VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Các quốc gia đang phản ứng thế nào với cơn sốt tiền ảo?

    Nhiều chính phủ đã và đang có phản ứng khá “gắt” với cơn sốt đang diễn ra trên thị trường tiền ảo toàn cầu…
    Ảnh minh họa.
Nhà đầu tư, tỷ phú Ray Dalio từng cho rằng các chính phủ có thể đặt Bitcoin và các tiền ảo khác vào tầm ngắm trong nỗ lực duy trì vị thế độc quyền tiền tệ.
Cảnh báo này phần nào đã trở thành hiện thực ở Thổ Nhĩ Kỳ.
SỐT TIỀN ẢO VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA THỔ NHĨ KỲ
Bitcoin, tiền ảo phổ biến nhất thế giới, đã tăng giá gần gấp đôi kể từ đầu năm đến nay.
Ether, đồng tiền ảo vốn hóa lớn thứ hai, vượt ngưỡng kỷ lục 2.500 USD hôm 15/4.
Dogecoin, đồng tiền ảo được tạo ra “như một trò đùa”dựa trên meme chú chó Shiba, tăng 400% trong tuần trước.
Thị trường tiền kỹ thuật số đã thăng hoa suốt năm 2020 và chưa có dấu hiệu dừng lại cho đến nay. Thương vụ IPO sàn Coinbase gần đây tiếp tục “thổi giá” hàng loạt đồng tiền ảo lên cao. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức cân nhắc tham gia cuộc chơi tiền ảo; hướng tới chấp nhận tiền ảo trong giao dịch thanh toán.
Hôm 16/4, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cấm sử dụng tiền ảo trong mọi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng mọi phương pháp trực tiếp hay gián tiếp.
Cùng với đó, cơn sốt tiền ảo này cũng kéo theo sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ các chính phủ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia mới nhất mạnh tay với tiền ảo
Hôm 16/4, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cấm sử dụng tiền ảo trong mọi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng mọi phương pháp trực tiếp hay gián tiếp. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 30/4.
Trong một tuyên bố, cơ quan này nhấn mạnh các tài sản tiền ảo “không bị điều chỉnh bởi bất kỳ quy định hay cơ chế giám sát nào, cũng không được quản lý bởi bất kỳ cơ quan trung ương nào”. “Việc sử dụng (tiền ảo) trong thanh toán có nguy cơ gây nên tổn thất khó khắc phục cho các bên tham gia giao dịch… Chưa kể tới nguy cơ làm suy giảm niềm tin vào các công cụ hiện đang được sử dụng trong thanh toán”.
Ngay sau tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, giá Bitcoin sụt gần 5%.
Thị trường tiền ảo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hoạt động sôi nổi trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư tìm đến Bitcoin như một tài sản an toàn trước sự sụt giá của đồng nội tệ Lira và hiện tượng lạm phát lên tới 16% vào tháng trước. Royal Motors – công ty phân phối siêu xe Rolls-Royce địa phương – đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo.
CẢNH BÁO TỪ CÁC QUỐC GIA KHÁC
Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay là một trong số hiếm hoi các quốc gia đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ về mặt quy định với tiền ảo. Hầu hết các chính phủ khác vẫn thận trọng quan sát hoặc chỉ tìm cách làm rõ các quy tắc điều chỉnh tiền ảo hơn là cấm giao dịch.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có lý do riêng để hành động như vậy, vì nước này đang ở trong một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ.
Đồng Lira đã mất giá tới 10% từ đầu năm đến nay. Năm ngoái, đồng tiền này cũng trượt giá kỷ lục 24%. Lạm phát chưa từng có thúc đẩy khối lượng giao dịch tiền ảo ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức kỷ lục 218 tỷ Lira (27 tỷ USD) chỉ tính từ đầu tháng 2 đến 24/3, tăng vọt so với mức hơn 7 tỷ Lira cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Mỹ Chainalysis.
Nhưng không riêng Thổ Nhĩ Kỳ, còn nhiều chính phủ khác đang cân nhắc hành động với tiền ảo.
Một báo cáo vào cuối tuần qua tiết lộ Bộ Tài chính Mỹ đang có kế hoạch xử phạt các tổ chức tài chính liên quan đến các giao dịch rửa tiền thông qua tài sản kỹ thuật số.
Chính phủ Singapore, từng được xem là một trong những quốc gia thân thiện với tiền ảo – mới đây cũng cảnh báo công chúng thận trọng với các giao dịch tài sản này. “Tiền ảo được đánh giá có mức độ bất ổn cao” – khuyến cáo của Chủ tịch Cơ quan tiền tệ quốc tế Singapore Tharman Shanmugaratnam. “Do đó, tiền ảo có rủi ro cao nếu được lựa chọn là tài sản đầu tư”.
Trong tuần trước, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đưa ra hàng loạt cảnh báo về rủi ro và cạm bẫy tiềm ẩn từ tiền ảo.
Ấn Độ được cho là sắp đề xuất một lệnh cấm với tiền ảo kèm theo quy chế phạt mạnh tay với những ai giao dịch hoặc nắm giữ tài sản bằng tiền ảo.
Trung Quốc thậm chí đã hành động từ năm 2017 với lệnh cấm công dân trao đổi trực tiếp đồng Nhân dân tệ lấy tiền ảo thông qua các trang web giao dịch trực tuyến.
“Chúng ta đang ở trong một thị trường sốt tiền ảo…. Các nhà chức trách chắc chắn phải cảnh báo công chúng cẩn trọng để không bị mê hoặc và dốc túi vào những khoản đầu tư phi lý” – Kenneth Bok, nhà đầu tư tiền ảo tại Singapore nhận định.
Tiền ảo tồn tại bên rìa hệ thống tài chính toàn cầu và không được quản lý bởi một cơ quan nhà nước như các loại tiền tệ pháp định do chính phủ phát hành. Đây là một trong những lý do chính khiến các chính phủ thận trọng hoặc quay lưng với tiền ảo.
CẤM TIỀN ẢO CÓ KHẢ THI?
Thực tế, các chuyên gia công nghệ tài chính (finetech) toàn cầu đều đồng ý rằng quy định cấm tiền ảo về cơ bản là bất khả thi. Về mặt kỹ thuật, cách duy nhất để cấm sở hữu hay giao dịch các tài sản tiền ảo là cắt mạng internet.
“Theo đúng nghĩa đen, bạn có thể lưu trữ hàng tỷ USD Bitcoin trên một tờ giấy nháp” – nhận định của chuyên gia tài chính Ấn Độ Balaji Srinivasan. Sẽ thật nực cười nếu một ngày, cơ quan thực thi pháp luật đi lục tung thùng rác một căn hộ nào đó để tìm kiếm tờ giấy nháp ghi nguệch ngoạc vài dòng mật mã truy cập ví kỹ thuật số. Vì đơn giản, không có cách nào ngăn chặn hoặc truy vết trực tuyến các giao dịch tiền ảo khi chúng hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain (chuỗi khối).
“Ngay cả khi một quốc gia thông qua luật cấm tiền ảo, luật này hầu như không thể thực thi được. Những quốc gia từng cấm tiền ảo trong quá khứ đã chứng kiến thị trường ngầm bùng nổ theo cấp số nhân. Không có cách nào phát hiện những ai đang tham gia giao dịch trên những “chợ đen”” – trích lời Sharan Nair, Giám đốc Kinh doanh của sàn giao dịch Coinswitch.
Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, đa số các doanh nghiệp, nhà quan sát trong nước tỏ ra không đồng tình với động thái cấm giao dịch thanh toán bằng tiền ảo.
“Theo đúng nghĩa đen, bạn có thể lưu trữ hàng tỷ USD Bitcoin trên một tờ giấy nháp”
Ahmed Faruk Karsli, Giám đốc điều hành công ty thanh toán Papara của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay ông bị bất ngờ về lệnh cấm. “Chọn biện pháp cấm cửa dễ hơn nhiều so với nỗ lực quản lý… Đây là một quy định khiến tôi quan ngại cho tương lai đất nước”, ông Karsli nói.
Nhà kinh tế Ugur Gurses cũng cho rằng lệnh cấm là một quy định sai lầm. “Bất kỳ cơ quan nào chọn cách điều tiết thị trường bằng lệnh cấm sẽ phải thất vọng, vì điều đó chỉ khuyến khích các công ty khởi nghiệp fintech di chuyển ra nước ngoài”.
***  Trung Quốc bất ngờ “đổi giọng” về Bitcoin
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa gọi Bitcoin là một “kênh đầu tư thay thế” – một sự dịch chuyển thái độ quan trọng…
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa gọi Bitcoin là một “kênh đầu tư thay thế” – một sự dịch chuyển thái độ quan trọng sau khi Bắc Kinh mạnh tay kiểm soát việc phát hành tiền và giao dịch tiền ảo từ 4 năm trước.
“Chúng tôi xem Bitcoin và các tiền ảo khác là tài sản kỹ thuật số… Đây là những kênh đầu tư thay thế”, Phó thống đốc PBoC Li Bo phát biểu ngày 18/1 tại một buổi hội thảo do hãng tin CNBC chủ trì tại Diễn đàn Bác Ngao (Boao Forum) về châu Á.
“Tiền ảo không phải là tiền tệ, bởi thế vai trò chính mà chúng tôi nhận thấy ở tiền ảo trong thời gian tới là một kênh đầu tư thay thế”, ông Li nói.
Giới tiền ảo gọi những phát biểu này của vị quan chức cấp cao đến từ PBoC là “tiến bộ” và bắt đầu chờ xem liệu PBoC có đưa ra những thay đổi trong quy chế giám sát tiền ảo.
Giá Bitcoin ổn định hơn sau khi tuyên bố này được đưa ra. Lúc 14h30 theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu trên trang Coinmarketcap.com đứng ở 57.315 USD, giảm hơn 0,1% so với cách đó 24 tiếng. Ngày 18/4, giá Bitcoin có lúc sụt về 51.500 USD do có tin mất điện ở Tân Cương – nguồn cung cấp điện năng quan trọng cho hoạt động đào Bitcoin.
Hồi năm 2017, Trung Quốc ban lệnh cấm phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) – một cách để các công ty huy động vốn bằng cách phát hành tiền ảo. Cũng trong năm đó, nhà chức trách Trung Quốc đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo trong nước. Tất cả những động thái này đều xuất phát từ nỗi lo mất ổn định tài chính.
Nhìn nhận tiền ảo “như kênh đầu tư thay thế, nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc vẫn đang xem xét và cân nhắc để vạch ra quy chế giám sát phù hợp. Ít nhất, chúng tôi cần phải có một số quy chế để ngăn hoạt động đầu cơ đối với những tài sản này, vì đầu cơ có thể gây ra rủi ro lớn đối với ổn định tài chính”, ông Li nói.
Cũng theo ông Li, trước mắt, PBoC sẽ giữ nguyên quy chế giám sát tiền ảo hiện tại.
Dù vậy, những phát biểu mà ông Li vừa đưa ra đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng tiền ảo.
“Tôi nghĩ đây là một tuyên bố quan trọng và khác hẳn với những gì họ nói trước đây trước công chúng về tiền ảo”, ông Vijay Ayyar từ sàn tiền ảo Luno nhận định.
Từ đầu năm đến nay, giá Bitcoin đã tăng khoảng 90% do nhận được sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ từ các nhà đầu tư tổ chức và các doanh nghiệp lớn. Vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tuần trước của sàn tiền ảo Coinbase được đánh giá là một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp tiền ảo. Cũng trong tuần trước, giá Bitcoin lập đỉnh cao mọi thời đại mới ở mức trên 64.000 USD.
“Các chính phủ đang nhận ra rằng tiền ảo là một loại tài sản có triển vọng nhưng còn đang trong giai đoạn phát triển và cần được điều tiết. Việc Trung Quốc điều tiết tiền ảo có thể sẽ là một cú huých lớn tiếp theo cho ngành tiền ảo ở nước này là trên toàn cầu”, ông Ayyar nói về động cơ phía sau sự dịch chuyển thái độ của PBoC với tiền ảo.
Trung Quốc hiện cũng đang thử nghiệm một đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số do PBoC phát hành, nhằm thay thế tiền mặt và tiền xu trong lưu thông. Việc thử nghiệm đồng tệ số đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc và ông Li cho biết cuộc thử nghiệm này có thể mở rộng tới du khách nước ngoài tại Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm 2022.

NGuồn VnEconomy.vn-TT