– Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14; Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN lần thứ 35; Hội nghị không chính thức của Liên minh châu Âu; Thủ tướng Nhật Bản được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do; Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba; Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc;… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14
Từ ngày 19 đến 22/9/2018, Đại hội ASOSAI 14 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự, phát biểu và thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc Đại hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Đại hội lần này là dấu mốc mang tính lịch sử của Kiểm toán Việt Nam. Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 là một sự kiện ngoại giao chuyên môn cấp cao rất quan trọng của khu vực châu Á. Đánh giá cao sự chủ động tích cực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động của ASOSAI và Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á – ASEANSAI, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và đóng góp tích cực, hiệu quả cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và thế giới.
Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 (Ảnh: BTC)
Đại hội ASOSAI 14, ngoài việc thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng chung, chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện thông điệp, sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu…
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên đã biểu quyết thông qua lựa chọn SAI Thái Lan đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 15 năm 2021; SAI Trung Quốc làm Tổng Thư ký ASOSAI giai đoạn 2018-2021; Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc chính thức nhận chuyển giao chức Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Sau Lễ khai mạc Đại hội ASOSAI 14, Lễ kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI cũng được tổ chức trọng thể.
Ngày 22/9, Đại hội ASOSAI 14 đã họp phiên toàn thể lần thứ hai và cũng là phiên bế mạc Đại hội.
Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN lần thứ 35
Trong hai ngày 18 và 19/9/2018, Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 đã được tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) với sự tham gia của 20 tổ chức an sinh xã hội thành viên đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á.
Với chủ đề “Cơ hội và thách thức của các hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”, Hội nghị đã thông qua nhiều nội dung quan trọng và cho ý kiến về 2 dự án: Nghiên cứu tính liên thông của an sinh xã hội cho lao động di cư của khu vực ASEAN; Cơ sở dữ liệu về dịch vụ tính toán quỹ, tài chính công và thống kê trong khu vực.
Đây cũng là lần đầu tiên tại một kỳ Hội nghị, các thành viên của ASSA cùng nhất trí thông qua văn kiện Tuyên bố chung thể hiện quan điểm, nhận thức chung, đồng thuận của Hiệp hội về mục tiêu và định hướng hợp tác an sinh xã hội trong khu vực. Tuyên bố chung Nha Trang được ký kết đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập ASSA. Tuyên bố khẳng định cam kết xây dựng cộng đồng an sinh xã hội đoàn kết, đồng thuận, phát triển vì lợi ích của người dân, ổn định và thịnh vượng trong khu vực…
Thay mặt Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đã tiếp nhận chức Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019. Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã được bầu giữ chức Tổng Thư ký ASSA nhiệm kỳ 2018-2019.
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba
Ngày 18 và 19/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến thăm CHDCND Triều Tiên và dự cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tổng thống Hàn Quốc cho biết mục đích chính trong chuyến thăm Triều Tiên lần này là nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên
Sau hai ngày hội đàm tại Bình Nhưỡng, hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung tháng 9, với những cam kết cụ thể nhằm hướng tới nền hòa bình và thịnh vượng chung trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp việc vẫn còn rất nhiều thách thức và rào cản trên tiến trình này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhất trí tiến hành thêm các bước đi phi hạt nhân hóa trong đó có việc xóa bỏ vĩnh viễn bãi thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri…
Sau thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, dự kiến Tổng thống Moon Jae-in sẽ sang Mỹ vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Donald Trump. Thư ký báo chí của Tổng thống Moon Jae-in cho biết, ông Moon Jae-in sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào ngày 24/9 bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73. Tại cuộc gặp này, Tổng thống Moon Jae-in dự kiến sẽ thông báo vắn tắt cho Tổng thống Donald Trump về kết quả hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.
Đây được xem là những nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Moon Jae-in trong bối cảnh các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Triều Tiên đã lâm vào bế tắc sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng hồi cuối tháng 8 vừa qua.
Hội nghị không chính thức của Liên minh châu Âu
Trong hai ngày 19 và 20/9, tại thành phố Salzburg (Áo) đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh không chính thức của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu với trọng tâm là nhằm tháo ngòi nổ cho những căng thẳng về vấn đề người di cư và thiết lập các cuộc đàm phán sau cùng cho một thỏa thuận về Brexit. Hội nghị này cũng là sự khởi đầu cho loạt 3 hội nghị thượng đỉnh sẽ được tiến hành trong 3 tháng tới nhằm hoàn tất các thủ tục “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu.
Tại hội nghị, với vấn đề người di cư, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí sẽ tiến hành các cuộc thượng lượng với Ai Cập và các nước châu Phi khác, coi đây là “một bước tiến quan trọng” nhằm giải quyết vấn đề người di cư tại châu Âu. Hiện Ai Cập là quốc gia đầu tiên tại khu vực Bắc Phi thể hiện quan điểm sẵn sàng xúc tiến các cuộc thương lượng với Liên minh châu Âu. Liên minh châu Âu tin tưởng các thỏa thuận hợp tác với các nước châu Phi sẽ giúp tháo gỡ thách thức từ vấn đề người di cư, một trong những vấn đề gây bất đồng dai dẳng trong khối.
Trong khi đó, đối với vấn đề Brexit, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần này, Thủ tướng Anh Theresa May đã thông báo đến lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu còn lại về thực trạng các cuộc đàm phán Brexit và đưa ra đề xuất về mối quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu hậu Brexit. Tuy nhiên, đề xuất này của Anh đã bị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu bác bỏ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo đề xuất của Anh về mối quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu hậu Brexit sẽ không thể trở thành hiện thực. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí sẽ tổ chức một hội nghị đặc biệt vào tháng 11 tới để hoàn tất thỏa thuận về Brexit.
Hiện quá trình đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung đối với một số vấn đề quan trọng như đường biên giới Bắc Ireland, cùng một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại mới Anh-Liên minh châu Âu… Điều này khiến các nhà phân tích cho rằng hai bên khó có thể đạt được thỏa thuận Brexit vào thời điểm khi Anh rời Liên minh châu Âu vào tháng 3/2019 tới.
Thủ tướng Nhật Bản được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do
Ngày 20/9, trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành được 553 phiếu, cao hơn nhiều so với 254 phiếu mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba giành được. Đây sẽ là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông Abe trên cương vị là người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do.
Chiến thắng của ông Abe đã mở ra cơ hội giúp ông trở thành Thủ tướng cầm quyền với thời gian lâu nhất ở Nhật Bản và theo đuổi mục tiêu lâu nay về việc hiện thực hóa lần sửa đổi hiến pháp hòa bình lần đầu tiên kể từ khi bộ luật cao nhất này có hiệu lực hồi năm 1947.
Ông Abe, 63 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 9/2006. Năm 2007, ông từ chức Thủ tướng và chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do vì lý do sức khỏe. Tháng 9/2012, ông được bầu lại làm Chủ tịch đảng Đảng Dân chủ Tự do và trở lại giữ chức Thủ tướng vào cuối năm đó sau cuộc bầu cử Quốc hội, trong đó Đảng Dân chủ Tự do đánh bại đảng Dân chủ cầm quyền khi đó. Năm 2015, ông Abe tái đắc cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Năm 2017, Đảng Dân chủ Tự do đã quyết định kéo dài giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch đảng, từ hai nhiệm kỳ liên tiếp thành ba nhiệm kỳ liên tiếp (mỗi nhiệm kỳ ba năm).
Trong cuộc đua giành ghế chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do lần này, Thủ tướng Abe đã bày tỏ quyết tâm cùng người dân xây dựng một đất nước mới, khẳng định cam kết đem lại cho thế hệ trẻ “một đất nước Nhật Bản tự hào và đầy hy vọng”.
Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc
Ngày 17/9/2018, trong một động thái tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo sẽ áp 10% thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD từ ngày 24/9/2018 và sẽ tăng 25% thuế vào đầu năm 2019.
Tổng thống Trump còn cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào nông dân và các ngành công nghiệp của Mỹ, Mỹ sẽ lập tức tiến hành giai đoạn ba, áp thuế đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu việc Mỹ áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trở thành hiện thực, điều này đồng nghĩa với việc gần như mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế.
Quyết định áp thuế mới của Mỹ lên hàng hóa của Trung Quốc lần này đã thực sự gây nhiều lo ngại cho cả hai bên nhất là trong bối cảnh các quan chức của Mỹ và Trung Quốc dự định tiến hành vòng đàm phán thương mại mới.
Nhằm đáp trả lại quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, ngày 18/9, Trung Quốc đã thông báo áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD từ ngày 24/9 tới.
Những động thái này khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa thể sớm đi đến hồi kết. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu căng thẳng từ hồi tháng 3/2018 vừa qua, khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu. Từ đó, hai nước không ngừng áp dụng các mức thuế đối với hàng hóa của nhau và các cuộc tham vấn song phương cho tới nay vẫn chưa thể hạ nhiệt tình hình.
Tấn công lễ diễu binh tại Iran
Ngày 22/9, một vụ tấn công nhằm vào một cuộc diễu binh lớn ở thành phố Ahvaz, thủ phủ tỉnh Khuzestan, Tây Nam Iran, làm ít nhất 25 người thiệt mạng và hơn 60 người khác bị thương.
Phó Thống đốc tỉnh Khuzestan, Ali-Hossein Hosseinzadeh, cho biết những binh sĩ thiệt mạng là thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), trong khi những nạn nhân bị thương, trong đó có nhiều trẻ em, đều ở trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã cáo buộc một “chế độ nước ngoài” do Mỹ hậu thuẫn thực hiện vụ tấn công trên.
Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ những đối tượng khủng bố đã được một chế độ nước ngoài tuyển mộ, huấn luyện, vũ trang và trả tiền để tấn công thành phố Ahvaz. Ông nhấn mạnh Iran quy trách nhiệm cho Mỹ và những kẻ tài trợ khủng bố trong khu vực, đồng thời khẳng định Tehran sẽ phản ứng nhanh và quyết liệt nhằm bảo vệ người dân nước này.
Vụ việc xảy ra khi 4 đối tượng có vũ trang nã đạn vào một đám đông khán giả đang theo dõi lễ diễu binh ở thành phố Ahvaz và sau đó âm mưu tấn công khu vực khán đài nơi có nhiều quan chức cấp cao chính phủ Iran. Lực lượng an ninh Iran đã tiêu diệt được 2 đối tượng và bắn bị thương 2 kẻ còn lại.
Iran đang tổ chức diễu binh tại các thành phố, trong đó có thủ đô Tehran và cảng Bandar Abbas ở Vùng Vịnh nhân sự kiện tưởng niệm khởi đầu cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm với Iraq vào năm 1980.
Khuzestan là tỉnh giáp biên giới Iraq có cộng đồng người Arab thiểu số và trong quá khứ đã hứng chịu nhiều vụ tấn công của những phần tử ly khai mà Iran cho là do các thế lực thù địch trong khu vực./.