– Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ai quốc; quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, hàng không, giao thông đường thủy nội địa, đường sắt quốc gia; triển khai thi hành Luật Thủy lợi; gần 21 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26-30/3/2018.
Ảnh minh họa |
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018). Thông qua các hoạt động kỷ niệm nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế; vì mục đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đối tượng được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
Đôn đốc các Bộ, ngành triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ giao
Để bảo đảm tất cả các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phải được thực hiện theo đúng yêu cầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản 413/TTg-TH yêu cầu các Bộ, cơ quan triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ giao; trong đó, phải khẩn trương xây dựng phương án, lộ trình cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào 1 điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.
Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông
Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, Nghị định 44/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Nghị định 45/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Chính phủ quyết nghị về xây dựng một số đoạn cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông
Chính phủ ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Nghị quyết thông qua một số đề xuất của Bộ Giao thông vận tải để triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (Dự án) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Gần 21 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 20.982,02 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương là 16.676,61 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn). Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.215,41 tỷ đồng.
Triển khai thi hành Luật Thủy lợi
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi. Theo Kế hoạch, các Bộ, ngành liên quan sẽ tổ chức phổ biến pháp luật về thủy lợi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì biên soạn nội dung tuyên truyền, các chuyên đề, bài viết, hỏi – đáp pháp luật đăng trên các phương tiện truyền thông, Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản, các điểm mới của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 17/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch.
Tổng cục Du lịch là tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về du lịch trên phạm vi cả nước, quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của pháp luật.
Tổng cục du lịch có 10 đơn vị: 1- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 2- Vụ Tổ chức cán bộ; 3- Vụ Lữ hành; 4- Vụ Khách sạn; 5- Vụ Thị trường du lịch; 6- Vụ Hợp tác quốc tế; 7- Văn phòng; 8- Viện nghiên cứu phát triển du lịch; 9- Tạp chí Du lịch; 10- Trung tâm Thông tin du lịch.