– Khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24; Anh nâng cảnh báo khủng bố; Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời chất vấn trên truyền hình; Quốc hội Anh thông qua dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại Liên minh châu Âu; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lần thứ 9 trừng phạt CHDCND Triều Tiên…là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24
Sáng 15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” đã khai mạc, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, các Bộ trưởng nền kinh tế thành viên APEC và chuyên gia kinh tế đến từ các tổ chức kinh tế quốc tế.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 21 nền kinh tế thành viên của APEC chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 57% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp và tạo ra 60% số việc làm, có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của từng thành viên và toàn khu vực. Đây là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.
Qua 30 năm đổi mới, từ một nước nghèo, đến năm 2010, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Con đường phát triển của Việt Nam là một minh chứng sống động cho vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, như một động lực chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội, vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo và làm giàu.
Đánh giá cao chủ đề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chủ đề Hội nghị là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của năm quốc gia APEC 2017, thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận thông tin và thị trường toàn cầu.
Trong xu thế của nhân loại bước vào kỷ nguyên số, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực để khối doanh nghiệp này mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nền kinh tế thành viên APEC cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
“Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Chủ tịch SMEMM 24 nhấn mạnh, những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới tạo ra cơ hội và điều kiện phát triển mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế đó đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải theo kịp xu thế của thời đại kỹ thuật số, tạo ra môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 là trọng điểm Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm 2017 diễn ra từ ngày 10-15/9/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ của Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm 2017 đã diễn ra Hội nghị Nhóm công tác Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 45, các hội thảo về Diễn đàn APEC O2O, Diễn đàn khởi nghiệp, Diễn đàn Kinh tế số…
Anh nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất
Một vụ đánh bom khủng bố đã xảy ra vào giờ cao điểm sáng 15/9 trên một đoàn tàu tại nhà ga Parsons Green ở thủ đô Londonđã gây hỗn loạn và khiến nhà ga đóng cửa ngay lập tức. Theo thông tin mới nhất do cơ quan chức năng Anh cung cấp, có ít nhất 29 người bị thương đã được đưa tới các cơ sở y tế. Không ai trong số đó bị thương nặng đe dọa đến tính mạng.
Đây là vụ tấn công khủng bố thứ 5 xảy ra trong 6 tháng qua ở Anh kể từ sau vụ tấn công lao xe vào đám đông người đi bộ và dùng dao đâm cảnh sát trước tòa nhà quốc hội Anh hồi tháng 3/2017.
Vài giờ sau khi xảy ra vụ đánh bom Anh đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất. Đây là lần thứ 4 Anh nâng mức đe dọa khủng bố lên cao nhất trong vòng 11 năm qua.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Theresa May cho biết, Anh đã nâng mức đe dọa khủng bố từ “nghiêm trọng” lên “nguy cấp” – mức cao nhất, đồng nghĩa với một cuộc tấn công có thể sắp xảy ra. Theo bà, Chính phủ Anh đã đưa ra quyết định này dựa trên đánh giá của một tổ chức độc lập về tình hình an ninh hiện nay ở Anh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh cũng đã lên án vụ đánh bom trên, coi đây là “một cuộc tấn công hèn hạ”, đồng thời quay về London chủ trì cuộc họp của ủy ban phản ứng khẩn cấp của chính phủ. Bà cho biết quân đội sẽ sớm triển khai binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ tại các khu vực quan trọng và 1.000 sĩ quan cảnh sát cũng sẽ được triển khai bảo vệ các hệ thống giao thông và đường phố trên khắp nước Anh.
Cùng ngày, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công nói trên. Hãng Amaq, mạng tin tuyên truyền của IS công bố một thông cáo của IS nêu rõ: “Một nhóm thành viên của IS đã tiến hành vụ đánh bom tại một ga tàu điện ngầm ở London”.
Cảnh sát Anh khẳng định đây là một vụ tấn công khủng bố và hiện lực lượng này đang xác định và truy tìm các đối tượng đánh bom. Hiện cảnh sát London đã tạm giữ một số nghi can và tiếp tục mở rộngg diện điều tra. Người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố Anh Mark Rowley thừa nhận đây là một vụ điều tra phức tạp và cảnh sát đang nỗ lực điều tra một cách nhanh nhất. Cảnh sát đề nghị người dân cung cấp thông tin giúp các nhà điều tra truy tìm thủ phạm.
Sau khi xảy ra vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thủ tướng Theresa May, cam kết hợp tác chặt chẽ với Anh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.
Cùng ngày 15/9, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố thể hiện tinh thần đoàn kết với Chính phủ và người dân Anh trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuyên bố khẳng định điều quan trọng hiện giờ là huy động nỗ lực toàn thế giới “nhổ tận gốc” chủ nghĩa khủng bố.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp, ngày 15/9, đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh sau vụ đánh bom ở London, cho rằng vụ tấn công này thúc đẩy hơn nữa quyết tâm tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố. Sau cuộc gặp Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh cho người dân Anh. Trong khi đó, theo Thủ tướng Philippe, vụ đánh bom ở London và vụ tấn công bằng dao tại thủ đô Paris xảy ra cùng ngày cho thấy các nước cần phải hợp tác để đối phó với những mối đe dọa lớn. Ông cho rằng Anh, Pháp và Đức phải tìm ra “đáp án ở cấp quốc gia và sau đó phối hợp với nhau… nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dân của mình”, trong đó gồm cả hợp tác tình báo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời chất vấn trên truyền hình
Ngày 11/9, bà Angela Merkel – ứng viên Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới, đã có cuộc trả lời chất vấn trên truyền hình trước 150 người đại diện cho khoảng 60 triệu cử tri Đức tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội Liên bang vào ngày 24/9 tới.
Với thời lượng 75 phút, bà Merkel đã trả lời rất nhiều câu hỏi chất vấn. Các vấn đề được đề cập khá đa dạng, từ lương hưu, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người tàn tật, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, người tị nạn, phân biệt chủng tộc, vụ bê bối khí thải xe động cơ diesel, quân đội Đức hay quan hệ căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc chất vấn, nhìn chung truyền thông Đức đánh giá bà Merkel đang tiến gần hơn đến nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ 4 liên tiếp. Ưu tiên của bà Merkel trong nhiệm kỳ tới vẫn là tiếp tục thực hiện tốt những gì mà bà đã theo đuổi trong suốt 12 năm qua, qua 3 nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu chính phủ.
Quốc hội Anh thông qua dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại Liên minh châu Âu
Ngày 11/9, sau hơn 13 giờ thảo luận, Quốc hội Anh đã phê chuẩn dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống. Sau khi được thông qua, dự luật này sẽ tiếp tục được các nghị sỹ Anh nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây là bước tiếp theo trong quá trình thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6/2016 về việc Anh rời Liên minh châu Âu sau khi Thủ tướng Anh May chính thức thông báo việc này lên Liên minh châu Âu hồi tháng 3/2017.
Dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu cho phép Chính phủ Anh sửa đổi 12.000 quy định và luật của Liên minh châu Âu để đảm bảo các quy định này hoạt động hiệu quả và phù hợp với lợi ích, luật pháp Anh. Dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu là 1 trong 7 phần quan trọng liên quan đến luật pháp mà Chính phủ Anh cần Quốc hội thông qua nhằm đẩy nhanh tiến trình Brexit, bên cạnh các dự luật về liên minh thuế quan, thương mại, nhập cư, phòng vệ hạt nhân, nông nghiệp, nghề cá và các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Việc Quốc hội Anh thông qua dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu lần này được coi là một sự khích lệ đối với chính quyền của Thủ tướng May. Mặc dù vậy, dự luật Brexit cũng đang vấp phải sự phản đối từ các đảng đối lập và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ. Các ý kiến phản đối cho rằng việc trao quá nhiều quyền lực cho các bộ trưởng trong Chính phủ Anh có thể kéo theo nhiều thay đổi lớn trong tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lần thứ 9 trừng phạt CHDCND Triều Tiên
Ngày 12/9, sau nhiều ngày cân nhắc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường trừng phạt CHDCND Triều Tiên, sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của nước này ngày 3/9.
Nghị quyết cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên. Năm 2016, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, Nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang CHDCND Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng tính từ ngày 1-10/2017 và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 1/1/2018. Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang CHDCND Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng một năm.
Đánh giá về nghị quyết mới, các nhà phân tích cho rằng nghị quyết này “nhẹ nhàng” hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đưa ra. Đáng chú ý, nghị quyết mới kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên.
Trong một động thái khác, vào hồi 6 giờ 57 phút sáng 15/9, CHDCND Triều Tiên đã tiếp tục phóng một tên lửa “không xác định” từ quận Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng hướng về phía Đông bay qua không phận đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản.
Xả súng tại Mỹ làm 4 người thương vong
Ngày 13/9, một vụ xả súng tại trường phổ thông Freeman thuộc hạt Spokane của bang Washington đã khiến ít nhất 1 người chết và 3 người khác bị thương. Cảnh sát thông báo, thủ phạm mang đã theo 2 khẩu súng tiến vào hành lang trường học rồi bình tĩnh xả súng vào các nạn nhân và bắn lên trần nhà. Tuy nhiên, có 1 khẩu bị kẹt đạn nếu không, hậu quả còn thảm khốc hơn nhiều. Ngay lập tức hung thủ đã bị bắt giam ở nhà tù dành cho tội phạm vị thành niên ở hạt Spokane.
Vụ xả súng lần này tiếp tục cho thấy một vấn đề gây nhức nhối và đáng lo ngại trong xã hội Mỹ, đó là vấn đề quản lý súng đạn. Vụ xả súng trên thực sự đã vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách. Chính vì vậy, giảm bạo lực súng đạn không phải là một điều dễ dàng, một phần bởi sở hữu súng là nét đặc trưng của người Mỹ.
Một điều đáng báo động là dân số nước Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới song tổng sản lượng súng đạn của người dân nước này sở hữu lại lên tới gần 50% tổng sản lượng súng đạn của toàn thế giới. Điều này cho thấy tình trạng sở hữu súng đạn tràn lan và phổ biến tại quốc gia này. Nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương là những người vô tội lên tới hơn 100.000 người mỗi năm, trong đó có hơn 7.000 trẻ em.
Các nước Trung Mỹ hợp tác phát triển Vịnh Fonseca
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega cùng hai người đồng cấp từ Honduras Juan Orlando Hernández và từ El Salvador Salvador Sánchez Cerén đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường hợp tác, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển vùng Vịnh Fonseca thuộc chủ quyền của cả ba nước.
Trong một cuộc gặp tại thủ đô Managua hôm 15/9 vừa qua, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh cam kết xây dựng Vịnh Fonseca – còn được gọi là vùng biển lịch sử bởi những tranh chấp, căng thẳng kéo dài nhiều năm – thành một khu vực hòa bình, an ninh và phát triển bền vững vì lợi ích của cả 3 nước, đặc biệt là các cộng đồng và dân cư sống tại vịnh này.
Theo đó, ủy ban 3 bên về vấn đề trên đã được thành lập và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, ngân hàng hội nhập Trung Mỹ (BCEI) để xây dựng và hoàn thiện Plan Maestro (Kế hoạch tổng thể về đầu tư và phát triển Vịnh Fonseca). Dự kiến, Plan Maestro bao gồm việc triển khai thực hiện các dự án phà kết nối các cảng La Union của El Salvador và Corinto của Nicaragua; và giữa 2 cảng Amapala – San Lorenzo của Honduras với La Union và Potosi của El Salvador; cũng như việc thành lập một khu vực thu hút đầu tư – tạo công ăn việc làm – phát triển kinh tế với mục tiêu xây dựng khu vực này trở thành một khu thương mại tự do và du lịch bền vững…
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo ba quốc gia Trung Mỹ đã nhấn mạnh Vịnh Fonseca có tiềm năng to lớn, một khi Plan Maestro được thực thi thì vùng này sẽ trở thành một trong những trọng điểm phát triển chính ở khu vực.
Ba nước El Salvador, Honduras và Nicaragua cùng nhau chia sẻ và khai thác Vịnh Fonseca. Tuy nhiên, tại đây đã xảy ra xung đột nhiều năm kéo dài do cáo buộc ngư dân của một nước này đánh bắt cá ở vùng biển của nước khác, theo đó nhiều ngư dân bị bắt giữ, tàu thuyền cùng các sản phẩm đánh bắt bị tịch thu. Tranh chấp giữa 3 quốc gia này đã được giải quyết trước Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 1992 với phán quyết Vịnh Fonseca là một vịnh lịch sử, mỗi nước ven bờ vịnh có lãnh hải thuộc chủ quyền tiếp tục được đặt dưới chế độ cộng quản và đồng chủ quyền./.