VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Cách ông Trump điều hành kinh tế Mỹ là bài học lớn cho người kế nhiệm Biden

   Tháng 1/2017, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chứng kiến một tỷ phú đắc cử Tổng thống, ông là Donald Trump. Ông Trump bước vào Nhà Trắng mang theo lời hứa đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại và buộc Trung Quốc phải trả giá đắt cho những hành vi thương mại không lành mạnh.
Tạm gác lại công việc điều hành đế chế bất động sản tỷ đô Trump Organization, ông Trump dấn thân vào sự nghiệp chính trị với phong cách của một nhà tài phiệt: láu cá và khó đoán. Ông Trump đã thổi làn gió mới vào giới chính trị Mỹ, chủ trương đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại thông qua tái thiết kinh tế hùng cường.
Cách ông Trump điều hành kinh tế Mỹ là bài học lớn cho người kế nhiệm Biden - 4   Cách ông Trump điều hành kinh tế Mỹ là bài học lớn cho người kế nhiệm Biden – 1
Phải thừa nhận, ông Trump tiếp quản nền kinh tế Mỹ vào thời điểm mà người tiền nhiệm Obama đã thành công vực dậy nước Mỹ từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng những hệ quả của nó vẫn kìm hãm nền kinh tế lớn nhất thế giới ở mức tăng trưởng quanh quẩn 2% và tỷ lệ thất nghiệp 4,7% và gánh nợ quốc gia lên tới 77% GDP.
Nỗi đau đớn kéo dài từ khủng hoảng tài chính còn thể hiện ở số người Mỹ đăng ký nhận trợ cấp thực phẩm kỷ lục trong 2 nhiệm kỳ của ông Obama. Đến năm 2013, trung bình cứ 6 người Mỹ thì có 1 người nhận trợ cấp thực phẩm của chính phủ. Con số này giảm nhẹ về cuối nhiệm kỳ, nhưng đến năm 2016, vẫn có tới 50 triệu người Mỹ rơi vào tình cảnh như vậy. Chính sách kinh tế tập trung vào giảm thâm hụt ngân sách liên bang và tăng thuế vừa phải với người thu nhập cao của ông Obama đã đẩy chi phí sinh hoạt, giá tiêu dùng tại Mỹ tăng lên đáng kể trong khi mức lương gần như giữ nguyên. Kết quả là người Mỹ nghèo đi trông thấy.
Đưa một vị tỷ phú lên ghế Tổng thống, người Mỹ nhận lại được gì? Có một thực tế là trong 3 năm đầu tiên nắm quyền ở Nhà Trắng, ông Trump đã làm rất tốt việc tái thiết kinh tế Mỹ, đúng như khẩu hiệu tranh cử “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again).
Lời hứa của ông Trump: “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”
Cách một nhà tài phiệt như ông Trump điều hành nền kinh tế Mỹ không gì khác ngoài hành động, hành động và hành động. Ông Trump không giỏi lôi cuốn công chúng bằng tài hùng biện như người tiền nhiệm Barack Obama hay cựu Tổng thống Winston Churchill. Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thậm chí còn nhận về nhiều chỉ trích từ giới chính trị gia truyền thống khi liên tục khiến dư luận dậy sóng bằng những phát ngôn thông qua … mạng xã hội Twitter.
Không quá lời khi cho rằng, ông Trump gần như phá vỡ mọi quy tắc chính trị ở Washington. Và đáng ngạc nhiên là chính điều này lại mang đến cho ông Trump tỷ lệ cử tri ủng hộ cao chưa từng có. Tất nhiên, đó là chuyện trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hãy nhìn vào những thành tựu kinh tế dưới đây để thấy rằng trước khi cuộc khủng hoảng đại dịch đưa Mỹ vào suy thoái, ông Trump đã từng thành công trong việc xây dựng nền kinh tế “mạnh mẽ nhất trong hàng thập kỷ”.
Tăng trưởng GDP
Chỉ một tháng sau khi ông Trump vượt qua ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton để đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, các cuộc khảo sát cho thấy tâm lý tiêu dùng của người dân tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 12 năm và duy trì ở mức cao suốt nhiệm kỳ 4 năm qua, ngay cả khi đại dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế.
Theo giới quan sát, những tác động tích cực từ chính sách kinh tế giảm thuế cũng như gói cứu trợ Covid-19 kịp thời của ông Trump đã kích thích tâm lý tiêu dùng, tạo nên động lực tăng trưởng và phục hồi.
Nếu không tính đến năm 2020 – năm cuối nhiệm kỳ của ông Trump – thì mức tăng trưởng GDP bình quân trong ba năm đầu ông Trump cầm quyền đạt 2,5%. Con số này cao hơn mức tăng trưởng bình quân 2,3% mà ông Obama đạt được trong nhiệm kỳ ngay trước đó.
Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ bị tổn thương nặng nề do các biện pháp đóng cửa hồi đầu năm, tốc độ phục hồi ngoạn mục của nó vào quý III/2020 cũng gây bất ngờ cho các nhà quan sát. GDP quý III/2020 đạt mức tăng trưởng kỷ lục 33,1% (đã điều chỉnh về cơ sở năm), mạnh nhất trong vòng 73 năm. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng ngoạn mục này được thúc đẩy bởi đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng – hai động lực chính của nền kinh tế chứ không phải chi tiêu chính phủ. Điều đó thể hiện sự lành mạnh trong tăng trưởng, khi nền kinh tế được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân nhiều hơn là trợ cấp và kích thích của chính phủ.
Thị trường chứng khoán
Đây là lĩnh vực được Tổng thống Trump theo dõi chặt chẽ và xem như thước đo quan trọng đánh giá sức mạnh nền kinh tế Mỹ trong 4 năm nhiệm kỳ vừa qua.
Chỉ vài giờ sau tin ông Trump thắng cử năm 2016, phố Wall đã phản ứng bằng mức tăng dậy sóng do kỳ vọng về chính sách cắt giảm thuế mà vị Tổng thống thứ 45 hứa hẹn. Chỉ số S&P 500 tăng ngoạn mục 5% chỉ trong 1 tháng.
Trong vòng 12 tháng sau nhậm chức, động thái giảm thuế của ông Trump ước tính đã giúp thu hút hơn 450 tỷ USD vốn FDI trở về Mỹ. Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq điên cuồng phá đỉnh lịch sử. Đến đầu năm 2020, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, ước tính có khoảng hơn một nửa người dân Mỹ đã đầu tư vào thị trường chứng khoán dù trực tiếp hay gián tiếp (qua các quỹ hưu trí).
Thực tế, trước đại dịch, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến những “cơn gió thần” và hàng loạt màn leo dốc ngoạn mục bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hay hàng loạt mức thuế quan trừng phạt mà ông Trump áp lên Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, bao gồm cả đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu. Việc đảng Dân chủ nỗ lực luận tội ông Trump cũng không khiến phố Wall nao núng. Thời điểm đầu dịch bệnh bùng phát ở Mỹ vào tháng 3/2020, chứng khoán Mỹ thậm chí còn liên tiếp lập đỉnh lịch sử.
Cổ phiếu hàng loạt đại gia công nghệ và dược phẩm, thiết bị y tế tăng vọt do được hưởng lợi từ đại dịch cũng kích thích thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá trong nửa cuối năm 2020. Số liệu thống kê của CNBC cho thấy, 7 tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ là Amazon, Apple, Microsoft, Alphabet, Tesla, Facebook, Nvidia đã chứng kiến giá trị thị trường tăng vọt 3,4 nghìn tỷ USD trong năm qua nhờ cổ phiếu tăng phi mã.
Thị trường lao động
Trước khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế, ông Trump đã thành công trong việc xây dựng được một thị trường lao động mạnh mẽ chưa từng có trong ít nhất nửa thập kỷ. Các phân tích cho thấy đạo luật giảm thuế của ông Trump giúp 90% lao động có cơ hội tăng thu nhập thực tế nhờ gánh nặng thuế giảm bớt.
Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ năm 2019 đã chạm mức thấp kỷ lục 3,5% với gần 159 triệu người lao động trên tổng dân số 331 triệu người. Mức tăng lương bình quân người lao động trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump đạt 3%, điều mà người tiền nhiệm Barack Obama chưa từng làm được trong cả hai nhiệm kỳ trước đó.
Lương tăng đi đôi với thu nhập hộ gia đình Mỹ tăng vọt. Năm 2019, bình quân thu nhập hộ gia đình Mỹ tăng 6,8% lên mức 68.700 USD. Đây cũng là mức tăng lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ, từ năm 1967 trở đi. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống mức thấp 10,5%. Khác với thị trường lao động phục hồi chậm rãi và gần như “ngủ gật” dưới thời ông Obama, Tổng thống Trump đã xây dựng cho nước Mỹ một thị trường lao động mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm đối tượng như người da màu, phụ nữ, người tàn tật, người lao động trình độ thấp từ trung học trở xuống… giảm mạnh.
Không thể phủ nhận cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 sau đó đã tàn phá nền kinh tế Mỹ, thổi bay gần như mọi thành tựu mà ông Trump đã tạo ra trong 3 năm đầu nhiệm kỳ. Nhưng các chính sách bảo vệ tiền lương kịp thời của chính quyền Trump đã phát huy tác dụng kích thích sự phục hồi nhanh chóng trên thị trường lao động, khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh từ mức kỷ lục 14,7% hồi tháng 4/2020 xuống còn 6,7% vào tháng 1/2021 – tháng cuối cùng ông Trump nắm quyền ở Nhà Trắng.
Đến thời điểm hết tháng 12/2020, mặc dù làn sóng Covid-19 tiếp theo khiến thị trường mất thêm hàng trăm nghìn việc làm nhưng đà phục hồi trên nhiều lĩnh vực đã giúp nền kinh tế lấy lại được hơn 12 triệu việc làm. Tổng số việc làm chưa thể phục hồi ước tính khoảng 9,5 triệu việc làm.
Chính sách thương mại
Ngay từ thời điểm tranh cử Tổng thống, ông Trump đã chủ trương mạnh tay với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh chấm dứt những hành vi thương mại không lành mạnh, hướng tới một sân chơi thương mại sòng phẳng trên toàn cầu. Trong thời gian đương nhiệm, chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ. Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ tin rằng những hành động thiết thực như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và trừng phạt thuế quan sẽ “dạy cho Trung Quốc một bài học” để đưa cán cân thương mại song phương trở lại đúng hướng, có lợi cho người Mỹ.
Việc Trung Quốc đồng ý ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020 được đánh giá là một chiến thắng có ý nghĩa biểu tượng cho ông Trump, dù nó chưa giải quyết được tận gốc những xung đột thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong thỏa thuận này, Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ Mỹ trong hai năm 2020-2021, điều mà ông Trump ca ngợi là một thắng lợi tuyệt vời, trong đó nông dân và doanh nghiệp Mỹ là hai đối tượng hưởng lợi lớn nhất.
Di sản cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump dự kiến vẫn sẽ được Tổng thống đắc cử Joe Biden duy trì trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, dù ông Biden tuyên bố sẽ chọn cách tiếp cận đa phương thông qua sức mạnh liên kết khối đồng minh.
Ngoài chính sách thương mại với Trung Quốc, ông Trump còn góp phần lớn trong thúc đẩy hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới thay thế cho hiệp định cũ, triển khai nhiều thỏa thuận thương mại mới với khối EU, các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc… theo hướng có lợi cho Mỹ.
Một cuộc khảo sát do Đại học Quinnipiac thực hiện vào cuối tháng 12/2020 – thời điểm mà kết quả bầu cử Mỹ gần như đã ngã ngũ – chỉ ra rằng vẫn có tới 50% cử tri được hỏi thừa nhận chính sách của ông Trump có lợi hoặc tạo ra sự khác biệt nhất định cho kinh tế Mỹ. Chỉ 30% cho rằng, ông Trump đã làm tổn thương nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ đồng tình với chính sách kinh tế tương lai của Tân Tổng thống đắc cử Joe Biden tại cuộc khảo sát này chỉ là 39%.
Kết quả khảo sát phản ánh một thực tế: đa phần cử tri Mỹ không đổ lỗi cho ông Trump về cuộc suy thoái kinh tế vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống, khi đại dịch Covid-19 tấn công nước Mỹ. Họ tin rằng, ông Trump đã làm hết sức có thể, thậm chí làm tốt hơn những gì mà một vị Tổng thống bất kỳ khác có thể làm được cho nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng khó khăn như vậy. Dù rằng điều này đi ngược lại nhận định của các nhà phê bình, giới chuyên gia là ông Trump sẽ rời Nhà Trắng với nền kinh tế tồi tệ hiếm có: tăng trưởng GDP âm, nợ quốc gia lên mức kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp cao chót vót.
Nhưng dù ông Trump đã thực sự làm tốt hay chưa, có một thực tế không thể phủ nhận là khi ông Biden chính thức nhậm chức vào 20/1 tới đây, Tân Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sẽ phải tiếp quản một nền kinh tế suy yếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Mỹ đã chấp thuận sử dụng vaccine Covid-19, nhưng những thách thức trong khâu phân phối vaccine có nguy cơ làm chậm lộ trình tiêm chủng trên toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ Mỹ mất một thời gian không ngắn để vaccine tạo nên bước ngoặt mới cho triển vọng kinh tế. Nhưng ông Biden có thể nhìn vào tấm gương người tiền nhiệm Donald Trump, rút ra những bài học thực tế xương máu để đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi vũng lầy hiện tại.
Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong năm 2020 sau hàng loạt chương trình kích thích tài khóa khổng lồ của Tổng thống Trump. Để tạo thêm động lực phục hồi kinh tế, cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng nới lỏng chính sách tiền tệ, duy trì lãi suất ở mức thấp tiệm cận 0. Nhưng nhìn chung, trong tình huống hiện tại, đa số các nhà kinh tế học nhận định rằng, người dân và doanh nghiệp Mỹ cần nhiều hỗ trợ hơn nữa để đối phó với hệ lụy từ cuộc khủng hoảng đại dịch dai dẳng. Thực tế, các gói hỗ trợ và chính sách bảo vệ tiền lương dưới thời ông Trump đã phần nào giúp nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch
Bài học đắt giá nhất mà ông Biden có thể áp dụng lúc này không gì khác ngoài chính sách tài khóa và tiền tệ lỏng lẻo hơn nữa. Tổng thống Trump trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ đã kêu gọi tăng khoản thanh toán trực tiếp cho người Mỹ từ mức 600 USD mà lưỡng viện thông qua ở gói cứu trợ gần nhất lên 2.000 USD. Ông Biden cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự – một sự đồng tình hiếm hoi về chính sách kinh tế giữa hai người đàn ông có sức ảnh hưởng bậc nhất nước Mỹ thời điểm này.
Một tuần trước lễ nhậm chức, Tân Tổng thống Mỹ Biden báo hiệu một gói kích thích kinh tế mới trị giá khoảng 1.900 tỷ USD. “Chúng ta không còn thời gian để mà lãng phí… Với lãi suất ở mức thấp như hiện nay, mọi nhà kinh tế lớn đều cho rằng chúng ta nên chấp nhận thâm hụt ngân sách để tạo động lực cho tăng trưởng” – ông Biden nhấn mạnh.
Rõ ràng, chống lại sự sụt giảm kinh tế trầm trọng là nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính quyền Tân Tổng thống tới đây, khi mà nền kinh tế ông Biden tiếp quản từ người tiền nhiệm Donald Trump tệ hơn nhiều những gì ông Trump tiếp quản từ Barack Obama.
NGuồn DTO-TT