– Ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện nhiều về giá trị gia tăng, nhưng theo báo cáo mới nhất chỉ có 47% doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp” vừa tổ chức hôm qua (21/8) tại Hà Nội
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi gia công
Ông Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), hiện nay, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế khá sâu rộng. “Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, trong đó có 2 hiệp định chất lượng cao là CPTPP, FTA Việt Nam- EU, Việt Nam đang hội nhập rất máu lửa”, ông Thành dẫn chứng.
Cũng theo ông Thành, Việt Nam có nhiều lợi thế như địa chính trị, dân số trẻ, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, thách thức cũng không ít, chẳng hạn như tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao, chi phí điều chỉnh, chi phí tuân thủ, chi phí logistic… cao.
“Dù doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện nhiều về giá trị gia tăng song theo báo cáo mới nhất, chỉ có 47% doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận”- ông Võ Trí Thành chia sẻ.
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Thành cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi gia công, ít tham gia và tham gia vào chuỗi giá trị hoặc tham gia ở mức thấp nên giá trị gia tăng thấp.
“Nghiên cứu từ ngành dệt may, da giày, điện tử, những ngành này đều sử dụng nhiều lao động, kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu, nhưng thực tế xuất khẩu 10 đồng, doanh nghiệp nhập khẩu 9 đồng. Doanh nghiệp FDI nắm vị trí chi phối và đang bị các nước khác cạnh tranh”- ông Võ Trí Thành lý giải.
Theo ông Thành, ngay cả Samsung, doanh nghiệp hiện dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đã đặt nhà máy lớn tại Ấn Độ, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh rất khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam đang bị chi phối bởi nhà sản xuất, như trường hợp của Samsung. Còn dạng nữa là người mua chi phối như ở lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày… nên khó tăng thêm về giá trị.
Trước tình trạng trên, Viện trưởng BCSI cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn có thêm giá trị gia tăng, cần đáp ứng nguyên tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi từ các FTA, quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, thượng nguồn và hạ tầng phải vững. Bên cạnh đó, sản phẩm hoặc cần biểu tượng hơn và cá thể hơn.
Rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Theo ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng – Viện BCSI cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu không còn xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cách đây 30 năm, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 180 nước và thu hút vốn đầu tư trên 100 quốc gia.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao. Hiện chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khi con số này ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Điều này khiến các doanh nghiệp ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.
Cũng theo ông Nam, cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng quản lý chuỗi cung ứng và quản lý logistics là một nên dùng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau. Thật ra, quản lý logistic hay quản lý hậu cần chỉ liên quan đến công việc quản lý về mặt kho bãi, vận chuyển, giao nhận và phân phối hàng hóa. Còn quản lý chuỗi cung ứng là việc quản lý cả một hệ thống bao gồm phát triển sản phẩm, sản xuất, mua bán, tồn kho, phân phối và các hoạt động hậu cần.
“Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và logistics không phải là việc dễ dàng và cũng không rẻ nhưng nó lại là một cơ hội lớn nhất cho hầu hết các công ty để giảm đáng kể chi phí và cải thiện hiệu suất của họ”, Chủ tịch Hội đồng – Viện BCSI cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang – Giám đốc tư vấn giải pháp quản trị – Công ty TNHH Kiểm toán BDO Việt Nam cũng cho biết, để đến tay người tiêu dùng, bất kỳ sản phẩm nào cũng đều phải trải qua một hành trình chông gai, cần có sự phối hợp của rất nhiều khâu: từ nhà cung cấp nguyên vật liệu, đến các nhà máy gia công sản phẩm, rồi đến tay các đơn vị vận chuyển, các bến cảng, phương tiện vận chuyển, tiếp đến là các trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ.
Đó là một chu trình khép kín hay còn gọi là chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng gắn liền với hầu như tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, từ việc hoạch định và quản lý quá trình tìm nguồn hàng, thu mua, sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu, quản lý hậu cần… đến việc phối hợp với các đối tác, nhà cung ứng, các kênh trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng.
Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập dự báo và lập kế hoạch, việc phối hợp giữa các bộ phận còn yếu, quản lý tồn kho chưa hiệu quả, chưa thiết lập hệ thống và quy trình quản trị doanh nghiệp. Những yếu kém này là nguyên nhân cho một loạt các hệ quả khác như: năng suất thấp, chi phí hàng tồn kho cao, sản phẩm tiêu thụ được thì không có hàng để bán trong khi sản phẩm không bán được thì đọng trong kho rất nhiều, giao hàng trễ, tồn kho cao từ 45 – 50 ngày…