VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

– Hội nghị cấp cao ACMECS 8 và CLMV 9 tại Thái Lan; Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều; Bầu cử địa phương và bầu cử Quốc hội bổ sung tại Hàn Quốc; FED tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm 2018; Khai mạc World Cup 2018; Mỹ và Trung Quốc áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của nhau…là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Hội nghị cấp cao ACMECS 8 và CLMV 9
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị cấp cao CLVM 9 (Ảnh: VGP)
Trong hai ngày 15 và 16/6/2018, tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) lần thứ 9. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) còn được gọi là Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế (ECS), là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và hợp tác song phương để khai thác, phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách.
Đến nay, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: thương mại-đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp-năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường, tương ứng với 8 lĩnh vực hợp tác đó là 8 nhóm công tác được thành lập. Mỗi nước điều phối ít nhất 1 lĩnh vực hợp tác, trong đó Thái Lan điều phối 2 lĩnh vực (thương mại- đầu tư và y tế). Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực (phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp-năng lượng) và Việt Nam đồng điều phối với Campuchia trong lĩnh vực môi trường. Campuchia điều phối hợp tác du lịch. Lào điều phối hợp tác giao thông và Myanmar điều phối nông nghiệp. Bộ Ngoại giao các nước làm điều phối các bộ, ngành liên quan tham gia Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong.
Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong được tổ chức hai năm một lần theo luân phiên chữ cái tên các nước; đến nay đã qua 7 lần tổ chức. Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong lần thứ 2, các nước nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong giữa kỳ dưới hình thức không chính thức giữa hai Hội nghị cấp cao chính thức kế tiếp và tổ chức bên lề các Hội nghị cấp cao ASEAN.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị nhằm thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam; nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong hai hợp tác này, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối khu vực, hợp tác nguồn nước, thương mại và đầu tư, tăng cường sự liên kết giữa các nước trong khu vực; thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam-Thái Lan, củng cố quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Ngày 12/6, hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã diễn ra tại Singapore. Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp với việc hai nhà lãnh đạo ký kết một văn kiện chung và ra Tuyên bố chung.
Trong văn kiện chung, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, Mỹ cũng cam kết về các “đảm bảo an ninh” với Triều Tiên. Thỏa thuận này cũng hướng tới việc thiết lập “các mối quan hệ mới Mỹ-Triều Tiên”.
Còn trong Tuyên bố chung, hai bên cam kết 4 điểm, bao gồm: thiết lập quan hệ song phương thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; cùng tham gia các nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên; tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom được đưa ra ngày 27/4/2018 và Triều Tiên cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; cam kết tìm hài cốt tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), và sẽ lập tức đưa những những bộ hài cốt đã được nhận dạng về nước.
Việc nhà lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên ký kết văn kiện chung và ra Tuyên bố chung được coi là cơ hội hóa giải bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời mở ra triển vọng về một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Singapore kết thúc thành công, dư luận quốc tế đã đánh giá cao sự thành công của cuộc gặp lịch sử này. Cuộc gặp đã chứng tỏ rằng hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia từng có gần 7 thập kỷ đối địch đã vượt qua được “phép thử” của lòng tin và cùng nhau tạo một “cú hích” cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như đảm bảo an ninh cho toàn khu vực Đông Bắc Á.
Khai mạc World Cup 2018
Ngày 14/6, vào lúc 17h30 theo giờ Nga (21h30 theo giờ Hà Nội), lễ khai mạc vòng chung kết World Cup 2018 đã diễn ra ở sân vận động quốc gia Luzhniki, thủ đô Moskva, Liên bang Nga. Khoảng 80.000 khán giả đã có mặt khán đài để theo dõi lễ khai mạc đầy ấn tượng và trận đấu mở màn của World Cup 2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã tham dự lễ khai mạc. Ngoài ra còn có sự tham dự của nhiều khách mời của Chính phủ Nga gồm tổng thống các nước Azerbaijan, Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Panama, Tajikistan, Uzbekistan, Rwanda, Tổng thống đắc cử Paraguay, Thủ tướng Armenia và Liban, Thái tử Saudi Arabia và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên cũng có mặt trên lễ đài.
Lễ khai mạc World Cup 2018, được kênh truyền hình Channel One của Nga dàn dựng, có một số khác biệt so với các kỳ World Cup trước, tập trung nhiều hơn vào các màn biểu diễn âm nhạc. Lễ khai mạc gây ấn tượng ngay từ tiết mục mở màn sôi động với phần trình diễn của khoảng 500 vũ công và các vận động viên nhào lộn. Ngôi sao nhạc Pop nổi tiếng người Anh Robbie Williams là người dẫn dắt chương trình trong lễ khai mạc. Bên cạnh đó còn có phần trình diễn của ca sỹ nổi tiếng của nước chủ nhà – Aida Garifullina, khi cô xuất hiện cùng mô hình phượng hoàng lửa, biểu tượng của sự tái sinh và sức mạnh nước Nga.
Ngay sau khi lễ khai mạc là trận đấu mở màn World Cup 2018 giữa đội chủ nhà Nga và Saudi Arabia. Với chiến thắng đậm 5-0 trước tuyển Saudi Arabia trong trận đấu mở màn World Cup 2018, tuyển Nga đã đi vào lịch sử khi là đội giành chiến thắng đậm nhất trong trận đấu đầu tiên của một kỳ chung kết bóng đá thế giới. Thành tích tốt nhất trước đây là chiến thắng 4-0 của tuyển Brazil trước Mexico tại World Cup 1950.
Vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra từ ngày 14/6 tới 15/7 tại 12 sân vận động trên khắp 11 thành phố chủ nhà của Nga, gồm: Moskva, St. Petersburg, Kazan, Nizhny Novgorod, Saransk, Kaliningrad, Volgograd, Yekaterinburg, Samara, Sochi, và Rostov. Có 32 đội bóng tham gia tranh tài trong giải đấu năm nay, với tộng cộng 64 trận đấu hứa hẹn đầy hấp dẫn và kịch tính.
Bầu cử địa phương và bầu cử Quốc hội bổ sung tại Hàn Quốc
Ngày 13/6, cuộc bầu cử địa phương lần thứ 7 và bầu cử Quốc hội bổ sung tại Hàn Quốc đã kết thúc với thắng lợi áp đảo thuộc về đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành (DP) của Tổng thống Moon Jae-in. Theo đó, đảng cầm quyền DP đã giành được 14/7 vị trí thị trưởng/tỉnh trưởng trong khi đảng đối lập Hàn Quốc tự do (LKP) chỉ nhận được hai ghế ở thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang.
Trong khi đó, tại thành phố-thủ đô Seoul, Thị trưởng đương nhiệm Park Won-soon đã đắc cử nhiệm kỳ ba với 52% phiếu ủng hộ, bỏ xa ứng cử viên Kim Moon-soo của LKP (với 30%) và Ahn Cheol-soo của đảng Bareunmirae. Phát biểu sau chiến thắng, ông Park cam kết sẽ “biến Seoul thành một thành phố hoàn toàn hòa bình và thịnh vượng”, đồng thời cho biết sẽ ủng hộ thành công của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Seoul là “sàn đấu” lớn nhất với 20% dân số Hàn Quốc sống tại đây. Chức Thị trưởng Seoul được cho là có sức nặng hơn vì đây thường là “bước đệm” để đến với chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc…
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử địa phương lần này được xem là một phép thử đánh giá sự ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống Moon Jae-in, người vừa nhậm chức hồi tháng 5/2017. Kết quả trên đã cho thấy sự gia tăng uy tín mạnh mẽ đối với Tổng thống Moon Jae-in và được cho là sẽ giúp củng cố các nỗ lực của nhà lãnh đạo Hàn Quốc hướng tới cải cách tự do và các cam kết với Triều Tiên.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt hơn một năm cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đạt được những kết quả ấn tượng trong cả lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại. Về đối nội, ông đã phần nào hạn chế được tình trạng chia rẽ chính trị nội bộ khi ông thiết lập được quan hệ hợp tác với các đảng đối lập để cùng giải quyết những thách thức chung. Chính sách kinh tế “đặt trọng tâm vào con người” của ông cũng đã thu được những kết quả khả quan. Về đối ngoại, ông Moon Jae-in đã ghi dấu ấn đậm nét với thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, đồng thời ông cũng là người có đóng góp không nhỏ tạo nên thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 vừa qua.
 FED tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm 2018
Ngày 13/6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm 2018, với mức lãi suất cho vay ở khoảng từ 1,75% đến 2%. Việc tăng lãi suất lần này đã cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, mức tăng trưởng việc làm và lạm phát gần đạt tới mức mục tiêu của FED.
Theo báo cáo kinh tế công bố hàng quý, FED dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt lần lượt 2,7% trong năm 2018 và 2,4% trong năm 2019. Tỷ lệ lạm phát dự kiến chốt năm 2018 ở mức 1,9%, giữ nguyên so với dự báo trước đó, song sẽ tăng chút ít và vượt mức mục tiêu 2% trong năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp lịch sử cũng đang tiếp tục giảm. Dự báo vào cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể lần đầu tiên kể từ năm 1969 giảm xuống 3,5%. Sau đó, con số tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể sẽ giảm tiếp xuống còn 3% vào cuối năm 2019 mức thấp nhất kể từ tháng 9/1953 tới nay. Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang là những yếu tố hỗ trợ nền kinh tế, như một phần kết quả của chương trình giảm thuế của Tổng thống Donald Trump mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hồi tháng 12/2017.
Ủy ban ấn định lãi suất của FED cho biết, việc thị trường lao động của Mỹ tiếp tục vững mạnh và hoạt động kinh tế tăng với tốc độ vững chắc chính là các lý do để FED tiếp tục tăng lãi suất.
Với việc tăng lãi suất này, thị trường kỳ vọng sẽ có tổng cộng 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay, so với dự đoán 3 đợt trước đó.
Các nhà phân tích cho rằng, việc FED tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018 không nằm ngoài dự báo và không gây bất ngờ. Song, giới phân tích nhận định động thái nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ khép lại cơ hội vay tiền của người dân Mỹ, cũng như gây áp lực cho một số nền kinh tế trên thế giới. Bên cạnh đó, mỗi khi FED tăng lãi suất cũng đều tác động và bất lợi cho chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trong trung và dài hạn do dòng vốn sẽ bị rút dần ra, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, trong khi chi phí đi vay đối với các nước đang và chậm phát triển sẽ cao hơn. Do đó, các chuyên gia cho rằng cho rằng, ngân hàng trung ương các nước cần sẵn sàng có những điều chỉnh chính sách của riêng mình nhằm thích ứng với những diễn biến mới.
Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên di dời lực lượng pháo binh khỏi khu vực biên giới
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, trong cuộc họp quân sự cấp tướng lĩnh giữa hai miền Triều Tiên vừa qua, Seoul đã đề xuất Bình Nhưỡng di chuyển lực lượng pháo binh tầm xa ra khỏi các vị trí ở biên giới trong nỗ lực xây dựng lòng tin và làm giảm những căng thẳng giữa hai bên.
Các nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc ngày 17/6 cho biết tại cuộc họp quân sự nói trên, Seoul đã đưa ra một loạt đề xuất, bao gồm việc đưa các đơn vị pháo binh của Triều Tiên tới các khu vực cách đường ranh giới quân sự chia cắt hai miền từ 30 tới 40 km. Theo Sách Trắng quốc phòng của Hàn Quốc năm 2016, Triều Tiên có 14.100 khẩu pháo, bao gồm 5.500 dàn pháo phản lực đa nòng, đa phần được triển khai gần biên giới với Hàn Quốc.
Cuộc họp quân sự cấp tướng lĩnh giữa hai miền Triều Tiên diễn ra ngày 14/6 vừa qua, được tổ chức theo đúng tinh thần của Tuyên bố Panmunjom sau cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước ngày 27/4 vừa qua. Theo văn bản này, Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí nỗ lực làm giảm căng thẳng và “loại bỏ một cách thực tế nguy cơ chiến tranh” trên Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, hai miền cũng nhất trí tổ chức các cuộc họp thường xuyên giữa giới chức quân sự, trong đó có việc tổ chức cuộc họp giữa hai bộ trưởng quốc phòng, nhằm thảo luận và giải quyết ngay vấn đề quân sự nổi lên giữa hai nước. Seoul dự kiến sẽ công bố đề xuất tiến hành cuộc họp quân sự tiếp theo trong tháng 6 này hoặc tháng 7 tới.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung “nóng” trở lại
Ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD bị áp mức thuế 25% với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông cũng cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Mỹ không thể tiếp tục bỏ qua tình trạng đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của chúng ta thông qua các quy định kinh tế không công bằng”. Giới chuyên gia nhận định động thái áp mức thuế mới trên nhiều khả năng sẽ đẩy Mỹ và Trung Quốc đến bờ vực một cuộc chiến thương mại.
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, danh sách này bao gồm 818 danh mục sản phẩm, giảm so với 1.333 danh mục mà Tổng thống Trump đề xuất hồi tháng 4 vừa qua. Trước đó, Nhà Trắng cho biết quyết định trên sẽ được triển khai ngay sau khi danh sách được công bố chính thức. Danh mục hàng hóa đánh thuế này chủ yếu là sản phẩm công nghệ cao, nhưng không bao gồm các hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng như TV, điện thoại di động…
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã “nóng” trở lại sau khi chính quyền Tổng thống Trump ngày 29/5 đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời có những bước đi khác để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bị áp các mức thuế bổ sung. Ủy ban thuế quan Trung Quốc đã quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ vớ tổng trị giá 50 tỷ USD. Theo tuyên bố của Ủy ban trên, mức thuế bổ sung đối với 545 mặt hàng tổng trị giá khoảng 34 tỷ USD, bao gồm nông sản và xe hơi, sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7 tới. Thời gian áp thuế bổ sung đối với 114 mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau.
Giới chuyên gia nhận định động thái áp mức thuế mới trên nhiều khả năng sẽ đẩy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đến bờ vực một cuộc chiến thương mại mà các thị trường và giới công nghiệp đã lo ngại từ lâu./.
Nguồn ĐCSVN-TT