Một số giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; điều kiện của người được đề nghị đặc xá;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 17-21/6/2019.
Ảnh minh họa |
Một số giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019.
Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, cụ thể, hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp cho từng loại lợn (đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại lợn khác).
Việc triển khai hỗ trợ phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc, theo dõi việc khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện việc thu mua lợn sạch, không nhiễm bệnh để tiêu thụ, cấp trữ đông nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi để giữ ổn định giá lợn không bị xuống thấp trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm an toàn cung cấp cho nhu cầu thị trường trong thời gian tới; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ
Tại Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.
Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên…
Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.
Mục đích việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đồng thời làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021 – 2030 và là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chỉ thị nêu rõ: Thời điểm triển khai thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 01/8/2019. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 được tính đến ngày 31/12/2019.
Thời hạn hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 như sau: Cấp xã hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 16/01/2020; cấp huyện hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 01/3/2020; cấp tỉnh hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 16/4/2020; cả nước và các vùng kinh tế – xã hội hoàn thành trước ngày 16/6/2020.
Điều kiện của người được đề nghị đặc xá
Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2019/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể các điều kiện của người được đề nghị đặc xá: Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt.
Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các trường hợp sau: a- Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án; b- Có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; c- Có văn bản đề nghị của người được thi hành án hoặc đại diện hợp pháp của người được thi hành án về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án đối với tài sản không thuộc sở hữu nhà nước;….
Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Chính phủ ban hành Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Trong đó, kinh doanh karaoke phải đảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ)…
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường, phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ; địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa từ 200 m trở lên….
Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đê điều
Chính phủ ban hành Nghị định 53/2019/NĐ-CP quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê (quy hoạch).
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao nhiệm vụ lập quy hoạch cho cơ quan lập quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch tổ chức xây dựng, hoặc thuê tư vấn lập nhiệm vụ lập quy hoạch, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch…
Triển khai phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025.
Theo đó, đối với tập thể “Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp”. Nội dung thi đua gồm: Xây dựng, ban hành các chính sách, quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về văn hóa công sở; thực hiện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị; thực hiện ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng và giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”. Nội dung thi đua gồm: Thực hiện chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc; tích cực tham gia các phòng trào thi đua yêu nước do cơ quan, đơn vị và địa phương phát động, tổ chức.
Nguồn chinhphu.vn-TT