CEO làm việc cho Nokia suốt 14 năm: Cứ mê đắm thành công của quá khứ sẽ tự suy tàn trong thất bại ở tương lai
Vinh quang của quá khứ thì nên cất vào tủ kính, có thể ngắm nhìn khi rảnh rỗi, chứ không nên buộc trên lưng và chứa đầy trong đầu.
Mặt trời của ngày hôm qua sẽ không làm khô quần áo ngày hôm nay. Tương tự như vậy, vinh quang trong quá khứ cũng không đại diện cho bạn của thời điểm hiện tại. Nếu không thể buông bỏ, chúng sẽ trở thành gánh nặng khiến bạn chậm lại trên hành trình tiến về phía trước.
1. Những thay đổi về điều kiện và môi trường có thể biến những lợi thế trong quá khứ thành hạn chế trong hiện tại.
Maradona từng là một ngôi sao nổi tiếng trên sân bóng, nhưng trình độ huấn luyện viên của ông đã gây tranh cãi trong làng bóng đá thế giới. Vì thế, không phải vận động viên tài năng nào cũng có thể trở thành một huấn luyện viên giỏi trong tương lai.
Nguyên nhân chủ yếu là vì, tuy người đó có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm đó chỉ đúng khi áp dụng cho bản thân họ, những người có thiên phú và kỹ năng hơn người. Còn nếu áp dụng kinh nghiệm lên những vận động viên tương đối bình thường khác, cần cả một quá trình dài và khác biệt mới có thể hoàn thiện, đạt được kết quả như mong muốn.
Mà bản thân Maradona và bao cựu cầu thủ xuất sắc tương tự đều chưa từng trải qua vấn đề như vậy, cho nên họ sẽ không hiểu quá trình này, khó lòng cảm thông và tìm ra phương pháp huấn luyện thích hợp.
Vì vậy, tài năng và vinh quang trong quá khứ của họ không những không biến thành lợi thế, mà còn trở thành giới hạn, ngăn cách tư duy và suy nghĩ của họ tiếp cận vấn đề chính xác hơn.
Loại hiện tượng này thực sự rất phổ biến trong cuộc sống. Bất kỳ cá nhân hoặc tập thể nào quá mê đắm trong những bước thành tựu của quá khứ đều có thể nhận về kết quả đảo ngược ở tương lai.
Joma Olila được biết đến là một doanh nhân Phần Lan, từng là Chủ tịch Tập đoàn Nokia từ năm 1999 đến năm 2012 và Giám đốc điều hành từ năm 1992 đến 2006. Đối với Nokia, vị CEO này được ghi nhận là người đã đưa công ty trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Trên quy mô toàn cầu, hiệp hội GSM thế giới đã trao giải thưởng thành tựu trọn đời cho Ollila vì “những cống hiến cho lịch sử phát triển truyền thông di động”. Nếu trong nước, Nokia chiếm 1/5 thu nhập quốc gia thì, trên toàn hành tinh, điện thoại Nokia chiếm mức 1/3 thị trường điện thoại. Ông đã kiến tạo trở lại Nokia từ vực sâu phá sản, làm cho nó giàu có, biến tập đoàn từ dưới con số không đến chỗ chiếm 1/5 tổng thu nhập quốc gia.
Sau 13 năm giữ chức vị Chủ tịch và 14 năm ở cương vị một giám đốc điều hành, Joma Olila xuất bản hồi ký của mình bằng tiếng Phần Lan vào tháng 10 năm 2013 để nhìn lại quá trình thịnh vượng và suy tàn của Nokia.
Khi Ollila nhìn lại những dấu hiệu của sự suy tàn trong tương lai, ông đã viết câu này: “Tất cả chúng ta đều biết vấn đề, nhưng trong sâu thẳm chúng ta không thể đối mặt với thực tế. Trong khi công ty không ngừng đưa ra những kế hoạch với quy mô lớn, chúng ta nên tìm cách giải quyết mọi khó khăn và tập trung vào triển vọng dài hạn, thay vì không ngừng kiểm điểm và xem xét dự báo tiêu thụ của quý tiếp theo.”
Đó là thời điểm năm 2007, Apple vừa ra mắt điện thoại di động thông minh với màn hình cảm ứng đầu tiên trên toàn cầu. Mặc dù bản thân Nokia đã nhìn ra vấn đề tiềm tàng hiện có, nhưng doanh số bán hàng số một thế giới trong những năm qua đã che mờ tầm nhìn dài hạn của họ.
Đợi tới khi những chiếc điện thoại thông minh càn quét thế giới, đã quá muộn để Nokia nghĩ đến sự thay đổi.
Chủ tịch tập đoàn Trường An (Changan) của Trung Quốc từng nói: “Thường thì nguyên do một doanh nghiệp đi tới thất bại chủ yếu là vì nó đã từng thành công. Và chính những lý do thành công trong quá khứ của doanh nghiệp sẽ trở thành lý do thất bại ngày hôm nay.”
Dù là doanh nghiệp hay cá nhân, nếu bạn thực sự có đủ bản lĩnh, bạn sẽ không bị vinh quang trước mắt mê đắm, để rồi ngủ quên trong quá khứ.
Phải biết rằng, thế giới đang thay đổi rất nhanh, mỗi một phút giây bạn ngủ quên, bạn đều có thể trở nên lạc hậu.
2. Làm thế nào để luôn duy trì sự cảnh tỉnh và không ngừng tiến bộ?
Câu trả lời là: Tránh xa tâm lý “Con khỉ đột vô hình”.
Có một thí nghiệm nổi tiếng trong tâm lý học về điểm mù của con người như sau:
Một nhóm tình nguyện viên tham gia thí nghiệm được yêu cầu ngồi xem một đoạn phim về trận đấu bóng chày, sau đó, họ sẽ phải đếm số vận động viên mặc áo trắng mà không cần quan tâm tới số vận động viên mặc áo đen.
Nhưng mục đích chân thực của thí nghiệm không nằm ở việc đếm số. Giữa đoạn phim, có một người mặc trang phục đóng giả làm con khỉ đột rất to lớn, chạy ra giữa sân bóng và liên tục đấm ngực giậm chân liên tục trong suốt 9 giây đồng hồ.
Đây vốn là một tình huống vô cùng bất ngờ và thu hút sự chú ý, thế nhưng, sau khi video trận bóng được phát xong, người ta phát hiện: Có tới 50% người xem không hề phát hiện ra sự xuất hiện của chú khỉ đột này.
Thí nghiệm trên đã chứng minh rằng mắt thấy chưa chắc đã là thật, vì con khỉ đột to lớn là thế mà trở nên vô hình trong mắt một nửa người xem. Vì sao? Vì khi chúng ta đã lập ra một mục tiêu xác định, tâm lý chúng ta thường chỉ nhìn thấy thông tin mà mình muốn xem. Đại não tự động trở thành một cái sàng, lọc ra tất cả những thông tin không cần thiết hoặc không phù hợp với ý nghĩ ban đầu.
Rõ ràng, khi một người xuất hiện tâm lý này, thời gian dài, họ rất dễ rơi vào tình trạng kén thông tin và trở nên trì trệ, thậm chí là lạc hậu.
Muốn thay đổi, bạn nhất định phải biến tư duy của mình thành một chiếc thùng rỗng, có thể chứa đựng bất cứ thứ gì. Đừng tự mãn vì chiếc ly của mình đã chứa đầy thành tựu trong quá khứ vì như vậy, bạn sẽ không bao giờ đủ chỗ trống để tiếp nhận thêm thành tựu trong tương lai.
Những chiếc cúp vinh quang nên được cất trong tủ kính để nhìn ngắm và tự hào khi rảnh rỗi, chứ không nên mang vác trên lưng mỗi ngày. Chúng sẽ trở thành vật cản, thậm chí là gánh nặng ngăn cản bạn tiếp thu kiến thức mới và bước tiến về tương lai.