VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 18/2/2020.

Thuốc chống virus corona đầu tiên được cấp phép bán ra thị trường; CẬP NHẬT dịch Covid-19 và ứng phó: Kiểm soát tốt tình hình; 10 tỉnh tại Trung Quốc không có người tử vong vì nCoV kể từ đầu dịch; Ngôi làng ‘cứng’ nhất Vũ Hán, ở tâm dịch cả làng không ai bị bệnh;  Covid-19 tác động đến 5 triệu doanh nghiệp toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.

Thuốc chống virus corona đầu tiên được cấp phép bán ra thị trường

 Thuoc chong virus corona dau tien duoc cap phep ban ra thi truong hinh anh 1 5e49efc2a3101282065322fc.jpg    Favilavir là loại thuốc chống virus corona chủng mới đầu tiên được Trung Quốc cấp phép sản xuất. Ảnh: China Daily.

Theo Daily China, ngày 16/2, loại thuốc chống virus corona đầu tiên được cấp phép để đưa vào sản xuất và bán ra thị trường.
Trang China Daily đưa tin Favilavir (trước đây gọi là Fapilavir), một loại thuốc chống virus có hiệu quả trong việc điều trị virus corona chủng mới (Covid-19), đã được cho phép bán ra thị trường, theo tuyên bố của chính quyền Thái Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) hôm 16/2.
Đây là loại thuốc chống virus corona đầu tiên được Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc cho phép bán ra thị trường kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Thuốc được phát triển bởi Công ty Dược phẩm Chiết Giang Hisun. Trên tài khoản WeChat chính thức, chính quyền thành phố khẳng định loại thuốc này sẽ “đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị dịch bệnh”.
Favilavir là một trong ba loại thuốc cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc điều trị virus corona chủng mới ở các thử nghiệm lâm sàng, theo Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Loại thuốc này sẽ được đưa vào sản xuất vào ngày 16/2 và hy vọng sớm xuất hiện trên thị trường.

CẬP NHẬT dịch Covid-19 và ứng phó: Kiểm soát tốt tình hình
(Chinhphu.vn) – Báo điện tử Chính phủ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 và các chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Ngày 31/1/2020, WHO công bố dịch bệnh là SỰ KIỆN Y TẾ CÔNG CỘNG KHẨN CẤP GÂY QUAN NGẠI TOÀN CẦU (PHEIC).
Tại cuộc họp sáng 17/2, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) cho biết, dù vẫn còn diễn biến phức tạp, song tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang có những tín hiệu khả quan, cả số người nhiễm mới, số ca tử vong, trường hợp nguy kịch đều có xu hướng giảm.
Tại Việt Nam, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình. Tính từ thời điểm xuất hiện ca bệnh gần nhất (từ ngày 13/2) đến thời điểm hiện tại, Việt Nam không xuất hiện thêm ca bệnh mới.
Các chuyên gia y tế khẳng định, đối với việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh, nhưng Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin chữa khỏi bệnh bằng các phương pháp điều trị khác. Nếu có ca nhiễm mới thì chúng ta đủ năng lực khoanh vùng, chữa khỏi bệnh.
Cập nhật lúc 15h00 ngày 17/2:
Thế giới: 71.355 người mắc, 1.775 người tử vong, trong đó:
– Lục địa Trung Quốc: 1.770 người tử vong.
– Phillippines: 01 người tử vong.
– Hồng Kông (Trung Quốc): 01 người tử vong.
– Nhật Bản: 01 người tử vong.
– Pháp: 01 người tử vong.
– Đài Loan: 01 người tử vong.
Việt Nam: 16 người dương tính với COVID-19, gồm:
– 02 cha con người Trung Quốc (02 người đã khỏi và xuất viện);
– 06 người Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (04 người đã khỏi và xuất viện);
– 06 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19 (01 người đã khỏi và xuất viện);
– 01 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.
– 01 bệnh nhi 3 tháng tuổi, có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID -19.
Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (03); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01).
Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 1.078 trường hợp.
Điều trị khỏi: 07 người đã được xuất viện.

10 tỉnh tại Trung Quốc không có người tử vong vì nCoV kể từ đầu dịch
– Số người tử vong do virus nCoV ở Trung Quốc ngày hôm qua (17/2) đã giảm xuống dưới 100 người sau nhiều ngày liên tục cao hơn 100. Đáng chú ý, kể từ đầu dịch, nhiều tỉnh tại Trung Quốc không có ca nào tử vong.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 06 giờ 00, ngày 18/02/2020, tổng số trường hợp mắc virus nCov là 73.255 (tăng 2032 trong khi ngày 16/2 tăng 2.187); Tổng số trường hợp tử vong là 1.868 (tăng 98 trường hợp).
Trong khi đó, nhìn vào tổng hợp số ca mắc và tử vong tại đại lục Trung Quốc thì thấy, trong số 72.359 trường hợp mắc nCoV ở Trung Quốc đại lục thì riêng tỉnh Hồ Bắc đã có 59.989 trường hợp.
Đặc biệt, số ca tử vong trên toàn đại lục Trung quốc là 1.863 ca thì riêng tại Hồ Bắc đã chiếm 1.789 ca trong khi nhiều tỉnh tại Trung Quốc không có ca tử vong nào từ đầu mùa dịch. Tỉnh có nhiều ca tử vong  nhất sau Hồ Bắc là Hà Nam, cũng chỉ có 16 ca, sau đó là Hắc Long Giang 11 ca. Các tỉnh còn lại có từ 1-6 ca tử vong kể từ đầu mùa dịch.

Nga đanh thép cảnh báo Mỹ
– Nga có thể chế tạo những tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn được phóng đi từ mặt đất chỉ trong vòng 6 tháng nếu Mỹ có bước đi nhằm phát triển, sản xuất và triển khai những tên lửa như vậy ở các nước thứ ba. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc vừa được người đứng đầu Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về Quốc phòng và An ninh- ông Viktor Bondarev đưa ra nhằm vào Washington.
“Với những thiết bị mà các nhà máy của chúng tôi đang sở hữu cùng với tiềm năng khoa học mà các viện quân sự, các cục thiết kế và các công ty của Nga đang có, chúng tôi có thể lấp đầy lỗ hổng về sự thiếu hụt của các tên lửa tầm trung và tầm ngắn được bắn đi từ mặt đất trong khoảng thời gian tối thiểu nhất. Chúng tôi thường đến thăm các nhà máy công nghiệp quốc phòng và chúng tôi xem xét các thiết bị. Tất nhiên, chúng tôi có thể không chế tạo được một tên lửa mới trong khoảng thời gian rất nhanh nhưng chúng tôi lại có thể đưa một tên lửa vào thử nghiệm trong vòng từ 6 đến 12 tháng và sau đó chúng tôi sẽ có những tên lửa như vậy”, ông Bondarev cho biết.
Vị quan chức quân sự của Nga nhấn mạnh hiện Nga có các hệ thống phòng không, cụ thể là tên lửa S-300 và S-400, vì thế “Nga có thể bảo vệ chính mình”.
Ông Bondarev tin rằng lựa chọn tái khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vẫn còn. Ông này không loại trừ khả năng các nước khác có thể tham gia vào hiệp ước mới.

Ngôi làng ‘cứng’ nhất Vũ Hán, ở tâm dịch cả làng không ai bị bệnh
Làng Lâm Cảng, trấn Giang Hạ, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc có 3000 nhân khẩu. Tính đến nay, trong làng chưa có 1 người nào bị nhiễm Covid-19.

 Thêm 1.200 lính quân y đến Vũ Hán
Quân đội Trung Quốc đưa thêm 1.200 y bác sĩ đến Vũ Hán đối phó virus corona, nâng tổng số lính quân y tại các bệnh viện lên 4.000 người.
Vận tải cơ Trung Quốc đưa 1.200 lính quân y đến Vũ Hán hôm qua, hoàn tất đợt tăng cường nhân viên y tế thứ ba của quân đội Trung Quốc nhằm đối phó dịch viêm phổi corona (Covid-19) tại thành phố này. Họ sẽ làm việc tại chi nhánh của Bệnh viện Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em Hồ Bắc.
Những y bác sĩ này nằm trong số 2.600 người được huy động từ các đơn vị thuộc 5 quân chủng của quân đội Trung Quốc cũng như lực lượng cảnh sát vũ trang. Nhóm đầu tiên gồm 1.400 người đã tới Vũ Hán hôm 13/2 và đang điều trị các bệnh nhân ở viện Taikang Tongji.
Trung Quốc đã cử ba đội quân y gồm 4.000 người tới Vũ Hán để chống dịch Covid-19, trong đó nhiều người từng có kinh nghiệm dịch SARS và Ebola. Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn với 1.000 giường hiện do 1.400 lính quân y vận hành.
Dịch Covid-19 khởi phát ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc từ tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn thế giới hiện có 73.348 trường hợp nhiễm bệnh, 1.868 người chết và 10.615 người được chữa khỏi. 5 ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục được ghi nhận ở Nhật Bản, Hong Kong, Pháp, Philippines và Đài Loan.

 Covid-19 tác động đến 5 triệu doanh nghiệp toàn cầu
Trung Quốc liên hệ sâu sắc với mạng lưới kinh doanh toàn cầu nên dịch Covid-19 tại đây vẫn ảnh hưởng đến 5 triệu doanh nghiệp khắp thế giới.
Báo cáo của công ty nghiên cứu kinh doanh toàn cầu Dun & Bradstreet cho biết, các khu vực bị ảnh hưởng với 100 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận trở lên, tính đến ngày 5/2, là nơi hoạt động của hơn 90% doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Trong đó, có khoảng 49.000 doanh nghiệp ở các khu vực này là các chi nhánh và công ty con của các công ty nước ngoài. Gần một nửa (49%) có công ty con ở các khu vực bị ảnh hưởng có trụ sở tại Hong Kong trong khi Mỹ chiếm 19%, Nhật Bản 12% và Đức 5%.
Các nhà nghiên cứu của Dun & Bradstreet đã phát hiện rằng, ít nhất 51.000 công ty trên toàn thế giới, trong đó có 163 trong Fortune 1000, có một hoặc nhiều nhà cung cấp trực tiếp hoặc cấp 1 trong khu vực bị ảnh hưởng. Cùng với đó, có 5 triệu công ty, với 938 công ty trong Fortune 1000, có một hoặc nhiều nhà cung cấp cấp 2 đang trong vùng dịch.
Với quy mô liên đới này, tác động đối với các doanh nghiệp ở Trung Quốc và trên thế giới đã kéo giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Hôm qua (17/2), Moody’s, đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu khoảng hai phần mười điểm phần trăm. Các nền kinh tế G-20 dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% hàng năm vào năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc được hạ xuống còn 5,2%.
Dự báo mới dựa trên giả định rằng sự lây lan của Covid-19 được ngăn chặn vào cuối quý I/2020, và hoạt động kinh tế được khôi phục bình thường vào quý II. Tuy nhiên, tổn thất kinh tế toàn cầu sẽ nghiêm trọng, nếu tỷ lệ lây nhiễm và tử vong không giảm, gây ra cú sốc thật sự cho chuỗi cung ứng quốc tế.
“Có bằng chứng rằng chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, bao gồm cả bên ngoài Trung Quốc. Hơn nữa, việc đóng cửa nhà máy kéo dài ở Trung Quốc sẽ có tác động toàn cầu, do tầm quan trọng và mối liên kết của đất nước này trong nền kinh tế thế giới”, Phó chủ tịch Moody’s Madhavi Bokil nói.
Dun & Bradstreet xác định rằng 5 lĩnh vực chính, chiếm hơn 80% doanh nghiệp ở các tỉnh bị ảnh hưởng của Trung Quốc, là dịch vụ, thương mại bán buôn, sản xuất, bán lẻ và dịch vụ tài chính. Các tỉnh như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Bắc Kinh và Sơn Đông chiếm 50% tổng số việc làm và 48% tổng doanh số của nền kinh tế Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 20% GDP toàn cầu. Các nhà phân tích ước tính, nếu việc ngăn chặn dịch bệnh bị trì hoãn sau mùa hè, thì tác động theo “hiệu ứng thác nước” hay “hiệu ứng domino” có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay mất 1%.

 Hoài nghi về khả năng Indonesia ‘miễn nhiễm’ nCoV
Tuyên bố của Indonesia rằng quốc gia đông dân thứ tư thế giới này chưa có ca nhiễm nCoV nào khiến giới chuyên gia hoài nghi.
Các thắc mắc về khả năng “chặn đứng” virus corona của Indonesia càng nổi lên sau khi nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy nCoV nhiều khả năng đã hiện diện ở đất nước này.
Nghiên cứu tập trung vào số lượng hành khách bay từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc và các nước xung quanh tới Indonesia, cũng như lưu ý tới quan hệ thương mại, du lịch mạnh mẽ giữa Jakarta và Bắc Kinh.
Các nước láng giềng của Indonesia, bao gồm Australia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, đều đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus corona. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia hơn 264 triệu dân, đứng thứ tư thế giới, điểm đến của rất nhiều du khách, vẫn chưa phát hiện ca nhiễm nào.
Các nhà nghiên cứu của Harvard cho rằng việc Indonesia tuyên bố không ghi nhận ca nhiễm nCoV nào có thể là do “có những trường hợp chưa được phát hiện”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto gọi báo cáo này là sự “xúc phạm”, nhấn mạnh đất nước của ông có đầy đủ thiết bị kiểm tra phù hợp.
Phó giáo sư Sanjaya Senanayake, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Đại học Quốc gia Australia, cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng “miễn nhiễm” với nCoV của Indonesia.
“Việc họ không phát hiện trường hợp nhiễm virus corona nào vẫn có thể xảy ra, bởi tất cả phụ thuộc vào khả năng sàng lọc và phát hiện bệnh. Tuy nhiên, có thể có những ca họ chưa tìm ra”, Senanayake nói, thêm rằng các nước có hệ thống y tế kém phát triển có thể không phát hiện được trường hợp nhiễm virus corona.
Malaysia hôm 15/2 thực hiện xét nghiệm hai lần với cụ bà người Mỹ 83 tuổi, hành khách trên du thuyền MS Westerdam, đều cho kết quả dương tính với virus corona, trong khi Campuchia trước đó đã xét nghiệm 20 người có dấu hiệu nhiễm bệnh trên du thuyền và khẳng định không ai nhiễm nCoV.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 1.775 người tử vong, 71.330 ca nhiễm bệnh. Indonesia cho biết đã tiến hành các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn virus lây lan sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nước này hiện chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào nhiễm bệnh.

 IMF cảnh báo COVID-19 sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu
(ĐCSVN) – Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 0,1-0,2% trong năm 2020, song đi theo sau đó có thể là một sự phục hồi nhanh và mạnh mẽ.
Đó là nhận định do Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra tại Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), ngày 16/2.
Cũng theo bà Georgieva thì tác động đầy đủ của dịch bệnh COVID-19 sẽ phụ thuộc vào mức độ dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng ra sao.
Bà Georgieva cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động đầy đủ của dịch bệnh, và hiện mới chỉ thấy được tác động đối với các lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải. Tuần trước, nhà lãnh đạo cấp cao này của IMF cho rằng, “2 tuần tới” sẽ là giai đoạn quan trọng để đánh giá về những tác động của sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới.
“Hiện vẫn còn quá sớm để nói lên điều gì bởi chúng ta vẫn chưa biết bản chất của virus. Chúng ta không biết Trung Quốc có thể nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh tới mức nào. Chúng ta cũng không biết liệu dịch bệnh có lan rộng ra phần còn lại của thế giới hay không…” – nhà lãnh đạo IMF nói.
“Tôi kêu gọi mọi người không nhanh chóng đưa ra những kết luận vội vàng. Vẫn còn rất nhiều điều còn chưa chắc chắn. Chúng tôi đang hoạt động dựa trên các kịch bản và vẫn chưa có những dự đoán được đưa ra, hãy đặt câu hỏi cho tôi sau 10 ngày nữa” – bà Georgieva cho biết.
Trước đó, trong Tổng quan kinh tế thế giới cập nhật vào tháng 1/2020, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 3,3%, so với 2,9% trong năm trước đó và là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.
Theo tính toán của bà Georgieva thì so với tác động của đại dịch SARS vào năm 2002, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đóng góp 8,0% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi con số hiện giờ là 19%.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc IMF cũng lên tiếng hoan nghênh việc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại vào tháng trước, xem đây là diễn biến giúp giảm tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, bà Georgieva cũng ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong kiềm chế dịch bệnh COVID-19, trong đó gồm cả việc đã bơm 115 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế.
Nhân sự kiện diễn ra ở Dubai gồm sự tham gia của Cố vấn cấp cao cho Tổng thống Mỹ Ivanka Trump và cựu Thủ tướng Anh Theresa May, bà Georgieva đã cảnh báo thế giới cần lưu tâm về một kịch bản tăng trưởng chậm, bị tác động bởi những yếu tố không chắc chắn. Theo nhà lãnh đạo IMF thì hiện chúng ta đang trong trạng thái bị “mắc kẹt” bởi sự tăng trưởng năng suất, kinh tế thấp, cùng tỷ lệ lạm phát và lãi suất thấp./.

***   Mỹ đang dọn đường triển khai tên lửa tại châu Âu và châu Á
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mỹ đang dọn đường cho việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại châu Âu và châu Á.

COVID-19: Lòng tin và sự chống kỳ thị
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) gây ra đang khiến cả thế giới lo sợ. Những kinh nghiệm trong suốt hơn 200 năm qua cho thấy chỉ có sự phối hợp và đồng bộ giữa các chính phủ, cùng sự tin tưởng và đồng thuận từ người dân, mới đủ sức xử lý một đại dịch như thế này.

Phát hiện khách nhiễm virus Corona, hàng ngàn người trên tàu du lịch bị truy tìm
Giới chức nhiều nước trên thế giới đang cố truy tìm những hành khách từ tàu du lịch Westerdam, tàu bị từ chối cập cảng nhiều nước trên thế giới, sau khi 1 người trên tàu được xác định là dương tính với virus Corona.

Afghanistan đứng trước cơ hội lịch sử
Triển vọng thiết lập hòa bình ở Afghanistan sau gần 2 thập kỷ xung đột đang trở nên khả thi nhờ việc Mỹ và Taliban đạt được một thỏa thuận giảm bạo lực tạm thời, hướng đến các cuộc đàm phán chính trị toàn diện.

Số ca nhiễm, tử vong do Covid-19 tại Hồ Bắc giảm nhẹ
Uỷ ban Y tế tỉnh Hồ Bắc sáng ngày 18/2 cho biết, số ca tử vong do virus Corona chủng mới (Covid-19) tại tỉnh này tính đến hểt hôm 17/2 là 93 ca, với 1.807 ca nhiễm mới, theo Reuters.

Campuchia bác tin Thủ tướng Hun Sen nhiễm virus Corona
Bộ Y tế Campuchia bác tin Thủ tướng nước này Hun Sen nhiễm chủng mới của virus Corona (Covid-19), đồng thời đề nghị xử lý người tung tin giả.

Trung Quốc tiêu huỷ tiền từ bệnh viện, chợ cá để ngăn Covid-19
Một số khu vực Trung Quốc sẽ thu hồi và tiêu huỷ tiền mặt từ các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao virus Corona chủng mới (Covid-19) như một biện pháp ngăn dịch lan rộng.

14 người nhiễm Covid-19 trên máy bay sơ tán công dân Mỹ khỏi tàu Diamond Princess
Quan chức Mỹ cho hay 14 hành khách trên các chuyến bay sơ tán công dân khỏi tàu Diamond Princess dương tính với virus Corona chủng mới (Covid-19), song được cách ly để không ảnh hưởng tới người đi cùng.

Mỹ-Taliban định ngày ký thoả thuận hoà bình
Quan chức Taliban thông báo lực lượng này sẽ ký thoả thuận hoà bình với Mỹ vào ngày 29/2 tới, đặt nền móng cho tiến trình chính trị chấm dứt xung đột ở Afghanistan.

Ireland: Đảng Sinn Fein làm nên lịch sử
Cuộc bầu cử Quốc hội Ireland diễn ra hôm 8-2 đã cho kết quả ngoài sự mong đợi của giới quan sát, kể cả những chính khách thuộc đảng Sinn Fein theo đường lối cộng hòa: Từ một đảng bên lề, Sinn Fein vươn lên trở thành đảng dẫn đầu.

Xe buýt lao xuống vách núi, 45 cổ động viên của Barcelona SC thương vong
8 cổ động viên của câu lạc bộ Barcelona SC (Barcelona Sporting Club hay Barcelona de Guayaquil) ở Ecuador đã thiệt mạng khi chiếc xe buýt chở họ đã gặp nạn ở phía bắc Peru hôm thứ Bảy vừa qua…

Người Nga xuất hiện, Syria giải phóng toàn bộ Aleppo
Quân đội Syria đã giải phóng những khu vực cuối cùng của tỉnh Aleppo nằm ở phía Bắc khỏi tay các nhóm vũ trang cực đoan sau một chiến dịch được Nga yểm trợ.

Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hàn Quốc gây nhiều thương vong
Ít nhất hai người đã thiệt mạng và 37 người khác bị thương trong một vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra ngày 17/2 trên một tuyến đường cao tốc ở khu vực phía Tây Nam Hàn Quốc.

Cơn địa chấn mới trên chính trường Đức
Ngày 10/2, Annegret Kramp-Karrenbauer, người được coi là kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel đột nhiên tuyên bố sẽ không làm ứng cử viên thủ tướng của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang năm 2021 và từ chức Chủ tịch CDU.

Trung Quốc hoãn họp lưỡng hội vì Covid-19?
Hai cuộc họp chính trị thường niên quan trọng nhất trong năm của Trung Quốc nhiều khả năng cao sẽ phải hoãn lại do dịch Covid-19.

Lo ngại Covid-19, Nhật Bản hủy lễ kỷ niệm sinh nhật Nhật hoàng
Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Nhật hoàng Naruhito, vốn được ấn định diễn ra hôm 23/2 tới, sẽ buộc phải hủy bỏ, trong bối cảnh Nhật Bản đang đối diện một giai đoạn mới của dịch bệnh do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra.

Sững sờ nhìn nước Anh chìm trong biển nước vì siêu bão
Siêu bão Dennis đổ bộ vào nước Anh hôm 16/2 (giờ địa phương) đã mang theo lượng mưa lớn tương đương lượng mưa trung bình trong một tháng tại đảo quốc sương mù này, kéo theo nhiều hệ lụy đối với cuộc sống người dân, theo BBC.
Tổng hợp-TT