tính hợp tác hơn. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9/2017 tới đây tại Geneva.
Đại diện 20 khu vực tại Ukraine tuyên bố thành lập nhà nước mới
Ngày 18/7, đại diện 20 khu vực tại Ukraine đã tuyên bố thành lập nhà nước. Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Aleksander Zakharchenko đã đọc tuyên ngôn thành lập một quốc gia mới có tên gọi là Malorossia, lấy thủ phủ là thành phố Donetsk. Tại Malorossia, thủ đô Kiev của Ukraine sẽ chỉ còn là trung tâm văn hóa – lịch sử và không còn quy chế thủ đô.
Theo tuyên bố của ông Zakharchenko, không thể khôi phục được nhà nước Ukraine như trước kia. Với tư cách là đại diện cho các vùng thuộc Ukraine cũ, trừ Crimea, DPR cùng với 19 khu vực khác đã tuyên bố thành lập nhà nước mới, nhà nước kế thừa của Ukraine. Nhà nước mới sẽ có tên gọi là Malorossia, vì tên gọi cũ Ukraine đã không còn uy tín.
Ngay lập tức, động thái này đã vấp phải sự phản đối của chính phủ Ukraine cũng như cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cam kết bảo vệ chủ quyền Donbass đồng thời tuyên bố sẽ khôi phục chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, chính quyền Nga, Đức, Pháp cũng đã phản đối sáng kiến thành lập nhà nước mới ở Ukraine.
Đàm phán Brexit vòng hai chưa có bước đột phá
Từ ngày 17 đến 20/7, các quan chức Liên minh châu Âu và Anh đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai tại thủ đô Brussels, Bỉ. Vòng đàm phán đã kết thúc mà hai bên chưa đạt được bước đột phá do vẫn bất đồng về một số vấn đề quan trọng.
Tại cuộc đàm phán thứ hai này, các nhà điều phối và các nhóm thương lượng của hai bên đã tiến hành thảo luận 4 vấn đề ưu tiên chính bao gồm: quyền công dân; việc Liên minh châu Âu yêu cầu Anh trả khoảng 60 tỷ euro – khoản nghĩa vụ ngân sách mà Anh đã cam kết đóng góp cho Liên minh châu Âu với tư cách là thành viên; các vấn đề liên quan đến đường biên giới với Cộng hòa Ireland; số phận của các loại hàng hóa Anh trên các cửa hàng của Liên minh châu Âu sau thời điểm Brexit có hiệu lực và một số vấn đề khác.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù Anh và Liên minh châu Âu đã giải tỏa được một số khúc mắc song những tiến bộ đạt được tại vòng đàm phán này là khiêm tốn. Vấn đề bế tắc hiện nay là mức độ và hình thức đóng góp tài chính của Anh cho Liên minh châu Âu hậu Brexit. Ngoài ra hai bên còn bất đồng đối với quyền công dân của 3 triệu người Liên minh châu Âu đang sống ở Anh và 1,2 triệu người Anh sống tại Liên minh châu Âu sau Brexit…
Khi mà giữa hai bên vẫn còn rất nhiều khúc mắc cần tháo gỡ thì đàm phán Brexit được dự đoán sẽ còn nhiều gian nan.
Đối thoại kinh tế Mỹ – Trung Quốc lần đầu tiên
Ngày 19/7, tại thủ đô Washington (Mỹ) đã diễn ra Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ – Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017. Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ – Trung lần này là sự tiếp nối của tiến trình đối thoại được tổ chức dưới thời các chính phủ tiền nhiệm của hai nước và diễn ra đúng thời điểm kết thúc nỗ lực 100 ngày như đã được nhất trí giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại bang Florida, Mỹ hồi tháng 4/2017 vừa qua. Kế hoạch trong 100 ngày này bao gồm nối lại việc xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc sau 14 năm gián đoạn, cam kết trao quyền tiếp cận hạn chế với một số lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.
Tại cuộc đối thoại, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về các vấn đề kinh tế quan trọng như xuất nhập khẩu, rào cản thương mại song phương, đầu tư, tài chính, hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ…
Tuy nhiên kết thúc đối thoại, Mỹ và Trung Quốc chỉ nhất trí hợp tác giảm thâm hụt thương mại mà không đạt được sự đột phá nào. Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ – Trung đã không có tuyên bố chung, không có họp báo hay thông báo về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, chính phủ hai nước cần tích cực hơn trong việc trao đổi và hợp tác để xây dựng chính sách hiệu quả, giúp tạo ra cầu nối, thu hẹp khác biệt, mở rộng hợp tác cùng có lợi./.